1) Đôi khi việc nắm bắt 1 một tác phẩm Văn học là vô cùng khó khăn, nhất là đối với các tác phẩm mang chất lôi cuốn của đặc trưng của tác giả, hoặc một công trình xây nên từ những nền móng kỳ vĩ: chất liệu hiện thực nghiệt ngã, những thế giới viễn tưởng bay bổng, hay một lát cắt sử thi hào hùng. Khi tiếp cận những tác phẩm này, mình luôn xây dựng một góc nhìn thứ 3, một “bản thể phê bình” tách rời khỏi trạng thái “đọc” để tránh bị cuốn vào dòng cảm xúc có khả năng xô lệch những nhận thức (consciousness pillar) mà mình biết một ngày nào đó sẽ lại vạch ra một khoảng trời hửng nắng trong thế giới quan mờ mịt.Thế nhưng khi đọc đến giữa quyển Mưa đỏ thì mình đã khóc, khóc thật sự giữa máy bay đông người.
2) Tiểu thuyết Mưa đỏ được nhà văn Chu Lai xây dựng từ từng mảnh vụn nát của thành cổ Quảng Trị vào đầu mùa mưa năm 1972, dưới góc nhìn chủ đạo của một người lính đã chiến đấu, bám trụ và hy sinh vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Thành Cổ Quảng Trị, và đồng thời trong suốt các chương của cuốn tiểu thuyết, nhà văn cũng đã chuyển đổi sang những góc khác. Góc nhìn đa chiều đó đã mang lại một bức tranh toàn cảnh để cho thấy bánh xe lịch sử đã lăn theo một con đường tất yếu với tất cả động lực đầy đau thương và nghiệt ngã, nghiến qua và để lại vết thương cho tất cả những con người, phe phái đã tham gia vào lát cắt ấy. Tuy nhiên đó chỉ là phần nổi của những dữ kiện mà ai cũng sẽ có những cảm nhận riêng biệt. Những gian khổ, khốc liệt của chiến tranh, những cuộc đấu trí căng thẳng trên bàn Hội nghị Paris, những bước đi chính trị, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa lãng mạn của người bộ đội trẻ tuổi, chủ nghĩa hãnh tiến và những khao khát đầy chất kiếm hiệp, cao bồi của những anh lính VNCH - theo quan điểm của mình thì tác giả đã đưa ra những hình tượng ấy để đại diện cho một thực tại mà tác giả muốn phản ánh.
3) Tất cả điều trên vẫn chỉ là phần “dữ kiện” - chỉ làm nền cho điều quan trọng hơn: mỗi cuộc chiến đều có những người mẹ, những đứa con, những cuộc chia ly, lo lắng, tháng ngày mong ngóng giằng giặc… và thêm vào đó là sự hy sinh, là lựa chọn chấp nhận gian khổ, là mong muốn thỏa nguyện và quên mình vì lý tưởng, là ước mơ hòa bình…tất cả liệu có phải là một sự phi lý không thể chối cãi trong tâm thức của bất kỳ cá nhân nào mang ý thức hệ về chính nghĩa của riêng họ vào cuộc chiến này? Nó thật giống như Achiles có thể uống rượu với Hector nếu như không có thành Troy, và Mr. Henrry Kissinger có thể bắt tay với ngài Lê Đức Thọ trên bục nhận giải Nobel Hòa Bình! Vậy mà đúng thế, những người mẹ đã cùng chung một nỗi đau và sự đồng cảm khi đứng bên mộ hai người con. Đó là giá trị mà cuốn tiểu thuyết muốn tôn vinh: hòa bình, hàn gắn những vết thương bằng sự chia sẻ và hướng tới tương lai.
4) Và phải nhắc lại, mình đã không ngăn được nước mắt, chính vào lúc người mẹ từ bàn đàm phán căng thẳng và người lính từ những chiến hào lầy lội, tan nát vì đạn bom, cả hai cùng cất tiếng gọi nhau trong thiêng liêng sâu thẳm. Đó là một mối liên kết vô hình nhưng nguyên thủy, một động lực nhân bản đủ sức lý giải và gạt bỏ tất cả mối hoài nghi phức tạp nhất mà những dòng chảy nghiệt ngã đã vô tình mang lại. Trong phút giây đó mình đã học được bài học sâu sắc và cảm động, và mình cứ để nước mắt tự nhiên chảy xuống cho sự vĩ đại, của lịch sử, của nỗi đau, của sự chữa lành, của việc tái khám phá sự may mắn của bản thân, và của lòng biết ơn.
Cám ơn nhà văn Chu Lai vì giọt nước mắt ấy.