Nhân một ngày đẹp trời ngồi thiết kế một cái plan dài hơi 2 tháng cho anh bạn đi xe máy xuyên Việt, Uyên lại nhớ tới bài viết cũ hồi tưởng chính chuyến đi của mình cách đây 3 năm. Một mình. Từ Sài Gòn tới Hà Giang. Trong 2 tháng. Và thêm một chuyến nữa gần tương tự, nhưng là một cung đường khác sau đó 2 năm. 
Sau này có cơ hội đi nhiều hơn, xa hơn, nhưng thật sự chưa có chuyến đi nào đầy mồ hôi bụi đường và nhiều gương mặt đáng yêu đã từng đi qua như chuyến đi lần đầu tiên đó. Nay rảnh rỗi post lên cho anh chị em bạn dì đọc chơi :D
Chắc hẳn hai chữ ''Xuyên Việt'' Uyên nhắc tới trong tựa đề sẽ làm nhiều người cảm thấy nhột. Một là đối tượng chưa đi xuyên Việt bao giờ và cảm thấy nhột vì tò mò. Hai là đối tượng đang có ý định đi xuyên Việt vào đọc tham khảo. Cuối cùng sẽ là đối tượng đã từng đi xuyên Việt rồi và chỉ tò mò vào muốn đọc xem con này nó đi ra sao. 
Nếu các bạn nằm trong ba đối tượng Uyên vừa kể trên, thì chúc mừng bạn bạn đã lạc vào đúng chỗ. Còn nếu không, Uyên vẫn mời bạn lướt qua xem Uyên viết cái quần què gì trong này mà viết dài như thế. Sau đó các bạn có thể phán xét, nghi ngờ, tranh luận, và dễ thương hơn là trò chuyện tỉ tê với Uyên về chuyện xuyên Việt. Nào, vậy Uyên xuyên Việt như nào và tính bày vẽ cho các bạn những gì về xuyên Việt?
1. Chi phí 
Đây chắc chắn là vấn đề được quan tâm nhất khi đi du lịch bất cứ đâu. Nhưng Uyên xin nhắc lại (một ngàn lần vẫn chưa đủ), rằng chi phí hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu riêng của mỗi người. Ở đây Uyên sẽ dự tính chi phí theo mục đích và nhu cầu của cá nhân Uyên dựa trên hai tiêu chí: Tiết kiệm & Trải nghiệm.
Đối với bất kỳ chuyến đi nào, hãy tự hỏi bản thân rằng: Mình đi với mục đích gì? Mình muốn đi như thế nào? Để từ đó lên một kế hoạch về lộ trình và chi phí cụ thể.
Với Uyên, Uyên sẽ đưa ra chi phí cho những bạn có cùng hai câu trả lời rằng: Mục đích đi để trải nghiệm và thử sức xoay sở của bản thân. Và đi bằng cách tiết kiệm tối đa những khoản chi phí không cần thiết.
Chi phí dự trù ban đầu cho 1 tháng (Mong muốn mặc dù trong tay chỉ có 5 triệu):
✓Chi phí ăn uống: 100,000đ x 30 ngày = 3,000,000đ
✓Chi phí ở: 80,000đ x 30 ngày = 1,600,000đ
✓Chi phí tàu xe xăng nhớt: 1,500,000đ
✓Chi phí tham quan: 1,000,000đ
✓Chi phí dự trù phát sinh: Gồm các chi phí đem theo phòng thân bất trắc 2,000,000đ
Tổng: 9,100,000đ
Chi phí thực sự đã tiêu trong 2 tháng (Vỡ kế hoạch đi thêm 1 tháng): 8,000,000đ
Đến đây nhiều bạn chắc chắn thốt lên "xạo quần! làm gì đi 2 tháng mà tiêu hết có từng đó!". Well, Uyên nói lại, chi phí dựa trên nhu cầu tiêu xài của Uyên, và cách Uyên đi khiến cho chi phí của Uyên được tối giản rất nhiều. Như nào? Ngủ nhờ trên Couchsurfing, gặp được cố nhân giúp đỡ, cặp kè các bạn mới share tiền chung, tiết chế party các kiểu con đà điểu, blah blah blah.
Muốn đi du lịch chắc chắn không cần phải nhiều tiền, nhưng tất nhiên càng nhiều tiền đi du lịch càng thoải mái. Với Uyên, số tiền 8 triệu đi trong 2 tháng là một con số bình thường và hợp lý so với nhu cầu và hình thức đi của Uyên. 
2. Lịch trình và cung đường
Trong kế hoạch dự kiến, thời gian Uyên đi chỉ có một tháng và lịch trình từ Nam chí Bắc (bằng bus) chỉ có như sau: 
Sài Gòn - Đà Nẵng - Hội An - Huế - Quảng Bình - Nghệ An - Hà Nội 
Thế nhưng Uyên đã kéo dài thành 2 tháng và phá vỡ kế hoạch (bằng xe máy) với những điểm dừng chân như sau:
Sài Gòn - Bình Định - Đà Nẵng - Hội An - Huế - Quảng Bình - Nghệ An - Hà Tĩnh - Thanh Hóa - Ninh Bình - Hà Nam - Hà Nội - Bắc Giang - Mộc Châu - Tà Xùa - Yên Bái - Lào Cai - Sapa - Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kan - Hà Nội - Sài Gòn
Uyên đi cung này một nửa qua Quốc Lộ 1A bằng xe bus + một nửa đi qua Đường mòn Hồ Chí Minh bằng xe máy bắt đầu tại Nghệ An. 

Các bạn đừng như Uyên, trước khi xách mông lên đi đâu, ít nhất nên hình dung được lộ trình mình sẽ đi, muốn làm gì và mục đích đi là gì, để tiết kiệm được thời gian và công sức lên kế hoạch. Thường sẽ có hai cung đường chính để đi xuyên Việt, nhưng ở đây mình sẽ thêm vào một cung nữa khá mới mà các bạn có thể tham khảo thêm
Cung Quốc lộ 1A
Đây là cung đường dễ nhất, ngắn nhất và phổ biến nhất nếu nói đến đi Xuyên Việt. Đơn giản vì các bạn chỉ cần men theo tuyến đường quốc lộ chính và đi qua tất cả hầu hết các tỉnh. Thậm chí nhắm mắt đi cũng không lạc được (trừ các thánh mù đường và không biết xem bản đồ). 
Cung này cũng là cung cực đẹp nếu các bạn chịu khó bẻ nhánh đi theo đường biển bắt đầu từ Vũng Tàu và bắt đầu đi men theo dọc các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ cho đến Bắc Trung Bộ. 
Cung đường ven biển Cà Ná - Ninh Thuận
Đây là thứ màu biển các bạn sẽ thấy nếu lỡ đi qua khu vực Cà Ná - Ninh Thuận dọc cung đường biển
Cung đường mòn Hồ Chí Minh
Cung này là cung phổ biến thứ hai. Đường xá rộng rãi mênh mông, ít xe cộ và cảnh sắc cũng đẹp hơn rất nhiều lần. Nhưng bù lại đi sẽ tốn gấp đôi thời gian so với QL1A. Ở cung này các bạn sẽ đi qua được thêm những tỉnh ở vùng Tây Nguyên mà nếu đi QL1A sẽ khó có thể dừng lại. 
Ở cung này các bạn sẽ đi qua các tỉnh (Lấy mốc từ Hà Nội phía Bắc và Sài Gòn phía Nam): Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Sài Gòn
Cung đường kẹp giữa QL1A và Đường mòn HCM
Đây là cung đường khá mới và khá ''khó nhằn'' đặc biệt đối với các bạn có dự định đi bằng xe máy. Cung này hầu hết đi qua các tỉnh huyện đồng bằng kẹp giữa Quốc lộ 1A và đường mòn Hồ Chí Minh ít khi được chạm tới. 
Tuy nhiên cung đường này cần khá nhiều thời gian, sức lực và sự kiên nhẫn để có thể khám phá tận cùng ngõ ngách. Bạn nào đang tỉ phú thời gian, ham trải nghiệm nhiều nên cân nhắc đi theo cung đường này. Về chi tiết cung đường này không có bản đồ chi tiết, nhưng các bạn có thể tham khảo bài viết khá chi tiết về cung đường của anh Trần Đặng Đăng Khoa ở đây  
Tất cả những điểm dừng trên được tổng hợp và hoàn thiện từ một nửa hành trình của Uyên và một nửa hành trình Uyên tham khảo được của một anh người Mỹ tên là Tom, có thâm niên kinh điển trong việc đi xe máy khám phá Việt Nam, sống ở Việt Nam từ năm 2005. 
Anh ấy cũng có một blog riêng của ảnh tên là Vietnam Coracle khá nổi tiếng trong cộng đồng người nước ngoài và cả Việt Nam, chuyên viết về hướng dẫn du lịch ở Việt Nam cho người nước ngoài, và đặ biệt có những bài cực kì chi tiết về việc đi xe máy qua các tỉnh thành Việt Nam, các bạn có thể vào dạo chơi mấy vòng đọc lấy thông tin và tiện thể luyện skill đọc tiếng anh của mình :)
3. Hành trang chuẩn bị 
Đồ Uyên pack cho tất cả các hành trình dài hơn 2 tuần
Nói đến hành trang, đối với đi Xuyên Việt, các bạn sẽ cần tối giản tất cả mọi thứ có trong ba lô của các bạn. Các bạn có thể tham khảo bài Tips Pack hành lý khi đi du lịch của Uyên  để lấy mẹo xếp đồ dành cho bất kỳ mục đích du lịch nào. Tuy nhiên đối với những bạn có ý định đi xuyên Việt bằng xe máy, có một số thứ cần thiết đặc biệt các bạn nên chuẩn bị như sau:
 ✓ Dụng cụ sửa xe: Đây là thứ cực kỳ nên có trong túi của các bạn nếu các bạn đi xe máy đường dài. Chết giữa đồng không mông quạnh mà không có cái này dễ khóc thành tiếng mán lắm :)
 ✓ Nhớt thay xe: Nhớt là thứ mà các bạn nên chăm nhất cho xe của mình. Cầm theo 1 là linh động thay được bất kỳ lúc nào, 2 là đỡ bị chặt chém đẹp mỗi lần đem xe đi bảo dưỡng ở một thành phố không quen với các bạn. Nghe Uyên, không thừa đâu :)
 ✓ Quần dài mỏng: Đừng ngu mà mặc quần Jeans ngồi lái xe hơn 300km/ngày, bí mông nhọt mông tối về không ngủ được thì ngồi đó mà tự chửi thầm. Uyên rút kinh nghiệm lái xe đường dài là cứ phang chục cái quần Miên (loại quần dài mỏng như lụa) mà mặc, vừa mát mông, vừa che nắng được, vừa tiện lợi thọt ra thọt vô dễ dàng, cứ em ý mà phang :)
4. Một số mẹo để tiết kiệm & giữ an toàn
Hỡi các bạn, xuyên Việt sẽ không phải là một hành trình tốn kém, mệt mỏi, nguy hiểm và buồn bã nếu các bạn trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết và quan trọng nhất: một trái tim rộng mở. 

Cú xin đi nhờ xe đầu tiên trong đời
Tại sao lại phải có một trái tim rộng mở? Các bạn sẽ vừa tiết kiệm được nhiều chi phí và thậm chí có thêm nhiều niềm vui và trải nghiệm nếu các bạn chịu mở lòng mình ra. Để có được điều đó các bạn phải làm gì?
 ✓ Ăn nhờ ngủ đậu nhà người ta: Cái ăn nhờ ngủ đậu này không phải là do mình thiếu thốn và đi kiểu cực khổ mới phải vậy. Để ăn nhờ ngủ đậu "đúng cách", hãy quảng giao, hãy kết bạn, hoặc hãy tìm hiểu về Couchsurfing, hãy chai mặt để lăn xả vào cái thế giới đầy cạm bẫy cũng như tình yêu ngoài kia, để thấy rằng, mình đã sống trong một cái bọc quá lâu rồi...
 ✓ Bắt chuyện và làm quen với tất cả những người bạn gặp: Như trên :D
 ✓ Đi những cung đường ít người đi: Việc này Uyên không khuyến khích nếu các bạn nhát gan và tim yếu, hoặc đơn giản là không thích phiền hà và thử thách, hoặc thuộc kiểu người lạc phát là chảy nước mắt khóc huhu. Thử sức mình là một điều tốt, nhưng hãy đặt an toàn lên trên đầu nha.
 ✓ Say Yes với tất cả những lời mời và cuộc vui từ người lạ (Trừ các thể loại chất kích thích quá đà, hay khi đang không tỉnh táo, hay khi đang ở những nơi vắng vẻ mà gặp người lạ) 
 ✓Xin tình nguyện làm thêm để đổi lấy chỗ ở và bữa ăn miễn phí. Đây là cách cực kì tuyệt vời mà Uyên đã từng thử qua. Các bạn cũng sẽ có những trải nghiệm đẹp nhất trong đời nếu các bạn chịu khó quảng giao, không ngại khó ngại khổ. 
Dễ nhất cho các bạn sẽ là những quán bar, nhà hàng hoặc hostel ở địa phương nơi bạn đi qua. Nhưng nơi này thường dễ dàng hơn cho bạn vì bạn có thể dùng ''skill'' và ''cớ'' đang đi du lịch của mình để tạo niềm tin cho ai chuẩn bị nhận các bạn. 
Đừng tỏ ra là bạn đang thiếu túng, chân thành và bày tỏ mục đích lớn lao thực sự của bạn là được trải nghiệm và học hỏi sẽ là cách các bạn nhận được nụ cười và cái gật đầu nhanh lẹ xD
 ✓Khôn ngoan khi đặt phòng khách sạn. Dùng một số mẹo để tìm phòng vừa rẻ, vừa đẹp vừa vui. Các bạn có thể tham khảo bài Tips đặt phòng tiết kiệm khi đi du lịch để chuyến đi của các bạn được thoải mái hơn.
Còn về việc giữ an toàn trên đường đi (bằng xe máy), các bạn nên lưu ý một số thứ như sau:
 ✓ Một ngày chỉ nên chạy maximum từ 200 - 300 km. Đây là độ dài an toàn cho bạn trên đường để đảm bảo bạn không bị quá mệt, xe không chịu quá tải, và tránh được việc tới nơi mà không đi chơi khám phá được cái quần gì hết
 ✓ Thay nhớt và căng xích (sên) xe sau tầm 800km chạy. 
 ✓ Tránh tối đa chạy xe vào giữa đêm khuya. Điều này là điều mà mình từng trẩu tre bán mạng cho thần chết khi cố đấm ăn xôi chạy giữa đêm giữa hôm một mình. Nhất là đối với các cung đường đèo, đừng ham vui mà chạy giữa đêm, hãy thương lấy bản thân các bạn ạ.
5. Lộ trình gợi ý 
Cung quốc lộ 1A + Tây Bắc (1 tháng)

Ngày 1: Sài Gòn - Bình Thuận (~250km)
Ngày 2: Bình Thuận - Ninh Thuận - Khánh Hòa (~290km)
Ngày 03: Nha Trang - Phú Yên (~150km)
Ngày 04: Phú Yên
Ngày 05: Phú Yên - Bình Định - Quảng Ngãi (250km)
Ngày 06: Quảng Ngãi - Hội An (~109km)
Ngày 07: Hội An - Đà Nẵng (30km)
Ngày 08: Đà Nẵng
Ngày 09: Đà Nẵng - Huế (~102km)
Ngày 10: Huế 
Ngày 11: Huế - Quảng Trị - Quảng Bình (~170km)
Ngày 12: Quảng Bình - Phong Nha 
Ngày 13: Quảng Bình - Hà Tĩnh - Vinh (~192km)
Ngày 14: Vinh - Thanh Hóa (~150km)
Ngày 15: Thanh Hóa - Ninh Bình (~60km)
Ngày 16: Ninh Bình
Ngày 17: Ninh Bình - Hà Nội (~90km)
Ngày 18: Hà Nội
Ngày 19: Hà Nội - Yên Bái (~142km)
Ngày 20: Yên Bái
Ngày 21: Yên Bái - Sapa (~180km)
Ngày 22: Sapa 
Ngày 23: Sapa - Ô Quy Hồ - Lai Châu (~115km)
Ngày 24: Lai Châu - Điện Biên - Tà Xùa (~250km)
Ngày 25: Tà Xùa - Sơn La (~95km)
Ngày 26: Sơn La - Mai Châu (187km)
Ngày 27: Mai Châu 
Ngày 28: Mai Châu - Hà Nội (145km)
Ngày 29: Hà Nội 
Ngày 30: Hà Nội - Sài Gòn 
Cung đường mòn Hồ Chí Minh + Đông Bắc (1 tháng)
Đố các bạn biết đây là đâu?
Ngày 01: Sài Gòn - Tây Ninh - Bình Phước - Buôn Mê Thuột (~336km)
Ngày 02: Buôn Mê Thuột - Đăk Lăk
Ngày 03: Đăk Lak - Pleiku (~174km)
Ngày 04: Pleiku
Ngày 05: Pleiku - Kon Tum (48km)
Ngày 06: Kon Tum - Đà Nẵng (~292km)
Ngày 07: Đà Nẵng
Ngày 08: Đà Nẵng - Hội An
Ngày 09: Hội An
Ngày 10: Hội An - Huế 
Ngày 11: Huế 
Ngày 12: Huế - Quảng Trị - Quảng Bình
Ngày 13: Quảng Bình
Ngày 14: Quảng Bình - Hà Tĩnh - Vinh
Ngày 15: Vinh - Thanh Hóa
Ngày 16: Thanh Hóa 
Ngày 17: Thanh Hóa - Ninh Bình
Ngày 18: Ninh Bình
Ngày 19: Ninh Bình - Hà Nội
Ngày 20: Hà Nội 
Ngày 21: Hà Nội - Phú Thọ (~95km)
Ngày 22: Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang
Ngày 23: Hà Giang - Yên Minh - Quản Bạ - Đồng Văn
Ngày 24: Đồng Văn - Mèo Vạc - Cao Bằng (~207km)
Ngày 25: Cao Bằng - Bản Giốc
Ngày 26: Cao Bằng - Lạng Sơn (~125km)
Ngày 27: Lạng Sơn 
Ngày 28: Lạng Sơn - Hà Nội
Ngày 29: Hà Nội
Ngày 30: Hà Nội - Sài Gòn
Phía trên là hai lộ trình gợi ý mang tính chất phù hợp cho việc đi xe máy/ ô tô trong vòng 1 tháng. Tùy thuộc vào sở thích, độ linh hoạt và yếu tố ngoại cảnh các bạn có thể tự thêm bớt lộ trình cho mình. 
Ngày cuối cùng Uyên để thẳng từ Hà Nội - Sài Gòn là vì Uyên áp dụng cho những bạn chỉ có plan đi xuyên 1 chiều và chiều về tự bắt máy bay về lol. Bởi Uyên biết nếu chỉ có 1 tháng mà các bạn muốn ''xuyên Việt'' đúng nghĩa thì còn khuya các bạn mới đi được nhiều điểm và bằng phương tiện xe máy như Uyên giả định phía trên. 
Uyên sẽ còn update cho các bạn thêm chi tiết về những điểm tham quan nên dừng trong chuyến Xuyên Việt của các bạn vào bài tới.
Hãy xuyên Việt theo cách riêng của các bạn. Và trước khi đi bất cứ đâu, hãy nhớ lấy rằng:
Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất, mà là một cách nhìn mới!
Đọc thêm nhiều bài viết của mình tại blog cá nhân: Don't travel like me