Những ngày đầu kiếm cơm của tôi, một "nhân viên loại một"
Vừa ngu, vừa lười, vừa không có gia đình giúp đỡ thì kiếm cơm kiểu gì nhỉ?
Hôm nay là là sáng Chủ Nhật, chán quá không có gì làm nên viết vài dòng nhảm nhí về những ngày đầu đi làm của tôi, một nhân viên loại một, vừa ngu và vừa lười. Cái loại mà ai cũng ghét ấy.
Theo tôi nhớ không lầm thì mình bắt đầu hành tình kiếm cơm bỏ bụng từ đâu đó năm 2016, thời tôi mới học xong cao đẳng. Thời đó đáng lẻ phải ôn thi liên thông đại học nhưng vì nhà khó khăn quá nên tôi quyết định tự ôn. Không rõ tự ôn kiểu gì mà dần dần tôi đâm ra chả thèm ôn nửa mà thay vào đó làm đi kiếm việc làm luôn dù học dốt đặc và chẳng có tí kiến thức nào (nhân viên loại một mà đòi kiến thức thì đúng là hơi khó). Thời đó tôi hay kiếm việc trên vieclam24h, sở dĩ kiếm việc trên đó vì người ta thường sẽ để sẵn mức lương. Nên cứ canh đâu đó cỡ chừng năm triệu là nộp đơn, vì tôi đồ rằng lương thấp thì dễ vào. Nhưng tính ra cũng chẳng dễ cho lắm. Mà tôi lại lan man quá mà quên giới thiệu về gia cảnh hoành tráng của mình năm đó rồi. Năm đó tôi hai mươi mốt tuổi hơn, đi lại trong Sài Gòn bằng xe đạp, khúc nào xa quá thì đi xe buýt. Tôi chẳng có một đôi giày mà toàn là dép, đến mức cái hôm làm lễ tốt nghiệp còn phải xin tiền nhà mua một đôi giày da ở chợ và cha tôi đi lên dự xong đi xe khách về mà không kịp ăn lấy một bửa cơm bụi nào. Nói thế thì cũng thấy cái mức độ hoành tráng của nhà tôi khi đó, cơm ăn còn không có, quan hệ còn không kiếm ra nổi một mối. Nhưng cũng may, nhờ thế đỡ lo nghĩ khi chọn ở nhà đất hay chung cư khi ngửa tay ra xin tiền mua nhà xong rồi giẫy đành đạch khi tranh cãi với gia đình. Hoặc là đỡ phải nhăn nhó khi mà được gia đình xin xỏ cho một chân thân tình nào đó. Tôi thấy may mắn vì rằng tôi là thằng vừa lười và vừa ngu. Lười nên sẽ rãnh để tranh cãi với gia đình, ngu nên nếu cãi sẽ thua. Mà lỡ thua, lỡ ngữa tay cầm tiền, nhắm mắt đi làm chổ "nhờ", chổ "cậy" còn khóc lóc ỉ oi thì nhục mặt lắm. Nên chung quy là may phước.
Sau một thời gian xin xỏ thì như một lẻ tự nhiên, tôi rớt sạch vì... Đúng rồi, vì dốt! Ai mà lại nhận một thằng vừa lười, vừa dốt vừa thiếu chuyên môn chứ. Khi đi phỏng vấn mới lộ ra rằng tôi ngu hơn cái mức mà tôi vẫn nghĩ nhiều, kiến thức lủng tan nát. Định rủa thầm mấy lão giảng viên khi mà lúc xưa dạy "các em học phần chính được rồi, mấy phần kia đi làm có người làm cho các em". Nhưng nghĩ lại, học phí thì có hơn hai triệu một học kì, cũng toàn tiền nhà đóng cho thôi mà còn nhăn mặt, ỏng eo thì một lần nửa... nhục lắm, ngu với lười nhưng cũng có cái tự tôn chứ không phải cứ la làng, kêu đường, khóc chợ cho thiên hạ chê cười. Tóm lại là khá khó khăn, lúc đó tôi còn nói láo với nhà mình rằng tôi đang thi liên thông kìa. Xong rồi tôi may phước được nhận vào làm thực tập ở một công ty gần sân bay. Tòa nhà nhìn "đã" lắm, có thang máy, phòng ốc sạch sẽ và ai cũng đang làm việc. Nhìn cái không gian đó mà tôi thích vô cùng. Đã vậy còn gần nhà nửa chứ, lười như tôi mà gặp mấy chổ này thích lắm. Tôi nhớ không lầm thì công ty đó nằm đâu đó ở đường Bạch Đằng và nhà tôi ở Dương Bá Trạc. Nhìn trên bản đồ thì đâu đó có phân nửa cái gang tay, độ chừng hơn mười ba cây số. Thế là sáng sáng hơn sáu giờ tôi lại đạp xe đi làm và sáu giờ chiều đạp xe về. Tính ra cùng nhàn hạ. Nhưng công việc thì không nhàn hạ tí nào, tôi gặp khó khăn khi cài đặt môi trường làm việc trên máy tính từ ngôn ngữ lập trình, máy chủ ảo cho đến hệ điều hành. Bù lại mọi người từ đồng nghiệp cho đến anh trưởng nhóm điều hết sức dễ thương. Tôi được học nhiều dù rằng vẫn bị đánh giá là còn "yếu quá". Nhưng tôi không buồn lắm, một thằng sinh viên dốt thì được đánh giá yếu cũng là điều hiển nhiên. Tôi tự hiểu mình tới đâu và không ôm mộng "ông này, bà kia", "chọc trời khoáy nước" như những người giỏi giang và đầy hoài bão vẫn thường hướng tới. Tôi thì chỉ là kẻ thất bại, yếu kém nên chỉ mong kiếm cơm là ngon rồi, đâu dám làm này, làm nọ. Nhưng cái mộng kiếm cơm đó cũng không tới đâu khi mà tôi bị một biến cố ở dưới quê, một biến cố có thể kéo chậm lại con đường kiếm cơm của tôi đi vài năm. May phước là tôi vẫn ổn nhưng vì quá lo lắng mà tôi đành xin dừng việc thực tập lại. Tôi nhớ câu nói cuối cùng anh trưởng nhóm gửi cho tôi trên Skype đó là "chúc em thành công nha".
Sau cú đó, tôi nghe nhà mình chửi một mớ vì tình trạng thất nghiệp không hồi kết và thi rớt liên thông. Nhà tôi còn tiếc vì không cho tôi đi làm công nhân lương cao ngất hay là đi tu nghiệp xứ Phù Tang như bao lớp trai hùng đã và đang đi đầy lấp lánh. Nhục quá nên tôi bỏ lên Sài Gòn tiếp để đi xin việc và cố lấy tí tự trọng còn lại ra để xin gia đình vài triệu nhằm đăng ký học một số khóa học để nhằm lấp đi cái ngu đần của bản thân mình. Đương nhiên tôi chưa học vội, tình hình xin việc thì đen tối và không có gì chắc chắc. Tôi cứ rãi đơn xin việc và rớt đều đều, nhưng rớt vẫn còn đỡ khi mà đa số là những sự im lặng từ phía nhà tuyển dụng. Tôi nhớ rằng trong thời gian đó tôi đạp đi khắp nơi từ Lâm Văn Bền đến Phan Xích Long hay qua một cái công xưởng đâu đó ở bên Gò Vấp. Đương nhiên là tôi rớt sạch. Ngu với lười quá mà nên điều đó là đương nhiên. Lúc đó tôi chợt nghĩ hay là về nhờ gia đình xin xỏ đâu đó để có việc làm nhỉ? Ý tưởng này cũng hay nhưng tiếc là gia đình lấy đâu ra quan hệ mà xin. Khổ! Thế là tôi đành tìm mọi cách để trụ lại Sài Gòn. Tôi đã liên hệ vài đứa bạn thân để kiếm mấy việc như phát tờ rơi hoặc làm tiếp thị nhằm có tiền để mà bám trụ ở Sài Gòn trong lúc chờ được làm cái nghề mà mình muốn, hay nói đúng hơn là đủ trình độ để đi làm. Chứ giờ mà vừa ngửa tay xin tiền vừa kêu réo thì thú thiệt tôi không chịu nổi cái nhục nhã đó. May sau tôi lò mò kiếm được một chân bán hàng cho một công ty bán mấy sản phẩm số như là bán lượt xem và lượt thích trên mạng xã hội. Tôi không nhớ mình là nói láo gì trong hôm phỏng vấn để có được công việc này. Nhưng có việc thì cứ làm thôi. Tôi đi làm ngay ngày 31/12. Hôm đó tất niên nên văn phòng được ăn bánh kẹo, tôi cũng được hưởng nhờ. Tối tôi về dù đường Võ Thị Sáu đông như vỡ tổ nhưng tôi vẫn hân hoan vì ít nhất cũng có việc. Thế mà tôi nghỉ việc ngay sau đó. Lý do là vì cái hôm đầu tiên tôi đi làm bán hàng thì có một công ty khác làm về nội dung bên Youtube gọi cho tôi. Thế là tôi nhảy qua một công việc khác, một công việc mà gần với chuyên môn hơn. Công ty mới này là một công ty chuyển trộm những đoạn phim truyền giáo của các nhà thờ Tin Lành và đăng lậu lên Youtube để kiếm tiền. Công ty tọa lạc ở đâu đó bên Quận 3 đoạn bờ kè, tôi đạp ra đó cũng nhàn, khoảng chừng bảy cây số. Làm được ít hôm thì tôi lại nghỉ tiếp vì thấy tay chủ chửi nhân viên ghê quá. Thế là lại quay về những chuỗi ngày thất nghiệp.
Những ngày sau đó tôi tiếp tục rãi hồ sơ và cuối cùng cũng được phỏng vấn ở một công ty gần nhà nằm ở Tân Phú. Chạy từ nhà tôi lên đó chỉ cỡ có mười ba cây số và chỉ cần đạp xe gần một tiếng qua đường Âu Cơ. Đường đi khói bụi nhiều như tiên cảnh nên chạy rất chi là hay ho. Cuối cùng tôi cũng phỏng vấn đậu với mức lương không rõ ràng, chỉ là "anh không để em đói đâu". Vị trí của tôi lúc đó là làm quản trị hệ thống, tôi không được làm phát triển phần mềm vì chuyên môn của tôi không hề liên quan đến ngôn ngữ lập trình mà công ty đang sử dụng. Làm được đến ngày thứ hai thì tôi lại được gọi đi phỏng vấn ở một công ty nằm Nguyễn Văn Trỗi chỉ cách nhà tôi có tám cây số. Do cùng loại ngôn ngữ với thứ tôi biết nên tôi tìm cách xin nghỉ buổi chiều trong hôm đi làm thứ hai của mình nhằm chạy qua chổ kia phỏng vấn. May phước sao mà tôi đậu, thế là tôi bắt đầu hành trình đi làm một cách đúng nghĩa của bản thân sau hơn hai tháng thất nghiệp đầu đời. Bản thân tôi được lãnh mức lương cao ngút tận gần bốn triệu một tháng. Làm việc theo phong cách "996" của đại lục, làm từ tận tám giờ sáng đến tận chín giờ tối mới được về. Câu chuyện làm luôn chủ nhật là bình thường và không có gì lạ lùng cả. Môi trường thì áp lực và bị ăn chửi thay cơm là lẻ bình thường. Nhiều lúc bị gia đình chê bai mức lương tôi cũng khá là buồn, ước gì lúc này gia đình kêu tôi về quê rồi kiếm chổ nào nhàn nhàn đút cho tôi vào thì tôi sẽ đồng ý ngay tấp lự. Nhưng mà làm gì có, phải chi được thế đã mừng rồi. Thế là tôi tiếp tục đạp xe đi làm từ sáng đến tối với mức lương khoảng bốn triệu cho chức danh kỹ sư phần mềm. Không hiểu sao thời gian đó tôi vẫn tồn tại được với mức lương bốn triệu, tiền nhà một triệu ba và vẫn dư gần một triệu mỗi tháng. Tôi để dành tiền ra thế là bởi vì tôi biết mình ngu, gia đình khó khăn và không có quan hệ gì sất. Cái loại vừa ngu, vừa lười vừa yếu thế như tôi mà ỉ oi khóc lóc về hoàn cảnh thì chỉ có nước bị thiên hạ nhổ vào. Nên tôi rất chi là sợ cái viễn cảnh đó, một viễn cảnh mà có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nếu bị đuổi. Tôi cố để dành được đâu đó mười triệu. Tôi đồ rằng mình ở nhà trọ một triệu ba và cố mua một thùng mì ăn cả tháng thì tôi chỉ tốn ba triệu là cùng. Vị chi ra thì nếu may mắn tôi có thể "tồn tại" được gần bốn tháng. Nếu mà thất nghiệp thì có hẳn bốn tháng để đi rãi hồ sơ và ngồi nhà tự trao dồi chuyên môn. Không cần phải về nhà mà ỏng eo xin xỏ, vì tôi dư biết rằng muốn xin thì cũng có gì đâu để mà xin. Xui rủi sao cái ngày tôi để được hơn mười triệu cũng là ngày cả nhóm tôi bị đuổi cổ khỏi công ty thật. Hình như lý do là để tối ưu hóa việc vận hành. Sau mấy hôm về quê ăn giỗ và nghỉ ngơi thì tôi may mắn sau được nhận vào một công ty cũng có vẻ to to. Từ đó mà tôi lê lết đi làm tới tận bây giờ.
Nhìn lại thì đến giờ tôi vẫn sống nát bét như những ngày đó, vẫn ở nhà trọ hai triệu một tháng và thầm ước trong một viễn cảnh nào đó được gia đình dúi cho một cái nhà xa xa thành phố để luồn ra lách vào. Xài Nokia đập đá cùng với một chiếc điện thoại thông minh của một hãng bên đại lục, thứ mà tôi được một ông bạn tặng. Đi chiếc xe máy duy nhất mua từ hồi thời mới đi làm cái công ty "to to" kia. Đương nhiên là tự mua rồi vì nhà lấy đâu ra tiền để mà mua cho. Đi làm thì ghé mấy tiệm cà phê lề đường mà uống rồi lên công ty, ngày thì quần dài, ngày thì quần ngắn. Tóm lại là vừa lười, vừa dốt chả ra cái gì cả ngoài việc vẫn đủ tiền trả tiền nhà và lâu lâu đi một vài ly bia hoặc ngồi cà phê lề đường. Nghĩ lại chả rõ may mắn hay xui xẻo khi mà bản thân không có đường lùi nào. Mà chắc là xui nhỉ? Phải như nhà có tí điều kiện thì có khi giờ về nhà cho cha mẹ sắp xếp đỡ phải nghĩ ngợi. Kèo thơm thì ngồi vênh váo. Kèo ít thơm thì trưng cái bản mặt "sad boiz", đa sầu, đa cảm ra rồi phun những câu than thở đầy tính thế hệ để nghe mọi người khích lệ, thương cảm. Nghe đã rồi về úp mặt vào cái thực tại thoải mái, cơm bưng, nước rót trong ngôi nhà thoải mái. Nhưng đương nhiên nếu ở thực tại nào thì tôi cũng chẳng hứng thú vị quay lại kêu ca lắm, đơn giản vì nó nhục nhã lắm. Ngu với lười nhưng ít ra vẫn còn cái danh dự và tự tôn để không ỉ oi, đa sầu đa cảm giả cầy khi được ngồi trên đống tiền để sẵn.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất