Nếu bắt buộc phải chọn giữa việc làm một người tự ti và một người ảo tưởng sức mạnh, tôi thà chọn vế thứ 2. Dù rằng, kiểu người ảo tưởng sức mạnh thì gây thiếu thiện cảm thật.
Có rất nhiều lập luận để tôi lý giải cho lựa chọn của mình. Chẳng hạn như, sự tự ti sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội công việc và thăng tiến sự nghiệp như thế nào; một người tự ti sẽ dễ dàng thất bại trong các mối quan hệ ra sao… Nhưng sau cùng, tôi chỉ muốn kể câu chuyện của chính mình.
Nếu bắt buộc phải chọn giữa việc làm một người tự ti và một người ảo tưởng sức mạnh, tôi thà chọn vế thứ 2.
Nếu bắt buộc phải chọn giữa việc làm một người tự ti và một người ảo tưởng sức mạnh, tôi thà chọn vế thứ 2.

Tôi đã từng là một cô bé tự tin

Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả. Đúng hơn thì, từ lúc mẹ sinh tôi ra, gia đình tôi bắt đầu trở nên khá giả. Trong những năm tháng tuổi thơ, tôi luôn có đủ thứ quần áo đẹp để mặc và những món đồ chơi đắt tiền. Ngoài ra, tôi còn là một cô bé khá xinh xắn nữa (sở dĩ tôi có thể khẳng định điều này vì không chỉ mẹ tôi mà những người lớn xung quanh đều bảo vậy). Vì được kèm cặp từ sớm, lúc 4 tuổi, tôi đã có thể tập đọc mà không cần đánh vần, và thuộc lòng hết bảng cửu chương. (Điều này thật ra chẳng có gì to tát lắm, nhưng sự thật là cái thời ấy, hiếm có đứa trẻ 4 tuổi nào thông thạo hết câu chữ và bảng cửu chương cả)
Như những đứa trẻ đầu thế hệ 9x điển hình, thời mà internet và truyền hình cáp vẫn chưa xuất hiện, tuổi thơ tôi gắn liền với các hoạt động ngoài trời. Khi không được chạy ra đường tung tăng cùng lũ bạn hàng xóm, tôi vùi mình trong đống sách báo trong nhà. Tôi đọc tất cả những thứ gì mà mình có thể tìm thấy, từ truyện tranh, sách văn học của các anh lớn (ngày ấy sách giáo khoa môn văn chia thành 2 tập là Tiếng Việt và Văn Học - thay vì Ngữ Văn như bây giờ), những cuốn tiểu thuyết của cậu tôi, Truyện Kiều (dù thật ra chẳng hiểu được nhiều) và cả câu chữ in trên bất cứ loại bao bì, nhãn mác dầu gội, xà phòng tắm... Đơn giản là thích đọc, mà nhà lại không có nhiều sách, nên đến khoảng chừng lớp 3,4 gì đó, tôi đã đọc hết toàn bộ sách môn văn của 12 năm học. Tôi say mê “Thời thơ ấu” của Macxim Gorki và ngẫm nghĩ mãi về câu chuyện Chí Phèo…
Tôi kể lại những điều trên không phải để khoe khoang về việc chăm đọc của mình mà chủ ý muốn nói rằng: khi bạn có gia cảnh tốt, có ngoại hình và có kiến thức đủ rộng, bạn không việc gì phải tự ti về bản thân phải không nào? Có lẽ con bé chưa đến 10 tuổi là tôi lúc đó đã tự ý thức được điều này, cho nên tôi luôn mạnh dạn trước đám đông; tôi xung phong tham gia mọi hoạt động trong lớp và luôn mạnh dạn nói lên suy nghĩ của riêng mình. 

Nhưng rồi, tôi đã đánh mất sự tự tin như thế nào?

Ký ức chia thành từng mảng đậm nhạt, có nhiều chuyện tôi không thể nhớ rõ ràng. Nhưng sự tự tin của tôi cứ thế rơi rớt có lẽ bắt đầu từ năm lên 12 tuổi. Trong 4 năm học THCS, tôi đã chuyển trường 3 lần, tại 3 tỉnh thành khác nhau. 
Đó có lẽ là cái lần, 2 cô bạn cùng lớp ngồi sau lưng tôi thì thào về chiếc quần tây lỗi thời mà tôi mặc đến trường. Lẽ ra lúc đó tôi nên quay lại nói với họ: phải rồi, chiếc quần tôi đang mặc được sửa lại từ quần của anh trai tôi đó, nhưng thế thì đã sao?
Hoặc có thể là cái lần, tôi đứng mãi trước chiếc bảng đen mà không thể giải nổi một bài toán phương trình. Xem ra việc thuộc bảng cửu chương không giúp ích được gì cả. Mãi tới sau này, tôi mới chấp nhận sự thật rằng mình không hề giỏi môn toán. Và sau đó một khoảng thời gian nữa, tôi mới nhận ra rằng không giỏi toán không có nghĩa là IQ của tôi kém. Con người có tới 7 loại trí thông minh cơ mà!
Đó cũng có thể là cái lần trong buổi chào cờ, tôi vừa cất lời chưa kịp thành câu thì đám học sinh ngồi dưới đã đồng loạt cười rộ. Thật ra, tôi không nói gì sai cả. Chỉ là lúc đó chất giọng Nam của tôi quá khác lạ trong một ngôi trường hoàn học sinh miền Trung. 
Đó còn là cái lần, tôi bị loại khỏi đội múa của trường vì không thể theo kịp các thành viên trong đội. Chính ra thì, tôi không chỉ múa tệ thôi đâu, tôi còn hát dở nữa. Con người mà, đâu phải ai cũng có năng khiếu ca múa, đúng không? Nhưng tôi của năm 12 tuổi đâu có hiểu điều này. Tôi của năm đó chỉ thấy bản thân thật kém cỏi và thất bại…
Việc thay đổi môi trường sống cộng với sự thiếu ổn định về cảm xúc khi phải thường xuyên chứng kiến những trận cãi vã của bậc phụ huynh (chủ yếu chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc), con bé là tôi cứ thế thu mình.
Chỉ đơn giản như thế, một khi sự tự tin suy giảm rồi mất đi, sự tự ti sẽ thay thế vào vị trí của nó. Và vì tôi đã từng sống một thời gian dài trong sự tự ti, tôi hiểu rõ một người tự ti thiếu niềm tin vào bản thân như thế nào. Tôi luôn e ngại khi phải nói trước đám đông, tôi khước từ cơ hội công việc vì ám ảnh bởi thất bại, và tôi khước từ luôn cả mối quan hệ tình cảm chỉ vì nghĩ mọi điều kiện của đối phương đều tốt-hơn-mình.

Vậy làm thế nào để sự tự tin quay trở lại với tôi?

Rèn luyện tính tự tin ở người trưởng thành đòi hỏi sự nỗ lực trong thời gian dài (Ảnh: Hopes&Fears)
Rèn luyện tính tự tin ở người trưởng thành đòi hỏi sự nỗ lực trong thời gian dài (Ảnh: Hopes&Fears)
Sẽ có nhiều người khuyên thế này: bạn nên có niềm tin vào bản thân; bạn nên tham gia các hoạt động hội nhóm nhiều hơn; bạn đừng để ý ánh nhìn của người khác… Nhưng, mọi chuyện có đơn giản thế không? Với tôi thì KHÔNG!
Tôi luôn cho rằng, rèn luyện tính tự tin ở một người trưởng thành đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều, bởi khi ra ngoài xã hội, người ta chỉ nói chuyện với nhau bằng thực lực. Thực lực của chúng ta có thể là gia cảnh, là ngoại hình, là năng lực làm việc. (Xin lỗi nhưng tôi luôn cho rằng việc sở hữu gia cảnh tốt hay những mối quan hệ tốt cũng là một loại năng lực!).
Không phải ai cũng may mắn có được cả 3 điều nêu trên. Nhưng may mắn thay, cả 3 yếu tố trên đều có thể rèn luyện và phấn đấu. Dù bạn không đẹp, bạn vẫn có thể chăm sóc cơ thể thật tốt để có một sắc sóc ưa nhìn, một thần thái tươi sáng. Dù bạn không giỏi, năng lực của bạn vẫn sẽ tốt lên từng ngày nếu được trau dồi. Và một khi năng lực của bạn tốt, gia cảnh của bạn rồi cũng sẽ dần được cải thiện thôi.
Giờ đây, nếu ai đó hỏi về việc làm thế nào để trở nên tự tin, tôi chỉ có thể nói: có thực lực, có tự tin.
Như tôi đã đề cập ngay từ phần tiêu đề: tự tin không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mà mất đi. Và tự ti cũng vậy. Mong chúng ta không vì những câu nói của người khác mà đánh mất niềm tin vào bản thân. Cũng mong chúng ta không ngừng cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.