Khi bài thuyết trình mạnh mẽ tràn đầy cảm hứng của vị CEO về dự án mới kết thúc, tràng pháo tay của hàng trăm con người bên dưới làm không khí cả công ty sục sôi mùi vị của tự tin, của chiến thắng, của tương lai tươi sáng.
Rồi vô vàn những buổi phỏng vấn nhân sự tài năng, những sản phẩm mới, những hợp đồng đồng mới, những khách hàng đầu tiên mang lại dòng doanh thu mới cho tập đoàn.
Rồi những buổi lễ tôn vinh cá nhân, tôn vinh tập thể xuất sắc, những buổi team building đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc như một gia đình.
Rồi hàng chục chương trình quảng cáo rầm rộ diễn ra phủ đầy internet với sự xuất hiện của các KOL, sau đó như thể cả trăm ngàn khách hàng cả nước đang ùn ùn kéo đến gõ cửa làm cho phòng chăm sóc khách hàng quá tải nhưng làm cả team đầy hưng phấn.
Rồi doanh thu x5, x10 mốc cũ, tưởng chừng nếu cứ vậy thì chỉ trong vài năm dự án ấy sẽ thực sự trở thành một thế lực không chỉ trong nước mà còn trong khu vực.
NHƯNG: Sau nhiều năm hoạt động, nó đang đứng trước ngưỡng cửa phá sản! Vì đâu nên nỗi này? Dưới đây làm một số nguyên nhân mà tôi thời kì đó ở vai trò một nhân sự cấp cao tập đoàn có thể đúc kết được:
1. Không có thế mạnh cốt lõi (Critical Success Factors): Kinh nghiệm, kĩ năng, quan hệ, vốn, ... trong ngành nó hoạt động.
2. Đi theo cảm xúc, không dùng lý trí để dừng lại lắng nghe dữ liệu và các mentor rồi điều chỉnh, muốn xây ngọn hải đăng vươn tới những vì sao nhưng phía dưới móng là đầm lầy nhão nhoét.
3. Đốt tiền để lấy tăng trưởng khách hàng dù khách hàng không chất lượng, không gắn bó dài hạn, giá trị CAC (Customer Acquisition Cost) > LTV (Life Time Value)
4. Nhân sự cốt lõi thiếu cam kết và niềm tin, nhảy khỏi thuyền khi thấy rung lắc thay vì ở lại cùng anh em chèo chống dẫn đến khủng hoảng niềm tin diện rộng và nghỉ việc hàng loạt.
Nhìn lại bản thân, tôi đã làm sai gì:
1. Thời điểm dự án chưa bắt đầu, vì tin vào quá khứ thành công của vị CEO, tôi như chiến tướng mang quân ra trận mà quên mất mình cần phân tích rất kỹ đây là cuộc chiến gì? Đánh nhau với ai? Cần chuẩn bị cái gì? ...
2. Sau vài trận thua nhỏ ban đầu, với năng lực tư duy và phân tích, tôi đã cố khuyên và dẫn dắt vị CEO cùng các key mem điều chỉnh trong nhiều buổi họp bằng cách cung cấp các quan điểm, số liệu và dẫn chứng. Tuy vị CEO không nghe và kết quả của dự án là xấu nhưng lẽ ra tôi nên tìm gặp chủ tịch Hội Đồng Quản Trị thuyết phục hoặc một cách nào đó khác để thay đổi nó...
Với nhà binh thành bại là chuyện thường, hãy cứ sống dũng cảm như một đứa trẻ, vấp ngã rồi đứng dậy, đau đớn rồi trưởng thành bạn nhé!