"Tương lai thuộc về những người có khả năng miễn nhiễm với các loại bẫy công nghệ được giăng ra để bắt sự chú ý, và giữ được khả năng tập trung trong một thời gian dài". _Pavel Durov, người sáng lập VKontakte và Telegram_
Nói một cách thẳng thắn thì Facebook không phải là đồng minh. Facebook là thứ bạn nên loại bỏ khỏi cuộc sống của bạn. Đúng là có người có thể kiếm được kha khá tiền từ Facebook thông qua bán hàng online hoặc làm việc trong lĩnh vực truyền thông, nhưng nếu bạn không nằm trong nhóm những người này, bạn nên tìm cách hạn chế hoặc loại bỏ Facebook. Tôi không có vấn đề gì với việc sử dụng Facebook như một công cụ phục vụ công việc kinh doanh, trên thực tế tôi ủng hộ điều đó, nhưng nếu bạn đang sử dụng nó vào mục đích giải trí như cách một con nghiện dùng heroin thì bạn thực sự cần phải tiết chế lại.
Tất cả những thứ có ở trên giao diện của Facebook đều có chung một mục đích: khiến bạn sử dụng nó thêm. Thuật toán Facebook liên tục gợi ý những bài viết từ những nơi mà bạn thậm chí còn chẳng thèm theo dõi. Facebook Watch và Reels chứa toàn những video nhanh và ngắn, kích thích sự giải trí lên tột độ và khiến bạn lướt một cách vô thức. Ngoài ra, cơ chế "lướt vô hạn" khiến bạn không thể lướt tới "điểm cuối cùng" của Facebook bao giờ, cộng với sự gợi ý bài viết liên tục từ các thuật toán của Facebook khiến cho bạn còn lướt nhiều hơn nữa. Hãy thử dùng App timer trên điện thoại của bạn xem một ngày bạn vào Facebook bao nhiêu lần và bạn dùng Facebook tổng cộng bao nhiêu phút. Kết quả nhiều khả năng sẽ làm bạn sốc.
Việc loại bỏ hoàn toàn Facebook ra khỏi đời sống của bạn (hoặc chỉ sử dụng nó như công cụ kiếm tiền thuần túy thay vì giải trí bằng nó) là một điều rất nên làm và cần được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên thì nếu bạn là người Việt thì sự thật là sẽ rất khó để bỏ Facebook. Facebook là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất ở nước ta. Nhiều hội nhóm ở trường học hoặc cơ quan của chúng ta cũng sử dụng Facebook để đưa ra những thông báo quan trọng. Lớp của tôi ở trường đại học có gần 200 sinh viên và nhóm Facebook là công cụ mà cán bộ lớp sử dụng để liên lạc và truyền đạt thông tin đến lớp, do ai cũng có một tài khoản Facebook. Việc bỏ hẳn Facebook do đó đòi hỏi không chỉ ý chí kỷ luật phi thường mà còn cả một môi trường sống nơi những người xung quanh cũng không dùng Facebook - một điều gần như là không tưởng trong xã hội của chúng ta.
Theo World Population Review, có đến 75.9 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam. Với một quốc gia có gần 100 triệu dân thì đây là một tỉ lệ khổng lồ.
Theo World Population Review, có đến 75.9 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam. Với một quốc gia có gần 100 triệu dân thì đây là một tỉ lệ khổng lồ.
Dẫu vậy, việc sử dụng Facebook như một công cụ liên lạc thuần túy thay vì một chất gây nghiện giải trí là điều hoàn toàn khả thi. Và thậm chí, để đạt được điều này thì mặc dù bạn chưa bỏ hẳn Facebook được nhưng bạn cũng chỉ cần 10 phút một ngày. Dưới đây là các bước bạn có thể áp dụng để giảm thiểu đáng kể thời gian sử dụng Facebook trong một ngày.

BƯỚC 0: ĐỘNG LỰC VÀ KỶ LUẬT

Tại sao tôi lại coi đây là "Bước 0"? Bởi vì nó còn quan trọng hơn cả "Bước 1" nữa.
Trước hết, bạn phải hiểu rằng đây không chỉ đơn thuần là một nỗ lực hạn chế sử dụng một ứng dụng. Đây là một CUỘC CHIẾN. Một bên là bạn - hoàn toàn đơn độc, lạc lõng, một mình một ngựa, tay không tấc sắt. Bên kia là Mark Zuckerberg - một trong những kẻ giàu có nhất, quyền lực nhất từng sống trên Trái Đất, cùng với đội quân hàng nghìn gã kỹ sư phần mềm đầu to mắt cận, đám chuyên gia phân tích tâm lý và hành vi người dùng của hắn - những kẻ được Mark tuyển dụng với mục đích là làm cho bạn và những người xung quanh nghiện ứng dụng của hắn, để làm giàu cho hắn và các cổ đông của hắn và mang lại cho hắn thêm quyền lực.
Đương nhiên việc chống lại cả một thế lực như vậy sẽ vô cùng khó khăn, chắc chắn sẽ có lúc bạn muốn bỏ cuộc, và tôi không trách bạn vì điều đó. Hàng tỉ người trên thế giới đã đầu hàng mà thậm chí còn chưa bắt đầu. Hàng triệu người đã cố gắng nhưng cuối cùng cũng thất bại. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến chiến thắng, khi mà bạn có thể tự hào viết vào nhật ký của mình rằng bạn - chính bạn, một người chiến binh đơn độc - bằng tinh thần thép của mình đã đánh bại những bộ óc thông minh, gian ngoan, xỏa quyệt nhất của nhân loại và giành lại quyền kiểm soát cuộc đời của bạn. Bạn đã gia nhập nhóm 1% dân số thế giới, những người đã làm được điều tương tự. Đó là một thành tựu hết sức vĩ đại.
Ảnh: Wired.
Ảnh: Wired.
Động lực để bạn hạn chế sử dụng Facebook là gì? Hãy lấy ra một tờ giấy và viết vào đó (một cách thành thực) những lí do khiến bạn muốn đạt được điều này. Có thể là vì bạn cảm thấy mạng xã hội không còn nhiều ý nghĩa với bạn nữa, hoặc bạn thấy cuộc sống trên mạng xã hội có quá nhiều sự tiêu cực, hoặc bạn muốn ngừng lãng phí thời gian và thực sự tập trung hơn, bạn muốn có những giấc ngủ chất lượng hơn, bạn muốn giành lại quyền kiểm soát cuộc đời mình, vân vân. Hãy viết ra càng chi tiết càng tốt về những hậu quả mà Facebook gây ra cho bạn, cho tới khi bạncảm thấy máu chảy rần rật trong huyết quản và bạn biết rõ bạn nên tiết chế việc dùng Facebook lại.
Động lực thường không đáng tin bằng kỷ luật. Động lực khiến bạn hành động mỗi khi bạn thích, còn kỷ luật khiến bạn hành động mọi lúc. Giống như việc tra chìa khóa vào ổ và đạp ga vậy, vặn chìa khóa làm xe khởi động, máy kêu zin zin nghe rất oách, nhưng sau khi vặn chìa thì bạn phải đạp ga nếu muốn xe chạy được. Bạn phải thực sự có kỷ luật và nghiêm túc với nỗ lực của bản thân, kỷ luật và sự tập trung là hai thứ vũ khí của bạn trong cuộc chiến này. Tôi sẽ nói thêm về kỷ luật ở bên dưới.

BƯỚC 1: BỚT ĐĂNG

Hãy kiểm kê lại xem đã bao lâu rồi bạn không đăng gì lên mạng xã hội. Nếu bạn đã lâu rồi không đăng gì, rất tốt. Nếu vừa mới ngày hôm qua hoặc vài tiếng trước bạn đã share thứ gì đó, đăng thứ gì đó hoặc up một cái story gì đó, tốt nhất là bạn nên tiết chế lại. Việc đăng quá nhiều thứ tốn rất nhiều thời gian của bạn, từ việc nghĩ làm sao để có một cái cap hay, rồi chọn nhạc cho story, rồi thi thoảng lại vào Facebook đếm like, đếm tim, đếm share... Tất cả những thứ này sẽ được hạn chế lại nếu bạn bớt đăng lên Facebook.
Ngoài ra, đã bao giờ bạn cảm thấy buồn vì một thứ mình đăng lên không được số like/tim như ý muốn? Hoặc khi bạn và một vài người bạn của mình cùng đăng một thứ và bạn bắt đầu "đếm like" của họ, rồi so sánh với của mình? Hoặc bạn cảm thấy rằng mình đăng lên nhưng chẳng ai thèm quan tâm?
Trừ khi bạn là một content creator và bạn kiếm ra tiền từ công việc đó, bạn không nên đăng quá nhiều lên Facebook. Xin chia sẻ với bạn một câu nói trong bộ phim Kingsman: The Secret Service mà tôi rất tâm đắc:
Tên của một quý ông chỉ nên xuất hiện trên báo ba lần: khi anh ta sinh ra, khi anh ta kết hôn, và khi anh ta chết.
Sau khi bạn bớt đăng, bạn cần ngừng quan tâm đến những gì người khác đăng, và để làm được điều đó...

BƯỚC 2: UNFOLLOW

Unfollow tất cả những thứ vô bổ. Tin tức lá cải, showbiz, hài nhảm, chính trị, drama, quan điểm gây tranh cãi... nói chung là những thứ vô bổ và/hoặc khiến bạn mệt óc thêm, hãy quẳng hết chúng vào sọt rác. Unfollow cả những người bạn thường xuyên đăng hoặc chia sẻ những thứ vô bổ và không liên quan tới bạn. Hãy dọn dẹp cái newsfeed của bạn như thể đó là bộ mặt của bạn vậy. Việc gì không liên quan tới bạn thì không cần phải lo.
Chúng ta đều chắc hẳn đã từng nghe câu nói: "Bạn là trung bình cộng của năm người bạn tiếp xúc thường xuyên nhất". Ngày nay, bạn có thể sử dụng câu nói này để nói về mạng xã hội, với một chút sự thay đổi: "Bạn là trung bình cộng của năm nhà sáng tạo nội dung mà bạn tiêu thụ sản phẩm của họ nhiều nhất". Newsfeed của một người nói lên nhiều thứ về bản thân họ. Bạn là những gì bạn tiêu thụ. Nếu muốn thay đổi bản thân, hãy lọc bớt những thứ content rác rưởi và bạn sẽ cảm thấy thực sự thanh thản nhẹ nhõm.
Nhiều người cho rằng "kết bạn rồi unfollow" là một hành động thiếu tôn trọng và những ai làm thế đều là những kẻ đểu giả. Trên thực tế, những ai tin vào cái luận điểm trên mới là những kẻ ái kỷ độc hại, họ coi trọng việc khoe khoang bộ mặt mà họ trưng ra trên mạng xã hội hơn mối quan hệ thực sự ở ngoài đời với bạn. Hãy cứ thoải mái kết bạn rồi unfollow, thậm chí bạn nên như vậy. 99% những gì bạn bè bạn đăng hoặc share cũng đều chẳng liên quan gì tới bạn cả, và những người bạn chân thành trân trọng mối quan hệ ngoài đời thực sẽ chẳng bao giờ để ý đến những thứ nhỏ nhen như chuyện bạn có follow họ trên Facebook hay không. Dành số lượng follow ít ỏi của bạn cho những người thực sự quan trọng với bạn.
Ngoài ra, tắt luôn thông báo từ những thứ không cần thiết. Điều này đảm bảo được rằng mỗi lần bạn có một thông báo thì đó sẽ là một thông báo quan trọng.
Ảnh: Howpedia.
Ảnh: Howpedia.

BƯỚC 3: "GẦN ĐÂY NHẤT"

Sau khi đã lọc bớt content trên newsfeed, điều tiếp theo bạn cần làm là đảm bảo mình xem các content này theo thứ tự thời gian (cái gì đăng gần đây nhất hiện lên trước, cái gì đăng sau hiện lên sau). Điều này giúp bạn "né" được thuật toán của Facebook và không để bản thân nhìn thấy những bài viết mà nó gợi ý - hầu hết cũng lại chẳng liên quan gì đến bạn và cũng chỉ nhằm mục đích là khiến bạn dùng Facebook nhiều hơn. Khi dùng chế độ xem "gần đây nhất", Facebook chỉ hiển thị bài viết từ những đối tượng bạn vẫn còn follow. Điều này giúp bạn tránh lướt phải những content không liên quan và tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Khi lướt Facebook bằng ứng dụng trên điện thoại, luôn lướt ở chế độ "gần đây nhất". Mở ứng dụng và bấm vào biểu tượng này:
Ảnh: Digitaltrends.
Ảnh: Digitaltrends.

BƯỚC 4: DÙNG FACEBOOK TRÊN MÁY TÍNH

Có hai lí do tại sao bạn nên dùng Facebook trên máy tính (truy cập vào trang web của Facebook) thay vì dùng ứng dụng Facebook trên điện thoại.
Thứ nhất, máy tính không tiện lợi như điện thoại. Bạn không thể dùng máy tính và có kết nối mạng cho máy tính mọi lúc mọi nơi. Bạn cũng cần rất nhiều thao tác khi dùng Facebook bằng máy tính bởi bạn phải sử dụng chuột và bàn phím, đòi hỏi cả hai bàn tay chứ không phải chỉ mỗi ngón tay cái. Bạn khó có thể vừa nằm vừa lướt được, cũng không thể vừa ngồi học trên lớp vừa lướt, vừa đi xe bus vừa lướt, vừa xếp hàng ở quầy thu ngân vừa lướt được. Trải nghiệm lướt Facebook bằng máy tính với nhiều người sẽ không thoải mái như điện thoại, do đó họ sẽ bớt dành thời gian hơn cho Facebook.
Thứ hai, ứng dụng Facebook trên điện thoại không cho phép bạn đặt chế độ "gần đây nhất" làm chế độ xem mặc định. Hay nói cách khác, mỗi lần bạn vào Facebook thì bạn phải tự tay bật nó lên. Điều này có thể khắc phục qua vài bước đơn giản sau:
Đầu tiên, hãy vào Facebook bằng trình duyệt của bạn. Ở cột bên trái, bạn sẽ thấy hiện ra một hàng những lựa chọn, trong đó có "gần đây nhất" hay "most recent" trong tiếng Anh. Nếu không thấy thì bạn hãy bấm vào nút "xem thêm" hay "see more" ở bên dưới.
Sau khi bấm vào đó, tên đường link trên trường tìm kiếm thay vì là facebook.com sẽ có thêm đuôi /?sk=h_chr để cho biết newsfeed của bạn đang được hiển thị theo trình tự thời gian (chronological order).
Việc tiếp theo bạn cần làm là đặt một bookmark trên trình duyệt của bạn với cái link với đuôi đuôi /?sk=h_chr như ở trên. Và vậy là từ bây giờ, mỗi lần bạn vào Facebook bằng bookmark này trên trình duyệt máy tính, bạn sẽ luôn nhìn thấy các post theo trình tự thời gian - cái gì gần nhất thì hiển thị trước. Và như mình đã nói ở trên, lướt Facebook bằng máy tính rất bất tiện và không thoải mái như bằng điện thoại. Do đó, thời gian bạn dành cho Facebook trên máy tính sẽ ít hơn trên điện thoại rất nhiều.

BƯỚC 5: KỶ LUẬT

Bốn bước trên chỉ là bốn bước chuẩn bị. Bạn đã thanh lọc newsfeed và hiểu tại sao bạn chỉ nên dùng chế độ xem "gần đây nhất". Các thao tác phía trên có lẽ chỉ tốn của bạn một vài cú click chuột. Tuy nhiên, phần khó khăn nhất đến bây giờ mới thực sự bắt đầu, và đây cũng chính là lúc số đông bỏ cuộc và quay trở lại làm những con thây ma vô hồn của Zuckerberg. Tin tốt là chúng ta có những công cụ đắc lực xung quanh mình để giúp não bộ kiềm chế cơn thèm thuồng mạng xã hội của bản thân.
Ảnh: Firstcry.
Ảnh: Firstcry.
Nếu bạn dùng điện thoại thông minh, bạn có lẽ sẽ biết tới cái gọi là App timer. App timer sẽ giúp bạn đặt ra một lượng thời gian tối đa mà bạn có thể sử dụng một ứng dụng trong một ngày. Áp dụng điều này cho Facebook của bạn và đặt giới hạn 10 phút một ngày. Việc bạn chỉ có 10 phút một ngày cho Facebook là một thử thách thực sự, đặc biệt là khi trước đây bạn đã có thói quen lướt Facebook hàng tiếng đồng hồ để giải trí. Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn, hãy bắt đầu với 30 phút, và sau một tuần thì giảm xuống còn 20 phút, rồi 10 phút vào tuần tiếp theo. 10 phút một ngày là quá đủ để bạn nhận và check thông báo từ hội nhóm ở trường học hoặc cơ quan của bạn - sử dụng Facebook như một công cụ liên lạc đơn thuần chứ không phải cỗ máy giải trí bất tận.
Tiếp theo chính là bài kiểm tra lớn nhất: hạn chế số lần vào Facebook. Đây là một thói quen rất khó bỏ bởi nó ăn sâu vào tiềm thức của bạn rồi. Nghĩ mà xem, đã có bao nhiêu lần cứ 2 3 phút bạn lại lôi điện thoại ra, mở Facebook check? Hoặc ngồi lướt Facebook trong khi đang làm việc, học hành, xếp hàng, chờ đợi? Bây giờ bạn chỉ có 10 phút một ngày cho Facebook, bạn không thể cứ chốc lát lại mở ra và lướt được. Bạn bắt buộc phải phân bổ hợp lý xem cách bao nhiêu giờ, vào thời điểm nào thì bạn sẽ vào Facebook một lần. Điều này sẽ tùy vào lịch trình và giờ giấc sinh hoạt của bạn. Lý tưởng nhất, nó nên tránh xa thời điểm trước và sau giờ ngủ ít nhất là một tiếng đồng hồ. Mỗi khi bạn định mở ứng dụng Facebook ra lướt, hãy tự hỏi "Mình có thực sự cần dùng Facebook lúc này hay không?".
Bạn sẽ cần một cuốn sổ để ghi chép lại cuộc hành trình này của bạn. Hãy viết về những trải nghiệm của bạn trong quá trình cai nghiện mạng xã hội. Tất cả những gì mà bạn cảm thấy trong suốt quá trình này. Cũng như tất cả những lần mà bạn đã "cheat" - bạn phải hết sức thành thật với bản thân nếu thực sự mong muốn tiến xa được.
Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè về mục tiêu này của bạn để khẳng định với bản thân rằng bạn thực sự rất nghiêm túc về việc hạn chế Facebook. Đừng ngại việc "nói trước bước không qua" và nếu bạn không thể đạt được mục tiêu của mình thì bạn sẽ cảm thấy xấu hổ trong mắt những người xung quanh. Riêng việc bạn muốn cố gắng để đạt được sự tự do khỏi công nghệ đã là một điều rất đáng khen rồi. Những kẻ cười nhạo bạn chỉ là những con cua ở đáy xô tìm cách kéo bạn xuống mà thôi. Hãy nhớ rằng những người thuộc top 10% thành công nhất, giàu có nhất, tự do nhất, hạnh phúc nhất đạt được điều đó là bởi vì họ làm những thứ mà 90% dân số thế giới không chịu làm. Còn nếu như có những người đồng ý với bạn, ủng hộ bạn, thậm chí còn muốn tham gia cùng với bạn, thì đó chính là những người bạn thực sự.
2 tuần đầu tiên sẽ là mốc thời gian khó khăn nhất với bạn. Bạn sẽ cảm thấy thiếu thốn, bứt rứt, đứng ngồi không yên... Thậm chí bạn còn muốn bỏ cuộc và có một vài "cheat day" khi bạn sử dụng Facebook nhiều quá mức quy định hoặc bạn tạm thời gỡ bỏ giới hạn 10 phút bạn đã cài đặt. Việc bạn cần làm để không sa vào những cái bẫy này là khiến cho bản thân mình thật bận rộn để không nghĩ tới chúng nữa. Vậy, bạn có thể "bận" làm những gì?

BƯỚC 6: BẬN RỘN

Đầu tiên và đơn giản nhất, tại sao bạn lại hạn chế Facebook? Để bạn có thêm thời gian và sự tập trung cho học tập và công việc. Vậy, bây giờ khi bạn đang hạn chế được Facebook rồi, bạn còn đợi gì nữa mà không học tập hoặc làm việc đi?
Còn trong thời gian mà bạn thực sự rảnh hoặc thư giãn thì sao? Nếu bạn có bất cứ hình thức thư giãn nào không liên quan tới công nghệ, hãy thoải mái mà làm theo thôi! Đọc sách, nghe podcast, xem các content học thuật, đi dạo, chơi thể thao, tập gym, vẽ vời, nấu ăn, gặp gỡ bạn bè, thiền định, viết lách... đều là những lựa chọn tuyệt vời cho bạn, miễn là bạn có thể để đôi mắt và bộ não nghỉ ngơi sau một quãng thời gian quá dài tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ.
"Khi bạn được bảo là đừng nghĩ về con voi, bạn sẽ nghĩ về con voi". Điều này cũng được áp dụng cho Facebook. Bạn không thể tự bảo với bản thân là đừng nghĩ về Facebook được, bạn sẽ lại bị ám ảnh bởi nó. Bạn cần làm đầy lịch trình của mình bằng sự bận rộn, đến mức mà bạn quên luôn là Facebook và mạng xã hội có tồn tại. Đây chính là "The Golden Point" mà bạn cần đạt tới.
Ra ngoài và "chạm cỏ" thay vì cắm mặt vào điện thoại đi nào!
Ra ngoài và "chạm cỏ" thay vì cắm mặt vào điện thoại đi nào!

BƯỚC 7: ĐẾN ĐÂU LÀ ĐỦ?

Con số mà bạn cần phải hướng tới là 90 ngày. Thực hiện thói quen trong vòng 90 ngày và sau đó, cách duy nhất để bạn lại quay trở lại như cũ là bạn cố tình làm vậy.
Tất nhiên, hành trình đạt tới dấu mốc 90 ngày là cực kì khó khăn. Nhiều người đã bỏ cuộc trong 2 tuần đầu tiên - như tôi đã nói ở trên, 2 tuần đầu chính là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc chiến chống lại Facebook của bạn. Nhiều người sẽ muốn bỏ cuộc trong vòng 2 tuần này. Thậm chí, nếu bạn bỏ cuộc ở đây, tôi cũng sẽ không thể trách bạn được. Như đã nói, bạn đang phải chiến đấu với những bộ óc xảo quyệt, tinh ranh và thông minh nhất của nhân loại, những kẻ đã mài mòn cả đít ở các trường đại học danh tiếng để học về lập trình, AI, công nghệ thông tin, tâm lý học, xã hội học; dành hàng chục năm nghiên cứu hành vi con người để tạo ra những thuật toán sử dụng sự tập trung của chính bạn chống lại bạn một cách cực kì tinh vi. Bạn phải một mình đối mặt với một thế lực khổng lồ với hậu thuẫn không giới hạn. Cách chống lại chúng rất đơn giản, nhưng đơn giản không đồng nghĩa với dễ dàng.
Tuy nhiên, khi bạn đã vượt qua được 14 ngày đầu tiên, thì phần còn lại sẽ trở nên nhẹ như lông hồng. Bạn cảm thấy có gì đó trong bạn đã thay đổi. Bạn dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống thực tế bên ngoài thay vì cuộc sống ảo trên mạng xã hội. Bạn cảm thấy sự cải thiện khả năng tập trung, hoàn thành sớm mọi deadline và sự tự hào mỗi khi hoàn thành một giờ tập thể dục đều tốt hơn rất nhiều so với việc có được 300 like mỗi lần thay ảnh đại diện, hoặc để lại một cái bình luận được nhiều người cho là mặn mòi. Bạn nhận ra rằng bản thân đang sống vui vẻ, tự do và thoải mái hơn cả hồi trước, bởi bạn không còn cái mặc cảm rằng bạn rất lười nhác và hay lãng phí thời gian nữa. Bạn cũng không tiếp xúc với những cảm xúc tiêu cực gây ra bởi việc sử dụng mạng xã hội nữa, và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Ảnh: The Natural Athlete's Clinic.
Ảnh: The Natural Athlete's Clinic.
Sau một tháng, sự thay đổi sẽ trở nên rõ rệt. Và sau ba tháng, bạn hoàn toàn lột xác. Bạn không còn coi những giá trị giải trí của Facebook là cần thiết với bạn. Bạn sử dụng nó như một thứ công cụ phục vụ liên lạc trong công việc và học tập. Facebook trở thành nô lệ cho bạn thay vì bạn làm nô lệ cho nó. Zuckerberg và đội quân chuyên gia của hắn đã thua, bạn đã thắng. Bạn - một kẻ vô danh tiểu tốt - đã đánh bại những tên đầu sỏ trong lĩnh vực thao túng hành vi con người và giành lại quyền tự chủ bản thân khỏi bọn chúng. Bạn nên cảm thấy vô cùng tự hào về bản thân mình.
Tuy nhiên, 90 ngày đầu mới chỉ là hiệp 1 của trận đấu này mà thôi. Đây không phải một thói quen bạn duy trì trong vòng 90 ngày. Đây là thứ bạn phải duy trì trong suốt quãng đời còn lại. Zucc lúc này là một kẻ thua cuộc cay cú và hắn sẽ tìm cách khiến bạn quay trở lại với bầy đàn thây ma của hắn.
Ngoài ra, kẻ thù của bạn không chỉ có Zucc và đồng bọn. Có một kẻ thù nữa, một kẻ thậm chí còn gian ngoan hơn và nham hiểm hơn mà bạn cần phải đánh bại. Chính là bản thân bạn, cái bản thể lười nhác, thích trì hoãn, ái kỷ, thèm khát sự chú ý ở trong bạn. Bạn đã kiềm chế được nó nhưng nó sẽ luôn trực chờ để thoát ra. Nó ghét tất cả những đức tính giúp bạn cải thiện cuộc sống như kỷ luật, tự giác, tập trung và thông thái. Nó muốn bạn quay trở về với cuộc sống vô tổ chức trước kia để nó được thỏa dạ.
Đây là lúc mà nếu bạn muốn liên tục chiến thắng giòn giã, bạn phải nâng cấp bản thân lên một tầm cao mới: bạn phải giúp đỡ những người xung quanh bạn. Bạn đã từng là họ, bạn biết rõ những thuật toán của Facebook thao túng và cai trị họ ra sao, bạn biết rõ cái nhân cách yếu đuối, cay độc trong bạn và họ hành hạ bản thân như thế nào. Bạn cần phải có trách nhiệm giúp đỡ họ thoát khỏi vũng lầy đó và đoạt lấy sự tự chủ.
Đây không chỉ là cuộc chiến của bạn. Đây là cuộc chiến của thế hệ chúng ta.