Mùa khác sống ở đâu cũng được, nhưng mùa thu chỉ muốn về Hà Nội
Sáng thứ 7 mưa ơi là mưa, khi dọn google drive mình phát hiện ra bài này đã viết từ 4 năm trước. Bạn mình bảo mùa thu phải sống ở Hà Nội, đúng là phải thế thôi. Hãy để lại cmt cho mình
Xuân - hạ - thu - đông, 4 mùa cứ mải miết chạy qua những mái đầu mà người ta thi thoảng vẫn giật mình nhận ra “Sao mình già nhanh quá?”. Mỗi mùa một sắc, một nắng, một mưa, một cây, một lá không lẫn vào đâu được. Thu đến mang theo thứ nắng ngọt như mật ong tan trên đầu lưỡi, vàng như vỏ bánh trung thu nướng chín óng ả. Chẳng oan khi người ta luôn cảm thấy concept của thu là sắc vàng - màu của lá khô trải dài con đường nhỏ, của nắng in trên khung cửa sổ tinh tươm, của buồng chuối chín lốm đốm, của trăng vằng vặc mỗi đêm rằm.
Mùa thu - em cũng bé lại
Hình như mùa thu làm em bé lại, bất cứ những thay đổi chậm chậm nào hiện hữu cũng làm em rung động về ngày xưa. Em thấy cô bé ngày ấy mắt trong veo, ôm khư khư chiếc đèn không cho ai chơi cùng vì sợ mất. Thế rồi bằng một cách nào đó, chiếc đèn cũng mất tiêu…
Phố bắt đầu bày bán các sạp hàng bánh trung thu đa dạng, chẳng phải chờ đợi hay tiết kiệm gì để có một chiếc bánh trung thu trong thời buổi này, thế mà em vẫn háo hức. Hồi bé, chơi là chủ yếu, việc ăn một miếng bánh, uống một ngụm trà không phải những cái quá chú trọng trong ngày rằm tháng Tám, thế mà lớn lên, em lại bắt đầu so sánh bánh chỗ nào mềm hơn, nhân ngon hơn, ít ngọt hơn, vị của cửa hàng nào đưa em về thứ cảm giác ăn miếng bánh hồi nhỏ hơn.
Nhiều tư liệu cho rằng nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ Trung Quốc. Dưới thời nhà Minh, khi Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa chống lại áp bức, họ truyền đi những tin tức bí mật bằng cách dấu chúng trong nhân chiếc bánh trung thu. Khởi nghĩa thành công vào rằm tháng Tám năm đó, từ đấy về sau, cứ đến dịp này, người dân lại chuẩn bị bánh trung thu như một sự tưởng nhớ và cầu mong cho một năm no ấm, tròn đầy.
Sự giao thoa văn hóa mà lịch sử đã tạo dựng khiến cho chiếc bánh trung thu cũng trở thành một phần quý giá đối với phong tục của người Việt. Bánh nướng vàng óng như nắng, ngọt như mật; một lớp vỏ, một tầng nhân bao bọc lấy nhau lẫn trong cái mặn mặn của thịt, cái đăng đắng của lá chanh, cái bùi bùi của hạt dưa, sần sật của mứt bí, điềm đạm của hạt sen, thoang thoảng men say của rượu... Bánh dẻo mềm mại, đầy đặn mà chu toàn, có khi nó còn “phụ nữ” hơn cả chiếc bánh trôi mà Hồ Xuân Hương từng kể. Lớp vỏ trắng tinh khôi, mùi hoa bưởi man mác, ngọt đến độ sắc sảo, lớp nhân dù ít hơn nhiều so với bánh nướng nhưng ẩn nhẫn hài hòa với lớp vỏ dạn dày. Tất cả như kể lại cách vạn vật sinh sôi, nảy nở, vừa có mâu thuẫn, vừa có hòa quyện ứng biến trong đất trời qua hình hài hai thứ bánh giản đơn.
Mùa thu - yêu nhau dễ hơn nhiều
Lúc thu về em thấy mình dịu dàng hơn bất cứ em của một mùa nào khác. Vì em chẳng nỡ vội vàng. Và vì em chậm lại, em nghĩ mình không dễ bỏ qua anh. Người ta bảo mùa thu buồn man mác, mùa thu lãng mạn, mùa thu để yêu nhau chắc chắn phải có hàng ngàn lý do hợp lý của nó. Vì mùa thu tạo ra không gian cho hai người bên nhau một cách tĩnh lặng, chẳng cần phải cười nói mà nhìn đã thật “tình”. Anh sẽ lặng im nghe em kể chuyện, hoặc ngược lại, hoặc cả chúng mình đều lặng im. Những buổi gặp gỡ trôi qua mà không cần thêm một lời giải thích, nhưng em biết anh ở đó, ngập tràn trong mùa thu.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất