Nhắc đến Rừng Na-uy thì những từ khóa mà đa phần mọi người nghĩ tới chính là: tự tử và sex. (Trước khi đọc thì mình cũng nghĩ vậy) Nhưng Rừng Na-uy còn nhiều hơn thế nữa.
Mình biết đến Rừng Na-uy từ nhiều năm về trước, nhưng mình luôn trì hoãn việc đọc nó, đơn giản vì mình không thích cái bìa lắm. Nhưng mà sau ngần ấy năm, có vẻ nhà xuất bản không định thay bìa nên thôi mình chấp nhận mua và đọc nó. Nhưng cũng phải cảm ơn cái bìa sách đã giúp mình đợi và đọc Rừng Na-uy vào một thời điểm thích hợp, khi mà mình đủ khả năng hiểu phần nào ý nghĩa của nó. 
Nếu đọc phần bình luận về nội dung trên bìa sách, các bạn sẽ thấy nhắc rất nhiều đến tình yêu, như thể câu chuyện này xoay quanh mối tình đầu của nhân vật chính vậy. Quả là mối tình ấy đã đi từ đầu tới cuối truyện, nhưng mình cho rằng chủ đề tình yêu, cũng như tự tử, chỉ là cái phông nền cho câu chuyện chứ không hề là cái trục trung tâm.
The Beginning là bài hát mình đã nghe liên tục trong suốt quá trình đọc sách bởi cảm giác mà Rừng Na-uy mang lại có rất nhiều điểm tương tự với bài hát này. Có đấu tranh, có đau khổ và tuyệt vọng, nhưng cũng có tình yêu và hy vọng.
Trong khá nhiều nhân vật xuất hiện, một nửa đã chọn cái chết, nửa còn lại chọn sự sống. Tác giả không giải thích lí do gì khiến người ta chọn cái chết, tất cả đều đến một cách bất ngờ, nhưng lại được miêu tả một cách tự nhiên, phẳng lặng như một phần của sự sống. Dù không nói rõ, mình có phần cảm nhận được cái chung đã đưa họ tới quyết định kia: một nỗi buồn của những người trẻ cùng sống trong thời đại ấy, và một nỗi trống rỗng, cô đơn của những người trẻ nói chung.
Truyện lấy bối cảnh những năm 60, khi mà Nhật vẫn đang trong giai đoạn hậu Thế chiến II và đang thỏa thuận để ký Hiệp ước an ninh song phương với Mỹ. Chính vì vậy có rất nhiều chi tiết về biểu tình bãi khóa xuất hiện trong Rừng Na-uy. Rõ ràng điều này đã tạo nên vấn đề chung của một thế hệ thời hậu Thế chiến, một cảm giác bất ổn sâu sắc về "national identities" (bản sắc dân tộc). Và mỗi người trong thế hệ ấy lại vác trên mình những nỗi buồn rất riêng.
Vì có quá nhiều nỗi buồn và cái chết được nhắc đến, chúng hiển hiện trên trang giấy nên rất nhiều người nói rằng đây là một quyển sách 'trầm cảm', trống rỗng, buồn theo kiểu lạnh lẽo. Không sai, nhưng sau tất cả những gì nổi lên trên bề mặt ấy, mình nhìn thấy được sức sống và hy vọng từ Rừng Na-uy, đặc biệt là từ nhân vật chính, Watanabe Toru. 
Dù sao cũng phải đồng ý với Giáo viên Văn cấp 3 của mình rằng chưa đủ độ chín thì chưa nên đọc quyển này. Vì bỏ qua các chi tiết về tự tử và tình dục, nếu chưa 'đủ chín' thì sẽ chỉ thấy quyển sách này sao mà tăm tối và tuyệt vọng, chứ khó mà thấy được cái tươi sáng của nó.
Quay lại với nhân vật chính Toru, cậu cũng đang gánh vác rất nhiều vấn đề của riêng mình: nỗi buồn và cú sốc từ cái chết của người bạn Kizuki, nỗi buồn từ tình cảm với Naoko, cảm giác tách biệt với những con người trong cuộc sống ở đại học, sự trống rỗng và cô đơn đến độ phải ngủ với gái lạ để thỏa mãn cái khao khát hơi ấm từ người khác. Dù vậy, Toru vẫn chống chọi, vẫn sống. 
"...Kizuki ạ, cậu chọn cái chết, còn tớ đã chọn sự sống, vì vậy tớ phải sống cho thật đẹp đẽ."
Nếu Naoko là quá khứ thì Midori là tương lai của Toru. Toru yêu cả hai, và cậu giải thích rằng đó là hai tình yêu rất khác biệt. Mình nghĩ rằng Toru vẫn luôn muốn giữ một sợi dây liên kết với quá khứ, một tình yêu giống như là trân trọng, chấp nhận quá khứ cũng như những gì đã tạo nên cậu của ngày hôm nay. Nhưng đồng thời Toru cũng yêu Midori, tình yêu với tương lai cho thấy sức sống cùng hy vọng vẫn tồn tại trong Toru, và đến cuối Toru đã chọn tương lai. 
Mình cho rằng con đường của Toru hẳn là con đường đi từ bóng tối hướng về phía ánh sáng. Qua rất nhiều dằn vặt, nhiều đấu tranh tồn tại ngay trong chính mình, Toru mới có thể chạm tới ánh sáng tương lai đó, và vì vậy quá trình này càng đáng trân trọng hơn. Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy trong Rừng Na-uy cũng có nhiều hy vọng và sức sống mạnh mẽ chứ không chỉ là một vòng luẩn quẩn của cuộc sống bế tắc.
Truyện của Murakami mang tính biểu tượng rất cao và tất nhiên còn rất nhiều ý nghĩa ẩn phía sau mà mình chưa hiểu, vì vậy mình có đọc thêm vài bài phân tích và mình sẽ để link ở dưới cho ai muốn đọc thêm.
http://norwegianwood.qwriting.qc.cuny.edu/japan-in-the-1960s/
https://www.litcharts.com/lit/norwegian-wood