Mình thường ít khi dùng từ chia tay, vì với mình nó nghe khá là tiêu cực, thay vào đó mình dùng từ mà tụi nhỏ hay dùng là "nghỉ chơi". Chỉ là khác nhau ở chỗ, tụi nhỏ buổi sáng nói nghỉ chơi buổi chiều thì đã hoà nhau, còn người lớn tụi mình khi đã nghỉ chơi, thì hiếm khi làm bạn lại được.
Tất cả những dòng dưới đây được viết nên từ kinh nghiệm của chính bản thân mình, không liên quan nghiên cứu học thuật gì hết, chỉ hy vọng nó là một "case study" để lúc nào đó giúp bạn vượt qua được những phiền muộn trong cuộc sống.
Mình của năm 25 tuổi đã nhắn tin cho người yêu 9 năm của nhỏ bạn thân để trách móc khi biết là bạn đó chia tay bạn mình. Dù không dùng những lời lẽ khó nghe nhưng mình của khi đó chưa đủ trải nghiệm để nhận ra rằng yêu và chia tay là việc cá nhân của người ta, mình không nên can dự, dù mình có yêu thương bạn mình đến mấy.
Cũng là mình năm 26 tuổi chia tay mối tình đầu 7 năm, mình và bạn ấy trải qua những dằn vặt, đau khổ và cuối cùng đi đến quyết định "nghỉ chơi".
Mình khi đó chỉ chia sẻ với gia đình và 2 người đồng nghiệp (nhưng sau đó họ truyền tai nhau), mọi người tỏ ra tội nghiệp, thương cảm cho mình. Những câu như: 7 năm thanh xuân của người con gái, rồi em sẽ gặp người tốt hơn, giờ em phải cố gắng sống cho tốt, phải xinh đẹp, phải chứng minh cho họ thấy các thứ abc... Tất cả họ đều yêu thương và quan tâm mình, nhưng những điều đó vô tình biến mình thành nạn nhân của việc chia tay, mình bế tắc, trách số phận mình không tốt, trách luôn cả bạn đó.
Một tháng sống trong trầm uất thì mình quyết định chia sẻ chuyện của mình với một anh lớn hơn, anh cũng có thời gian quan sát và tiếp xúc với cả hai đứa mình. Anh phân tích vấn đề, không phán xét, anh kể mình nghe những trải nghiệm của riêng anh về những lần chia tay, rằng người trong cuộc không ai là mà không đau khi họ đã dành ngần đó thời gian bên mình. Anh nói chia tay cũng là cơ hội để em nhìn nhận lại bản thân mình và trưởng thành hơn. Sau cuộc nói chuyện đó, mình như được thấy ánh sáng trở lại sau những ngày u tối.
Một chị đồng nghiệp khác khi biết chuyện thì rủ mình đi cafe, đi ăn, leo núi. Chị ngồi đó nhìn mình khóc, lắng nghe mình. Nhờ chị mà mình biết đến thầy Thích Nhất Hạnh, mình đọc sách và nghe bài giảng của thầy và bắt đầu có ý niệm về vô thường. Mình thấy lòng mình bình an hơn.
Mình của năm đó chợt nhận ra, để một mối quan hệ 7 năm đi đến kết thúc như vậy thì đúng là thất bại, nhưng đó là thất bại và sai lầm của cả hai. Tụi mình cũng đã cố gắng quay lại với nhau, nhưng vết thương khi đó quá lớn để tụi mình có thể bắt đầu lại.
Chia tay mình đau khổ bao nhiêu, thì bạn đó cũng đau khổ bấy nhiêu. Mình dành bao nhiêu năm thanh xuân để yêu, thì bạn đó cũng dành từng đó thời gian yêu mình. Mình sống tốt, yêu bản thân là vì mình chứ không phải để chứng minh cho bạn đó thấy, hoặc cho bạn đó hối hận.
Mình của sau đó dù vẫn còn buồn, nhưng không còn thấy mình là nạn nhân. Mình đã có một tình yêu đẹp, bạn ấy là người tốt và hai đứa mình không còn vướng bận hay hờn giận gì nhau. Dù thật lòng mình vẫn còn quan tâm tới bạn đó theo kiểu thương, nhưng mình không còn yêu nữa.
Mình của bây giờ bình yên, yêu đời, yêu bản thân, biết chấp nhận những điều không hoàn hảo.
Tóm lại mình hy vọng mọi người có cái nhìn ít tiêu cực hơn về việc chia tay. Đừng biến những người trong cuộc trở thành nạn nhân vì họ dễ chết chìm trong mớ suy nghĩ tiêu cực đó. Nếu họ chọn bạn làm người để tâm sự, hãy lắng nghe họ và thể hiện sự đồng cảm chứ đừng phán xét, cho họ bờ vai tựa vào nếu họ muốn. Hãy rủ họ đi chơi, cafe... Còn nếu bạn là người trong cuộc, mình hy vọng bạn xem việc chia tay như một hành trình lớn lên của mình, dành thời gian cho bản thân, lắng nghe cảm xúc chính mình, làm những gì bạn thích và học cách tha thứ.
Chia tay là kết thúc một trang cũ, nhưng bạn sẽ có cơ hội để viết một trang mới với một phiên bản tốt hơn dựa trên những kinh nghiệm đã qua.