Mũ Full-face chỉ dành cho mấy thằng hay ra vẻ thôi!
Câu này không phải của mình, chắc chắn, chắc chắn không phải của mình!!!
“Đội mũ xịn như này chắc phải đi con mô tô nào đắt tiền lắm nhỉ?”
Nah, mình vẫn cưỡi em Wave 7 năm tuổi nè bạn ơi.
Đây là câu hỏi mà mình nhận được rất nhiều từ khi mình bắt đầu đội mũ fullface - aka phun phây, mũ của các báo thủ, mũ chỉ dành cho mấy anh PKL - để đi làm. Hình ảnh 1 anh thanh niên đù đù đi tới với combo đen thùi lùi từ trên xuống với cái đầu bự chảng bằng nhựa Polyme, hoặc dù tay xách nách mang vẫn thấy anh trai ôm theo cô vợ màu đen bóng nặng 2kg của mình. Từ đó mình luôn bị “nhận ra” dù đi bất cứ đâu với cái phong cách ấy, và mọi người sẽ hỏi mình “ê sao tao thấy mày hôm qua đang chở em nào ở dưới cầu vượt Hàng Xanh á, phải mày đội cái mũ đen đen bự bự không?”
Phải làm rõ rằng mình không có thành kiến gì về việc mọi người đội mũ nửa đầu cả, chúng ta được quyền làm những gì mà luật pháp không cấm, và đội mũ bảo hiểm nửa đầu (hall-face) đã được xem là hợp quy định từ năm 2008. Tuy nhiên mình rất bài xích - thật ra là ghê tởm - mấy cái mũ nửa đầu có cái vỏ hay mút xốp mỏng le mỏng lét. Và thực ra mình chỉ mới bắt đầu đội mũ fullface được 1 năm nay, nên nếu mình chê ai đội mũ nửa đầu thì chắc chắn là mình tiêu chuẩn kép. Vì vậy bài viết này chỉ thể hiện quan điểm vì sao chúng ta ai cũng nên đội mũ chất lượng tốt một tí, ít nhất là mũ 3/4, còn full-face được thì quá là tốt.
Tình hình tai nạn giao thông
Đầu năm 2024 Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó 6 tháng đầu năm nước ta đã có hơn 12.350 vụ, thiệt hại hơn 5.343 sinh mạng và khiến hơn 9.552 người bị ảnh hưởng [1].
Tuy nhiên đáng chú ý nhất là tai nạn xe máy trong các vụ tai nạn giao thông lại chiếm tận 60% [2]. Tính đến tháng 9 năm nay đã có hơn 77 triệu xe máy đã đăng ký giấy phép, đưa Việt Nam là một trong các quốc gia có lượng xe máy lưu thông nhiều nhất thế giới [3].
“Bạn chạy nhanh, bạn tạt đầu người khác, bạn tự hào, bạn sướng, nhưng nếu bạn tông phải người khác. Bạn cho rằng đó là "rủi ro", là "xui thôi!", là vì "số trời đâu ai biết trước được”. Bạn làm vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con, xã hội mất đi một người lương thiện. Cái giá để đổi lấy một ít dopamine khi lái xe NHẸ NHÀNG quá bạn nhỉ?”
Vì vậy, không khó hiểu khi ngay từ năm 2008 Việt Nam đã quy định bắt buộc người sử dụng xe mô tô và xe gắn máy phải sử dụng mũ bảo hiểm [4]. Tuy nhiên vào lúc đó và đến tận bây giờ mũ bảo hiểm nửa đầu lại được xem là đạt chuẩn an toàn và kể từ đó trở đi mũ bảo hiểm nửa đầu được xem là hợp lệ khi tham gia giao thông.
“Đạt chuẩn an toàn” nhưng có thật sự “an toàn”?
Tuy không thể tìm thấy số liệu thống kê các vụ vi phạm tốc độ lái xe, nhưng bằng kinh nghiệm của bản thân chúng ta có thể thấy rõ ràng là các trường hợp xử phạt vì chạy quá tốc độ rất thường xuyên xảy ra, vậy giới hạn thực sự cho xe máy là bao nhiêu?
Để phân biệt rõ xe mô tô và xe gắn máy thì quy định VN đã quy định như sau:
“Xe mô tô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên, trọng tải bản thân xe không quá 400 kg.
Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3” [6].
Chạy với tốc độ 10 - 30km/h thì mũ nửa đầu may ra mới phát huy khả năng bảo vệ, còn với tốc độ từ 50 -70km/h, hoặc bị xe với tốc độ như vậy va chạm thì liệu mũ nửa đầu có thật sự bảo vệ được đầu của chúng ta hay không?
Mình nghĩ là không.
Có thể thấy dựa vào kết quả thống kê thì vùng hàm 2 bên là nơi chịu va chạm cao nhất xảy ra TNGT (19,4% và 15,2%), theo sau là vùng tai và sau gáy(12,5% và 12,2%); trong khi vùng đỉnh đầu - nơi duy nhất mũ nửa đầu có thể bảo vệ - lại chịu rất ít. Do vậy Mình thật sự rất nghi ngờ về độ an toàn của mũ nửa đầu.
Tư duy quy nạp - khi chỉ 1 khoảnh khắc có thể làm sụp đổ mọi thứ
“Đội ba cái mũ đó làm đ*o gì? Tao chạy xe cả chục năm nay có sao đâu! Luật mà không bắt buộc thì tao còn không thèm đội mũ ra đường ấy chứ!”
“Lo gì! Tao chạy xe mấy chục năm nay chưa bao giờ tao té xe. Tao chạy an toàn lắm nên không cần đội ba cái mũ nặng nề ấy đâu.”
2 câu trên là ví dụ điển hình cho lỗi Tư duy quy nạp (Induction) được Rolf Dobelli - tác giả cuốn sách “Nghệ thuật tư duy rành mạch” - The art of thinking clearly giải thích rất rõ ràng trong cuốn sách của mình. Ông cho rằng việc áp dụng tư duy quy nạp vào tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống là quá nguy hiểm; “Tư duy quy nạp - xu hướng kết luận chắc nịch từ những quan sát riêng lẻ” như ông đã nêu.
Giờ hãy lấy ví dụ về việc chúng ta lái xe hàng ngày. Thông qua kinh nghiệm rất nhiều năm lái xe, chúng ta tin rằng mình sẽ luôn an toàn vì “từ trước đến giờ tao có bị té, tông xe bao giờ đâu. Yên tâm đi tao chạy an toàn lắm” hay là “Mày yên tâm tao chưa bao giờ bị người khác tông cả, tao có quý nhân phù trợ mà!” và bùm! chỉ một khoảnh khắc, một khoảnh khắc bạn lơ là thôi, bạn tông người khác hoặc bị người khác tông phải. Mọi dẫn chứng bao năm của bạn sụp đổ, và rất có thể bạn phải trả giá cho niềm tin của mình bằng cái chết.
“Nói như mày thì sao mày không mặc m* nó “phun” giáp từ trên xuống để đi từ ngõ ra chợ mua bó rau rồi quay về đi, rủi ro đâu có phụ thuộc vào việc mày chạy gần hay xa? Mày gọi đó là lỗi tư duy quy nạp mà?"
Thanh niên quạ đã nói với mình như vậy khi mình viết những dòng này. Phải thừa nhận rằng hiện tại mặc dù mình rất thích đi “phượt” nhưng mình vẫn chưa mặc giáp bảo vệ cơ thể.
Tuy nhiên…
.
.
.
Nếu không thể biết khi nào mình sẽ té, vậy hãy lo tới việc bảo vệ bản thân trước
Trong cuốn sách Chủ nghĩa khắc kỷ của William B. Irvine có đề cập đến 1 kĩ thuật tư duy mang tên “tam phân quyền kiểm soát”. Kỹ thuật này nói về việc người thực hành chủ nghĩa khắc kỷ nên phân biệt rõ ràng những gì họ không thể kiểm soát, có thể kiểm soát hoàn toàn và chỉ kiểm soát được 1 phần. Nếu áp dụng ở trường hợp này thì chúng ta có thể thấy ta hoàn toàn không thể kiểm soát được việc người khác có mất lái, có chạy ẩu mà tông vào mình hay không. Tuy nhiên, chúng ta lại có thể hoàn toàn làm chủ việc mình có bảo vệ bản thân bằng những phụ kiện tốt nhất hay không.
Vì vậy đừng để đến lúc xảy ra tai nạn rồi mới thốt lên rằng “đ* m* ước gì lúc đấy tao bỏ ra mấy triệu để mua cái full-face!”
Vậy ngoài an toàn ra thì mũ full-face còn những lợi ích nào khác khi không?
Tất nhiên là có!
Kính và Pinlock - Phụ kiện không thể thiếu
1 trong những nguyên nhân khiến mình quyết định đội mũ fullface dù đi xa hay gần là chiếc kính. Nó tiện lợi ở việc được gắn sẵn trên mũ, mình không cần phải đi tìm cái kính mình để đâu khi chuẩn bị ra đường nữa.
Ngoài ra nó còn bảo vệ cho đôi mắt của mình rất tốt nữa. Tia UV và ánh nắng trực tiếp rất có hại cho mắt, nó làm cản trở tầm nhìn khi ta tham gia giao thông. Và mắt là 1 trong những giác quan và bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể, chỉ cần 1 con bọ hay 1 hạt cát bay vào mắt thôi là rất nguy hiểm. Có 1 lần mình buộc phải đội mũ không có kính và bùm! 1 con bọ đập vào mắt và nó khiến mình đau mắt suốt 1 tuần.
Tiếp theo là khả năng “phóng” trong mưa. Với 1 chiếc mũ được hoàn thiện tốt thì trong những hôm trời mưa lớn bạn vẫn có thể nhìn thấy đường vì mắt không bị dính nước, người khác cứ chạy chậm còn bạn thì cứ chạy bon bon trên đường thôi. Tuy nhiên để tránh tình trạng kính bị đọng sương bên trong do hơi thở thì chúng ta nên trang bị thêm pinlock - 1 phụ kiện chống đọng sương rất tốt.
Hỗ trợ việc trị mụn, giảm mụn
Theo tìm hiểu của bản thân mình thì cấu tạo của da mặt con người gồm 3 thành phần là Sebaceous gland (tuyến bã nhờn) , Follide (nang tóc) và Arrector pili muscles.
Tuyến bã nhờn có chức năng tiết ra bã nhờn để giữ ẩm và bảo vệ cho da.
Trong quá trình da tiết ra bã nhờn (sebum) để giữ ẩm, các lỗ nang (pore) trên da có thể bị bịt kín do các tế bào chết hoặc bụi bẩn, từ đó tích tụ bã nhờn trên da. Bã nhờn bị tích tụ trong tình trạng quá lâu sẽ làm sinh sôi vi khuẩn (bacteria), từ đó gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Lúc này các hồng cầu sẽ được vận chuyển tới để tiêu diệt vi khuẩn, từ đó sinh ra mụn mủ (pustule), và mụn mủ kéo dài sẽ phát triển thành mụn u nang.
Từ đó có thể thấy một chiếc fullface chất lượng có thể giúp cản được lượng bụi đáng kể, từ đó hỗ trợ rất tốt trong việc giảm và trị mụn.
Tài liệu tham khảo
[7] Azzato, F., Díaz, C., & Café, E. (2022). Motorcycles in Latin America: Current and Recommended Best Practices for the Protection of its Users.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất