Thuở nhỏ, chúng ta được dạy về sự quý giá của thời gian, rằng "Thời gian là vàng". Sau này, chúng ta càng thấm thía ý nghĩa của câu nói này trên con đường trưởng thành của mình nhưng đồng thời vô tình để bản thân rơi vào trạng thái "Time anxiety" lúc nào mà không hay.
Nguồn: Clockìfy
Nguồn: Clockìfy

Time anxiety là gì

Time-anxiety là trạng thái lo âu, bất an bắt nguồn từ những suy nghĩ rằng bạn không bao giờ có đủ thời gian hoặc cảm giác thời gian trôi qua một cách bị lãng phí. Tuy nhiên, theo mình thì trạng thái này còn có khái niệm cụ thể hơn như sau:
Trạng thái này bắt nguồn từ việc bạn cảm thấy bản thân đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống. Cụ thể là khi thấy những cá nhân ưu tú ngoài kia đạt được những thành tựu trong cuộc sống ở tuổi 25, 30 chẳng hạn, thì bạn cảm thấy lo âu, áp lực vì bạn cho rằng bạn đã phí phạm những năm tháng đã qua hoặc đơn giản vì bạn cho rằng mình sẽ không thể nào giống như họ được, vì mình không có đủ thời gian, có lẽ đã là quá muộn.
Từ đó sinh ra cảm giác lo âu, bồn chồn dù rằng bạn đang bận rộn hay rảnh rỗi. Nó như một vòng tròn vô tận, dường như không lối thoát.

Triệu chứng của Time anxiety

1. Bạn luôn cảm thấy bản thân đang phí phạm thời gian.
"Đáng lẽ mình làm được nhiều hơn"," Cả ngày trời mà chỉ làm được nhiêu đây", "Hôm nay chả làm được gì, haiz phí cả một ngày" - Đây liệu có phải suy nghĩ của bạn mỗi khi đêm về? Nhìn lên trần nhà, tự dằn vặt bản thân rồi hứa là mai sẽ khác và mọi chuyện cứ thế lặp đi lặp lại ngày qua ngày.
Triệu chứng này khá phổ biến khi mà con người ta phải chịu áp lực, không nhất thiết là về thời gian, mà còn có thể sự ám ảnh về năng suất.
2. Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO)
Nguồn: VietNam Business Insider
Nguồn: VietNam Business Insider
"Ê mày nghe gì chưa? Thằng A mới năm nhất mà nó có IELTS 7.0 rồi hiện đang đi thực tập ở công ty lớn đó."- Sau khi nghe câu nói này, bạn cảm thấy thế nào?
Nếu là mình thì mình sẽ lập tức cảm thấy vô cùng tự ti, bồn chồn, sau đó lúc mà về tới nhà mình sẽ cảm thấy vô cùng lo âu, bất an. Vì sâu thẳm trong lòng, mình muốn được như A không? Tất nhiên là có. Mình có cảm thấy áp lực về thời gian khi mà A đã đạt được những thứ đó trong khi mình còn chưa bắt đầu không? Ừ thì..
Và thế là mình đã rơi vào "time anxiety".
3. Ám ảnh với To-do list.
Nguồn: Freepik
Nguồn: Freepik
Đừng hiểu làm ý mình, To-do list là một công cụ tuyệt vời để quản lí thời gian và theo dõi ngày làm việc của bạn. Cái cảm giác mình nắm quyền kiểm soát với thời gian của mình rất dễ gây nghiện, cũng chính vì thế mà đôi khi chúng ta cố nhồi nhét quá nhiều thứ vào trong vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ.
Hãy tưởng tượng việc cuối ngày khi bạn đã mệt lữ nhưng trong To-do list thì còn cả tá việc chưa được tick. Lúc này, bạn ước gì một ngày có nhiều hơn 24 tiếng hoặc bạn sẽ tự trách bản thân mình đã phí nhiều thời gian để rồi không làm xong việc.

Làm sao để Time anxiety không còn là nỗi ám ảnh.

1. Tự hỏi "Làm gì thì không phí thời gian".
Nỗi lo âu về thời gian rốt cuộc cũng chỉ xuất phát từ cảm giác bạn đang phí phạm thời gian của mình, vì thế hãy ngồi xuống, hít một hơi thật sâu và suy nghĩ câu trả lời cho câu hỏi ở trên.
Tuỳ người mà câu trả lời có thể sẽ rất khác nhau. Khi có được câu trả lời, hãy đặt mục tiêu trong ngày của bạn là làm xong được việc đó, nếu bạn làm nhiều hơn thế thì quá tốt còn nếu không thì không sao cả dù gì bạn cũng đâu có phí thời gian.
Ví dụ như đối với mình thì việc đọc sách rất xứng đáng vì thế dù cuối ngày mình có làm được bao nhiêu việc hay còn bao nhiêu việc dang dở thì luôn tự nhủ rằng hôm nay mình đã làm được việc mình cảm thấy xứng đáng với thời gian của mình, đó chính là đọc sách và chỉ cần như vậy là đủ.
2. Lập một thời gian biểu "Thực tế" hơn.
Là những con người cầu toàn, chúng ta cho rằng mỗi ngày mình dành 8 để làm việc thì có thể xếp hết việc vừa khít vào 8 giờ đó. Trong khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số giờ đó, chúng ta chỉ làm việc thật sự năng suất trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ ngắn ngủi.
Vì thế hãy dự tính thêm thời gian để bạn nghỉ ngơi, dự trù trục trặc có thể phát sinh giữa các task. Một thời gian biểu hợp lí sẽ giúp bạn thực hiện công việc hiệu quả và ngăn trình trạng burn out.
Tương tự như cách trên, xác định rõ việc nào là việc quan trọng nhất mà bản thân cần hoàn thành trong ngày hôm đó. Chỉ cần bạn đã hoàn thành được nó, thì dù bạn không thể hoàn thành nốt các công việc phụ còn lại thì cũng không có gì phải dằn vặt bản thân.
3. Hãy để tâm trí ở hiện tại.
Luyện tập chánh niệm (chú tâm vào giây phút hiện tại) mỗi ngày để hiểu rõ bản thân mình, nhìn thấu được nỗi sợ, lo âu về thời gian mà bản thân đang gặp phải.
Bằng việc sống ở những giây phút hiện tại, chúng ta nên chấp nhận những thứ bản thân kiểm soát và không kiểm soát được. Từ đó mối quan hệ giữa bản thân và thời gian cũng sẽ được cải thiện.