TỪ MỘT ƯỚC MUỐN

Chiều hôm qua, mình tham dự lễ trao giải thưởng vinh danh 150 bạn trẻ đạt kết quả cao nhất của cộng đồng trẻ tài năng Talent Hub.

Mình xin nói trước là tất cả những người tham dự buổi gala này đều là những tài năng xuất sắc. Một bài kiểm tra chuẩn quốc tế, bao gồm tiếng Anh và tư duy, được dùng để phân loại. 6000 bài thi gửi về, và trong khán phòng đó là top 150. Do đó mình tôn trọng hoàn toàn những ý kiến của các bạn. Bài viết này chỉ thể hiện một góc nhìn khác.

Chương trình kết thúc bằng một phiên thảo luận mở xoay quanh chủ đề phát triển năng lực cạnh tranh của người Việt trẻ, với rất nhiều chia sẻ và trăn trở đến từ nhiều phía: các anh chị đại diện của các tập đoàn lớn, đại diện của những người làm giáo dục, đại diện của các cộng đồng trẻ, và dĩ nhiên, những người trẻ. Duy nhất câu hỏi cuối cùng và câu trả lời cuối cùng khiến mình băn khoăn mãi.

Nếu các bạn có một điều ước, hoặc một mong muốn gửi gắm đến các anh chị đi trước, các bạn mong mỏi điều gì?

Bạn trả lời rằng bạn mong được truyền cảm hứng nhiều hơn. Bạn bảo rằng tuổi trẻ thường mơ mộng, nhưng không được truyền cảm hứng. Bạn mong rằng nếu thường xuyên được truyền cảm hứng, sẽ nhiều bạn trẻ dám mơ lớn và nếu cứ 1000 giấc mơ có một thành hiện thực, thì càng nhiều người mơ, kỳ tích lại càng nhiều.


ĐẾN MỘT HIỆN THỰC

Và mình giật mình. Đối với mình, được truyền cảm hứng chưa bao giờ quan trọng đến thế cả. Nhưng có vẻ đối với phần đông các bạn khác thì có.

Mình không có số liệu và mình cũng chẳng giỏi thống kê. Nhưng nhìn quanh xem, ở đâu cũng có các khóa học truyền cảm hứng, các quyển sách truyền cảm hứng, các buổi nói chuyện truyền cảm hứng, các câu chuyện truyền cảm hứng, các lời trích dẫn truyền cảm hứng. Điều này chứng tỏ cảm hứng thật sự quan trọng đối với các bạn.

Nhưng mà cảm hứng có phải là thứ thật sự cần thiết không?

KHI CẢM HỨNG LÀ THUỐC PHIỆN

Nó khiến bạn cảm thấy lâng lâng, hạnh phúc, và tràn đầy sức sống. Nó lấp đầy những thiếu sót của bạn, thổi phồng sự tự tin của bạn, và tô hồng cuộc đời.

Nhưng nó chỉ tồn tại trong phút chốc. Sau cơn say, bạn sẽ lại trì trệ và trống rỗng. Sau cảm giác chiến thắng, bạn sẽ cảm thấy tuột dốc không phanh. Và bạn lại cần một liều nữa.

Bạn cần một câu chuyện, hay một ai đó để tiếp tục cho bạn cảm hứng. Và cứ như vậy, hết lần này đến lần nọ, cảm xúc của bạn phụ thuộc vào những lời lẽ và những ý tưởng của một người nào đó khác. Bạn chỉ có thể tiếp tục khi trong bạn còn cảm hứng.

Cảm hứng là thứ vô dụng. Một chút cho đời thêm hồng thì ổn. Phụ thuộc vào nó thì hỏng. Đây là danh sách những lý do vì sao.

1. Cảm hứng không tồn tại mãi mãi

Nó là cảm xúc gây ra bởi một nhân tố bên ngoài bản thân bạn. Ban đầu bạn sẽ rất phấn khích và hạnh phúc. Nhưng nó sẽ phai dần theo thời gian. Khi đi làm, bạn sẽ nhận ra rằng mình cần sự ổn định lâu dài về cảm xúc để có thể làm liên tục. Với biểu đồ cảm xúc hình sin khi bạn đồng hành cùng “cảm hứng”, những chỗ lõm sẽ làm công việc bạn trì trệ và gây ra những cú sốc còn lớn hơn, khó hồi phục hơn.

2. Cảm hứng không có giá trị thực tiễn

Vì nó là thuần cảm xúc. Nó không mang lại cho bạn kiến thức thực tế hay trải nghiệm hữu ích nào cả. Bạn cần niềm tin để làm việc, nhưng bạn không thể chỉ làm bằng niềm tin.

3. Cảm hứng khiến bạn phụ thuộc vào người khác

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy có nhu cầu được nói chuyện với ai đó để tiếp thêm cảm hứng, điều đó có nghĩa rằng bạn đã phần nào lệ thuộc vào người ta về mặt cảm xúc. Chuyện sẽ ổn chỉ khi bạn chắc chắn được ba điều: một là người ta sẽ luôn có mặt khi bạn cần; hai là người ta hoàn toàn biết cái gì là tốt cho bạn; và ba là người ta sẽ luôn làm hết sức vì lợi ích tốt nhất của bạn. Tức là bạn cần một (vài) người luôn có sẵn khi bạn gần và hoàn toàn chân thành vì lợi ích của bạn chứ không vì mục đích (cá nhân) nào khác.

4. Cảm hứng là thứ dễ dàng mua bán

Từ ý sau cùng của số 3, mình tin rằng có một số đối tượng đang hành nghề bán cảm hứng đấy. Đa cấp là một ví dụ cực đoan của tình trạng này. Ngoài ra, những khóa học, những quyển sách liên tục đánh thức sức mạnh của bạn và tiềm năng của bạn (mà không có hướng dẫn khoa học gì thêm) cũng là một dạng như thế. Chuyện người ta bán những thứ đó không có gì sai, nhưng người ta biết rằng người trẻ rất lạc lối và cần tiếp sức. Do vậy người ta mới tự tạo cơ hội để làm giàu cho mình thông qua những câu chuyện màu hồng trên chính sự hoang mang của nguời trẻ đấy. Nè, đừng để mình bị lợi dụng tình cảm chứ ;)

5. Cảm hứng là thứ tốn thời gian để tìm kiếm

Vì nó không có sẵn, và khi hết bạn lại phải đi tìm. Mà không phải lúc nào cũng tìm ra đúng thứ cảm hứng để bạn lại tràn trề năng lượng. Với lượng thời gian đó, bạn có thể thực sự học một cái gì đó hữu ích. Lần cuối cùng bạn đi siêu thị với mẹ là khi nào?


KHÔNG CẢM HỨNG, VẬY THÌ LÀ CÁI GÌ?

NỖI SỢ

Nỗi sợ chỉ xuất hiện khi bạn đã có hiểu biết kha khá. Thuở bé những thứ tụi mình sợ là những thứ đơn giản và dễ hiểu: sợ giun, sợ rắn, sợ chuột, sợ gián. Lớn lên một tí nỗi sợ cũng tăng theo cả về số lượng lẫn độ phức tạp: sợ ma, sợ bị nghỉ chơi, sợ ở lại lớp. Và ở tuổi này, hầu như ai cũng sợ thất nghiệp, phải không?


Nỗi sợ là động lực bền bỉ hơn, bởi vì không cần mời nó cũng đến. Không giống như cảm hứng – có duyên thì gặp – nỗi sợ luôn luôn thường trực và tự nó luôn tiến hóa. Bạn vượt qua một nỗi sợ thì sẽ có nỗi sợ khác thay vào. Nỗi sợ bị học sinh khá hồi phổ thông sẽ bị thay thế bởi nỗi sợ rớt môn đóng tiền học lại. Nỗi sợ thất nghiệp khi ra trường bây giờ, sau này sẽ trở thành nỗi sợ không kiếm đủ tiền mua sữa cho con. Bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi tụi nó.



Nhưng tin tốt lành là, nỗi sợ nó như lửa đốt mông, khiến bạn phải luôn chạy về phía trước. Và nỗi sợ của mỗi người đều không giống nhau, do đó bản năng sinh tồn sẽ soi đường dẫn lối cho mỗi người có một giải pháp của riêng mình, không ai giống ai cả.


Bạn này sợ mình không đủ giỏi để cạnh tranh với bạn bè sau này khi ra trường, nên bạn lăn lộn đi làm từ năm hai. Bạn kia sợ mình rớt môn phải đóng tiền học lại nên bạn cày bừa sáu môn để GPA nằm top. Mình sợ yếu kỹ năng mềm nên mình tham gia thật nhiều công việc thiện nguyện và câu lạc bộ sinh viên. Vì vậy, một tập thể, một tổ chức, một xã hội vận hành bởi những nỗi sợ cá nhân sẽ sản sinh ra sự đa dạng về tài năng, chuyên môn và tăng tính độc đáo, sức sáng tạo của tập thể. Trong tập thể đó, ai cũng nổi bật vì ai cũng khác nhau.


Vậy là, miễn là bạn còn sợ, là bạn còn đủ biết mình cần phải nỗ lực, và do đó bạn nỗ lực. Chỉ cần bạn nỗ lực, thế giới hôm sau đã tốt hơn hôm nay rồi.


HÃY SỢ SAI LẦM VÀ VẤP NGÃ

Và đừng nghe người ta nói rằng tuổi trẻ đừng sợ sai lầm và vấp ngã. Hãy sợ sai lầm và vấp ngã để bạn học cách lên kế hoạch và tính toán kỹ lưỡng hơn.
Và hãy sợ sai lầm và vấp ngã, vì dĩ nhiên chẳng ai muốn nó xảy ra cả. Đa số những sai lầm đều có thể sửa chữa, dù lâu dài hay nhanh chóng tùy thuộc. Nhưng có những sai lầm bạn không thể nào chuộc lại.