“Nhiều cuốn sách hay nhất nói về sự phát triển cá nhân và chuyên môn thường sử dụng các phép ẩn dụ hoặc những mẩu chuyện ngắn để minh họa cho tầm quan trọng của những thái độ và ý tưởng nào đó thiết yếu cho sự thành công.
“Ngày xưa có một con bò”… diễn tả rõ ràng và cụ thể những gì có thể xảy ra nếu cuộc sống của chúng ta bị những lý lẽ biện bạch kiềm chế. Đây chắc chắn là một trong những phép ẩn dụ tốt nhất mà tôi được đọc về cách để hoàn toàn xóa bỏ những thứ tầm thường trong cuộc sống của chúng ta. Con bò tượng trưng cho mọi lý lẽ biện bạch, mọi thói quen, hay sự bào chữa vốn khiến cho chúng ta không thể sống một cuộc đời trọn vẹn. Câu chuyện được viết ra một cách tuyệt vời này chắc chắn sẽ làm bạn xiêu lòng, và đòi hỏi bạn phải loại bỏ tất cả những sự biện bạch, hay nói như Camilo, “Tiêu diệt những con bò của bạn đi.” - Mark Victor Hansen

Đôi nét về tác giả

Camilo Cruz, một diễn giả, một tác giả, một doanh nhân thành đạt và từng là một cậu thanh niên tay trắng đến Mỹ với ước mơ thay đổi cuộc đời của mình và giờ đây đang thay đổi cuộc đời của nhiều người khác bằng sách và những buổi hội thảo của mình.
Với hơn 38 đầu sách, được dịch ra hơn 15 thứ tiếng với lượng độc giả của hơn một trăm quốc gia và là diễn giả được săn đón trong lĩnh vực phát triển bản thân, kinh doanh và lãnh đạo. Không ngoa khi nói rằng Camilo là một trong những người có sức ảnh hưởng tương đối với cộng đồng phát triển bản thân. Quen thuộc với độc giả Việt hơn cả là cuốn “Ngày xưa có một con bò”, và cũng là cuốn sách người ta sẽ nghĩ ngay đến khi nhắc về Camilo. Một câu chuyện ngụ ngôn thú vị về “bò” và cách ta phát hiện, phân loại và giết chúng để trở nên thành công, phát triển và đáng sống hơn.

Về cuốn sách

Chuyện ngụ ngôn về một con bò

Nội dung của cuốn sách xoay quanh câu chuyện ngụ ngôn thú vị về “con bò” mà Camilo nghe được từ một người phụ nữ lạ mặt mới quen trên chuyến bay từ New York đến Buenos Aires. Dựa vào đó, ông đã dần hoàn thiện và viết lên câu chuyện “Ngày xưa có một con bò” của riêng mình, với đầy những bài học sâu sắc được rút ra từ những câu chuyện của những người mà ông đã gặp.
Câu chuyện về “con bò” bắt đầu khi một người thầy giáo khôn ngoan và giàu kinh nghiệm muốn truyền dạy cho học trò của mình cách để sống một cuộc đời hạnh phúc và đáng giá. Ông đã dẫn cậu học trò ấy đến một ngôi làng nghèo khổ trong vùng, nơi khổ đau và đói nghèo bủa vây khắp nơi với những kẻ đã phó thác cuộc đời mình cho số phận. Họ chọn đến một gia đình nghèo nhất nơi ấy để xin tá túc một đêm, nơi ngôi nhà nhỏ bẻ, nơi ở của tám con người, cái nghèo không chỉ chiếm lĩnh cơ thể mà nó còn ăn sâu vào tâm hồn của họ. Tưởng chừng nơi này chẳng còn thứ gì đáng giá thì hai vị khách bất ngờ phát hiện ra một con bò, và gia đình ấy suốt cả ngày chỉ quanh quẩn với nó, cho nó ăn, buộc lại cho chắc và vắt sữa với hy vọng chút thực phẩm ít ỏi đó sẽ giúp cả gia đình vượt qua cơn đói. Con bò là thứ duy nhất giúp cho họ khỏi phải rơi vào cảnh đường cùng và nhận được chút ít sự ngưỡng mộ từ những người hàng xóm ở cái nơi chẳng có thứ gì đáng giá này.
Sáng hôm sau, hai thầy trò lặng lẽ rời khỏi nhà trong khi gia đình nghèo ấy vẫn đang ngủ say, gần kết thúc chuyến đi nhưng cậu học trò vẫn chưa biết lý do tại sao gia đình ấy lại lại sống cực khổ đến vậy, điều gì đã buộc họ phải ở đây? Bất giác người thầy bước đến bên con bò, rút ra con dao găm ông mang bên mình và cứa ngọt một đường ngang cổ con bò, vết cắt chí mạng khiến con vật ngã quỵ. Mặc cho cậu học trò đau khổ trước hành động đó với đầy những băn khoăn về cuộc sống của gia đình nghèo ấy sẽ ra sao nhưng người thầy chỉ lặng lẽ bỏ đi.
Một năm qua đi, trong lòng vẫn còn đầy những câu hỏi và day dứt, cậu học trò được người thầy đề nghị quay trở lại ngôi nhà nghèo năm xưa. Khác hẳn với một năm trước, cảnh vật vẫn như xưa nhưng thay vào đó là một ngôi nhà xinh xắn vừa mới được xây trên nền đất cũ. Trong khi người học trò đang lo lắng cho gia đình cũ vì mất con bò mà phải bán mảnh đất cho một gia đình khá giả hơn thì một người đàn ông vui vẻ từ trong nhà bước ra. Không giấu nổi vẻ hoảng hốt khi nhận ra người đàn ông đó chính là người đã cho họ ngủ nhờ năm ngoái. Vẫn là con người ấy nhưng lần này là với quần áo sạch sẽ, nụ cười trên môi và sự linh lợi trong đôi mắt. Rõ ràng đã xảy ra một điều gì đó có ý nghĩa to lớn trong đời ông ta. Người học trò ngay lập tức “truy vấn” ông ta về vận may nào đã đến với ông và gia đình. Không đếm xỉa gì đến việc chính hai người khách này đã là thủ phạm giết con bò, người đàn ông mời họ vào nhà và bắt đầu kể lại câu chuyện. Ban đầu gia đình ông đã vô cùng tuyệt vọng và đau khổ, suốt một thời gian dài, sữa con bò là nguồn sống duy nhất mà gia đình có, cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nó, việc có được con vật ấy còn tạo cho gia đình sự ngưỡng mộ từ hàng xóm. Sau khi mất đi con bò ấy một thời gian, họ nhận ra rằng nếu không làm gì đó sự việc sẽ còn tệ hại hơn. Bắt đầu với việc phát hoang miếng đất sau nhà, gieo vài hạt rau củ, ban đầu chỉ đủ ăn nhưng lâu dần họ còn có thừa để bán cho những người xung quanh. Lần đầu tiên trong đời, gia đình có thể mua thực phẩm và quần áo, bắt đầu một khởi đầu mới, một cuộc đời mà họ chưa bao giờ nghĩ, kể cả trong mơ, lại có thể trở thành hiện thực. Việc mất con bò dường như đã mở mắt cho họ thấy một cuộc sống khác có triển vọng hơn...
Vậy đó, việc mất đi thứ mà gia đình ấy cho là quý giá, là nguồn sống duy nhất không phải dấu chấm hết cho họ, mà trái lại, sự kiện ấy mở ra một tương lai tươi sáng hơn, một tương lai mà họ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể đạt được nếu vẫn còn giữ con bò ấy với hy vọng chút sữa ít ỏi của nó sẽ nuôi sống cả gia đình mãi.
Ta có thể thấy hình tượng “con bò” trong câu chuyện tượng trưng cho những lời biện bạch, những niềm tin sai lầm, những định kiến, thứ kìm hãm chúng ta phát triển, là sợi xích trói buộc với sự tầm thường mà không phải ai cũng nhìn thấy, cho đến khi sự an toàn giả tạo đó mất đi và bắt buộc ta phải nhìn ra một tương lai, một con đường mới mẻ hơn.
Vậy làm sao để nhận biết được ta đã vô tình nuôi bao nhiêu “con bò” và làm thế nào để giết hết chúng đi, như anh học trò đã nói “để không phải sống một cuộc đời làng nhàng và tầm thường, cũng như thể hiện hết tiềm năng thật sự của mình”
“Không nghi ngờ gì nữa, anh tự nhủ, ngày hôm đó đã đánh dấu sự bắt đầu một cuộc đời mới, một cuộc đời không có bò”

Làm sao để phát hiện ra những “con bò”

Theo tác giả, nhìn chung có thể phân những con bò ra làm hai nhóm: nhóm các lời biện bạch và nhóm các thái độ hạn chế.
Nhóm biện bạch là những lời bào chữa, những cái cớ và những lời nói dối đơn thuần. Đó có thể là lời bào chữa cho việc đến muộn của bạn bằng cách đổ lỗi cho xe cộ, tắc đường hay bất cứ lý do nào nghe có vẻ hợp lý để giữ “thể diện” cho mình, trong khi lỗi là ở bạn đã không chuẩn bị cho các tình huống ấy. Chúng ta không dám thừa nhận rằng mình đã mải mê với chiếc điện thoại để rồi muộn giờ. Những lời biện bạch trên trở nên dễ chấp nhận hơn là sự thật. “Nhưng cũng với tất cả những con bò, chúng ta đang phải trả giá cho những lời biện bạch dễ nghe này. Cái giá đó là chúng ta biết mình không có can đảm đối mặt với hậu quả của việc nói ra sự thật.”
Trong khi đó, nhóm thái độ hạn chế có xu hướng biểu trưng cho những nỗi lo sợ, những sự hợp lý hóa, và các niềm tin sai lầm.
Những câu nói như “Tre già khó uốn” hay như “Ngựa quen đường cũ” đã truyền bá hai ý kiến sai lầm và ngớ ngẩn. “Câu thứ nhất hàm nghĩa, và có lẽ muốn chúng ta tin rằng, khi đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó, chúng ta không thể học thêm được gì nữa - rõ ràng đây chính là một con bò cho bạn! Câu thứ hai hàm nghĩa có những thói quen hay hành vi mà chúng ta không bao giờ thay đổi được. Những tư tưởng như vậy không chỉ khiến chúng ta cảm thấy bất lực mà còn bịt mắt chúng ta trước khả năng chúng ta có thể thay đổi, học hỏi và chấp nhận theo hướng tích cực. Chúng ta ngây ngô cho rằng nếu những học giả, những nhà truyền giáo, hay bố mẹ chúng ta thường xuyên lặp lại những châm ngôn này, ắt hẳn chúng phải đúng, hoặc ít ra chúng cũng phải chứa đựng một khuôn vàng thước ngọc nào đó như một lời khuyên tốt. Thế nhưng, lý do thông thường mà những lời nói này trở nên phổ biến lại nằm ở chỗ chúng chính là những con bò được nhiều người đồng chấp nhận."
Không chỉ hai ví dụ tiêu biểu trên, cuốn sách còn tổng hợp vô số câu chuyện mà tác giả đã được nghe kể lại, ở đó còn có những niềm tin sai lầm, những câu nói tưởng như là chân lý nhưng lại vô cùng độc hại, ông đã liệt kê và phân tích chúng để tìm ra những con bò của những con người ấy từ đó gợi mở cho độc giả tự tìm kiếm những “con bò” của chính mình.

Làm sao để loại bỏ bất kỳ “con bò” nào

Hãy bắt đầu với sự thật hiển nhiên rằng: những niềm tin sai lầm, những lời biện bạch hay nỗi sợ không hề tồn tại trong đời sống thực, nó chỉ tồn tại trong đầu chúng ta mà thôi. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn phần nào triệt tiêu đi những con bò của mình.
Trước hết hãy nhận dạng những con bò của mình, thành thật nhận định, phân tích lại bản thân. Khi nghiêm túc làm điều này bạn sẽ thấy rằng bản thân có thể có nhiều lời biện hộ hơn những gì bạn nghĩ. Những con bò thì luôn đội lốt những lời biện bạch, nói dối, biện hộ,... hãy để ý đến lời nói của bản thân như là “giá như...”, “Xin lỗi đã đến trễ, nhưng...” hay “Thực ra, vấn đề là...”. Mọi lời nói như vậy đều có thể chứa đựng yếu tố nuôi dưỡng những con bò.
Hãy liệt kê, viết những câu nói này ra và quyết tâm không dùng đến chúng nữa. Không ai lại thích thú với khuyết điểm của mình, nhưng việc đối mặt và loại bỏ nó một lần và mãi mãi còn hơn là cứ tránh né và mặc nó hủy hoại bạn. Thay thế những thói quen cũ bằng những thói quen mới tốt hơn là cách hay nhất, thay vì loại bỏ những thứ mà bạn vẫn làm, sau đó lại không làm gì cả và để những thói quen xấu len lỏi vào.
Sau đó lên danh sách những kết quả tích cực của việc đã loại bỏ những con bò. Bạn có thể tốt đẹp hơn đến đâu, những hành trình nào bạn có thể cho phép mình tham gia một khi đã không còn bị bủa vây bởi những hành vi mang tính hạn chế? Bạn sẽ sẵn sàng theo đuổi những mơ ước mới mẻ nào một khi bạn đã không còn bị trói buộc trong sự tầm thường?
Để loại bỏ những thói quen xấu luôn cần sự quyết tâm, cần kỷ luật và dứt khoát, đôi lúc bạn sẽ thấy nản lòng và sẽ quay trở lại với thói quen cũ, điều đó là bình thường, quan trọng là phải nhận ra sớm và lấy lại quyết tâm thay đổi để bắt đầu lại từ đầu.
Những cách trên có thể khó, và không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng đó là điều cần thiết. Vậy nên hãy thành thật, kiên nhẫn, và quả quyết, và bạn sẽ thấy các kết quả đặc biệt trong chính con người thuần khiết hơn và thảnh thơi hơn của mình, xuất hiện sau toàn bộ tiến trình này.
“Nói cách khác,” anh học trò tiếp lời, “con bò - con vật mà hàng xóm của họ coi như là ơn phước - đã cho họ cái cảm giác mình không phải đang sống trong sự bần cùng, nhưng thực ra cuộc sống của họ rất thảm hại.”
“Đúng là như thế,” ông giáo già lên tiếng. “Đó là điều sẽ xảy ra khi con tin rằng cái thứ ít ỏi mình có được là đã đủ lắm rồi. Chỉ một ý nghĩ đó thôi đã là sợi xích nặng nề ngăn không cho con tìm kiếm những thứ khác tốt hơn. Sự thỏa mãn bắt đầu hủy hoại cuộc đời con. Con chấp nhận các hoàn cảnh của mình dù không hài lòng với chúng. Con biết rằng con không vui sướng với vị trí của mình trong cuộc sống, nhưng con cũng không thấy khốn khổ. Con thất vọng với cuộc sống mà mình được hưởng nhưng sự bất mãn không đủ lớn để con tìm cách làm một cái gì đó với nó. Con có thấy điều đó bi đát thế nào không? ”
“Những sự biện minh của chúng ta đã trở thành “sự gạn lọc hợp logic”, nỗi lo sợ vô lý trở thành “biện pháp phòng ngừa hợp lý”, và kỳ vọng thấp kém trở thành “một cái nhìn thực tế trong cuộc sống”.
“Nhưng cũng với tất cả những con bò, chúng ta đang phải trả giá cho những lời biện bạch dễ nghe này. Cái giá đó là chúng ta biết mình không có can đảm đối mặt với hậu quả của việc nói ra sự thật.”

Lời kết

Cuốn sách “Ngày xưa có một con bò” của Camilo Cruz là một cuốn sách khá ổn, dành cho những người đang loay hoay với cuộc sống nhàm chán hiện tại nhưng chưa tìm ra cách để thoát ra, những bạn trẻ đang trên con đường hoàn thiện bản thân hay đơn giản là những người thích self-help cần động lực để làm việc và thay đổi.
Với quan điểm của mình, việc có “một con bò” có thể chu cấp cho cuộc sống , dù là một cuộc sống bình thường, đôi khi là tầm thường nhưng nếu đó là tất cả những gì mình muốn thì nó chả có vấn đề gì cả. Phải chăng ai đó đến và giết con bò đó đi, có khi mình còn tệ hơn thì sao. Vấn đề là ở bản thân mỗi người muốn gì cho cuộc đời của mình, có người muốn vươn xa hơn, thành công hơn, vậy thì hãy “giết những con bò”, để nó không còn kìm hãm bạn nữa, còn nếu bạn chỉ muốn một cuộc sống êm đềm thì hãy cứ giữ lấy chúng, đến khi nào chán uống sữa bò rồi thì cứ mạnh dạn mà làm thịt nó thôi, cuộc đời mà, linh hoạt, thích nghi mới là tốt nhất, nhìn nhận hiện tại mình đang có gì và có thể làm được gì mới là quan trọng. Chớ dại mà vội giết con bò, để rồi chết vì đói. “Vĩ đại thì rất tuyệt, không vĩ đại cũng chả sao, tôi vẫn cứ sống tốt, vậy là đủ rồi”
Và lời cuối cùng, cũng như lời nói đầu của Mark Victor Hansen - Cha đẻ của “Hạt giống tâm hồn” (Chicken Soup for the Soul): “Tôi mong rằng bạn sẽ làm theo yêu cầu của ông và chấm dứt ngay sự dễ dãi trong việc chấp nhận bất cứ cuộc sống nào không thực sự xứng đáng với mình. Tôi đoán rằng bạn rồi cũng sẽ mê cuốn sách này như tôi, và tin bạn sẽ tạo cho mình cơ hội để sống một cuộc đời không có những thứ tầm thường vặt vãnh, hướng đến cái vĩ đại dành cho những ai dám mơ những giấc mơ lớn.”