Chẳng phải tự nhiên mà bao đời nay, thơ văn than thân trách phận của cánh phụ nữ lại nhiều hơn hẳn đàn ông. Thực ra phụ nữ họ khổ thật, đặc biệt là phụ nữ thế hệ trước.
Sau hàng loạt cuộc cách mạng tư tưởng kéo dài tới trăm năm thì thời cuộc có chuyển biến rõ rệt. Phụ nữ thời nay thay vì làm “cái bếp”, họ vươn lên làm “nóc nhà”. Nóc nhà thì đúng là cao thật nhưng không có trụ thì sao mà đứng. Còn đàn ông thì vốn là giống loài chung thủy. Có 2 điều mà tôi thấy đàn ông rất nhất quán: Thứ nhất là thời nào họ cũng luôn cố gắng làm trụ cột bảo vệ gia đình và thứ 2 là thời nào họ cũng thích những cô gái trẻ đẹp :)))
Một sáng chủ nhật thảnh thơi, khi đang nằm vắt lưỡi trên sofa để “kích cầu thương mại nước nhà”, tôi tính “nhờ” chồng lấy dùm cốc nước thì thấy anh đang sửa ấn phẩm cho khách. Sáng nào anh cũng dậy lúc 6h và gác lại công việc lúc 22h; anh bảo ngoài việc công ty thì phải nhận job ngoài mới có tiền dư dả. Tự nhiên lúc đó tôi thấy thương phận đàn ông vô cùng.

Đàn ông và áp lực làm trụ cột gia đình.

Quan niệm này không hẳn là định kiến. Theo tiến sĩ người Mỹ Cordelia Fine, đồng thời là tác giả cuốn “Delusions of gender”, sự khác biệt giữa hai giới xuất phát từ cấu tạo tự nhiên khác nhau của não và sứ mệnh sinh học của mỗi giới, kết hợp với yếu tố tác động của xã hội và môi trường sống. 
Cụ thể, về thể chất: Đàn ông có dung tích phổi lớn hơn, tim có khả năng bơm máu tốt hơn và khối lượng cơ bắp nhiều hơn. Do đó không có gì ngạc nhiên khi anh em có khả năng hoạt động thể chất mạnh mẽ hơn chị em. 
Về tư duy: Kết quả một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal Neuroimage tại Anh đã cho biết: trong một thử nghiệm chỉ số thông minh, não nam giới có thể huy động và sử dụng lượng chất xám tại vùng não tư duy cao gấp 6,5 lần so với não của phụ nữ khi giải quyết các vấn đề phức tạp.
Xuất phát là những người nguyên thủy tạo ra giá trị vật chất từ lao động chân tay, nam giới nghiễm nhiên đảm nhận phần lớn công việc “nặng” hơn phụ nữ. Các công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và tư duy phân tích nhạy bén cũng có phần ưu ái hơn cho phái nam. Mặt khác, phụ nữ với lợi thế sự uyển chuyển của cơ thể, giàu cảm xúc, và hoạt động "white matter" tích cực hơn nên họ làm tốt những công việc tỉ mỉ và khéo léo, điển hình như chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.
Tuy vậy, không phải ai mạnh cũng đi làm lực sĩ, ai yếu cũng làm việc nhẹ nhàng. Sự tiến bộ của văn minh loài người cho chúng ta quyền tự do để làm những việc mình muốn vượt ra mọi khuôn khổ và định kiến giới. Tri thức của phụ nữ cũng phát triển vượt bậc do tiến trình phổ cập giáo dục rộng rãi. Số lượng những nhà lãnh đạo cấp cao trong xã hội là nữ tăng đáng kể; nhờ có rèn lyện thể thao, phụ nữ thời nay có thể đảm đương những công việc cần thể lực và tập trung cao như phi công, sửa chữa máy móc, thợ lặn,....
Lật lại vấn đề, dù thời cuộc có thay đổi thì bản chất giới vẫn luôn tồn tại. Nếu bạn là nữ và bạn muốn làm trụ cột gia đình, chúng tôi hoan nghênh bạn nhưng chúng ta không vì thế mà tước đi quy luật của tạo hóa. Số đông đàn ông vẫn mong muốn làm trụ cột kinh tế cho gia đình, có thể bảo vệ, che chở cho những người xung quanh,....Vì vậy, đôi khi ngay từ khi sinh ra với bản chất tự nhiên vốn có, con người đã có những áp lực nhất định. Tôi hoàn toàn không tranh luận về vấn đề nam nữ ai có thể làm chủ gia đình. Ai cũng làm được, tôi chỉ đang lí giải về nguồn gốc và xu hướng công việc phù hợp với cấu tạo tự nhiên của con người. 
Áp lực này được nhân lên và nghiêm trọng hóa bởi định kiến xã hội. Rằng đàn ông phải thế này, đàn bà phải thế kia, … Tôi thấy buồn cười khi gặp một số trường hợp hay rao rảng trên facebook về bình quyền nhưng khi có chuyện lại sẵng giọng quát mắng rằng: "Anh có phải đàn ông không?", "Anh đi mà mặc váy", .... Nhìn vào thực tiễn cuộc sống, tại sao đàn ông không nhà, không xe, không tiền gửi ngân hàng thì khó tìm vợ? Trong khi phụ nữ chỉ cần mặt xinh và dáng đẹp là quá đủ để lấy chồng (thậm chí là đại gia)?
Ở một thời đại mà nam nữ bình đẳng, đãi ngộ ngang hàng, đàn ông vẫn bị những tiêu chuẩn văn hóa truyền thống áp đặt rất nhiều yêu cầu. 

Đàn ông và cuộc đấu tranh giành nữ quyền của phụ nữ.

Dù là cuộc đấu tranh của phái nữ thì phái nam cũng có vai trò không nhỏ. Phụ nữ muốn sở hữu bất cứ quyền lợi nào thì cũng cần có sự tôn trọng của các giới khác, đặc biệt là đàn ông (vì hai giới tính này luôn có gắn bó sâu sắc với nhau). Ví dụ như phụ nữ muốn chấm dứt tình trạng bạo lực trên cơ sở giới thì đàn ông nghiễm nhiên chiếm ½ trách nhiệm trong công cuộc này. 
Đàn ông bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi xu hướng nữ quyền độc hại xuất hiện. Điển hình về một số slogan nghe nhức cái óc như: “Việc bếp núc không phải là việc của đàn bà, con gái”. “Phụ nữ phải ăn mặc như một công chúa, sống như một nữ hoàng”, hay “Hãy yêu một người cư xử với bạn như một công chúa”,... Điều tệ hại chính là khi một số phụ nữ bắt đầu xem cánh đàn ông là “tùy tùng” để nâng đỡ “nữ hoàng” chứ không phải là đức vua sống bên cạnh nữ hoàng. Đề cao hình ảnh của nữ giới bằng cách bôi xấu người đàn ông là cách thể hiện nữ quyền xuẩn ngốc. 
Điều đáng ra (nên) được đúc kết từ cuộc đấu tranh giành nữ quyền là hãy trao cho phụ nữ quyền làm chủ cuộc đời, họ muốn làm gì hãy để họ làm và đi đôi với đó là thái độ tôn trọng quyền bình đẳng, khác biệt giới tính chứ không phải áp đặt người phụ nữ phải sống thượng đẳng, chà đạp lên người khác. Họ không làm nội trợ hoặc họ vẫn muốn làm nội trợ, đó đều là sự lựa chọn. Thứ nữ quyền độc hại này len lỏi trong đời sống và người chịu trận nhiều nhất có lẽ chính là cánh đàn ông.

Từ câu chuyện cá nhân.

Chồng tôi là một mẫu đàn ông điển hình của thế kỉ 21 với nhiều nỗi bận tâm giằng xé của tiêu chuẩn truyền thống và hơi hướng hiện đại.
Bên cạnh việc luôn nỗ lực để tạo chỗ dựa kinh tế vững chắc cho gia đình, anh tham gia nhiệt tình vào cuộc “Âu hóa” của một cử nhân luật thân tín, đó là vợ anh. Tức là anh chẳng bao giờ ngại lao vào bếp, ngại những công việc lặt vặt. Thực ra vì công cuộc bình quyền là phần nhỏ, thương vợ là phần lớn. 
Áp lực kiếm tiền của anh đôi lúc khiến một người phụ nữ như tôi nhìn vào thấy lo lắng. Đó không phải là vấn đề có cũng được mà không có thì thôi, đó gần như là vấn đề mang tính “sống còn” của đàn ông có gia đình, tôi nghĩ chủ quan như vậy. Không những thế, cân bằng giữa áp lực công việc và phụ giúp vợ, chăm sóc gia đình, phụng dưỡng cha mẹ là điều không hề đơn giản.
Tôi từng viết một bài mà trong đó đề cập đến vấn đề “phụ nữ hiện đại có nhiều áp lực hơn, trong cả việc kiếm tiền và việc chăm sóc gia đình”. Trong bài viết này, mình xin nối tiếp điều đó bằng mệnh đề: “đàn ông hiện đại cũng có nhiều áp lực hơn”. Ngoài trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình, phụng dưỡng cha mẹ là những điều mà xưa nay họ vẫn làm thì giờ đây họ cũng nỗ lực hết mình để chăm lo cho gia đình, giáo dục con cái. Nhưng mọi áp lực này đều có thể bị giảm nhẹ bằng cách san sẻ mọi gánh nặng cho nhau.
Trong 1 góc mâu thuẫn nào đó, tôi hiểu rằng đàn ông thời nào cũng có gánh nặng riêng. Tuy vậy, nhờ có ông cha nên ngày nay chúng ta hơn vì chúng ta được hưởng thụ môi trường sống cùng nền giao dục tiên tiến hơn. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết mọi rắc rối một cách dễ dàng hơn.
Hôm nay về nhà, đừng to tiếng quát vợ rằng tại sao em chưa nấu cơm, cũng đừng nặng nhẹ trách móc chồng sao lương tháng này của anh ít thế. Trách nhiệm chẳng thuộc về ai, trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta.