Luật nhập thành trong cờ vua – nơi quân Xe và Vua đổi cánh đứng với nhau – thể hiện tư duy trao quyền của người lãnh đạo, dám tin tưởng và mạo hiểm giao trọng trách lớn cho người thuộc cấp dưới của mình.
Luật phong cấp trong cờ vua – nơi quân Tốt có tiềm năng trở thành một quân khác mạnh hơn – thể hiện ý chí phấn đấu ở những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, nếu có ý chí người ta có thể leo lên tầng lớp thượng lưu còn không thì mãi mãi chỉ là một con người thấp kém.
Sự xuất hiện của quân Hậu trong cờ vua thể hiện tư duy tôn trọng phụ nữ của người châu Âu, thứ tư duy thiếu vắng ở người châu Á bởi vì trên bàn cờ của họ không có quân cờ thuộc giới tĩnh nữ.
Trên đây là những diễn giải chúng ta rất dễ bắt gặp khi tìm đọc trên mạng về các bài viết chia sẻ quan điểm sống dựa trên cờ vua.
Đối với những người chơi cờ vua giỏi, hoặc đơn giản hơn là những người đã rành rẽ cờ vua qua khía cạnh lịch sử văn hoá, sẽ thấy ngay rằng các diễn giải ấy quá nặng tính suy diễn và có phần hơi ngây ngô. Trong thời đại hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ không thấy bất kì chuyên gia cờ vua nào viết những điều ngô nghê nhưng hấp dẫn như vậy, thay vào đó họ lại viết những điều chính xác nhưng khô khan. Bây giờ những điều ngô nghê hấp dẫn như thế dường như chỉ còn lại ở những người mới tập chơi cờ vua, hoặc những người không chơi cờ vua mà chỉ biết sơ qua luật chơi cơ bản.
Khi so chiếu hiện tượng này với lịch sử lí thuyết cờ vua, tôi không khỏi không nghĩ rằng, đôi khi thứ lịch sử rộng lớn như lịch sử cờ vua lại tương đồng đến kì lạ với lịch sử chơi cờ của một con người. Với lịch sử của một người, khi hiểu biết còn hời hợt về cờ vua, người ta có khuynh hướng suy luận từ cuộc cờ ra cuộc đời. Với lịch sử của cờ vua, khi nhân loại còn vụng về với trò chơi này, họ đã sử dụng nó như một công cụ giáo dục toàn diện từ quân sự đến đạo đức, và thậm chí đến cả tình yêu.
Khác biệt duy nhất ở đây có lẽ là khi nhân loại đã tiến bộ trong cờ vua, họ dần dần bỏ đi tư duy cuộc cờ là cuộc đời. Còn với mỗi con người, thì tôi không chắc về điều này.

1. Huyền sử ở buổi ban sơ

Nhà nghiên cứu cờ vua David Shenk đã từng nhận định “Cờ vua là công cụ dạy và học có lịch sử lâu đời hơn cả bảng đen, sách vở, la bàn và kính thiên văn.” Trò chơi được gợi cảm hứng từ chiến tranh này chưa bao giờ chỉ xoay quanh chiến tranh, các nhà sử học đã thường xuyên tình cờ đọc được từ các thư tịch các câu chuyện liên quan đến cờ vua trong đủ lĩnh vực, từ tất định luận hay ý chí tự do, từ sức mạnh cơ bắp hay quyền năng trí tuệ, đến biến động chính trị và giáo dục đạo đức xã hội.
Bắt đầu hình thành từ thế kỉ thứ sáu ở Ấn Độ với cái tên đầu tiên là chaturanga, cờ vua dần dần được du nhập sang Ba Tư, Ả-rập với cái tên shatranj, và cuối cùng là châu Âu. Thế kỉ thứ mười hai là quãng thời gian mà cờ vua đã trở nên phổ biến khắp thế giới. Ở buổi ban sơ này, loài người không tìm hiểu một cách khoa học về nguồn gốc cờ vua, thay vào đó họ dùng truyền thuyết để lí giải. Và mỗi nền văn hoá có một hoặc nhiều truyền thuyết riêng:
Ấn Độ cổ đại tương truyền rằng có một nữ hoàng nọ quyết định truyền ngôi cho người con trai duy nhất của mình. Thế nhưng người con ấy bị ám sát và quần thần không biết phải báo tin dữ này như thế nào cho nữ hoàng một cách khéo léo. Cuối cùng, một vị hiền triết đã sáng tạo ra một trò chơi “chiến tranh không đổ máu” và biểu diễn nó trước mặt nữ hoàng. Ngay sau khi quân vua của một bên bị chiếu bí, nữ hoàng liền tự khắc nhận ra tin dữ mà không cần ai phải nói cả.
Cũng ở Ấn Độ cổ đại, một truyền thuyết khác kể về hai vị vua kế tiếp nhau là Hashran và Balhait. Vị vua thứ nhất yêu cầu nhà hiền triết của mình sáng tạo một trò chơi tượng trưng cho sự lệ thuộc vào vận mệnh của con người, và thế là nard ra đời, một trò chơi dựa vào may mắn và là tiền thân của cờ tào cáo. Vị vua thứ hai yêu cầu một trò chơi tượng trưng cho ý chí tự do của con người, lúc này chaturanga ra đời, tổ tiên của cờ vua như ngày nay chúng ta biết.
Người Ba Tư lại có truyền thuyết riêng, tương truyền rằng để phục thiện cho tên vua tàn ác Evil-Merodach – người đã sát hại cha mình là vua Nebuchadnezzar rồi phân xác ra làm ba trăm mảnh và cho ba trăm con kền kền ăn thịt – vị hiền triết Xerxes (hay Sassa) đã sáng tạo ra cờ shatranj, tiền thân của cờ vua, để giáo dục cho Evil-Merodach cách làm một vị minh quân.
Khi cờ vua sang châu Âu, nhờ sức hấp dẫn của nó mà người dân ở đó thêu dệt vô cùng nhiều truyền thuyết. Nào là Pythagoras đã sáng tạo cờ vua để truyền tải sự huyền bí của toán học và những con số; nào là Palamedes, vị hoàng tử thuộc phe Hi Lạp trong cuộc chiến thành Troy lừng lẫy, đã sáng tạo cờ vua để thể hiện tài điều binh khiển tướng của mình; nào là Moses, nhà tiên tri quan trọng nhất trong Do Thái giáo, đã phát minh ra cờ vua cùng với chiêm tinh học và bảng chữ cái nhằm tạo ra một gói giáo dục toàn diện cho mọi người.
Thảy câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết và huyền sử, theo các nghiên cứu lịch sử thì cờ vua chỉ xuất hiện sớm nhất ở thế kỉ thứ sáu dưới hình hài là cờ chaturanga của Ấn Độ. Và có lẽ cũng giống như Kinh Thánh, cờ vua là sản phẩm của một nhóm lớn người, được xây dựng một cách phi tập trung, là một sản phẩm của trí tuệ tập thể sau một thời gian rất dài tiếp thu, mày mò, và sửa đổi.
Nhưng điểm quan trọng mà chúng ta thấy ở đây là trong tâm tưởng của người xưa, cờ vua chưa bao giờ chỉ đơn giản là một trò chơi giải trí, mà nó luôn gắn chặt với nhiệm vụ giải thích thế giới, giáo dục con người, khiến những thứ trừu tượng trở nên hữu hình, thứ khó nói trở nên dễ nói, thứ phức tạp trở thành đơn giản.
Nói cách khác, một công cụ giáo dục toàn diện.

2. Công cụ giáo dục ở phương Đông

Gạt huyền sử sang một bên, sẽ vẫn là chính xác nếu ta tuyên bố rằng cờ vua thực sự đã được con người dùng làm một công cụ giáo dục.
Al-Adli là một trong những bậc thầy và tác giả viết sách cờ vua đầu tiên của thế giới, ở Ả-rập người ta gọi ông là người bất khả chiến bại, và al-Adli đã từng đề xuất sử dụng bàn cờ vua làm bàn tính, ý tưởng này sau đó cũng được người Trung Quốc và người châu Âu áp dụng. Đến thời đại nay, sự liên quan giữa cờ vua và toán học đã trở nên quen thuộc đối với chúng ta, chẳng hạn thế cờ tám Hậu (eight queens puzzle) và hành trình của Mã (knight's tour) là những bài toán cờ vua (mathematical chess problem) tương đối nổi tiếng.
Nhưng nổi tiếng hơn tất cả thì không thể không kể đến bài toán tính số hạt thóc trên bàn cờ. Câu chuyện kể rằng để tưởng thưởng cho vị hiền triết đã sáng tạo ra cờ vua, nhà vua cho phép ông được yêu cầu một món quà tuỳ ý, vị hiền triết thưa rằng hãy đặt một hạt vua ở ô cờ thứ nhất, các ô sau gấp đôi ô trước, đến khi hết sáu mươi tư ô cờ là được. Nhà vua thoạt nghe cứ tưởng vị hiền triết đang bỡn cợt vì món quà quá nhỏ so với kho thóc khổng lồ của hoàng cung. Vậy nhưng kết quả của tổng số thóc trên bàn cờ là con số nhiều gấp 2000 lần tổng số sản lượng thóc hàng năm của toàn thế giới. Điều này cho chúng ta thấy quyền lực to lớn và rất phản trực giác của những con số.
Thế giới Hồi giáo có một quãng thời gian sáng chói gọi là Thời hoàng kim Hồi giáo (Islamic Golden Age) kéo dài từ thế kỉ thứ tám đến thế kỉ thứ mười ba. Vị vua đầu tiên của thời đại này là Harun al-Rashid – mà chúng ta vẫn thường được nghe nhắc đến tên ông trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm – và Harun al-Rashid vừa là chiến binh cũng vừa là trí thức. Di sản lớn nhất mà al-Rashid để lại cho nhân loại là sự thành lập Ngôi nhà Trí tuệ (House of Wisdom) và được hoàn thiện vào thời vua sau đó là al-Ma’mun con trai ông.
Cả hai cha con nhà al-Rashid đều là người say mê cờ vua. Dưới thời al-Ma’mun, đã có những buổi tổ chức đấu cờ trước sự chứng kiến của nhà vua để chọn ra những kì thủ giỏi nhất. Những bậc thầy cờ vua này được gọi là aliyat và cả thế kỉ thứ chín, trong khắp đế chế Ả-rập chỉ có năm aliyat mà thôi. Rõ ràng, ở nền văn hoá Hồi giáo này cờ vua không chỉ là một trò giải trí đơn thuần, nó là thứ kiến thức mà có thể khiến những người thành thạo được trọng vọng và xếp cao trong các nấc thang xã hội.
Thời kì này cũng bắt đầu hình thành một thứ chuyên môn về cờ vua và những bậc thầy cờ vua bắt đầu viết thứ chuyên môn này thành sách. Khoảng năm 840, quyển sách đầu tiên phân tích cờ vua ra đời, Kitab ash-shatranj (Sách về shatranj), tác giả của nó lầ “kì thủ bất khả chiến bại” al-Adli. Dưới đây là một trong những thế cờ al-Adli đưa vào sách cho người đọc giải.
Đến trắng đi, chiếu bí sau 3 nước. Bạn thử giải xem.
Đến trắng đi, chiếu bí sau 3 nước. Bạn thử giải xem.
Cũng trong quãng Thời hoàng kim Hồi giáo này, cờ vua bắt đầu đi vào lời ăn tiếng nói của người dân, người ta nói chuyện với nhau và lấy hình ảnh quân cờ để ví von so sánh trong những vấn đề đời thường. Chẳng hạn, thi sĩ al-Farazdaq từng viết vào cuối thế kỉ thứ bảy: “Ta cách chia con khỏi quyền thừa kế và khỏi ngai vàng để cho, dưới bàn tay ngăn trở của ta, con mãi là một quân Tốt trong số nhiều quân Tốt.”
Hay vào năm 802, hoàng đế mới lên Nicephorus của Đông La Mã đã dùng hình ảnh ẩn dụ về cờ vua trong bức thư hăm doạ Harun ar-Rashid: “Nữ hoàng tiền nhiệm tôi đã coi ngài như một quân Xe và tự coi bà ấy chỉ như một quân Tốt, vậy nên bà ấy đã cống nạp cho ngài nhiều gấp đôi khoản cống mà đáng lẽ chính ngài phải cống nạp cho bà ấy.”
Vậy nhưng những hiện tượng trên chỉ là màn dạo đầu của việc xã hội hoá cờ vua trong lịch sử của trò chơi này. Phương Tây đang dần dà được du nhập cờ vua và chúng ta được hứa hẹn chứng kiến thời kì cờ vua bùng nổ ở những miền đất xa xăm.

3. Một biểu tượng vĩ đại ở phương Tây

Nếu như dưới tư cách công cụ giáo dục, ở phương Đông cờ vua chỉ được áp dụng cho giáo dục môn toán học và chính môn cờ vua, thì ở phương Tây cờ vua được dùng như một gói giáo dục đa năng, bao gồm rèn luyện trí óc, kĩ năng quân sự, đạo đức xã hội; không những thế ảnh hưởng của nó còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như quyền lực của các nữ hoàng và sự phát minh ra tình yêu lãng mạn trong nền văn hoá hiệp sĩ trung đại.
Cờ vua đến châu Âu vào thế kỉ thứ mười hai, qua Tây Ban Nha và Ý trước tiên, rồi rất nhanh sau đó nó lan rộng khắp châu lục này. Dường như người dân châu Âu đang chờ đợi cờ vua vậy, hay nói chính xác hơn là người ta đang chờ đợi một trò chơi có tính xã hội cao để gắn kết mọi người với nhau. Nghiên cứu của Richard Eales cho biết trình độ chung của người châu Âu bấy giờ không cao, họ mê say chơi cờ vua vì tính xã hội của nó thay vì sự cạnh tranh khốc liệt của hai tâm trí.
Ngay từ thế kỉ thứ mười hai, cờ vua đã được coi là một trong bảy kĩ năng cần thiết đối với một hiệp sĩ, bên cạnh cưỡi ngựa, bơi lội, bắn cung, đấm bốc, săn bằng chim ưng, và sáng tác thơ.
Khác biệt lớn nhất của cờ vua ở châu Âu và ở phương Đông là cách người chơi nhìn nhận biểu tượng. Ở phương Đông, từ Ấn Độ cho đến Ba Tư và Ả-rập, người ta chỉ tượng trưng cờ vua cho một cuộc chiến, nhưng ở châu Âu cờ vua được tượng trưng cho một quốc gia. Điều này lí giải cho sự góp mặt của những nhân vật không thiện chiến trên bàn cờ như hoàng hậu, và giám mục hoặc hí giả (le fou) theo cách gọi của người Pháp.
Bản thân cờ vua không phản ánh xã hội, nhưng nó có đủ mọi đặc điểm để mời gọi sự phản ánh trong tâm tưởng của người chơi. Chúng ta có các quân được phân cấp độ như các tầng lớp trong xã hội, mỗi quân có luật đi riêng và không được vi phạm, sự phối hợp ăn ý giữa các quân là vô cùng quan trọng, tất cả các quân có nhiệm vụ bảo vệ một quân duy nhất, và quân thấp nhất có khả năng được trở thành quân cao thứ nhì bàn cờ.
Tác phẩm Communiloquium, một tập hợp các bài giảng, của nhà thần học John of Wales có đoạn ví von: “Cả thế giới giống như một bàn cờ, nơi có ô trắng và ô đen tượng trưng cho trạng thái sinh và tử, khen và chê. Đoàn thể của bàn cờ này là con người trên thế giới, thảy đều được lấy ra từ một chiếc túi bình thường, được đặt vào các nơi khác nhau trên thế giới, và mỗi người đều có một cái tên khác nhau.” Tiếp theo tác giả phân tích từng quân cờ với mức độ suy diễn mà chúng ta ngày nay hẳn phải thấy buồn cười: quân Xe là các thẩm phán trong xã hội bởi chúng có nước đi thẳng tượng trưng cho sự công minh chính trực; quân Tượng là giới giám mục và chúng đi xiên xẹo bởi vì hầu hết giám mục là những kẻ tha hoá và tham lam.
Thế nhưng tác phẩm đáng chú ý nhất về việc suy từ cuộc cờ ra cuộc đời phải kể đến Liber de moribus hominum et officiis nobilium super ludo scacchorum (Sách về phong tục của người dân và bổn phận của quý tộc dựa trên cờ vua) của một thầy tu tên là Jacobus de Cessolis. Tác phẩm này cũng là một tập hợp các bài giảng về vị trí của mỗi người trong xã hội. Cessolis lấy cờ vua ra làm một hình ảnh mẫu mực để thu nhỏ toàn bộ xã hội vào trong đó, ở đây lối tư duy nhìn bàn cờ như một quốc gia, thay vì một cuộc chiến, được thể hiện rõ hơn cả. Bên cạnh những quân cờ vốn phản ánh khá hiển nhiên cấu trúc một quốc gia như Vua, Hậu, Hiệp sĩ, v.v. Cessolis gây chú ý ở điểm gán cho tám quân Tốt tương ứng với tám nhóm thường dân khác nhau: dân cày, thợ kim khí, thợ may và công chứng viên, thương nhân và người đổi tiền, bác sĩ và dược sĩ, nhân viên quán trọ và khách sạn, lính gác thành, người đưa thư. David Shenk cho biết đây là quyển sách bán chạy thứ hai chỉ sau Kinh Thánh.
Tranh minh hoạ trong <i>Liber de moribus hominum et officiis nobilium super ludo scacchorum </i>
Tranh minh hoạ trong Liber de moribus hominum et officiis nobilium super ludo scacchorum
Cờ vua lúc này không chỉ là trò chơi mà còn là tấm gương phản chiếu xã hội. Nếu không dùng các biện pháp ví von so sánh thì sẽ rất khó cho con người thời đó trong việc ý thức về vị trí của mỗi nhóm người trong cấu trúc xã hội. Trước đây giới cai trị thường dùng chính cấu trúc cơ thể người để so sánh, với vua chúa là đầu não có bổn phận điều khiển mọi thứ, và thường dân là chân tay có bổn phận lao động để phục vụ, thế nhưng sự xuất hiện của cờ vua đã mang đến hình ảnh ẩn dụ thú vị và phù hợp hơn nhiều. Bởi vì ẩn dụ trên cờ vua cho thấy mỗi người dân được ràng buộc với xã hội theo các quy tắc có thể được lựa chọn, thay vì đặc điểm sinh học vốn không thay đổi được. Ẩn dụ này nhắn nhủ rằng nếu muốn xã hội ổn định thì mỗi người dân phải nghiêm ngặt tuân thủ các luật lệ dành cho tầng lớp của họ, nếu không điều xấu sẽ xảy đến với cả xã hội bao gồm họ, giống như việc quân cờ nào cũng đi lung tung không theo luật thì sẽ phá hỏng cả ván cờ.
Như vậy chúng ta đã thấy biện pháp ẩn dụ là tối cần thiết để giới cai trị giáo dục người dân của họ, không phải là nhờ có cờ vua nên họ mới biết dùng ẩn dụ, mà nhờ cờ vua – với các đặc điểm phù hợp một cách tuyệt vời – là một ẩn dụ lí tưởng để giới cai trị nhanh chóng chộp lấy và tận dụng triệt để.
Trên đây là cái nhìn bao quát và ngắn gọn về thời kì mà sự chuyên biệt hoá ở cờ vua vẫn còn ở mức rất thấp, các đại kiện tướng gần như không có, thay vào đó người ta chơi cờ vì tính xã hội để tăng sự gắn bó hoặc chơi vì truyền thống quý tộc như một chỉ dấu cho sự cao quý, do đó mà bao quanh cờ vua là rất nhiều truyền thuyết, suy diễn, thêu dệt mang màu sắc lãng mạn.
Nhưng không lâu sau đó, châu Âu bước vào thời kì Phục hưng với sự bùng nổ tri thức của rất nhiều lĩnh vực từ nghệ thuật đến khoa học, và tri thức về cờ vua hiển nhiên cũng không nằm ngoài cuộc bùng nổ này.
Chúng ta sẽ sớm thấy màn sương dày của suy diễn và truyền thuyết tan đi để nhường chỗ cho ánh sáng của lí thuyết cờ vua và việc nhìn nhận cờ vua dưới con mắt lí trí.
Nguồn tham khảo:
• Shenk, David. The Immortal Game: A History of Chess, or How 32 Carved Pieces on a Board Illuminated Our Understanding of War, Art, Science and the Human Brain. 2006. Reprint ed., New York, Anchor Books, 2 Oct. 2007.
• Eales, Richard. Chess: The History of a Game. Original ed., London, Batsford Books, 1985.
TORNAD
07/02/2024
Ảnh minh hoạ được tạo nhờ AI