Một cảnh thường thấy ở Grindelwald
Một cảnh thường thấy ở Grindelwald
Bầu trời Grindelwald màu xám, với những áng mây trôi hững hờ bao quanh các rặng núi, tô thêm vẻ mộng mị trong một ngày mưa phùn điển hình tiết thu Thụy Sĩ. Đám bò sữa và dê đủ màu vẫn nhởn nha gặm cỏ trước một ngôi nhà gỗ nằm chơi vơi giữa núi, chẳng có vẻ gì đoái hoài đến cơn mưa đang mỗi lúc một nặng hạt. Nhưng sắc màu đáng nhớ nhất trong ngày hiking hôm đó là sự kết hợp của xanh lá và vàng điển hình của thiên nhiên, núi rừng Thụy Sĩ thật hòa hợp với khung cảnh nên thơ đến siêu thực của đất nước được cho là đẹp nhất thế giới này.
Đến Thụy Sĩ đâu chỉ để check-in
Grindelwald không phải điểm đến đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Thụy Sĩ, nhưng tôi chọn đây là điểm khởi đầu bài viết này. Không phải vì sự nổi tiếng toàn cầu của ngôi làng trên núi này, mà vì trải nghiệm hiking trong một ngày mưa và mắt tôi được nhìn thấy những khung cảnh mà không máy ảnh nào có thể chụp lại trọn vẹn đến thế. 
Mây trắng bay cùng sương mù ngay trên đỉnh đầu. Bầu trời màu xám cùng cơn mưa nặng hạt khiến đường leo núi trơn trượt hơn vì lá đã rụng rất nhiều. Nhưng bằng ấy sự “cố gắng” của thời tiết cũng không thể làm phai mờ màu vàng của mùa thu mà núi non trùng điệp đang đắm mình ở đó. Đi sâu hơn một đoạn sẽ thấy được màu trắng và xám của dãy Alps ngay phía sau. Và cả những rặng thông vẫn xanh rì thấp thoáng trên những thảo nguyên nhiều hoa vàng nằm ngay trên núi, rải rác cùng những ngôi nhà trước sân chất đầy gỗ chuẩn bị cho mùa đông. Ngược lại, màu trời âm u và màu mây trắng càng tăng lên vẻ huyền ảo, mộng mị của khung cảnh. Chúng tôi đứng trên một mỏm đá, nhìn xuống dưới chân núi, yên ắng đến lạ. Khác xa với những tụ điểm check-in nổi tiếng của Thụy Sĩ, nơi ta sẽ thấy rất nhiều người ngoại quốc đứng chờ chụp ảnh với không khí chẳng khác gì trẩy hội với đủ thứ tiếng. 
Dãy Alps nhìn từ Grindelwald
Dãy Alps nhìn từ Grindelwald
Ở trên núi thế này, trong một ngày thời tiết ảm đạm, lại là điều hay. Vì ta có trọn sự yên lặng và thong thả để thưởng ngoạn phong cảnh, tận hưởng từng giây phút. Sự yên ắng khiến trái tim tôi thủ thỉ: đúng rồi, đây là Grindelwald mà người ta vẫn kháo nhau phải đi bằng được nếu tới Thụy Sĩ, đây là kiểu phong cảnh màn hình Window XP ngày xưa, đây là hình ảnh của những reels người ta kéo view rất nhiều trên Instagram. Tôi đang đứng ở đây, trong giây phút này, không qua một màn hình vô cảm nào, không nghe thấy tiếng ồn ào đậm màu sắc du lịch ngoài nhịp thở đều đặn của người bạn đồng hành đứng cạnh. Chúng tôi đứng ở đó một lúc, có thể cùng tưởng tượng ra ngôi làng phía chân núi kia trong những ngày mùa đông sắp tới sẽ ngập trong tuyết. Và những ánh đèn chờ Giáng Sinh sẽ được thắp lên rồi đâu đó người ta sẽ bật “Last Christmas, I gave you my heart…” vì video ca nhạc huyền thoại đó được quay chính tại nơi đây, bên dãy Alps này.
View từ Aeschi bei Spiez
View từ Aeschi bei Spiez
Đường xuống núi thường khó khăn hơn khi leo lên, nhất là khi trời mưa. Chúng tôi dắt tay nhau, bám vào nhau, cứ thế hàng giờ đồng hồ. Việc hike vào một ngày mưa nằm ngoài kế hoạch, mà thực sự chúng tôi cũng không có kế hoạch gì nên chẳng chuẩn bị trước giày và gậy leo núi. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một nhóm người cũng đang hike vì thời tiết không ủng hộ hoặc những hiker khác chọn trail khó hơn chúng tôi hoặc họ đang nhẩn nha trong lều cắm trại của mình ở đâu đó trên đỉnh núi. Nhưng đôi khi việc không lên kế hoạch lại là một điều hay. Trong 1 tuần ở Thụy Sĩ, chúng tôi có cả 6 ngày nắng, nhưng ký ức sống động nhất lại là vào một ngày mưa, có những lúc trở nên tầm tã vào buổi chiều. Chắc là gia vị của mưa hòa quyện với đất, cỏ cây tạo nên thứ mùi nhẹ nhàng mà dai dẳng gây hoài cảm, rung động khi chỉ có chúng tôi và núi rừng. Trái tim tôi cứ thi thoảng lại vang lên lời hát: “So fell autumn rain washed away all my pain. I feel brighter somehow lighter somehow to breathe once again” (So fell autumn rain - Lake of Tears).
Thiên nhiên là bạn
“Tôi chưa từng nhìn thấy nhiều…núi thế này” - người bạn đồng hành của tôi nói thế trên những hành trình lái xe qua các ngôi làng khác nhau: Interlaken, Grindelwald, Beatenberg, Lauterbrunnen.... Cậu là một dân phượt thứ thiệt, đã đi qua hơn 30 nước và cả trăm thành phố. Chúng tôi cũng đã từng có những ngày đáng nhớ với nhau ở Cực Bắc Na Uy, nơi núi non hùng vĩ còn hơn phim ảnh, vậy mà Thụy Sĩ vẫn khiến cậu phải thốt lên như thế. Dù rằng những hình ảnh chúng ta thường thấy từ mạng xã hội, phim ảnh sẽ phác họa lên một Thụy Sĩ với rất nhiều sông hồ, cỏ cây mang vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn thì tôi vẫn cho rằng đặc sản số 1 của đất nước này là núi. Núi bao quanh thành phố, làng mạc, vườn tược, ở khắp mọi nơi, dưới mọi tầm mắt. Ở đây, bạn được nhìn thấy dãy Alps huyền thoại, và có thể đi tới Jungfraujoch, đỉnh cao nhất châu Âu. 
Đường leo núi ở Grindelwald
Đường leo núi ở Grindelwald
Người dân và chính quyền Thụy Sĩ yêu thương thiên nhiên, núi non của họ. Tôi không phải người mấy quan tâm đến thời sự, chuyện vĩ mô, biến đổi khí hậu nhưng khi ở Thụy Sĩ, tôi có những giác ngộ khác về cách mình suy nghĩ về thiên nhiên. Những chuyện đó là có thật, ta có thể sống tốt hơn, đối xử tốt hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên. Tôi nhớ tới câu nói này của Oscar Wilde “Tôi thấy dường như tất cả chúng ta đều nhìn Thiên nhiên quá nhiều nhưng sống với “cô ấy” quá ít. Tôi nhận thấy sự tỉnh táo tuyệt vời trong thái độ của người Hy Lạp. Họ không bao giờ huyên thuyên về hoàng hôn, hay thảo luận xem những bóng đen trên cỏ có thực sự là màu hoa cà hay không. Nhưng họ thấy rằng biển dành cho người bơi, và cát cho chân người chạy. Họ yêu cây vì cái bóng mà họ đổ, và rừng vì sự im lặng của nó”. Còn tôi ở Thụy Sĩ thì thấy trẻ con còn nhỏ nhưng biết cho bò, dê gặm cỏ, thấy chúng tưới nước cho vườn cây, thấy những người sống trong những ngôi nhà lớn mà nội thất bên trong có thể hiện đại vẫn đi đốn củi, thấy những hộ dân tự sản xuất và bán phô mai, sữa bò đặc sản Alps. 
Tháng 8 năm ngoái, một việc tưởng như kỳ lạ nhưng lại rất…bình thường ở Thụy Sĩ diễn ra. Trên đỉnh núi Klausen với độ cao gần 2000 mét so với mặt nước biển thuộc dãy Alps, những con bò bị thương trong trình kiếm ăn của mình đã được giải cứu xuống mặt đất bằng trực thăng. Đoàn cứu hộ nông dân đã giúp được 10 con bò xuống núi an toàn trước khi các phương tiện vận chuyển bò thông thường có thể lái tới địa điểm dưới mặt đất. Chỉ 10 trong số hơn 1000 con bò đang ăn trên núi mà phải cần tới cả trực thăng để giải cứu. Lý do của việc này là nếu để bò chết trên núi, nơi đó sẽ bị ô nhiễm. Và người Thụy Sĩ thì không thể để “người bạn” của họ, dù là bò hay núi, phải chịu đựng.
Một view đặc sản của Thụy Sĩ
Một view đặc sản của Thụy Sĩ
Tôi đã ở rất “gần” với thiên nhiên trong một tuần ở Thụy Sĩ. Có thể là quãng đường đi bộ dẫn tới hẻm núi Aareschlucht mà một bên là bò sữa đang gặm cỏ trên thảo nguyên, bên cạnh chúng là một cánh rừng, ngay trên đầu chỉ chừng vài mét là một con đại bàng lớn chao liệng. Tôi chưa từng nhìn thấy đại bàng ở sát gần như thế. Cánh đại bàng sải lớn, cứ quanh quẩn trong khu vực đó, như thể đây là nơi chốn khá đỗi quen thuộc với nó, ngay gần loài người và gia súc dù nó là động vật hoang dã, là chúa tể trời xanh. Có thể là những buổi sáng chỉ cần bước chân xuống giường, bước một bước, mở cửa sổ là thấy cả một thung lũng, những dãy núi, những rừng thông và cả màu xanh của hồ nước thấp thoáng phía dưới rồi cứ thế hít căng vào lồng ngực không khí tinh khiết, dễ chịu không nơi nào so sánh được. Khách sạn chúng tôi ở 2 đêm cuối hành trình nằm ở Aeschi bei Spiez, nằm đơn độc nhưng không cô đơn trên một ngọn núi như bao ngọn núi khác ở Thụy Sĩ. Thế nhưng quãng đường đi tới đây lại khá đặc biệt vì xe phải leo lên dốc theo triền núi chừng chục phút. Cứ thế theo quãng đường xe chạy, càng lên cao, cảnh vật càng mộng mị, đẹp tựa…ảnh lịch (đôi khi ngôn ngữ thật hạn chế, hoặc việc miêu tả đối với tôi trở nên khó khăn hơn khi những gì mắt thấy làm trái tim choáng ngợp). Đứng ở sân khách sạn nhìn xuống dưới chân núi, ta còn nghe văng vẳng những tiếng chuông ngân nga từ cổ của đám bò sữa nhà ai. Lá rơi xào xạc và trong những ngày nắng, ánh sáng thiên nhiên xuyên qua những kẽ lá ấy vẽ lên một mùa thu trên núi khiến trái tim rung động, tôi ngân nga hát: “Nắng úa dệt mi em và mây xanh thay tóc rối. Nhạt môi môi em thơm nồng. Tình yêu vương vương má hồng. Sẽ hát bài cho anh và ru anh yên giấc tối. Ngày mai khi mưa ngang lưng đồi. Chờ anh em nghe mùa thu tới”.
Hẻm núi Aareschlucht
Hẻm núi Aareschlucht
Ký ức độc bản
Tôi tròn 30 tuổi vào ngày thứ 3 hành trình road trip 1 tuần ở Thụy Sĩ. Bước đến “tuổi băm”, một cột mốc có vẻ như rất quan trọng của đời người ở nơi đẹp siêu thực (và siêu đắt đỏ) như thế, có lẽ là một dạng may mắn mà tôi thầm biết ơn vì cuộc đời và người bạn đồng hành đã ưu ái dành tặng cho mình. Ngày tròn 30, tôi dành phần lớn thời gian ở mạn Aareschlucht và Lungern. Đặc sản của cả 2 nơi đều là nước: suối, thác nước và hồ. Khi nhìn dòng suối Aares xanh màu lục bích chảy vách qua hẻm núi đá, nơi những cành cây đang trổ lá vàng, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua khiến lá xào xạc rơi nhẹ xuống, trôi theo dòng nước đang chảy, trong những âm thanh phong phú của chim, thác nước, gió hòa với nhau, tôi thấy mình đang sống giữa một chuyện thần tiên, hay trong một thước phim siêu thực như thế giới ở Avatar, hay Game of Thrones. Vậy mà đó lại là hiện thực của tôi, trong một ngày duy nhất trong đời tôi bước vào thập kỷ mới của cuộc đời.
Hẻm núi và suối Aareschlucht
Hẻm núi và suối Aareschlucht
Có một tối trăng rằm, tròn vành vạch, sáng rực một khoảng trời, chúng tôi quyết định tản bộ trên núi.. Ở trên cao nên cảm giác càng gần với trăng hơn, lại thấy trăng nhấp nhô sau đỉnh núi tỏa sáng một vùng đen tuyền huyền ảo của màn đêm và sự tĩnh lặng. Có hai người hôn nhau, ôm lấy nhau thật chặt, dắt tay nhau chầm chậm từng bước. Có điều gì đó khiến tôi choáng ngợp, không nói lên lời. Các bức ảnh, clip và bất kỳ từ ngữ nào cũng không thể chạm đến cảm xúc của tôi khi ấy. Tôi đã cố giơ điện thoại ra để chụp một tấm ảnh, nhưng khung hình hiện lên chỉ là một phiên bản lỗi của những gì tôi thấy. Lý trí khi đó đã biến mất hoàn toàn, tôi không muốn nghĩ gì. Trước chuyến đi, tôi đã rơi vào giai đoạn mà cảm xúc ở vào nốt nhạc trầm của bản nhạc, mông lung về khá nhiều điều trong tương lai, mơ hồ về bản thân mình. Nhưng khi ở đó, trong giây phút nhìn trăng trên núi, sau những giờ phút đắm mình với thiên nhiên, tôi để đầu óc mình trống rỗng. Chỉ khi đã về nhà, sau nhiều ngày, cả tháng, tôi mới biết ký ức đã ủ ấm mình trong những ngày thu Thụy Sĩ. Và đêm trăng đó là duy nhất đối với tôi, dù nó vẫn diễn ra cả triệu năm qua và còn nhiều triệu năm nữa qua những đôi mắt và tâm hồn khác.