img_0
“Tạm biệt giảng đường!
Ngày 6 tháng 9 năm 1971
Hoàng – Thành – Thăng – Long”
Mở đầu bộ phim là khung cảnh sân trường, bục giảng, bảng đen và phấn trắng đầy tươi sáng. Ở đó, ta thấy bốn chàng khoa Văn đương tuổi 20 đầy hoài bão. Họ là sinh viên đến từ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ta có một cậu Hoàng tinh nghịch, yêu thơ ca và thích đánh đàn.
Ta có một cậu Thành hài hước, ưa kịch nghệ và tinh thông gần như tất cả vở chèo của miền quê Bắc Bộ.
Ta có một cậu Thăng nghiêm nghị với hai ước nguyện trong đời: trở thành nhà văn và được trồng một cây bạch đàn bên mộ nếu có hy sinh.
Ta có một cậu Long trữ tình cùng lời hẹn ước thành đôi bên giếng nước cùng cô thôn nữ chân chất.
Sự mộng mơ và nhiệt huyết về ngày mai chảy cuồn cuộn trong những câu chuyện hóm hỉnh về “các nàng”, qua những lời thơ chứa đầy ý chí, qua khúc ca hoài bão tự do hay dáng vẻ tươi cười khi chụp hình cùng nhau. Bốn cậu tự hào khoác lên tấm áo xanh lục, đồng nghĩa gánh lên vai trách nhiệm cao cả với Tổ Quốc. Giây phút đó, trong mình đã rung động ít nhiều, vì cả 4 cậu sinh viên đều không biết rằng, cuộc chiến tranh tàn khốc “mùa hè đỏ lửa 1972” năm ấy đang cận kề!
Những thước phim nối gót đoàn binh trong chuỗi ngày tập luyện và hành quân. Vẫn tươi sáng, rất tươi sáng. Khung cảnh miền quê Bắc Bộ hiện ra, với mái nhà lụp xụp, cái cày, con trâu. Hay điển hình nhất chính là giếng nước sau hè, nơi hẹn ước của Long cùng cô gái làng bên đầy ngọt ngào. Hình ảnh này gợi mình nhớ đến câu thơ nhỏ:
“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
– Đồng chí, Tố Hữu
Thế rồi, những trận mưa bom gào thét xé tan màn đêm tĩnh mịch. Pháo sáng, khói đạn phủ mờ con sông Thạch Hãn. Trước định mệnh lịch sử, những người lính trẻ ấy phải băng qua dòng sông để giữ cho được Thành Cổ trước tay giặc Mỹ, trước thềm hội nghị Pari.
“Thành Cổ Quảng Trị” – “Cối xay th.ịt người” Lời thuyết minh không khỏi khiến mình xót xa. Để hoàn thành chỉ thị “giữ vững trận địa, quyết không cho quân địch cắm cờ trên nóc Thành Cổ”, hỡi ôi, 58 người lính trẻ đã mãi nằm dưới lòng sông lạnh lẽo. M.áu các anh hòa vào dòng nước nhuộm đỏ cả một khúc sông. Máy bay vần vũ trên bầu trời, mưa bom mưa đạn thả dày đặc như xới tung từng thước đất Thành Cổ, trong đó có cả hình hài tưởng chừng được nằm yên dưới đất mẹ.
Đầu mình khi ấy trống rỗng. Mình chỉ kịp với tay lấy mấy tờ giấy note để ghi chú lại các con số cho bài viết này. Trong một thoáng tay mình run lên chẳng viết nỗi 1 dòng hẳn hoi, mặt giấy chỉ chằng chịt từ khóa và số má. Nỗi đau chiến tranh hiện rõ qua từng lát cắt của phim, qua từng chi tiết cài cắm từ đầu đến cuối.
Bốn thanh niên mang khát vọng tuổi trẻ, khoác trên vai sứ mệnh với cả Tổ quốc cùng ra đi. Ấy vậy trong ngày về, chỉ còn một bóng hình lầm lũi. Ba hình hài kia, tựa như bao hình hài khác đều vĩnh viễn nằm lại, hóa thành hồn thiêng sông núi, chôn vùi thanh xuân để đổi lấy hai chữ “Độc lập” cho non sông đất nước.
Phim kết lại với tiếng nức nở của Hoàng cùng câu nói nhuốm màu đau thương của Thủ trưởng Phong: “Mùa hè ấy hi sinh nhiều quá, toàn lính trẻ”
---------------------------
Bộ này mình đã ngấu nghiến sạch trong hôm 30/4 giữa tiết trời oi của Sài Gòn. Mình lấy cớ do nhiều thông tin phải nhớ quá nên chưa viết về nó ngay, nhưng thứ quá tải thật ra là cảm xúc. Nếu là phiên bản cấp 2, cấp 3, hẳn mình chẳng nghĩ ngợi nhiều đến thế.
Nhưng ở giây phút này, khi chạm ngưỡng tuổi sinh viên, độ mà những hoài bão, khát khao sục sôi nhất, mình mới thấu nỗi sợ mà 4 cậu bạn Hoàng – Thành – Thăng – Long đã đối mặt trước lựa chọn đi hay ở.
Nó lớn lắm!
Nhưng tình yêu Tổ Quốc đã lớn hơn.
----------------------------
Đây là bộ phim mọi người nên xem, nhưng hãy lựa lúc bản thân đang nhẹ nhàng và không vướng bận gì trong lòng. Vì sau khi xem xong, nó sẽ để lại nhiều suy tư và niềm man mác trong lòng vài ngày tới!
Cám ơn bạn vì đã ở đây, và mình là Một Túi Trà.
#một_túi_trà