Từ “TÌM MÌNH” tới “CHỌN NGHỀ” như thế nào?
Trò chuyện cùng thầy Giản Tư Trung về hướng nghiệp.
Một buổi chiều, chúng mình – đội ngũ Người Trong Muôn Nghề (NTMN) đã may mắn có được cuộc trò chuyện với nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, và là tác giả cuốn sách “Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh". Chúng mình tổng hợp thành bài viết này với hi vọng những thông điệp ý nghĩa mà thầy chia sẻ được lan tỏa tới nhiều người, nhất là các bạn trẻ.
Thầy Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED và Phó Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh. Thầy nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện sau Đại học Geneva; tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore và tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học London (UCL). Vì những cống hiến của thầy cho giáo dục, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã vinh danh thầy là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò một Nhà hoạt động giáo dục.
Câu hỏi “Học trường nào? Chọn ngành gì?” chỉ là cái ngọn!
NTMN: Thưa thầy, hiện tại rất nhiều bạn trẻ gặp khó khăn với câu chuyện chọn trường, chọn ngành, rộng hơn là chọn nghề. Thầy nghĩ nguyên nhân tại sao ạ?
Thầy Giản Tư Trung:
Hướng nghiệp là câu chuyện rất quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của mỗi người. Giai đoạn mười mấy năm trước, tôi thường được các báo đài mời tham gia các diễn đàn về tư vấn hướng nghiệp chọn trường, chọn nghề,… nhưng sau này tôi ít tham gia, bởi tôi biết đó chỉ là giải pháp tình thế.
Hãy nhìn vào thực tế, đa số các bạn trẻ bây giờ tốt nghiệp Đại học xong phần lớn là đi làm trái ngành. Trong khi đó, 4 năm Đại học là 4 năm sung sức, nhiều sức sống bậc nhất của đời người, nếu không được sử dụng tối ưu thì sẽ là một sự lãng phí rất lớn đối với cả cá nhân và xã hội.
Các bạn trẻ hay hỏi: “Bây giờ em nên thi trường nào?”. Xin thành thật trả lời là… tôi chịu, làm sao mà trả lời được câu hỏi “ngọn” như thế?
Gốc rễ của vấn đề là, muốn biết chọn trường nào, trước hết ta phải biết chọn ngành nào. Nhưng để biết nên chọn ngành nào, ta cần trả lời câu hỏi chọn nghề gì. Nhưng trước khi chọn nghề, ta phải nghĩ tới bức tranh lớn hơn: Mình muốn có sự nghiệp như thế nào, tức là phải chọn nghiệp trước khi chọn nghề. Còn muốn chọn nghiệp, ta phải hỏi một thứ khác lớn hơn nữa: Mình muốn có một cuộc đời như thế nào? Mình muốn trở thành một con người ra sao?
Tóm lại, chọn người, chọn đời xong mới chọn nghiệp; chọn nghiệp xong mới chọn nghề; chọn nghề xong mới chọn ngành; chọn ngành xong mới chọn trường. Vậy nên, câu hỏi Chọn trường gì nằm ở tuốt… ngọn cây. Nếu không xử lý gốc rễ, tối ngày ta chỉ đang bứt chiếc lá ở ngọn mà thôi.
Việc hướng nghiệp hiện nay rất có vấn đề, không chỉ từ góc độ học sinh, mà góc độ phụ huynh cũng đáng suy ngẫm. Cha mẹ bắt con học những ngành “đu trend” xã hội: ngày xưa thì Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, xê ra Sư phạm. Khi mở cửa với thế giới lại có trào lưu khác: nhất Anh, nhì Tin (học), tam Kinh (tế), tứ Luật. Cả xã hội cứ miệt mài “đu trend”, đến khi trend đi qua, cả xã hội lại mông lung.
Điều cốt lõi là phải tìm mình rồi mới tìm nghề được.
Hành trình “tìm mình" và 3 con người trong mỗi chúng ta
NTMN: Vậy làm thế nào để “tìm mình", thưa thầy?
Thầy Giản Tư Trung:
Đây là câu hỏi rất quan trọng. Tôi thấy mọi người nói rất nhiều về chủ đề này, nhưng không ai hỏi “Tìm mình là tìm cái gì?”. Nếu chỉ khuyên “hãy là chính mình" nhưng chẳng biết thế nào là “chính mình” thì phải làm sao? Ta cứ nói đừng làm việc abc/xyz vì sẽ “đánh mất chính mình", nhưng có “chính mình" đâu mà mất?! Có “chính mình” để mà mất cũng là khác nhiều rồi đó.
Cha mẹ, thầy cô nào cũng nói mong con lớn lên sẽ thành người. May mà không đứa con nào hỏi lại “thành người” là thế nào, chứ con nó hỏi vậy là rất căng, vì nhiều khi không biết trả lời ra sao. Nếu mình cũng chưa rõ biết người là thế nào mà cứ tối ngày muốn con, muốn trò của mình thành người thì rất khó!
Trước khi bàn về tìm mình là tìm cái gì, tôi xin nói về một cái vòng rất lớn trong mô hình giáo dục khai phóng. “Tuyên ngôn” giáo dục của tôi là: Ta là sản phẩm của chính mình. Trong đó có 5 yếu tố:
Điều 1: Khai phóng bản thân (không khai phóng bản thân thì không thể tìm ra chính mình được).
Điều 2: Tìm ra chính mình.
Điều 3: Làm ra chính mình.
Điều 4: Sống với chính mình.
Điều 5: Giữ được chính mình.
Khó có thể nói hết 5 điều đó trong một buổi, tôi xin nói về việc tìm ra chính mình. Theo quan điểm của tôi, công cuộc tìm mình có 3 khía cạnh:
- Tìm ra giới tính của mình;
- Tìm ra con người văn hóa của mình;
- Tìm ra con người chuyên môn của mình.
Tìm ra 3 khía cạnh này, ta sẽ tìm ra mình là ai!
Ví dụ, con người giới tính có thể tạm chia làm 5 nhóm: dị tính, đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, vô tính. Thật ra, mình thuộc nhóm nào cũng không quan trọng, vì vấn đề đó nhiều khi do ông trời ông chọn, mình không chọn được. Nhưng có 3 vấn đề để nói liên quan đến giới tính khi tìm mình.
Một là, không được phủ nhận giới tính của mình. Người phủ nhận giới tính của mình thì khó có thể hạnh phúc, vì không phải là mình thì làm sao hạnh phúc được. Trước đây, xã hội có nhiều định kiến về giới tính, nhưng hiện nay bớt nhiều rồi. Mình cứ là mình, dù người ngoài có định kiến cũng không sao cả, mình cũng không cần phải thách thức xã hội về điều này.
Hai là, không được ngộ nhận giới tính của mình. Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Đứa con trai không tin nó là con trai, vì nó rất thích làm đẹp, rất ghét bỏ “người con trai” của nó. Đứa con gái thì cực kỳ ghét là con gái, nó thực sự nghĩ nó là con trai, nịt ngực không cho phát triển, mặc quần đùi, đi giày thể thao. Nó tin chắc nó là một chàng trai chứ không phải một cô gái, ba mẹ nó rất đau khổ, không biết làm thế nào. Tại sao ba mẹ phải đau khổ, chắc gì con mình đã les, mà giả sử les thật thì có sao đâu? Miễn là con mình hạnh phúc, tử tế, học hành, làm ăn đàng hoàng là được. Thực tế, sau một thời gian khá dài tìm hiểu về cuộc sống, đứa bé đó tự thấy mình ngộ nhận vì tham gia cộng đồng này kia xong bị hút vào. Bây giờ, cô con gái đó toàn mặc đầm và thích làm đẹp. Ngộ nhận giới tính sẽ gây ra bi kịch cho bản thân và nhiều người xung quanh một cách không cần thiết.
Ba là, phải tôn trọng giới tính của người khác. Giới tính không định đoạt quyền làm người của một con người. Mình không tôn trọng giới tính người khác là cũng không tôn trọng nhân quyền, không nhân bản với bản thân.
Thế con người văn hoá thì sao?
Các em có bao giờ tự hỏi tại sao có những người có vẻ rất tử tế, bỗng một ngày lại làm việc xấu xa, hại người? Có những vụ sát hại mà khi điều tra ra hung thủ, mọi người đều ngỡ ngàng, không hiểu tại sao một người vốn hiền lành lại có thể xuống tay tàn nhẫn như vậy. Thật ra, trong con người luôn có cả thiện căn và tà căn, nếu thiện căn không đủ mạnh, bất cứ lúc nào cái tà căn cũng sẽ trỗi dậy, và con người ta không hình dung được tại sao lúc đó lại hành động như thế.
Con người văn hóa có rất nhiều cách hiểu, trong đó, tôi có đưa ra mô hình con người tam tính: nhân tính, quốc tính, cá tính (HCI: Humanity - Communality - Individuality). Cái I dựa trên H và được bồi đắp bởi C. Cần khai mở nhân tính, vun bồi quốc tính và hình thành cá tính.
Cá tính là cái gì đó rất riêng, rất khác của mỗi cá nhân. Bây giờ, có bạn trẻ nào không thích khác người đâu? Nhưng trước khi khác người, bạn phải “giống người” đã, còn khác người mà không “giống người” thì rất “kinh người”. Để như vậy chỉ có xây dựng cá tính của mình trên nền tảng nhân tính: những đặc tính riêng có của giống người, đó là khả năng tự nhận thức về đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà,...; đầy tình thương yêu, giàu lòng trắc ẩn; cảm thức sâu sắc về lương tri và phẩm giá...
Thế còn quốc tính thì sao? Quốc tính là dân tính và tộc tính; là hồn cốt dân tộc, căn tính của quốc gia, tâm thức của xã hội,…. Chúng là ký ức, tiềm thức, ngấm vào mình lúc nào mình cũng không hay biết. Từ những việc nhỏ như bạn về quê, được nghe ông bà, cha mẹ kể ngày xưa đã làm việc này việc kia, nuôi dạy con cháu lớn lên; hay những câu chuyện tình làng nghĩa xóm,… đó chính là hồn cốt của quê hương bản quán ngấm vào con người một cách vô thức.
Nhân tính, quốc tính và cá tính là đặc tính của con người tự do và con người tự do là đích đến của giáo dục khai phóng. Con người tự do là con người rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất là chính mình. Vậy nên, một đứa trẻ sinh ra, lớn lên tại Việt Nam mà không nói rành tiếng Việt, không thích thức ăn Việt, cũng chẳng biết gì về văn hóa lịch sử nước nhà, thì tôi không dám nói đó là một sản phẩm hỏng, nhưng chắc chắn là một sản phẩm lỗi của giáo dục. Nếu bạn sinh ra, lớn lên ở Việt Nam mà không rành tiếng Việt, chỉ có một nguyên nhân là bạn cố tình như vậy, và cha mẹ cũng khuyến khích bạn như vậy. Khi cha mẹ nghe con nói ngoại ngữ như người bản xứ, nói tiếng Việt lơ lớ, họ cảm thấy ở một đẳng cấp khác, hay còn gọi là “thượng đẳng". Nếu bạn nghĩ mình thượng đẳng, tức là có ai đó hạ đẳng, đó là một chỉ dấu của văn hoá có vấn đề. Người có văn hoá thực sự không bao giờ suy nghĩ như thế cả: gốc rễ cơ bản của văn hoá là tự trọng với con người của chính mình và tôn trọng con người của người khác.
Một con người không có gốc rễ văn hóa thì không thể bám rễ vào đâu được, không biết mọc ở đâu cho vững, không có điểm tựa về văn hoá, mà không có cái neo đó, ta sẽ chẳng biết mình thuộc về đâu (sense of belonging).
Giáo dục không cẩn thận sẽ tạo ra một thế hệ mang danh “công dân toàn cầu” mà không có Tổ quốc, một thế hệ người Việt mà không phải người Việt, bị mất gốc văn hóa.
Có những thứ trên đời này thuộc về gốc rễ mà mình không thể chối bỏ được: đó là cha mẹ và Tổ quốc. Nếu cha mẹ mình tử tế, tốt đẹp thì mình đến với họ bằng tình yêu thương và kính trọng, bởi họ xứng đáng được như thế, mình tự hào và may mắn được làm con của cha mẹ. Còn chẳng may sinh ra vào gia đình có cha mẹ tệ thì cũng phải chịu thôi, nếu cha mẹ chửi thì mình im, cha mẹ chém thì mình chạy, nếu cha mẹ ở tù thì mình đi nuôi cơm. Hỏi tại sao vậy? Có tại sao đâu, tại mình là con họ. Một điều chắc chắn là bạn sẽ không bao giờ có thể chối bỏ bạn là con của cha mẹ bạn. Tổ quốc cũng vậy. Các bạn có tự hào mình là người Việt không? Tự hào vì điều gì? Vì nón lá, áo dài hay phở? Hãy đối xử với Tổ quốc như đối xử với cha mẹ của mình. Nếu Tổ quốc “ngon lành” thì ngẩng cao đầu trước thế giới, còn nếu Tổ quốc còn nhiều thiệt thòi, đói nghèo, tệ nạn, không sao hết, mình sẽ có trách nhiệm với nó. Vậy thôi.
Cuối cùng là con người chuyên môn.
Thường khi nói tới hướng nghiệp, người ta chỉ quan tâm tới con người chuyên môn, chứ chẳng ai nghĩ tới con người văn hoá, con người giới tính cả. Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học Khai sáng thế kỷ 18 đã nói: “Tất cả mọi người trên thế gian này chỉ làm một nghề duy nhất thôi, là nghề làm người”, nghĩa là các nghề khác, luật sư, nhà báo,… chỉ là nghề tay tay trái. Có thể hiểu con người chuyên môn phải dựa vào nền tảng con người văn hoá.
Tóm lại, muốn biết nên theo ngành, nghề gì, bạn cần hiểu sự giao thoa giữa con người văn hoá và con người chuyên môn của mình. Con người văn hoá sẽ cho bạn một lý tưởng trong cuộc sống này, và khi kết hợp với tố chất chuyên môn, nó sẽ thúc đẩy bạn đi theo hướng tốt đẹp.
Con cá leo cây là con cá ngu xuẩn. Bắt con khỉ đi bơi thì cũng tệ như cá leo cây vậy, nhưng cho khỉ leo cây thì không ai bằng. Con chim vô địch về bay nhưng kêu nó nhảy thì thật tệ. Vậy rốt cuộc, mình là cá, khỉ, hay chim? Tố chất của mình là gì? Căn cốt con người mình là gì để biết nên theo hướng nào? Tìm ra tố chất của mình trong công việc là hành trình cả đời. Có thể, mỗi giai đoạn trong đời mình lại thay đổi chuyên môn, nhưng nếu nó vẫn nằm lọt trong con người văn hoá, thì sự thăng hoa sẽ tới.
Thử lật lại vấn đề, nếu một người giỏi chuyên môn nhưng không có văn hoá, không sống với con người văn hoá của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra? Giống như một người giỏi IT vậy, nhưng đi làm IT cho Bin Laden thì khác với làm IT cho Microsoft; cùng là làm IT “kiếm cơm", nhưng chuyên môn đó phục vụ cho điều gì, chính hay tà, thì hướng đi sẽ hoàn toàn khác nhau.
NTMN: Thầy vừa chia sẻ rất nhiều về câu chuyện tìm mình, nhưng với một bạn trẻ 15 - 17 tuổi, việc đó có khả thi không?
Thầy Giản Tư Trung:
Hành trình tìm mình bắt đầu từ khi sinh ra. Nhưng ngay cả một người 70 tuổi có khi vẫn còn chưa tìm thấy mình, huống hồ là một người trẻ? Vậy, hành trình đó không thể chỉ là việc của bạn trẻ được, nó phải phụ thuộc vào môi trường xung quanh, vào những người nuôi nấng nữa. Có 5 yếu tố, 5 chủ thể liên quan tới hành trình tìm mình của một bạn trẻ, và không ai có thể thoái thác trách nhiệm hết:
1. Gia đình
2. Nhà trường
3. Bạn bè
4. Môi sinh (môi trường sống, xã hội,…)
5. Tự thân. Có nhiều bạn trẻ đến 15 tuổi cũng không có ai giúp bạn tìm mình, tự bạn phải tìm thôi. May mắn tìm thấy cuốn sách nào đó, nghe được cái podcast nào đó, gặp được ông thầy nào đó thì mở ra cơ hội tìm mình.
NTMN: Trong quá trình đồng hành với các bạn trẻ về hướng nghiệp, chúng em nhận thấy hầu hết phụ huynh và các bạn trẻ quan tâm nhiều tới những ngành nghề mang lại danh tiếng, tiền bạc, nhưng khía cạnh “con người văn hoá” có vẻ không ai quan tâm. Phải chăng, ở Việt Nam, ngành Xã hội & Nhân văn, những lĩnh vực như Triết học, Văn học, Nhân học, Lịch sử, Địa lý,… bị kém coi trọng, dẫn tới tình trạng thiếu “văn hoá" này ạ?
Thầy Giản Tư Trung:
Câu hỏi rất hay!
Con người làm mọi thứ dựa trên lợi ích bản thân, và mình muốn thuyết phục ai đó cũng phải dựa trên lợi ích của họ. Làm sao thuyết phục các bạn trẻ quan tâm đến KHXH&NV? Đây là một bài toán rất khó vì những thứ này nghe đã thấy “nhức đầu" và “không ra tiền".
Tôi xin kể 1 câu chuyện.
Năm 2015, tôi ra mắt cuốn sách Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh. Trong buổi talkshow, tới phần giao lưu, tôi hỏi có ai đặt câu hỏi hay chia sẻ gì không. Một bạn trẻ trạc 22 - 25 tuổi, ngồi gần hàng đầu tiên, giơ 2 tay chồm lên như rất khát khao muốn đặt câu hỏi. Tôi thấy bạn nhiệt tình nên mời bạn đặt câu hỏi đầu tiên.
Bạn đứng dậy nói: “Cám ơn phần chia sẻ của thầy. Hồi nãy khi vào đây em đã mua sách của thầy rồi nhưng em nói thật với thầy em sẽ không đọc.”
Phát biểu đầu tiên trong buổi ra mắt cuốn sách thai nghén nhiều năm như vậy khiến tôi cảm thấy như bị dội gáo nước lạnh. Lúc đó, tôi cũng “cảm xúc dâng trào” lắm chứ, nhưng trước mặt công chúng đâu thể lỗ mãng được. Tôi nén lại và lấy hết bình tĩnh hỏi: “Có thể cho tôi biết lý do vì sao em không đọc được không?”.
Bạn nói: “Em mua sách lật mấy trang là em nhức đầu, nãy giờ nghe phần trình bày của thầy nữa em càng thấy nhức đầu hơn, mà em không thích đọc những thứ nhức đầu, em thích đọc cái gì dễ hiểu, dễ áp dụng và kiếm ra tiền. Còn những thứ này em không thấy kiếm ra tiền được nên em không quan tâm, không đọc.”
Tôi thấy bạn nhấn mạnh “kiếm ra tiền" mấy lần, bèn xin phép độc giả cho tôi chút thời gian để đối thoại với bạn này.
- Em có đang học Đại học không?
- Không em học xong rồi, đi làm 3 năm rồi.
- Tôi thấy em rất quan tâm đến tiền, hiện nay em kiếm có khá không?
- Dạ không, kiếm không khá. Em đi làm 3 năm mà chuyển 6 công ty rồi, bữa đói bữa no thôi chứ không khá.
- Nãy giờ tôi thấy em rất quan tâm đến tiền mà hiện nay không kiếm ra tiền, em có muốn tìm hiểu thêm về chuyện làm giàu không? Nếu em quan tâm thì tôi chia sẻ thêm một chút. Vì tôi là Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, gắn bó với sự học của doanh nhân mấy chục năm, chắc tôi cũng có chút kinh nghiệm về việc giúp đỡ doanh nhân làm kinh doanh. Cho tôi hỏi thêm là em muốn kiếm tiền bằng chính đạo hay tà đạo thì tôi mới nói được?
- Đương nhiên là chính đạo chứ ạ.
- Ừ, cũng may là em chọn chính đạo, chứ tà đạo tôi cũng chưa nghiên cứu nên chưa chỉ em được. Muốn kiếm tiền chính đạo chỉ có một cách thôi: tạo ra giá trị lớn. Vì nếu không tạo ra giá trị lớn thì không ai trả nhiều tiền cho em cả. Mà muốn tạo ra giá trị lớn thì phải có sáng tạo lớn. Muốn sáng tạo lớn thì phải có một đời sống tinh thần phong phú. Mà để có một đời sống tinh thần phong phú thì em phải đào luyện đời sống tinh thần của mình. Con đường duy nhất để đào luyện đời sống tinh thần của mình chính là triết học, lịch sử, tôn giáo, văn học... Đó là thức ăn cho tinh thần và trí tuệ. Chỉ có con đường này là giàu chính đạo thôi. Nếu không thích những thứ này thì khó có sáng tạo lớn và do đó cũng khó mà giàu được, hoặc nếu có giàu thì cũng không chắc bền vững vì giàu theo hướng tà.
Tới cuối buổi hôm ấy, khi mọi người ký tặng xong xuôi hết rồi, tôi đang chuẩn bị về, tự nhiên cậu ấy lù lù xuất hiện. Tôi mới nói là: “Em muốn hỏi gì, hồi nãy em thấy chưa đủ hay sao?”.
- Dạ em không hỏi gì hết, em nhờ thầy ký tặng sách ạ.
- Em không đọc thì muốn tôi ký làm gì?
- Dạ hồi nãy em không đọc nhưng bây giờ sẽ đọc (nói rồi đưa tôi ký một lúc 3 cuốn).
- Sao em mua nhiều vậy?
- Dạ 1 cuốn em đọc, 1 cuốn tặng cho ba má, còn 1 cuốn tặng cho con bồ em.
- Nếu em tặng cho bạn gái thì tôi sẽ ký, còn tặng cho con bồ thì tôi không ký, bạn gái mà gọi là “con bồ” là chưa được.
Tôi chỉ gặp cậu thanh niên đó một lần, đến nay cũng không biết cậu ở đâu, làm gì. Thật ra, tôi không thấy phiền lòng hay bực bội nhiều về cậu ấy, trái lại, tôi biết ơn bởi cuộc đối thoại chỉ mấy phút ngắn ngủi đó. Vì tôi nhận ra mình phải thực sự hiểu giới trẻ hơn nếu muốn làm giáo dục. Không phải các bạn ngang ngược hay bất cần, cũng không phải các bạn lười biếng, những định kiến đó đều sai. Bất cứ cái gì quan trọng thì các bạn đều sẵn sàng học hỏi và tìm hiểu cho dù nó khó tới mấy, chỉ là mình chưa đủ hiểu các bạn, và chưa có ai đưa ra một lý do đủ mạnh để các bạn học hay tìm hiểu về nó. Cho nên, đến giờ tôi vẫn lên đọc nhiều báo mạng mà giới trẻ thích đọc, vẫn nghe Sơn Tùng - MTP, dù tôi có ham thích gì đâu, nhưng tôi đọc, nghe, xem để hiểu giới trẻ hơn.
Trở lại với khối ngành KHXH&NV, các bạn chưa thích, đơn giản vì chưa ai nói cho các bạn học cái đó để làm gì? Giúp ích gì cho sau này? Hãy khai thác những điểm đó.
Chuyện hoang mang và 3 thước đo hạnh phúc
NTMN: Chúng em từng trao đổi với rất nhiều học sinh, sinh viên từ đủ các trường, các khối ngành khác nhau và nhận ra một điểm chung là các bạn luôn hoang mang và rối bời. Thầy có gợi ý giải pháp nào giúp các bạn trẻ vượt qua hay rút ngắn khoảng thời gian hoang mang như thế?
Thầy Giản Tư Trung:
Hoang mang là điều không thể tránh, ai không biết hoang mang thì không thể có động lực đi tìm mình và trưởng thành được. Nên việc hoang mang không phải cái gì tệ, hoang mang để tìm mình thì lành mạnh thôi, hoang mang xong chẳng làm gì cả thì mới hỏng. Hoang mang không tệ, “lạc trôi” mới tệ.
Không bao giờ là quá muộn để tìm mình. Tôi có cơ hội quen biết nhiều vị thân hữu được khai minh ở tuổi 60, 70, đến lúc đó họ mới biết mình là ai, mới sống cuộc đời của mình. Trước đó, họ sống cuộc đời của xã hội, của cha mẹ, của ai đó khác,… Vậy thì các bạn trẻ mới mười mấy, hai mươi tuổi thì hoang mang có vấn đề gì đâu.
Trên đời này không có con trẻ ngu, chỉ có con trẻ chưa giỏi; không có con trẻ hư, chỉ có con trẻ chưa trưởng thành. Khi nhìn đời với một thái độ nhân văn và có niềm tin như thế, mình sẽ hiểu và chia sẻ được với các bạn. Phải bước vào thế giới của các bạn trẻ thì may ra mới có thể chia sẻ với các bạn điều gì đó, và khi có thể chia sẻ điều gì đó mới có thể giúp được các bạn. Sẽ khó làm giáo dục nếu không quan tâm đến những gì các bạn trẻ đang quan tâm, bất kể bản thân mình có thích những thứ đó hay không.
Còn từ phía các bạn trẻ, sau khi hoang mang, các bạn hãy tìm kiếm những nguồn để hỏi, để nghe, để nói chuyện, như đọc (hoặc nghe) cuộc trò chuyện này của tôi với nhóm Người Trong Muôn Nghề ngày hôm nay cũng là một cách.
NTMN: Chúng em thấy thầy rất tâm huyết với con đường giáo dục. Từ bao giờ mà thầy “tìm thấy mình" trong công cuộc giáo dục này ạ? Thầy có cảm thấy hạnh phúc không?
Thầy Giản Tư Trung:
Thú thật, tôi cũng loay hoay đi tìm mình khốn khổ lắm, chẳng dễ dàng gì đâu (cười). Tôi đã trải qua quá nhiều công việc, ngành nghề khác nhau, tôi thấy nghề nào mình từng đi qua cũng có thể làm tốt, do khả năng cá nhân và sự dấn thân trong công việc. Nhưng không phải công việc nào cũng cho mình niềm vui và hạnh phúc.
Hành trình tôi đến với giáo dục thực ra cũng là hành trình đi tìm hạnh phúc cho bản thân chứ chưa nói đến cống hiến cho xã hội, cho đất nước gì cả. Tuyên ngôn sư phạm của tôi rất ngắn gọn: Dạy chính là giúp cho người khác học. Người thầy không nên ở trên người học, không nên mang tâm lý dạy dỗ người khác, mà phải bình đẳng với người học, cùng nhau đi tìm chân lý. Những gì mình chia sẻ thì cũng chỉ là một góc nhìn trong nhiều góc nhìn để cùng thảo luận.
Tôi thích nhất định nghĩa về hạnh phúc của Mahatma Gandhi: Happiness is when what you think, what you say, what you do are in harmony – Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm nhất quán với nhau.
Ngày xưa, tôi đọc câu này thấy hay, nhưng không hiểu gì hết. Trước đây cứ nghĩ hạnh phúc là kiếm được tiền, kiếm được người yêu, mua được nhà, chứ hạnh phúc gì mà “think, say, do” nghe nó lạ vậy? Nhưng đến khi hiểu được thì cảm giác thấm lắm.
Hạnh phúc đích thực của con người là được sống thực và được tôn trọng của những người hiểu biết với sự sống thực đó. Muốn sống thực thì phải biết con người của mình thế nào để sống với con người đó. Tôn chỉ giáo dục của tôi là: Chỉ có học thực mới có thể làm thực, chỉ có làm thực mới có thể sống thực, tất cả đều bắt đầu từ thực học. Học mà còn giả thì khó có gì là thực! Học, làm và sống liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Chốt lại ở cái sống thực thôi chứ không cần nói về hạnh phúc nữa, vì hạnh phúc đích thực là hệ quả của sống thực.
Con người có một đặc tính chung: ai cũng muốn được trọng, ai cũng sợ bị khinh. Nhưng để được trọng, để tránh bị khinh, ta phải tạo ra nhiều giá trị; nếu không có “giá trị”, khả năng bị khinh rất cao, khả năng được trọng rất thấp. Khó ai chịu chấp nhận điều này. Vậy nên, khi không tạo ra giá trị thực mà muốn được trọng, tránh bị khinh, con đường duy nhất là ngụy tạo giá trị. Mà ngụy tạo giá trị chính là sống giả, sống ảo, sống diễn.
Vậy tại sao họ không tạo ra giá trị thực? Vì không có thực làm. Tại sao không thực làm? Vì không có thực lực, muốn thực làm cũng không thể. Tại sao không có thực lực? Vì không có thực học. Nên thực học vẫn là khởi nguồn của mọi thứ.
Vậy thế nào là thực học? Thực học là học để phát triển đầy đủ thân-tâm-trí-thần (thân thể, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần); là học để khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình; là học để phát triển năng lực văn hóa, năng lực công dân và năng lực chuyên môn để làm người, làm dân và làm nghề nhằm trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên môn ưu tú.
Nói thêm về thành công và hạnh phúc, có người hỏi làm sao để đo được thành công và hạnh phúc của mình?
Tôi gợi ý các bạn trẻ 3 thước đo, thấy cái nào được thì xài, nhưng nên nhớ: đổi thước là đổi đời. Và nghĩ cho kỹ rỗi hãy chọn, chọn xong rồi xài luôn, chứ hôm nay xài thước này mai xài thước kia thì mệt lắm!
Thước 1: To Have - Chiếm Hữu
Mình đo cuộc đời mình bằng những gì kiếm hay đạt được, đo cuộc đời bằng sự chiếm hữu, chiếm hữu càng nhiều càng thành công, chiếm hữu càng ít càng thất bại. Ví dụ: tiền tài, địa vị, danh vọng, bằng cấp, giải thưởng,…
Thước 2: To Give - Cống Hiến
Đo cuộc đời của họ bằng những gì mà mình cho đi, cho đi càng nhiều càng tốt, cống hiến càng nhiều càng được tôn vinh và được xem là thành công.
Hồi bé, tôi được dạy sống theo cái thước thứ 2 này. Nhưng khi trưởng thành, tôi lại thấy thước này tuy hay nhưng có gì đó chưa ổn lắm. Mình cứ cống hiến vậy nhưng mình có hạnh phúc không, mình cũng chẳng biết nữa. Làm cho người khác hạnh phúc rồi cuối cùng mình bất hạnh cũng nên. Cách sống đó thì tốt cho xã hội nhưng liệu có tốt cho mình hay không?
Cuối cùng, tôi tự ngộ ra và đưa thêm cái thước thứ 3, và khi tôi tìm thấy cái thước 3 thì cảm giác “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”.
Thước 3: To Be - Cách Sống
Không đo cuộc đời mình bằng chiếm hữu hay cống hiến, mà đo cuộc đời bằng cách sống. Mình chọn một cách sống, cách làm người của mình và sống theo cách đó. Nếu mình chọn con người tự do dựa trên nhân tính thì sự cống hiến của mình cũng rất nhiều, và những gì mình nhận được không hề ít. Nhưng tất cả những thứ nhận được hay cống hiến ấy là hệ quả, cái gốc vẫn là được sống với đúng con người của bản thân. Khi bạn sống đúng con người của mình, bản thân hạnh phúc và mang lại giá trị cho nhiều người khác, khi ấy, cuộc sống là trọn vẹn.
Như các em làm sách NTMN chẳng hạn, các em mang lại rất nhiều giá trị cho các bạn trẻ, các bậc phụ huynh. Các em cũng cảm thấy bản thân thích công việc này, viết lách phù hợp với con người chuyên môn của các em, và việc giúp đỡ người khác phù hợp với con người văn hóa của các em. Ví dụ như vậy đó.
Trong xã hội bây giờ, người ta không dám tin nhiều thứ, trong khi niềm tin chính là một cơ sở để phát triển. Cái đạo giáo dục, đạo học mà tôi thường chia sẻ rất ngắn gọn: Mọi sự học của con người đều để đạt tới một thứ duy nhất: “better me" – một con người tốt hơn, một phiên bản tốt hơn của chính mình. Ta không nhất thiết phải tốt hơn ai khác, cũng không cần phải là một good person (người tốt), perfect person (người hoàn hảo), great person (người vĩ đại) hay wonderful person (người tuyệt vời). Trở thành người tốt hơn là cái đích rất khả thi, bởi ai cũng làm được. Còn trở thành người tốt thì có khi mệt lắm. Ấy là chưa kể, nếu trở thành người tốt rồi thì sự học của ta coi như kết thúc (tốt rồi thì cần gì học nữa). Còn trở thành người tốt hơn thì sự học không bao giờ dừng lại, hành trình đó là trọn đời.
Thầy giáo thì không kén chọn học trò, nên tôi không kén bất cứ một học trò nào cả. Có người hỏi học xong họ có thay đổi không? Tôi nghĩ là có chứ, tôi có niềm tin đó, chỉ là thay đổi ít hay nhiều thôi.
Có một câu chuyện ăn trộm gà tôi thấy ở quê ngày nhỏ. Tên trộm ấy sau khi học xong vẫn ăn trộm gà, bởi bao lâu nay hắn chỉ biết mỗi nghề đó, giờ bảo bỏ đi thì hắn sống bằng gì? Nhưng thay vì ăn trộm ngày 10 con thì hắn rút xuống ngày 5 con thôi và chỉ trộm của người giàu và tha cho người nghèo. Vậy là có cái gì đấy trong con người hắn thay đổi rồi, chứ không phải bỏ hẳn nghề ăn trộm mới là thay đổi. Cuộc sống không nên quá lý tưởng hóa mọi thứ, như thế khó sống lắm. Sau một thời gian ăn trộm, “lương tâm có răng” cắn rứt, ngủ không ngon, hắn thấy cái nghề này bất lương quá, nên gom hết tiền ăn trộm đi mua chiếc xe cà tàng chạy xe ôm, từ đó bỏ nghề ăn trộm luôn. Chuyển hóa bản thân để mỗi ngày tốt hơn là một hành trình vô cùng ý nghĩa và không bao giờ dừng lại.
NTMN: Cảm ơn thầy vì những chia sẻ ngày hôm nay, chúc thầy dồi dào sức khoẻ ạ!
Thầy Giản Tư Trung: Rất vui được trò chuyện cùng các bạn!
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất