Tẩy trắng tâm trí đã nhuốm đen
Dịch từ bài gốc trên Aeon của Lauren Gravitz --- Thử nghĩ mình là quản lý một nhà hàng nhỏ. Nơi đây mở cửa đến khuya và...
Dịch từ bài gốc trên Aeon của Lauren Gravitz
---
Thử nghĩ mình là quản lý một nhà hàng nhỏ. Nơi đây mở cửa đến khuya và khi ta khóa cửa cũng là lúc hàng xóm đã lặng thinh. Ta cho chỗ tiền kiếm được tối hôm đó vào một giỏ ngân hàng, nhét vào balô, rồi đi về nhà. Quãng đường ngắn ngủi băng qua một công viên âm u. Và ở đó, ngay cạnh hồ nước, ta nhận ra từ nãy đã nghe tiếng bước chân khua sau lưng. Trước khi kịp quay lưng nhìn, một gã lao tới gần và lụi ta một nhát vào bụng. Khi ta ngã xuống đất, hắn ta còn đá thêm, giật phăng chiếc giỏ, và chạy đi. May thay một người đi đường đã gọi cấp cứu đưa ta, đầm đìa máu và run rẩy, tới bệnh viện gần nhất.
Bác sĩ cấp cứu khâu vết thương lại và bảo với ta rằng, ngoài cơn đau và mất một ít máu ra, ta vẫn ổn. Rồi bà ta ngồi xuống và nhìn vào mắt ta. Bà kể rằng những người từng trải qua một sự kiện chấn thương như vừa rồi thường hình thành rối loạn hậu chấn thương (PTSD). Tình trạng này có thể khiến ta suy nhược, từ những hồi tưởng khiến ta sống lại rất nhiều lần chấn thương vừa qua. Nó thể khiến ta thấy cáu bẳn, âu lo, có những cơn bực tức, và phản xạ quá trớn với nỗi sợ. Nhưng bà cũng có một loại thuốc ta có thể uống ngay lập tức để làm giảm bớt những lần hồi tưởng sắp tới - và do đó cũng làm giảm nỗi đau cùng những cảm xúc kèm theo - và có thể ngăn chặn những hệ quả do PTSD mà không nhất thiết phải xóa đi hẳn ký ức đó.
Bạn thử chăng?
Khi Elizabeth Loftus, một bác sĩ tâm lý tại ĐH California, Irvine, hỏi gần 1000 người cùng một câu hỏi giống nhau, hơn 80% trả lời là “không”. Họ thà giữ lại hết mọi ký ức và cảm xúc của ngày hôm đó, thậm chí khi phải trả giá. Đáng kinh ngạc hơn chính là tới 46% họ không hề tin rằng chúng ta nhẽ ra nên có lựa chọn xóa hay giữ lại ký ức này ngay từ đầu.
Hàng ngày, khoa học càng đưa chúng ta tới gần hơn với cái hình thái xóa ký ức mà mãi gần đây hẵng còn thuộc vào lãnh địa của nhà văn viễn tưởng Philip K Dick. Các nghiên cứu ngày nay chỉ ra rằng một số loại thuốc, bao gồm thuốc chống tăng huyết áp tên gọi propranolol, có thể thực hiện khả năng mà vị bác sĩ cấp cứu trong ví dụ trên đã mô tả - không chỉ đối với các chấn thương mới xảy ra, mà còn cả các chấn thương ngày cũ.
Dù vậy, tương lai kia vẫn hãy còn xa xăm đâu đó. Chủ yếu, con người chúng ta vẫn giỏi giang hơn bất kỳ công nghệ mới mẻ nào trong khoản biên tập những hồi tưởng trong tiềm thức. Nhưng khi các nhà nghiên cứu đang ra sức tìm ra những kỹ thuật có thể cắt tỉa, tái tạo và xua đi ký ức cuộc sống, câu hỏi thiết yếu nên đặt ra là: chúng ta có thật sự cần ký ức thực tế hay không? Điều gì khiến chúng ta tin rằng ký ức là thứ bất khả xâm phạm? Và liệu ký ức có thật sự khiến chúng ta là chính chúng ta hay không?
Nhiều người sẽ bác bỏ bằng cách cho rằng con người được dìu dắt bởi câu chuyện của chính mình. Chúng ta tạo ra những tự sự riêng từ những ký ức mà ta lưu giữ và cả những ký ức chúng ta chọn xóa đi. Chúng ta sử dụng ký ức để tạo xây nên một thấu hiểu về bản thân. Chúng ta dựa vào ký ức để đưa ra quyết định và điều chỉnh cuộc đời mình.
Nhưng điều gì xảy ra với nhận thức của chúng ta về bản thể, giả như chúng ta xua đi những ký ức xấu xí nhất và chỉ tuyển lựa những ký ức tốt đẹp mà thôi? Khi một số ký ức trở nên khó nghĩ, hoặc chứa chất tổn thương với hình ảnh bản thân, có nên chăng tạo ra một lịch sử nơi chúng chẳng hề tồn tại? Và nếu làm vậy, chúng ta có lặp lại hay không những lỗi lầm cũ khi chẳng thể ngộ ra bài học nào, đấu mãi trong những cuộc chiến giống nhau lần này đến lần khác? Khi tìm cách xóa đi ký ức, có phải chúng ta cũng đang xóa đi chính mình?
Ký ức của chúng ta không hề cố định. Chúng ta đã và luôn điều chỉnh nó: đôi lúc chủ đích, có lúc lại không. Có khi do chính chúng ta, và khi khác do những hồi tưởng của người khác lem sang thành của chính chúng ta. Chúng ta quên. Chúng ta “nhớ lại” sai bét. Chúng ta thậm chí có thể tập cho bộ não nhớ những sự kiện và khoảnh khắc với độ chính xác hơn hẳn.
Hãy nghĩ về nụ hôn đầu đời. À không, hãy lui sâu hơn nữa về quá khứ, về lần đầu tiên ta đi xe đạp. Ký ức ấy rõ rệt tới đâu? Nó có sắc nét như ảnh chụp hay đã nhuốm lên một sắc sepia và các mép đã sờn đi nhiều ít?
Lần đầu tiên tôi tập thăng bằng trên xe đạp là trước một ngôi nhà kiểu trang trại nhỏ nhắn của gia đình ở một con phố yên ắng miền Nam California. Tôi chễm chệ, dẫu còn tần ngần, trên chiếc yên dài in hoa của một chiếc Schwinn màu tím sáng mà cha tôi vừa tháo bánh phụ. “Đừng buông tay ra,” tôi nói với mẹ trước khi cùng tiến lên. Mẹ gật đầu và tôi bắt đầu đạp trong lúc mẹ giữ thanh chrome đầu tròn phía sau yên. “Đừng buông tay nha!” Tôi lại ré lên, và ngoảnh lại thì thấy thực ra bà đã buông tay và đã cách tôi cả nửa dãy nhà, cười lớn và vẻ đầy hãnh diện. Tôi nhanh chóng ngã tòm. Và rồi, vì đã trầy gối, tôi bắt đầu mếu. Mẹ chạy lại chỗ tôi và tôi nạt lại bà, cảm thấy như bị phản bội.
Chí ít thì tôi nghĩ chuyện đã xảy ra như vậy. Ba mươi lăm năm sau tôi chẳng còn chắc chắn nữa. Có lẽ tôi-khi-lớn đã diễn dịch lại tôi-năm-tuổi cảm thấy như thế nào. Hoặc có lẽ, theo thời gian, mỗi lần tôi lục lại ký ức này và kể lại, tôi đã thay đổi nó chun chút, cho tới khi những gì tôi còn nhớ hiện tại mang nhiều hư cấu hơn là thực.
Suốt nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà nghiên cứu về ký ức so sánh chúng với ảnh chụp, và bộ não của chúng ta như những quyển album hay tủ hồ sơ chứa đầy ắp ảnh. Họ tin rằng mỗi bức ảnh cần có một quãng thời gian để tráng ban đầu - rất giống cách ảnh chụp được xử lý trong phòng tối - và rồi được cất đi để về sau sử dụng.
Nhưng cũng trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học phát hiện ra rằng ký ức của chúng ta uyển chuyển hơn thế rất nhiều. Ký ức không chỉ nhòa đi như một bức ảnh bị vùi trong quyển album. Các chi tiết khẽ chuyển biến và thay đổi. Ký ức có thể điều chỉnh dễ dàng. Và một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng ký ức còn có thể xóa đi.
Các neuron thần kinh riêng lẻ giao tiếp với nhau bằng các hóa chất dẫn truyền, vốn đi từ neuron này sang neuron khác thông qua các synap - các khoảng ngắn giữa các tế bào thần kinh. Khi ký ức hình thành, các thay đổi về protein ở các synap thần kinh buộc phải được củng cố và chuyển sang các mạch não lưu trữ dài hơi. Nếu quá trình củng cố bị gián đoạn, ký ức sẽ tiêu biến.
Các loại ký ức khác nhau được lưu giữ tại những nơi khác nhau trong não, và mỗi ký ức sẽ có một mạng lưới neuron riêng biệt. Các ký ức ngắn hạn, chẳng hạn như danh sách mua sắm khi đi chợ hay một địa chỉ nhà, cư trú ở vùng vỏ não trước trán - khu vực đầu tiên của các chất xám cuộn xoắn bao quanh não. Sợ hãi và các ký ức cảm xúc mãnh liệt khác hiện diện ở hạch hạnh nhân, trong khi dữ kiện có thực và các sự kiện thuộc về cuộc sống chúng ta được trữ tại thùy hải mã. Nhưng ký ức không nằm riêng ở ba vùng vừa nêu - chúng chồng lấn và chêm xen và kết nối và phân tán ra như những nhánh chồng chéo của một cây tử đinh hương già. Kể cả khi một ký ức về sự việc có thật phai nhạt nó vẫn để lại đằng sau một vệt cảm xúc, rất giống với cách hoa tử đinh hương vẫn biết nở ra thế nào sau khi bị bứt khỏi cành. Rất giống cách mùi hương hoa ngay lập tức đưa chúng ta về lại một vùng nào đó và vào một thời gian nào đó, kể cả khi ta không còn nhớ mình đã làm gì và vì sao lại có mặt ở nơi này.
Năm 2000, hai nhà khoa học thần kinh tại ĐH New York, Karim Nader và Joseph LeDoux trong lúc nghiên cứu về ký ức ở loài chuột đã phát hiện ra chính hành động nhớ lại một ký ức là thứ khiến cho ký ức đó có nguy cơ bị thay đổi hoặc xóa sổ. Khi chuột sợ, nó co rúm lại. Nader huấn luyện các con chuột liên hệ một giai điệu cụ thể với một cú sốc điện nhẹ - mỗi lần ông mở nhạc, chúng sẽ co rúm lại. Một năm sau, chúng vẫn co rúm lại mỗi khi nghe câu nhạc, bằng chứng rằng ký ức đã được củng cố và không bị suy suyển. Rồi, ông tiêm một thứ thuốc ngăn cản hình thành protein vào hạch hạnh nhân, vùng điều phối cảm xúc của bộ não từng con chuột, và mở lại đúng âm thanh đó nhưng lần này không kèm theo cú sốc điện. Ngày hôm sau, đàn chuột không tỏ ra có phản ứng gì với điệu nhạc kia.
Kết quả này nằm trong số những kết quả đầu tiên chứng minh rằng có thể thay đổi ký ức từng được lưu giữ, theo Nader hiện đang công tác tại ĐH McGill, Montreal. “Chúng tôi đã chỉ ra rằng bằng cách nhớ lại một ký ức cách đó một năm, mạch não có thể quay trở lại trạng thái chưa được lưu giữ và buộc phải lưu giữ một lần nữa.” Với mỗi lần nhớ lại, ký ức được củng cố thêm lần nữa - một quá trình tương tự với việc lôi một bức ảnh ra khỏi quyển album, kể một câu chuyện liên quan, sau đó tìm cách đưa nó vào lại đúng vị trí cũ. Nhưng thứ thuốc trên làm gián đoạn quá trình này, như ai đó đã đóng quyển album và hô biến mất trước khi ta kịp thay bức ảnh. Lúc đó, chẳng còn gì để củng cố lại ký ức của chuột sau mỗi lần hồi tưởng, các ký ức giống như bị bốc hơi, như chưa từng tồn tại trước đó.
Khi hay tin về nghiên cứu của Nader, một đồng nghiệp của ông tại McGill, nhà tâm lý Alain Brunet bắt đầu tìm xem liệu kết quả này có thể áp dụng với những cá nhân bị PTSD hay không. Tình trạng PTSD không phải thuộc về khả năng nhớ mà là sự không-thể-quên, khi tâm trí lặp đi lặp lại chuỗi sự kiện đau đớn từng xảy ra, mỗi lần như vậy tạo ra đúng những cảm giác sợ hãi và lo lắng từng xuất hiện vào thời điểm nó từng xảy ra.
Thứ thuốc mà Nader tiêm vào chuột vẫn chưa được phê duyệt sử dụng trên con người. Nhưng bất cứ thứ thuốc nào ngăn chặn việc hình thành protein ở hạch hạnh nhân đều không hề đắt đỏ, an toàn, và sẵn dùng: thuốc hạ huyết áp, propranolol.
Hiện Brunet đã tiến hành nhiều lượt thử thuốc trên bệnh nhân bị PTSD - dao động từ một tới sáu lượt - và chứng kiến những kết quả khác thường. Cho người tham gia thí nghiệm dùng thuốc, chờ một giờ, sau đó yêu cầu người này viết lại câu chuyện thương tâm chi tiết hết mức có thể, Brunet phát hiện ra rằng một số bệnh nhân mắc PTSD suốt nhiều năm bắt đầu nhìn lại sự kiện đã qua và nhớ lại hầu hết những chi tiết, mà vẫn cảm thấy… thực sự là chẳng cảm thấy gì mấy nữa.
Các nhà khoa học nghĩ rằng thuốc công hiệu như sau: norepinephrine là một hormone giảm căng thẳng, một chất dẫn truyền làm gia tăng quá trình học tập cảm xúc trong não. Propranolol ngăn cản công hiệu của norepinephrine, ngăn không cho hormone này tham gia vào quá trình tái củng cố ký ức được truy hồi. “Sự ngăn chặn củng cố có tiềm năng trở thành biện pháp chữa trị toàn cầu dành cho PTSD. Và PTSD là một thứ xảy ra trên toàn cầu,” Brunet chia sẻ với tôi.
Các nhà nghiên cứu khác tìm cách lặp lại thí nghiệm của Brunet, với thành công hoặc hơn hoặc kém. Trong hai nghiên cứu riêng lẻ, do Brunet và nhà trị liệu Harvard Roger Pitman, bệnh nhân cấp cứu dùng propranolol trong vòng sáu giờ sau sang chấn có biểu hiện được bảo vệ không gặp phải các phản ứng dữ dội khi nhớ lại sự việc nhiều tháng sau đó. Chính Loftus nhắc lại các nghiên cứu này khi bà tạo nên thí nghiệm giả định - và các đối tượng tham gia thí nghiệm tin rằng nó không nên được khuyến khích tiến hành xa hơn nữa.
Bởi propranolol có vẻ như có thể xóa đi nỗi sợ cảm xúc mà không ảnh hưởng tới ký ức thực, chất này cũng hứa hẹn chữa được các rối loạn liên quan tới lo âu. Năm ngoái, Merel Kindt, một nhà nghiên cứu tâm lý tại ĐH Amsterdam, đã sử dụng propranolol để giúp những người sợ nhện vượt qua chứng sợ này. Dù rõ là họ còn nhớ mình đã từng sợ, các đối tượng nghiên cứu giờ đây có thể chạm và thậm chí cầm một con nhện độc trên tay.
Các nghiên cứu mới tiếp tục chỉ ra những cách thức hữu ích của quá trình tái củng cố ký ức, và những cơ chế khác nhau có thể khai thác thêm để biên tập lại ký ức. Bằng cách tách lìa ký ức phê pha ra khỏi các cảm xúc phấn chấn của người nghiện, các nhà khoa học đã nhìn về tiềm năng chữa nghiện rượu của propranolol ở con người, và thậm chí còn thử công dụng của chất đối với nghiện heroin và cocaine ở chuột. Số khác đang quan tâm tới một loại thuốc khác, gọi là Blebb, để tách thửa các ký ức phụ thuộc vào methamphetamine.
Nếu cùng thứ thuốc hãm lại ký ức này có thể dùng để giúp đỡ người nghiện, thì cớ gì các đối tượng tham gia thí nghiệm của Loftus lại nhìn nhận về giá trị của propranolol khác đi? Liệu một thẩm phán có thể ra lệnh áp dụng cách điều trị này đối với các con nghiện thâm niên một cách đạo đức hay không? Khi nào thì một ký ức có thể xóa bỏ lại giúp ích cho một cá nhân hay một xã hội? Vì sao việc dùng thuốc để xóa sổ hay áp chế một ký ức thay vì phụ thuộc vào cơ năng của bộ não lại khiến nhiều người khó lòng chấp nhận?
Bộ não con người linh hoạt lạ kỳ. Khả năng tùy chọn những nhánh trồi khác biệt của ký ức là một sự thích nghi thiết yếu. Nếu như chúng ta nhớ hết tất cả mọi khoảnh khắc hàng ngày, hầu hết chúng ta sẽ bị chới với trong chính tâm trí của mình tới mức không còn làm được gì khác. Các nhà tâm lý tin rằng bộ não của con người đã tiến hóa theo hướng quên đi những thứ vụn vặt và giữ lại những giai đoạn thật sự quan trọng, kể cả khi chúng tiêu cực, để chúng ta có thể dự đoán hiệu quả hơn về các sự kiện sắp xảy ra trong tương lai và biết cách ứng phó với chúng.
Cách làm này có thể khiến chấn thương trở nên khó xóa dứt, kể cả vì lý do chính đáng. “Các trải nghiệm đau thương trao cho chúng ta cơ hội để nghĩ xem mình là ai trong khoảnh khắc đó, là lúc cuộc sống thật khiến ta đứt gãy. Chúng khiến bạn đặt câu hỏi: “Mình là loại người nào? Làm sao có thể thoát ra khỏi việc này?” Kate McLean, một nhà tâm lý chuyên về bản dạng tự thuật tại ĐH Tây Washington ở Bellingham cho biết.
“Đối phó với chấn thương cũng giống như gia cường một cơ bắp. Nếu đã khiến chuột nhô lên, lượt sau khi nhấc một chiếc hộp nặng ta có thể thực hiện dễ dàng hơn nhiều,” Kate cho biết. “Những người không đối mặt hoặc quên đi chấn thương không nhất thiết kém hạnh phúc hơn, nhưng liệu họ có thật sự đối mặt với những thách thức sau này hay không?” Cô nghĩ rằng họ có thể. Nhưng chính cô cũng cho rằng, có lẽ họ sẽ phát hiện ra rằng cái chiến thuật đối phó tức thời này cũng có nhiều lợi ích về lâu dài.
Tôi không cần phải nhớ đã dùng món gì buổi trưa thứ Tư vừa rồi, hay đã mặc áo gì tới buổi hòa nhạc của REM năm 1995 (và có lẽ chẳng muốn nhớ lại). Tuy nhiên tôi lại nhớ rất rõ lần tôi bước hụt lối vào ga tàu phố 57 và rơi oành xuống một dãy bậc thang trước khi tiếp đất ướt mem và thẹn chín người. Tôi sẽ không bao giờ quên đi cảnh các bậc kim loại kia trở nên trơn trượt trong mưa.
Bối rối dường ấy, vậy mà với tôi trải nghiệm kia chẳng hề giống với một chuyện gì đó tôi muốn xóa khỏi tâm trí. Kể cả những thời khắc ngượng chín, xí hổ nhất trong đời tôi cũng chẳng phải là những gì tôi muốn quên đi: chúng tạo nên tôi của ngày hôm nay. Đó là những bài học cảnh tỉnh, là những nếp nhăn trên vầng trán. Chúng giúp tôi lèo lái các mối quan hệ thuần thạo hơn và dự đoán tốt hơn những kết quả khả dĩ xảy ra trong tương lai.
Nếu có người hỏi tôi cảm thấy ra sao về chuyện gột đi ký ức đau lòng, tôi sẽ khuyên họ cân nhắc thật kỹ. Sau rốt, đó là điều tôi cũng chọn làm, và có lẽ tôi chẳng bao giờ tha thứ cho bản thân.
Tôi đích thị là một trong những kẻ mà lời cảnh báo của McLean hướng tới, một trong số những người từng có một lúc chủ đích đưa ra quyết định không còn muốn đối đầu với các nguy nan của cuộc sống. Tôi có một khoảng trắng trong ký ức nơi nhẽ ra dành cho cha tôi, kết quả của một nỗ lực đặc biệt hiệu quả của bộ não niên thiếu không chịu đối mặt với nó.
Cha tôi bị đa xơ cứng. Nó chẳng phải căn bệnh mà tôi nghĩ tới quá nhiều lúc lớn lên, ngoại trừ khoản dành ra một dự án tại hội chợ khoa học năm lớp 6 để mô tả về nó. Đó là một rối loạn tự miễn nhiễm của hệ thần kinh trung ương, khi đó chấn thương vào các vỏ thần kinh bảo vệ sẽ làm ngắt đi tín hiệu thần kinh. Đa xơ cứng có thể gây ra đủ mọi bệnh tật từ thị giác tới tê liệt toàn thân. Với cha tôi, thoạt đầu, nó chủ yếu là những cơn buồn nôn và đôi khi thấy yếu lả đi.
Một chiều tháng Một khi tôi 12 tuổi, lúc đang từ trường về nhà thì tôi nhìn thấy cả cha và mẹ ở nhà giữa ban ngày. Có gì đó thực sự bất ổn. Cha tôi đã gây ra tai nạn xe sáng nay và, dù cả ông và người bị gây tai nạn đều không chấn thương, cha tôi lại không hề có ký ức làm sao ông lại tới được đó - một khu phố nằm đối diện hướng ông tới văn phòng - và vẫn hoang mang về giới tính của người lái chiếc xe kia. Đó là manh mối đầu tiên của chúng tôi rằng căn bệnh của ông sắp sửa có một cú bẻ lái hiếm gặp, đau đớn, và cuỗm đi không chỉ khả năng đi lại của ông mà luôn cả tâm trí ông,
Theo cách nào đó, nó cũng cuỗm đi cả tâm trí tôi nữa.
Trong vòng sáu tháng, cha tôi - một nhà độc học và dịch tễ học có học vị tiến sĩ về sinh hóa - chỉ trống rỗng nhìn ra ngoài cửa sổ văn phòng vào những ngày làm việc. Ông chuyển từ một đối thủ biện luận sắc bén và nhanh nhảu (dẫu đôi khi có hơi chua ngoa) thành một con người chậm lục và ngây dại (dẫu dễ mến). Ông thể hiện ra tất cả hăm hở và dỗi hờn của một cậu bé bốn tuổi và gặp khó khăn khi kết thúc cuộc nói chuyện ngoại trừ những đối thoại giản dị nhất.
Cơ thể ông chẳng mấy chốc cũng biến đổi. Thứ thuốc ông sử dụng giúp ông đi đứng được lại gây ra những cơn co giật khiến ông run dữ dội trên sàn nhà. Một người cả đời hút thuốc, giờ ông châm một điếu và rồi quên bẵng vẫn đang cầm, có khi còn lỡ dúi đầu thuốc vào ngón tay hay, một lần, làm rơi xuống sàn nhà tắm làm thủng một lỗ trên lớp vải linoleum. Chỉ trong ít tháng, ông từ đi đứng bằng gậy sang xe lăn, và cuối cùng vì gặp quá nhiều khó khăn để nuốt thức ăn nên buộc phải dùng tới một ống dẫn dinh dưỡng và một chiếc cốc xốp nhổ nước bọt để không bị sặc.
Tôi nhớ hết chỗ ký ức này rất rõ. Tôi nhớ cái cốc xốp chết tiệt, màu xanh sáng của chiếc xe lăn, cái nhìn trong suốt trong mắt ông. Tôi nhớ ông gần như không còn nhận ra nổi tôi nhưng vẫn bừng lên nụ cười trong trẻo nhất khi mẹ bước vào phòng. Và ngoại trừ chuyện căn bệnh bắt đầu tàn phá cha tôi khi tôi vừa vị thành niên, ngoại trừ quãng 12 năm trước đong đầy những kỳ nghỉ cả nhà đi chơi chung, ngoại trừ truyền thống mỗi đêm sẽ đọc to The Hobbit và những quyển sách khác trước khi ngủ, tôi không còn nhớ cha tôi như thế nào trước khi ông mất trí.
Chẳng phải tôi không còn nhớ mình đã từng làm gì trước đây - nhớ chứ sao không. Tôi chỉ không nhớ tới ông. Vào cái ngày tôi lần đầu tiên đi xe đạp, dù cha tôi vừa mới tháo bánh phụ ra khỏi chiếc Schwinn tím, tôi hoàn toàn không biết là ông đứng cạnh mẹ lúc tôi ngã hay ông có mặt ở đó hay không. Cứ như là tôi đã dùng một cây kéo để xén đi ký ức về ông ra khỏi những tấm ảnh.
Lúc đó, tôi làm như vậy hoàn toàn có chủ ý. Mỗi lần mẹ bắt đầu hỏi: “Con còn nhớ lúc cha con…” tôi sẽ cắt ngang ngay lập tức. “Con không muốn nói về chuyện đó,” tôi sẽ vặn lại. Rồi tôi buộc bộ não nhảy qua ký ức kia như một viên đá nhảy cóc trên mặt hồ và tập trung vào một chuyện nào đó ít đớn đau hơn, thường là con người của ông lúc sau này. Thay vì nấn ná với người cha tôi đã mất đi, bộ não vị thành niên của tôi giảm nhẹ nỗi đau bằng cách thay thế người đã khuất kia với người ngồi trên chiếc xe lăn màu xanh. Nhiều thập kỷ sau, tôi không còn nhớ gì về ông nữa, dù cố gắng tới đâu.
Theo Michael Anderson, nhà khoa học thần kinh tại ĐH Cambridge, tôi đã thực hiện một hành động gọi là “xóa bỏ hồi ức”, quá trình một cá nhân chủ động sử dụng một hành động trong tâm trí nhằm ngăn lại việc nhớ tới một ký ức đau lòng - một quá trình do vùng vỏ não trước trán tạo ra. Tới nay, thành trì cảm xúc của hạch hạnh nhân có được sự tìm hiểu sâu sắc nhất từ các nhà khoa học liên quan tới việc xóa đi ký ức. Nhưng chính thùy hải mã của tôi, vùng não nơi ký ức có thực trú ngụ, mới dường như có những lỗ hổng (theo nghĩa bóng). Việc cố ý xóa bỏ diễn ra bởi chúng ta dùng tới vùng vỏ não trước trán để giúp ta tạm thời gián đoạn chức năng của thùy hải mã, do đó ngăn không cho nó mã hóa hoặc không cho nó củng cố ký ức.
Các nhà tâm lý từ lâu đã cho rằng cách xóa ký ức này cũng đi kèm nhiều tổn thất. Theo Freud, những ký ức bị dồn sâu vào tiềm thức sẽ tiếp tục ảnh hưởng tư duy và hành động của cá nhân về lâu về dài trong tương lai.
Nhưng Anderson phát hiện ra rằng xóa đi một ký ức cũng xóa đi ảnh hưởng tiềm thức của nó gây ra đối với hành vi. Ông sử dụng một quy trình gọi là “nghĩ/không nghĩ” để hiểu rõ hơn quá trình xóa ký ức này ở các đối tượng xung phong tham gia nghiên cứu: trước tiên ông cho họ xem một bức ảnh hay một từ, rồi ông lái họ sang hoặc nghĩ về nó hoặc ngăn chặn quá trình truy lại. Để quan sát cụ thể tác động lên hành vi, ông cùng các đồng nghiệp yêu cầu các tình nguyện viên học một bộ các cặp đôi từ ngữ-hình vẽ để từ này sẽ khiến họ nghĩ tới vật thể trong hình ảnh kia (dù là một chiếc xe máy hay một chậu cây). Nhưng nếu từ ngữ kia màu đỏ, nhóm nghiên cứu sẽ bảo tình nguyện viên chủ ý xóa đi bất kỳ ý nghĩ nào dành cho đồ vật liên quan mỗi khi nó nảy ra trong đầu. Về sau khi các nhà nghiên cứu cho họ xem hình các vật thể kia, các đối tượng nghiên cứu gặp đôi chút khó khăn mới nhận ra được chúng.
Một số nhà lâm sàng chọn quan điểm cho rằng xóa đi ký ức có thể không tốt cho chúng ta, nhưng có thể điều này cũng dựa trên các giả định sai lầm, theo Anderson. “Có lẽ việc xóa đi ký ức cũng chẳng phải là một ý quá tệ. Khi trao các ký ức không hay quá nhiều quan tâm, ta có thể đoan chắc chúng sẽ còn lởn vởn xung quanh.”
Hồi đầu năm nay, sử dụng cùng kỹ thuật nghĩ/không-nghĩ, ông phát hiện sự chủ động xóa đi ký ức tạo ra theo cách ông gọi một “bóng quên lãng”, một cái cái bóng phủ khắp lên ký ức đau thương như một gốc cây bị tỉa tót hơi chút quá tay. Những đối tượng tham gia thí nghiệm của Anderson nhận ra rằng họ không chỉ không thể nhớ các đồ vật họ đang tìm cách xóa bỏ, mà họ cũng ít có thể nhớ những đồ vật mà họ biết ít lâu trước hoặc sau khi chúng phai nhạt đi. Đó là kết quả góp phần giải thích vì sao một số người trải qua các vụ tai nạn xe kinh hoàng hoặc những sự kiện đau thương khác thường không nhớ chuyện gì đã xảy ra ngay trước chấn thương. Nó cũng giải thích vì sao tôi còn giữ rất ít ký ức về những gì tôi thực hiện với cha mình.
Những ký ức này không mất đi vĩnh viễn. Một nghiên cứu mới đây trên loài sên biển có hệ thần kinh đơn giản chỉ ra rằng gián cách quá trình tái củng cố ký ức có thể không làm xóa đi ký ức, mà trái lại chỉ chặn lại việc chúng ta tiếp cận chúng. David Glanzman, một nhà sinh học thần kinh tại ĐH California, Los Angeles, vừa phát hiện rằng khi chuyển các neuron của loài thỏ biển, tên khoa học aplysia californica, vào một đĩa petri, chúng có thể được huấn luyện như kiểu đàn chuột của Nader. Và cũng như đàn chuột, khi Glanzman và đồng nghiệp gợi lại ký ức của cú sốc điện rồi cho chúng một thứ thuốc ngăn cản hình thành protein, một số synap biến mất. Nhưng biến mất một cách ngẫu nhiên - chúng không nhất thiết có liên quan tới cú sốc. Khi các nhà nghiên cứu quay trở lại với đàn chuột để kiểm tra xem chúng có tái hiện trở lại ký ức cú sốc hay không, thì phát hiện rằng chỉ một vài cú sốc đã đủ để khôi phục lại ký ức nhẽ ra đã bị xóa sổ hoàn toàn. Dữ kiện này cho họ biết rằng ký ức được bố trí bên ngoài các synap; họ truy dấu được ký ức tại nhân tế bào, một phần của neuron không bị ảnh hưởng cho dù các synap có thể hiện hữu hoặc mất đi. Sâu bên trong bộ não, hay ít nhất sâu bên trong các tế nào não của một con thỏ biển, ký ức vẫn hiện diện.
Thế nhưng khi biết được điều này, khi biết rằng ai đó có thể một ngày kia nói với tôi rằng họ đã tìm ra được cách cho tôi liên kết trở lại với các ký ức của cha tôi, tôi không còn chắc chắn mình sẽ thử hay không.
Tôi mất nhiều năm cố sức tìm lại những ký ức ấy. Tôi hỏi han họ hàng và bạn bè để nghe các câu chuyện. Tôi nhìn vào những bức ảnh gia đình úa màu để trao vào chúng tính cách lẫn hơi ấm thường chỉ xảy ra kèm với hành vi hồi tưởng. Nhưng có lẽ suốt thời gian qua tôi đã tìm kiếm sai thứ. Có lẽ để yên cho ký ức trôi đi vẫn chẳng sao. Theo thời gian, những ký ức bị tách gọt của tôi đã định hình nên hiểu biết của tôi về bản thân và, một cách dần dà, đã trở thành một phần của cái tự sự mà tôi không còn chắc mình còn muốn thay đổi nữa hay không.
Quả thật, gốc cây bị tỉa tót quá đà của tôi đã thiếu đi đôi cành lá và có vẻ không khỏi trọi trơ. Hoa của nó chẳng lúc nào cũng nở ra theo cách nó lẽ ra nên nở. Nhưng ở đôi chỗ khác nó cũng đơm thêm cành mới mà tôi chẳng hề mong chờ, và hình ảnh cong oằn kia cũng giản đơn là một phần của con người tôi. Thay vì cố sức lấp trám hết những hốc khuyết kia, giờ đây tôi có thể nhìn vào những không gian trống và xem chúng - tất cả chúng - cũng là một phần của chính mình.
k.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất