"Làm cách nào để quảng bá bản thân? Làm sao để giới thiệu sản phẩm của tôi cho xã hội? Làm sao để mọi người biết đến? Anh đã làm cách nào vậy?" là những câu hỏi phổ biến nhất của độc giả với Austin Kleon, sau cuốn Newspaper Blackout và Steal Like An Artist, khiến anh trở nên nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn. Chỉ hai năm sau, Show Your Work! hay tựa Việt “Nghệ Thuật PR Bản Thân” ra đời, với những phương pháp giúp bạn chia sẻ ý tưởng và được mọi người chú ý từ những trải nghiệm của chính tác giả. Như là phần thứ hai của Steal Like An Artist, sau khi học cách sáng tạo, ta sẽ học cách mang sự sáng tạo đó đi khắp nơi.
Mình thích nhan đề gốc của cuốn này hơn :3
Mình thích nhan đề gốc của cuốn này hơn :3

Đôi nét về tác giả

Austin Kleon, anh là nhà văn và nghệ sĩ sống tại Austin, Texas, tác giả quyển “kinh thánh” của giới sáng tạo - Steal Like An Artist, cũng đồng thời là diễn giả về chủ đề sáng tạo trong thời đại kỹ thuật số cho Pixar, Google, SXSW, TEDx và The Economist. Tờ The Atlantic gọi anh là “một trong những người thú vị nhất trên Internet”.
Với Steal Like An Artist, Austin Kleon đã cho độc giả thấy sự thật về sáng tạo, rằng “Mọi tác phẩm sáng tạo đều được tạo nên từ những gì đã có trước đó. Mọi ý tưởng mới chỉ là bản phối lại hoặc pha trộn của một hay hai ý tưởng trước đó” và cách để ta “đánh cắp” ý tưởng từ xung quanh, từ con người cho đến vũ trụ. Còn với “Nghệ thật PR bản thân” thì anh lại chỉ ra cái cách để mang những tác phẩm nghệ thuật, những thành tựu đạt được đến với công chúng và để họ sao chép ý tưởng đó. Bởi nếu bạn không lên tiếng, không ai biết bạn là ai cả, dù bạn có tài giỏi đến mức nào đi chăng nữa. Như một câu tôi từng nghe “Nói được thì phải làm được, làm được cũng phải nói được”.
Austin Kleon
Austin Kleon

Về cuốn sách

Steve Martin từng nói: “Hãy làm tốt đến mức họ không thể phớt lờ bạn”. Đúng, bạn nên cố gắng làm mọi thứ thật tốt, mọi người sẽ tự tìm đến, nhưng nhiêu đó liệu đã đủ? Để được tìm thấy, bạn phải nằm trong vùng “tìm kiếm được”. Như vậy có nghĩa là: vấn đề của bạn không chỉ là làm thật tốt chuyên môn của mình mà còn cần phải tìm cách nói cho người khác biết bạn tốt như thế nào. Và thay vì phí thời gian tạo một mạng lưới quan hệ và kể lể về công việc của bạn thì hãy tận dụng Internet, chia sẻ kiến thức, ý tưởng, quan điểm của bạn và những gì bạn làm giỏi nhất, có thể qua Blog, Facebook, YouTube hoặc chính “Động Nhện” của chúng ta, chắc chắn sẽ có người nhìn thấy chúng và chắc chắn sẽ có người thích những “chia sẻ” đó của bạn. Tôi gọi đó là xây dựng “Thương Hiệu Cá Nhân”, một thứ định danh bạn trên một môi trường mà chả ai biết ai là ai, một thứ sẽ cực kỳ hữu ích trong thời đại kỹ thuật số này. “Tất cả những gì bạn phải làm là bày sản phẩm ra”

Bạn không cần phải là một thiên tài

Hãy nhìn nhận sự sáng tạo một cách tích cực hơn, thay vì tin vào thuyết “thiên tài cá biệt”, hãy tạo dựng một “cộng đồng tài năng”, những ý tưởng vĩ đại thường được tạo ra bởi một nhóm người sáng tạo, như nghệ sĩ, quản lý, nhà tư tưởng, những người dẫn đầu trào lưu và phong cách mới - họ tạo ra một “hệ sinh thái tài năng”. Bạn không cần phải tài ba hay thông minh xuất chúng để trở thành một phần trong một cộng đồng, vấn đề là bạn đóng góp được gì, dù ít hay nhiều. Internet, với blog, mạng xã hội,... chính là các “cộng đồng tài năng”, nơi bạn dù là chuyên gia hay nghiệp dư đều có thể góp phần giúp đỡ nhau tiến bộ, và biết nhiều hơn về mọi người trong cộng đồng ấy.
Khi tham gia vào một “cộng đồng tài năng”, hãy luôn giữ tâm thế của một “kẻ nghiệp dư” - một kẻ không sợ bị đánh giá, một kẻ luôn sẵn sàng học hỏi, một kẻ nắm bắt cơ hội, thử nghiệm và một kẻ nhiệt huyết sẵn sàng theo đuổi công việc vì tình yêu mà chẳng màng thế sự. Bởi chỉ những kẻ như vậy mới nhìn thấy tiềm năng mà những chuyên gia chẳng dễ thấy. Vấn đề ở đây là giữ tâm thế của một người nghiệp dư sẽ luôn khuyến khích bạn sáng tạo, chia sẻ công việc của mình. Như Clay Shirky viết trong cuốn Cognitive Surplus: “Trong phạm vi của hoạt động sáng tạo, sự khác biệt giữa tầm thường và tốt là rất lớn. Tuy nhiên, tầm thường đến đâu thì nó vẫn nằm trong phạm vi đó, bạn có thể dịch chuyển từ tầm thường thành tốt theo thời gian. Khoảng cách giữa làm và không làm mới là khoảng cách thực sự”, đóng góp dù ít dù nhiều vẫn tốt hơn là không đóng góp gì cả. Đừng lo kiếm tiền hay tạo dựng sự nghiệp từ những cộng đồng này, hãy quên việc mình là chuyên gia và khoác chiếc áo “nghiệp dư” vào, chia sẻ những gì bạn thích và những người chung sở thích sẽ tìm đến bạn, như mảnh còn thiếu sẽ được lắp vào chỗ còn trống.
“Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng trong thời đại ngày nay, nếu sản phẩm của bạn không được đưa lên mạng thì coi như nó không tồn tại”, vấn đề không phải là những ý tưởng, kiến thức, sản phẩm đó có được quan tâm hay không, vấn đề là tồn tại hay không tồn tại. Vậy nên, nếu muốn người khác biết những gì bạn đang làm thì đừng ngần ngại chia sẻ.  

Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm

Từ xưa, khi công nghệ thông tin chưa ra đời và phát triển, cách duy nhất để người nghệ sĩ kết nối với khán giả là thông qua các buổi triển lãm, các bài báo và tạp chí nghệ thuật. Tất nhiên, vì sự hạn chế của các phương thức này mà việc tiếp cận khán giả cũng rất hạn chế, chỉ trong một vùng nhỏ và nhất định. Do đó mà một kiểu tư duy vẫn tồn tại đến ngày nay, “quá trình sáng tạo phải là bí mật”, nghệ sĩ phải làm việc vất vả trong bí mật, khóa kín tác phẩm của mình, chờ đến khi có một kiệt tác trước khi cố kết nối với khán giả, và những chi tiết riêng tư nhỏ nhặt trong quá trình đó rõ ràng không được quan tâm. Tuy nhiên, ngày nay với sự tiến bộ của Internet và mạng xã hội, người nghệ sĩ hoàn toàn có thể chia sẻ bất cứ thứ gì, ở bất cứ đâu mà chẳng hề tốn tiền. Bằng cách chia sẻ quá trình làm việc của bản thân mỗi ngày, về những gì mà mình thật sự quan tâm, chúng ta có thể tạo ra sợi dây liên kết đặc biệt với khán giả. Khi sẵn sàng dẹp cái tôi sang một bên để chia sẻ quá trình, chính điều đó giúp chúng ta bán được nhiều sản phẩm hơn. Thử tưởng tượng, một sản phẩm mà bạn biết hết về quy trình sản xuất, bạn biết người làm ra chúng là ai, thậm chí anh ta còn có một lượng người theo dõi kha khá và một sản phẩm trông có vẻ là đẹp hơn một chút nhưng tôi còn không chắc cái người thao thao bất tuyệt khuyên tôi nên mua đó có đúng đã làm ra nó không, thì liệu bạn sẽ chọn bên nào? Tôi thì chọn cái thứ nhất rồi, rõ ràng là có một sự đảm bảo và uy tín cao hơn.
Năm 2010, Chris Hadfield - chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc Tế, cùng gia đình ngồi quanh bàn ăn và nghĩ cách thu hút sự quan tâm của công chúng tới Cơ quan Vũ trụ Canada, bởi chương trình không gian này đang gặp khó khăn vì cắt giảm tài chính và cần sự quan tâm nhiều hơn. Năm tháng sau, từ một người vô danh, trong khi vẫn thực hiện mọi nghĩa vụ của một phi hành gia, thì hàng triệu người đã biết đến Hadfield với những dòng tweet và video trên YouTube của ông. Vậy ông đã làm cách nào để có được sự chú ý như vậy? Câu trả lời đơn giản chỉ là: làm mọi thứ như thường ngày vẫn làm trên trạm vũ trụ, nhưng được quay lại và đăng chúng lên Internet. Hadfield vừa đưa thông tin lên Twitter, vừa trả lời câu hỏi người theo dõi, đăng hình ảnh ông chụp về trái đất, thu nhạc, ghi hình cảnh đánh răng, cắt móng tay, ngủ, thậm chí bảo dưỡng trạm vũ trụ và khiến hàng triệu người “ngấu nghiến” xem chúng. Thực ra, không phải ai cũng là phi hành gia hay nghệ sĩ, nhưng dù nghề nghiệp, đam mê bạn theo đuổi có là gì, việc bạn làm tuy đời thường với bản thân nhưng vẫn mang tính nghệ thuật với người khác. Và ngoài kia luôn có những người quan tâm đến môn nghệ thuật đó, chỉ cần bạn biết cách giới thiệu cho họ thật đúng đắn. Không cần phải phô trương, hãy nhặt nhạnh từng việc nhỏ nhặt nhất, từng mảnh ghép trong khi làm việc và biến chúng thành thứ gì đó thú vị để chia sẻ. Hãy quay lại quá trình làm việc, ghi chép những ý tưởng vừa lóe lên, chụp thật nhiều ảnh, và dù có định chia sẻ chúng hay không thì sẽ đến lúc bạn sẽ cần đến chúng như một tài liệu tham khảo hay để đánh giá quá trình phát triển. Đến khi sẵn sàng để chia sẻ, sẽ có vô số tài liệu để lựa chọn.
Chris Hadfield
Chris Hadfield

Mỗi ngày chia sẻ một vài điều nho nhỏ

Thành công nào cũng phải đánh đổi bằng nhiều năm tháng cố gắng, điều đó là đúng, nhưng nếu tập chung vào một mục tiêu lâu như vậy không sớm thì muộn cũng sẽ khiến ta nản lòng. Tuy nhiên, bạn không cần phải làm như vậy, thay vào đó hãy chia nhỏ, tập trung vào từng ngày. Cuối ngày, sau khi hoàn thành công việc, hãy trở lại với tài liệu ghi chép, chọn ra một đoạn nhỏ để chia sẻ. Một thông điệp mỗi ngày còn tốt hơn một bản CV, bởi nó phản ánh đúng những gì chúng ta đang làm ở thời điểm hiện tại. Chẳng ai lại đi quan tâm một thứ được làm từ vài năm trước, mặc cho nó có tốt đến đâu, cái quan trọng là hiện tại bạn còn tốt như vậy không, tốt hơn hay kém đi? Các trang mạng xã hội là nơi tuyệt vời nhất để cập nhật thông tin hằng ngày. Nhưng hãy chú ý điều này, những thứ bạn chia sẻ không phải là nhật ký hằng ngày, bạn phải lựa chọn thật cẩn thận, bởi bất cứ thứ gì bạn đưa lên Internet đều công khai, ai cũng có thể tiếp cận và sao chép chúng. Vì thế, đừng đưa lên những thứ bạn chưa sẵn sàng để mọi người nhìn thấy. Nhà báo Lauren Cerand đã nói : “Hãy viết bài như thể tất cả người đọc nó đều có quyển sa thải bạn.” Hãy tự hỏi thứ bạn chia sẻ “có gì mà đặc biệt?”. Mỗi ngày một chút, rồi những thứ tưởng như nhỏ nhặt sẽ trở nên to lớn.
Và nếu chỉ học được một điều từ cuốn sách này, như tác giả đã đề cập, đó chính là: Hãy đăng ký một tên miền. Thuê dịch vụ web hosting và xây dựng một website, không cần quá đẹp, chỉ cần hoạt động tốt là được. Các trang mạng xã hội tuy có vẻ hiệu quả hơn, nhưng rõ ràng ta không thể biết nó sẽ tồn tại được đến bao giờ, và tất nhiên, ta khó có thể chủ động thay đổi theo ý mình. Hiển nhiên, bạn cũng có thể chia sẻ ở cả mạng xã hội lẫn trang Blog của bạn, nó cũng giúp thông tin được tiếp cận nhiều hơn.
“Hãy chọn một tên miền hay. Giữ cho tên miền sạch. Đừng thỏa hiệp. Đừng đặt áp lực phải kiếm một đống tiền hoặc thành công với nó. Chỉ cần làm tốt công việc của mình… và nếu bạn có thể tạo dựng một cái tên giá trị, thì cái tên đó sẽ chính là tiền bạc về sau” - William Burroughs.

Mở cửa căn phòng của những kỳ quan

Ở thế kỷ XVI, XVII tại châu Âu, nơi những gia đình giàu có sở hữu một Wunderkammern, tức là một “căn phòng kỳ diệu”, “căn phòng của những kỳ quan” ở trong nhà - nơi chứa đựng đủ thứ lạ lùng và quý hiếm, từ sách, xương động vật, trang sức, tranh ảnh,.. Chúng ta cũng có những bộ sưu tập quý giá của riêng mình, từ hữu hình như giá sách với tiểu thuyết, băng đĩa, mô hình đến vô hình như những suy nghĩ, ý tưởng , kinh nghiệm và ký ức trong tâm trí. Tất cả chúng ta đều mang bên mình những thứ kỳ diệu mà chúng ta gặp trong quá trình sống và làm việc. Vậy trước khi chia sẻ công việc của mình với thế giới, bạn có thể chia sẻ nguồn cảm hứng của mình, những thứ bạn đọc, loại nhạc bạn nghe, bộ phim nào bạn thích, bạn ngưỡng mộ ai? Hãy mạnh dạn chia sẻ, chỉ cần bạn thích nó và nó ảnh hướng tốt đến bạn, sợ cởi mở sẽ gắn kết những con người đồng điệu. “Tất cả những gì gây ảnh hưởng lên bạn đều đáng được chia sẻ, bởi chúng cho mọi người thấy bạn là ai và bạn làm gì - đôi khi nó còn nói lên nhiều điều hơn cả công việc”.
Và nếu chia sẻ tác phẩm của người khác, đừng quên ghi nguồn nhé! Đó không chỉ là một sự công nhận với tác giả mà còn tạo điều kiện cho khán giả tìm kiếm thêm. Đừng chia sẻ những thứ bạn không thể trích rõ nguồn. “Chia sẻ những thông tin có nguồn gốc, hoặc đừng chia sẻ”.
Wunderkammern - Căn phòng của những kỳ quan
Wunderkammern - Căn phòng của những kỳ quan

Kể những câu chuyện hay

Hãy nhớ một điều “tác phẩm không thể tự lên tiếng”. Con người luôn có bản tính tò mò về mọi thứ, thứ đó được làm ra thế nào?, ai làm ra nó?, câu chuyện đằng sau là gì? Câu chuyện bạn kể về tác phẩm của mình sẽ ảnh hướng đến cảm nhận của mọi người về giá trị của nó. Đó là lý do hai bức tranh dù có giống nhau đến đâu nhưng một bức là tác phẩm của một nghệ sĩ người Hà Lan từ thế kỉ XVII thì đắt giá hơn một bức tương tự thế nhưng được chép lại bởi sinh viên nghệ thuật. Bạn vốn không thể nhìn rõ giá trị của hai tác phẩm này, trừ khi nghe được câu chuyện đằng sau đó. Vậy đó, bạn cần phải biết cách kể một câu chuyện tài tình, thu hút. Mọi người đều thích những câu chuyện hay, nhưng để kể chuyện hay thì không phải ai cũng làm được. Vì thế hãy chăm chỉ đọc những câu chuyện tuyệt vời và tự tìm cho mình một câu chuyện tuyệt vời. Càng kể nhiều, chuyện của bạn càng thú vị.
‘Con mèo ngồi trên thảm’ không phải là một câu chuyện. ‘Con mèo ngồi trên thảm của con chó’ mới là câu chuyện.”
Tiểu thuyết gia John le Carré
Khi kể câu chuyện về bản thân, hãy tỏ ra khôn ngoan, đừng khoe mẽ. Nếu là sinh viên hãy nói mình là sinh viên, nếu làm văn phòng hãy nói mình làm văn phòng và nếu thất nghiệp hãy cứ nói mình chưa tìm được việc làm và bày tỏ mong muốn có một công việc như thế nào. Tất cả những gì bạn cần là nói lên sự thật.

Dạy những gì bạn biết

Nếu bạn giỏi một thứ gì đó, hãy chia sẻ, hãy dạy mọi người. Việc chia sẻ không làm giảm giá trị sản phẩm của bạn mà trái lại còn tăng thêm giá trị cho nó. Mọi người thấy gần gũi với công việc của bạn hơn vì bạn chia sẻ cho họ những gì bạn biết. Đó có thể là video bạn hướng dẫn trồng cây, nướng thịt, vẽ trên YouTube hay những gợi ý về cách tự học trên Blog cá nhân của bạn. Ở đâu cũng được, miễn là bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ, dạy ai điều gì đó. Và cùng với việc chỉ dạy miễn phí đó, bạn cũng đang được học miễn phí, vì biết đâu có những lỗi sai mà bạn thường mắc phải nhưng không nhận ra, trong khi người xem những video của bạn lại nhận thấy và nói cho bạn để bạn sửa. Đó chẳng phải là sự hai chiều của việc dạy và học sao.  

Đừng biến mình thành cỗ máy spam

Khi tham gia một “cộng đồng tài năng” đừng chỉ chăm chăm chia sẻ quan điểm, ý tưởng của mình mà còn phải quan sát, đọc, nghe, học hỏi từ những chia sẻ của người khác. Bởi những sản phẩm tốt không được tạo ra một cách tách biệt với thế giới, trải nghiệm nghệ thuật luôn là con đường hai chiều, nó sẽ không đầy đủ nếu không có ý kiến phản hồi của khán giả. Bạn nên là người kết nối, muốn nhận được thì bạn phải cho đi, nếu muốn được chú ý thì cũng phải để ý. “Hãy im lặng và lắng nghe. Chín chắn. Thận trọng.”
Khi bạn sẵn sàng công khai về bản thân và công việc, như một lẽ tự nhiên, bạn sẽ gặp được những người cùng lĩnh vực. Những người ngang hàng với bạn, những người cùng đam mê, sở thích và sứ mệnh, cùng nhau chia sẻ những điểm chung. Người như thế không nhiều, và những thứ hiếm thấy thì luôn có giá trị cao và cần trân trọng. Vậy nên, đừng quên nuôi dưỡng những mối quan hệ đó, giữ họ bên cạnh bạn, càng gần càng tốt. Và nếu được, hãy trở thành những người bạn ngoài đời thực, không gì có thể thay thế sự tương tác trực tiếp cả. Những “thỏi nam châm” sẽ hút lẫn nhau ở nơi mà chúng bị hấp dẫn.

Học cách chịu đòn

“Đừng bận lòng vì nhận xét của MỌI NGƯỜI, chỉ cần quan tâm đến nhận xét của NGƯỜI ĐÁNG QUAN TÂM là được”
Brian Michael Bendis, tác giả truyện tranh
Đưa sản phẩm của mình ra trước cả thế giới tức là bạn phải luôn đối mặt với mọi sự tốt xấu. Càng nhiều người nhìn thấy sản phẩm của bạn, càng nhiều lời chỉ trích. Vốn trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo cả, có người thích sẽ có người chê, bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người được, vậy nên đừng quá bận tâm. Bạn nên nghe chỉ trích để biết mình sai ở đâu mà sửa nhưng đồng thời cũng không nên nghe quá nhiều và cũng đừng quá bận tâm. Và nếu cần thiết, hãy cứ block những người không thật sự giúp ích gì cho bạn, xóa những bình luận ác ý và thô tục đi. Bạn biết đấy, không phải kẻ nào cũng tốt đẹp mà sẵn lòng ngồi phân tích, chỉ ra cái sai, cách cải thiện và muốn bạn tốt hơn đâu, đôi khi họ chỉ muốn phán xét và thể hiện cái “tôi” của họ mà thôi.

Bán rẻ nghệ thuật

Hãy từ bỏ suy nghĩ đồng tiền làm hỏng khả năng sáng tạo đi. Michelangelo vẽ tác phẩm Trần nhà nguyện Sistine vì Giáo hoàng trả tiền để ông làm điều đó. Mario Puzo thì viết ra tuyệt tác Bố Già để kiếm tiền khi đang 45 tuổi với khoản nợ với ngân hàng, họ hàng và bọn cho vay nặng lãi. Không biết từ khi nào mà từ “bán rẻ nghệ thuật” lại được thốt ra khi người nghệ sĩ kiếm được tiền từ tác phẩm của họ. Ai cũng cần tiền để sống, và nghệ sĩ cũng vậy, nên đừng ngần ngại tận dụng tài năng của bạn để kiếm ra tiền, những người chỉ trích bạn đâu có trả tiền để bạn sống đâu cơ chứ.
 “Chúng tôi không làm phim để kiếm tiền, chúng tôi kiếm tiền để làm nhiều phim hơn nữa.” - Walt Disney
Walt Disney
Trần nhà nguyện Sistine - Bức tranh tường 500 tuổi
Trần nhà nguyện Sistine - Bức tranh tường 500 tuổi

Đừng bỏ cuộc

“Điểm yếu lớn nhất của chúng ta nằm ở việc bỏ cuộc. Cách chắc chắn nhất để thành công là luôn luôn thử thêm một lần nữa.”
Thomas Edison
Kẻ có được những gì mình muốn không phải kẻ chưa từng thất bại, mà là kẻ đã thất bại nhiều lần những vẫn dám đứng dậy cố gắng tiếp, điều quan trọng là không được bỏ cuộc sớm. “Đường dài mới biết ngựa hay”, phải chơi tới tận phút cuối ta mới biết được mình thắng hay thua, bỏ cuộc giữa chừng thì chắc chắn là thua rồi.
“Nếu bạn nhìn vào các nghệ sĩ đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp, bạn sẽ thấy họ có một điểm chung: Tất cả đều rất kiên trì, dù thành công hay thất bại. Mỗi năm, đạo diễn Woody Allen sản xuất trung bình một phim trong suốt hơn 40 năm sự nghiệp. Ngay khi kết thúc việc biên tập một bộ phim cũng là lúc ông bắt đầu viết kịch bản cho bộ phim mới. Bob Pollard, ca sĩ chính kiêm nhạc sĩ của ban nhạc Guided by Voices, nói rằng anh chẳng bao giờ cạn ý tưởng khi viết, bởi anh không bao giờ ngừng viết. Nhà văn Ernest Hemingway thường dừng lại ở giữa câu khi một ngày làm việc kết thúc, để sáng hôm sau ông biết phải bắt đầu từ chỗ nào...” Tác giả Austin Kleon gọi đây là phương pháp làm việc “hút thuốc liên tục”, khi để mồi lửa từ điếu thuốc này lan sang điếu thuốc khác và tiếp tục hút. Bạn thấy đấy, những con người này không bao giờ đứng yên để bị mất đà làm việc. Thay vì nghỉ ngơi và tận hưởng thành quả, họ liên tục, liên tục làm việc, thay đổi dự án, dùng cái kết của dự án này để nhen nhóm cho dự án kia.
Tuy nhiên, không phải lúc nào lửa cũng cháy và bạn sẽ phải đứng dậy mà tìm bật lửa. Đó là các đợt nghỉ phép hoặc tự tìm ra các khoảng nghỉ. Đôi khi bạn cũng cần xả hơi và để bản thân lạc trôi đi đâu đó, hay đơn giản là đi bộ, thiền, tập yoga, đọc sách, trồng cây, bất cứ thứ gì khiến bạn thoải mái. Và bạn biết điều gì không, theo khảo sát do Chambers và công ty sản xuất giấy vệ sinh thân thiện môi trường Who Gives A Crap thực hiện, 27% trong số hơn 2.000 người được hỏi, tìm thấy ý tưởng sáng tạo không phải trên bàn làm việc mà là khi họ đang ở trong nhà tắm, nhà vệ sinh. Trong số này, hơn một nửa thừa nhận ý tưởng đến với họ trong lúc đang ngồi trên bồn cầu, theo báo Lancashire Telegraph.

Lời kết

Phía trên là toàn bộ 10 điều mình tổng hợp lại qua cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân” của Austin Kleon dành cho những người làm sáng tạo hay bất cứ ai muốn chia sẻ ý tưởng và được mọi người chú ý. Mình tin rằng mỗi điều trong cuốn sách sẽ để lại cho bạn, những người đã, đang và sẽ đọc cuốn sách này một chút kiến thức, một chút động lực nào đó, và nếu không thì cũng chẳng sao cả. Như lời khuyên (có thể đúng với người này nhưng không đúng cho người khác) của Austin “Một số lời khuyên có thể không mang mục đích tích cực. Cứ tự nhiên sử dụng những gì có thể và bỏ qua những thứ còn lại. Ở đây chẳng có quy luật nào hết”.
Và lời cuối, nếu được, hay mua cuốn sách này, đọc nó và “ Hãy giở lại chương 1! - và trở thành kẻ nghiệp dư. Tìm kiếm thứ gì mới để học, và khi tìm thấy, hãy dốc sức học hỏi trước sự quan sát của mọi người. Ghi lại tiến trình của bạn và chia sẻ nó để người khác có thể cùng học. Công khai sản phẩm của mình, và khi những người bạn chờ đợi xuất hiện, hãy chú ý đến họ, bởi họ có rất nhiều thứ để cho bạn xem".