Một cái cây kiêu hãnh và hạnh phúc
Hồi mình còn bé, mỗi năm mùa thu sẽ có "bà Thổ" đi qua cổng bán sim và ổi rừng. "Bà Thổ" đi bộ, quẩy gánh, vấn tóc hình tròn và mặc...
Hồi mình còn bé, mỗi năm mùa thu sẽ có "bà Thổ" đi qua cổng bán sim và ổi rừng. "Bà Thổ" đi bộ, quẩy gánh, vấn tóc hình tròn và mặc tận mấy lớp áo màu chàm. Trong trí nhớ của mình, "bà Thổ" luôn đầy bí ẩn, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc của họ nên mình chẳng bao giờ hiểu. Sau này khi mình lớn lên thì mình được gặp nhiều bà Thổ nói được tiếng kinh, mình thích các bà Thổ lắm, vì họ biết rất nhiều mẹo hay, các món ăn lạ, các loại cây chữa bệnh trong rừng. Họ cũng có nét gì rất cổ xưa, giống như một cây cổ thụ vậy, dù trông họ rất nhỏ bé.
Tháng Tư năm nay mình có đi Tây Bắc, lúc dừng xe bên đường mình có nhìn thấy một cây hoa Ban đang nở hoa trắng. Mình đã "Ô" lên một tiếng rõ to vì bất ngờ, chưa bao giờ mình nhìn thấy một cái cây đẹp như thế cả.
Thực ra hoa Ban ở Hà Nội trồng rất nhiều, mình thường nhớ đến hoa Ban những buổi tối trong thành phố, đèn đường đổ bóng lên những tán cây, ánh sáng xuyên qua những bông hoa màu hồng lấp lánh. Rồi những cánh hoa rụng xuống đường, sáng hôm sau sẽ được những cô lao công quét đi.
Năm nay là lần đầu tiên mình được thấy hoa Ban ở Tây Bắc. Một cây hoa Ban trắng nở trên núi, như một đám mây xà xuống thấp quá, vô tình mắc vào cành cây không thể trở lại bầu trời. Lần đầu tiên mình nhìn thấy hoa Ban với background là rừng chứ không phải nhà cao tầng, mình cứ nhớ mãi dáng vẻ đó. Dáng vẻ hạnh phúc và kiêu hãnh vô cùng (ước gì chúng ta có được dáng vẻ đó).

Ở đây, người Thái trồng lúa dọc theo những con suối. Năng suất chắc chắn là không cao bằng ở dưới xuôi rồi, nhưng mình có thể khẳng định chắc nịch rằng 20 năm cuộc đời chưa bao giờ mình được ăn cơm nếp ngon như vậy.
Ở đây, mình gần như không thấy có rác không phân hủy. Vì họ có tiêu dùng gì đâu, có lẽ cả tháng họ mới ra trung tâm xã một lần để mua nhu yếu phẩm. (Và vì chỉ có lá cây rụng trên nền bê tông mới là rác, lá cây rụng xuống đất sẽ là bạn, là thức ăn, là nguồn sống của cây).
Ở đây, mình gần như không thấy có rác không phân hủy. Vì họ có tiêu dùng gì đâu, có lẽ cả tháng họ mới ra trung tâm xã một lần để mua nhu yếu phẩm. (Và vì chỉ có lá cây rụng trên nền bê tông mới là rác, lá cây rụng xuống đất sẽ là bạn, là thức ăn, là nguồn sống của cây).
Ở đây, họ biết vô vàn loại cây có thể ăn được và chữa bệnh được. Họ biết trồng trọt, làm nhà sàn, chăn thả gia súc, dệt vải,.. Nhìn những người phụ nữ mặc váy hoa gieo neo trên đỉnh đồi, mình đã nghĩ, ồ họ vẫn sống như vậy từ thời xửa thời xưa đấy thôi. Họ khỏe mạnh và vui với những niềm vui đơn giản, hạnh phúc hơn người ở dưới xuôi rất nhiều. Chúng ta thấy họ nghèo khổ lam lũ, nhưng thực sự họ có cảm thấy như thế không? Hay chỉ là chúng ta đang áp đặt cái nhìn của mình, rằng cuộc sống tốt là phải ở trong ngôi nhà gạch kiên cố, đường dải nhựa loáng bóng, điện thắp sáng trưng, nhà vệ sinh tự hoại lúc nào cũng thơm phức... Chứ người ở vùng cao thì, chưa chắc họ đã hạnh phúc với điều đó.
Mấy năm gần đây mình không còn thấy các bà Thổ mặc áo màu chàm nữa, và những đứa trẻ hay đi theo họ thì đều nói tiếng Kinh cả. Chúng ngồi sau xe máy và nghịch smartphone. Mình không biết nữa, có lẽ là mình tiếc nuối nhiều. Mình không phải một nhà kinh tế học cũng không phải một nhà xã hội học, mình chỉ trộm nghĩ rằng chúng ta đang ra sức phổ cập giáo dục cho trẻ em, ra sức phát triển kinh tế nông thôn, nhưng việc đó liệu có quan trọng bằng việc dạy một đứa trẻ biết trồng cây lương thực, biết sơ cứu khi bị rắn cắn, biết nấu một bữa cơm, biết phân biệt đâu là cây thuốc đâu là cây độc, loại nấm nào ăn được loại nấm nào không?
Ôi, chúng ta đã đi quá xa để tìm kiếm thứ gì nhỉ? Chẳng phải mục đích cuối cùng vẫn là được sống, được no bụng, ngủ ngon hay sao? Mấy việc đó đơn giản mà, tại sao phải làm mấy chuyện hầm hố như khoan dầu mỏ, đổ hàng tỉ tấn bê tông, nhét chữ vào đầu những đứa trẻ chỉ để đạt được mục đích là được sống, được no bụng, được ngủ ngon nhỉ?
Ôi, cuộc đời mà đơn giản thế thì loài vượn đã chẳng cần tiến hóa thành người rồi. Mình suy nghĩ vẩn vơ từ những điều mình thấy thôi, không có cơ sở khoa học gì đâu.

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất