Một đêm đỡ đẻ cho rùa biển diễn ra như thế nào?
Dưới ánh trăng sáng mờ, mẹ rùa to lớn đang nằm trong một cái ổ sâu chừng cánh tay do chính mẹ tự đào. Mình nín thở. Lần đầu thấy một sinh vật hoang dã to lớn và gần mình như vậy, thật kỳ diệu làm sao.
Nếu hỏi cuộc sống của tình nguyện viên bảo tồn rùa biển có gì đặc biệt nhất, mình sẽ không ngần ngại nói về đêm. Trong sắc đen huyền hoặc, giữa lúc vạn vật say giấc nồng, tụi mình thức trắng để tập trung vào "ca công tác" có một không hai. Sắc đêm yên tĩnh ấy là phần ký ức khó quên nhất, là chất keo đặc biệt kết dính 9 con người xa lạ về Bảy Cạnh làm tình nguyện. Để rồi khi chia xa, ai cũng da diết nhớ.
1. Đi đêm lắm có ngày gặp... rùa đẻ
Giữa đêm yên tĩnh, thốt nhiên một luồng ánh sáng xanh vụt lên. Lác đác những bóng người ngồi dậy. Người này gọi người kia, tiếng gọi vô thanh như tiếng huýt gió, nhẹ nhàng như thể sợ màn đêm giật mình. Thứ ánh sáng đỏ ma mị dẫn lối, mấy cái bóng đen lố nhố nối đuôi nhau từ căn nhà xuống bờ biển, rồi mất hút vào bóng tối. Mặt trăng sáng rực, gần đến tháng cô hồn.
Nhưng đây không phải mở đầu của một câu chuyện ma. Nó đơn giản là khởi đầu của một đêm đỡ đẻ cho rùa. Những "bóng ma" đó là anh kiểm lâm và tụi mình - các tình nguyện viên bảo tồn rùa biển. Cái ánh sáng xanh kia là ánh sáng báo thức từ điện thoại, còn ánh sáng đỏ là từ mấy cái đèn pin dùng để soi rùa. Ánh sáng đỏ là cách hay nhất để tụi mình thấy rùa còn rùa không thấy tụi mình - tại khả năng nhận biết ánh sáng màu đỏ của rùa biển là rất thấp.
Ở Bảy Cạnh - nơi rùa biển lên đẻ nhiều nhất Việt Nam, buổi tối là lúc tụi mình bắt đầu ca công tác quan trọng nhất trong ngày. Tuỳ theo lịch thuỷ triều, có hôm thì chừng 8h tối, có hôm thì đúng boong 2h đêm là tụi mình sẵn sàng mặc áo gió, đi dép tổ ong, đeo đèn pin đỏ. Rồi sắp hàng cùng nhau nhón chân đi ra hồ ấp rùa, mở cửa, lấy ra những chiếc sọt nhựa và những cây cọc tre dài chừng cánh tay. Phân chia mỗi đứa xách 2 sọt và 2 cọc tre xong, tụi mình dò dẫm bước ra bờ biển.
Rì rào tiếng sóng, mát rượi làn gió, lấp lánh những vì sao. Có những đêm, trăng tròn xoe, ẩn mình sau vài làn mây mỏng dính, toả ra thứ ánh sáng huyền ảo tuyệt diệu. Cái vẻ đẹp ai cũng xuýt xoa là khó tìm thấy lắm lắm, ngay cả với mấy đứa tình nguyện, những cái chân đi đã hăm hở leo qua bao nhiêu núi đồi biển khơi. Nhưng mà đang trong ca trực nên tụi mình phải tạm bỏ ngoài tai ngoài mắt phong cảnh thiên nhiên hữu tình đó. Mắt đứa nào cũng dán xuống cái nơi ít đẹp nhất - bãi cát.
Đúng vậy, bạn tưởng tượng được mà phải không? Đêm đen xì, chỉ có ánh sáng yếu ớt của trăng sao, một đoàn rồng rắn 4-5 người, lặng lẽ đi không một tiếng nói, không cả một ánh đèn, đầu cúi xuống cát, ngoảnh qua ngoảnh lại ngó nghiêng tìm kiếm.
Bỗng người đi đầu đứng lại, lặng lẽ bẻ cua 90 độ, đi thẳng từ ngoài bãi cát sát bờ biển, lên cái đụn cát bên trong cách đó chừng chục mét. Ánh sáng đỏ mờ bật lên rồi nhanh chóng tắt đi. Bàn tay anh giơ lên vẫy vẫy.
"Thấy rùa rồi" - những giọng nói thì thầm xì xào vào tai nhau, không giấu được sự hào hứng.
Tụi mình chạy lại - khẽ khàng nhẹ nhàng. Lúc này, nhìn xuống cát, mình thấy một dấu vết không thể nhầm lẫn được - vết chân rùa mẹ bò lên bãi tìm chỗ đẻ trứng. Người đứng đầu - thực ra chính là anh kiểm lâm đầy kinh nghiệm - đã lặng lẽ lần theo dấu chân mẹ rùa (mà chẳng cần đèn đóm gì) và tìm được đúng nơi mẹ rùa đang đào lỗ. Anh ra dấu cho tụi mình ra đứng ở phía đuôi rùa để mẹ rùa không thấy tụi mình và yên tâm đào tiếp. Tụi mình đi lom khom, cúi sâu người xuống, có đứa còn bò bằng bốn chân, tiến tới gần mẹ rùa.
Và kìa, dưới ánh trăng sáng mờ, mẹ rùa to lớn tròn ủm đang nằm trong một cái ổ sâu chừng cánh tay do chính mẹ tự đào. Mình nín thở. Lần đầu thấy sinh vật hoang dã to lớn và gần mình như vậy, thật kỳ diệu làm sao.
Thế rồi anh kiểm lâm ra dấu cho tụi mình đi ra xa, cách rùa chừng 5 10m. Dù rùa không thể nghe được tiếng người nói chuyện, nhưng chúng mình vẫn giữ yên lặng để không làm phiền lúc đang đẻ. Chị mà thấy nguy hiểm là chị nín đẻ về biển liền.
"Nó hạ thấp xong rồi, đang moi lỗ. Chừng hai chục phút nữa đẻ đó" - Giọng anh kiểm lâm thì thào với tụi mình. "Một hoặc hai bạn ở lại đây canh mẹ rùa này. Còn lại đi với anh xem còn con nào khác không".
Và thế là hai trong 5 đứa đặt cái sọt và que tre xuống, ngồi đợi chị rùa đẻ xong để đào trứng mang về. Thường thì tụi mình chill trong tĩnh lặng, có lúc chill từ khi đêm đen mịt mù tới lúc trời ửng sáng, thì chị rùa xong việc.
2. Rùa mẹ ơi, mình đi đâu thế?
Dù được các anh kiểm lâm training từ ngày đầu, mình cũng mất 2 hôm mới thấm được cách xác định vị trí mẹ rùa lên đẻ bằng cách đi theo những dấu chân rùa để lại trên bờ cát. Dấu chân rùa rất dễ nhận diện, hai chi trước tạo vệt lớn bên ngoài, hai chi sau tạo vệt nhỏ bên trong, rùa đi tới đâu sẽ tạo ra dấu kéo lê tới đó - giống như là con sên bò tới đâu có vệt nước đi theo tới đó. Dù là dưới ánh trăng mờ nhạt, và với cái kính cận 8 độ, thì mình vẫn nhận ra được.
Cứ đi theo dấu chân rùa, soi đèn pin đỏ tìm nếu cần, thì sẽ thấy được mẹ rùa đang ở đâu. Lúc đầu mình cứ thán phục mấy anh sao mà mắt tinh quá xá. Tới lúc tự tìm ra rùa nhờ dấu chân và biết phân biệt dấu nào là dấu rùa lên bãi, dấu nào là dấu rùa xuống biển, mình thấy mình ngầu hơn hẳn.
Đợt tình nguyện chỉ có 10 ngày, tụi mình chỉ đi trực rùa 10 đêm, vậy mà đã quan sát được cơ man tập tính đẻ của các mẹ rùa. Lắm đêm, tụi mình phải ngạc nhiên trước tập tính chọn chỗ của các mẹ. Mẹ rùa có thể đi vòng vòng tới vài chục mét trên bờ biển mà chẳng chọn được chỗ đẻ vừa ý nào, thế là lại về biển, hôm sau mới đẻ. Hoặc là mẹ rùa sẽ chọn một chỗ hang cùng ngõ hẻm, tít tận trong hốc đầy rễ cây và gai nhọn, đẻ xong kiếm đường ra lại biển mất mấy tiếng. Nhưng mẹ rùa cũng có thể vừa lên cái chọn liền chỗ đẻ. Có đêm, vừa bước xuống bờ biển tụi mình gặp liền một chị rùa ngay chỗ cầu thang dẫn lên trạm kiểm lâm, chị đẻ rột rột rồi đi về biển cái một.
Nghe các anh kiểm lâm kể, có một mẹ rùa bị cụt chân sau, nhưng năm nào cũng lên đẻ. Mẹ rùa cụt chân ấy được các anh ưu ái gọi là linh thú của Bảy Cạnh. Lý do mẹ rùa bị cụt chân thì có thể là: vướng chân vào lưới đánh cá (lưới ma) dưới đáy biển, hoặc vướng vào mảnh sắt thép bị người ta quăng xuống biển, etc. Về sau, may mắn thế nào, tụi mình được tận mắt diện kiến mẹ rùa cụt chân ấy, khoảng chừng 4h sáng khi mẹ rùa lên tìm bãi đẻ.
Nhìn chị rùa chầm chậm bò trong ánh sáng chạng vạng của hừng đông, mình chợt nghĩ, không biết bao nhiêu mẹ rùa được may mắn như chị mà thoát khỏi những hoạt động khai thác và xả rác vô tội vạ của con người?
3. Không phải Âu Cơ, vẫn đẻ trăm trứng
Ngồi chờ rùa đẻ, mình nghe được tiếng thở nặng nhọc của rùa. Cứ mỗi tiếng thở phì là một lần rặn, những trái trứng trắng tinh, tròn xoe lại rơi ra từ đuôi rùa.
Bao nhiêu khâm phục ùa đến. Khâm phục vì mẹ rùa đã trải qua 30 năm trưởng thành, và đã bơi một chặng đường thật là dài để về lại đúng nơi mình sinh ra và đẻ trứng tại nơi đó.
Khâm phục vì sự kỹ càng cẩn thận của mẹ rùa khi chọn ổ đẻ. Vì tạo hoá đã thiết kế tài tình biết mấy - chi rùa hình mái chèo vừa để bơi nhanh dưới nước, vừa để moi cái lỗ đẻ sâu ơi là sâu mà vẫn vuông vức chỉn chu. Trứng rùa thì có lớp vỏ đàn hồi và có một chỗ lõm vào để không bị lăn đi lông lốc, giảm khả năng bị vỡ trứng. Giữa đêm tối đen tĩnh mịch, soi đèn pin vô đuôi rùa, nhìn từng trái trứng rơi ra mà thấy mình "triệu phú" ghê - vì ngoài kiểm lâm và tình nguyện viên tụi mình, không mấy ai được chứng kiến cảnh lâm bồn đặc biệt này.
Video một mẹ rùa đang dùng chi sau đào lỗ đẻ (cần 1 sự kiên nhẫn nhẹ khi xem vì mẹ rùa làm từ tốn lắm):
Đẻ xong, rùa lấp và nguỵ trang ổ mất khoảng 1-2 tiếng. Xong xuôi, rùa bỏ về biển. Tới lượt tụi mình tác chiến, đào và mang trứng rùa về hồ ấp nhân tạo. Lý do là vì trứng rùa để tự nhiên trên bãi biển sẽ gặp nhiều nguy cơ: bị người ăn trộm, bị thú vật khác ăn mất, bị nước biển tràn vào gây ung thúi, và rùa con nếu sinh ra tự nhiên vào lúc nửa đêm sẽ dễ bị thu hút bởi ánh sáng trong đất liền và bò ngược vào trong chứ không bò ra biển.
Cái rổ nhựa và cọc tre ban đầu mang ra, đến bây giờ mới phát huy tác dụng. Cọc tre để đánh dấu vị trí ổ trứng - ngay khi rùa mẹ đang đẻ là phải ra cắm cái cọc chỉ hướng liền, vì rùa mẹ sẽ lấp và nguỵ trang ổ rất kỹ. Còn rổ nhựa là để đựng trứng rùa.
Những ổ trứng đã được mẹ rùa lèn cát chặt sẽ do chính tay tụi mình đào lên. Bật cái đèn pin đỏ lên nào, đào đúng chỗ cái cọc đánh dấu ban nãy nha. Lấy tay làm xẻng, hì hục múc cát ra ngoài, múc múc múc sao cho tới khi cái hố cát sâu khoảng 80cm. "Sâu quá, tay tao không với tới". Thì nằm bò ra cho tay với được. Vẫn không tới. Thế là đổi qua đứa khác có cái tay dài hơn, nằm bò xuống, đào cát ra. "Thấy chưa?" - "A thấy rồi!". Tay chạm vào trái trứng tròn ủm, lớp vỏ đàn hồi, mừng húm, bèn khuấy cát mạnh hơn để lấy trứng ra.
Mình vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác trái trứng nằng nặng tròn ủm ở trên tay. Nhớ cái sạn sạn của cát dính quanh trái trứng khi tụi mình đào lên. Nhớ cái mùi - hẳn là mùi nước ối của rùa mẹ - rất đặc trưng khi tụi mình thò tay ghé đầu vào hố cát trên bãi biển để bới cái trứng lên. Nhớ cả dáng nằm bò xải lai của chúng bạn khi đào trứng, và những chú chó đen của Trạm Kiểm Lâm cuộn tròn ngủ trong ổ rùa, đợi tụi mình đào trứng xong thì vẫy đuôi chạy theo.
Lấy trứng xong, cái cảm giác thành tựu nhất là khi ghi số lượng trứng lên lá cây rồi thả chung cả trứng cả lá vào giỏ nhựa xách về. Mẹ rùa mắn đẻ thì ổ 150-170 trứng, còn ổ nào rùa so hoặc rùa đẻ cuối mùa thì chỉ khoảng 50 trái. Con số nào cũng khiến mình tự hào muốn phổng hết cả mũi lên. Mình đã đỡ đẻ cho hẳn một mẹ rùa bự cơ mà!
4. Trứng ơi, ngủ ngon chóng nở!
Hai tay ôm giỏ trứng - nâng niu như ôm boss ở nhà, tụi mình mang về hồ ấp để chôn. Ánh đèn trắng le lói, đứa cầm xẻng đào hố, đứa cầm chén nhựa múc cát khỏi hố, đứa lấy cây cọc ra ghi thông tin ổ. Với mình, đào hố chôn trứng là phần cực nhất, vì con gái nhỏ con, tay yếu, phải lấy chân đè xẻng xuống mới đào được cát lên. Lấy từng trái trứng bỏ vào hố nhẹ nhàng. Rồi lấp cát và lấy cọc tre ghi lại thông tin ổ. Trứng rùa chôn xuống, phải tới 7-9 tuần sau mới nở, và thường chỉ nở 70-80% thôi. Còn lại là trứng không có phôi nên thành trứng ung thúi. Thành ra lúc đào hố chôn mình thường nghĩ, mấy bé trứng ơi, ráng nở hết nha, biến thành rùa hết nhaaaa.
Chôn trứng xong, lại đi xuống dưới bãi để xem còn mẹ rùa nào lên đẻ thì trông tiếp. Cứ thế, một đêm canh rùa trôi qua, tụi mình thường đỡ đẻ được cho mười đến hai mươi mẹ rùa.
Ở nơi rùa đẻ nhiều nhất Việt Nam này, hiện cũng chỉ còn khoảng vài trăm rùa mẹ lên đẻ mỗi năm. Mỗi mẹ đẻ 5-10 lượt một mùa, nên tổng số ổ trứng rùa thường lên khoảng 1800 ổ. Nhân lên chắc cũng khoảng vài chục nghìn bé rùa con được thả mỗi năm. Nghe thì thật nhiều, nhưng với tỉ lệ chỉ 1 trong số 1000 rùa con có thể sống sót đến tuổi trưởng thành, thì số lượng rùa con như vậy cũng chưa thấm vào đâu cả. Chỉ hy vọng vài chục năm nữa, số lượng rùa biển sẽ đông đảo thêm lên để trở về mức như trước khi chúng bị đưa vào Sách Đỏ.
5. Ngàn lẻ một tâm sự giữa đêm
Mỗi ổ trứng rùa lấy được là một kỉ niệm, mỗi lần đào hố chôn là lại có thêm vài câu chuyện cười. Và khi canh rùa đẻ, giữa rì rào tiếng sóng, là rì rầm bao tâm sự. Chuyện tình nguyện viên mình kể nhau nghe, chuyện các anh kiểm lâm kể tụi mình nghe.
Có tâm sự về những ngày biển động, động hoài động mãi tới cả tháng rưỡi, tàu bè bị cấm di chuyển, các anh kiểm lâm hết đồ ăn dự trữ. Phải lên rừng kiếm rau rừng và chặt cây dừa lấy củ hủ dừa ăn tạm. Mấy chú chó canh trạm, cũng vì vậy mà chết mất hai đứa. Những nỗi niềm mà dân thành phố đâu có ngờ. Cái nơi biển xanh mây trắng nắng vàng view triệu đô ước mơ của tụi văn phòng, hoá ra có lúc lại trở thành ác mộng như thế.
Có tâm sự về những kẻ trộm rùa. Trộm trứng rùa giờ đã là tội hình sự, có thể khiến người ta đi tù 7-10 năm. Vậy mà có người vẫn bất chấp. Có kẻ vào tận trạm kiểm lâm ăn trộm trứng rùa. Có kẻ rình mò xẻ bụng mẹ rùa giữa biển cả mênh mông chỉ để cướp đi mấy trái trứng trong bụng - và vì sợ kiểm lâm phát hiện nên buộc đá vào cho xác rùa chìm xuống. Chuyện đó xảy ra không chỉ ngày một ngày hai. Tụi mình nghe kể mà thấy sao ác quá. Rùa nó có tội tình gì đâu. Trứng rùa có lượng cholesterol cao ăn vào dễ bị bệnh tim mạch. Vậy mà kẻ bán người mua vẫn đầy chợ đen.
Có tâm sự về những ước mơ du học. Về chuyện tình cảm. Về những trăn trở công việc, gia đình. Về nuối tiếc quá khứ, về dự định tương lai. Có tiếng hát vang lên chẳng chút ngại ngùng - bao lâu rồi những đứa U30 mới lại cất tiếng hát nghêu ngao như thời còn sinh viên? Ở nơi thành thị, đâu mấy ai có thời gian mà thực lòng lắng nghe những thứ vu vơ của người lạ. Nhưng ở nơi này, giữa mênh mang tĩnh mịch, tiếng lòng vang lên chẳng chút kìm giữ. Đầu đội ngàn sao, chân ngâm mặt sóng, những ngón tay lấm lân tinh huyền ảo, chúng mình từ những người hoàn toàn xa lạ, trở thành những người hiểu thấu suy tư, lo lắng và sự yếu đuối của nhau. Một kiểu tình cảm thương quý trong vắt vô tư như pha lê. Chắc vì vậy mà team rùa nào đi về cũng thân. Mình cũng vậy, bỗng dưng có thêm mấy đứa bạn khắp năm châu.
Những câu chuyện đêm Bảy Cạnh, thay vì để lại trong bóng tối, mình kể ra đây. Mong rằng một vài trong số những người đã đọc tới dòng này sẽ có được trải nghiệm tuyệt vời như mình từng có. Nhìn rùa đẻ, ngắm dải màu trời từ tối đen đến ửng hồng, nâng niu từng trái trứng rồi bỏ hố chôn, tận tay thả đi mấy bé rùa con mới nở, và gửi tâm sự vào gió bên cạnh những người bạn hợp rơ. Chỉ 10 đêm thôi, mà chắc sẽ nhớ tới mãi sau này.
Thông tin chính thức về chương trình TNV Bảo tồn Rùa Biển IUCN xem tại:
- Facebook group Tình nguyện viên Rùa biển - Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Thường chương trình sẽ mở đơn tuyển TNV vào tháng 5 hàng năm và thời gian đi tình nguyện chia thành từng đợt, mỗi đợt 10 ngày, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Nếu hứng thú, các bạn hãy theo dõi fanpage để biết thêm nha!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất