Món quà đầu tiên của Du Học: Identity Crisis
Món quà mà Úc tặng tôi khi vừa đặt chân đến là 1 cú identity crisis, và đây là cách mà tôi làm hoà với nó.
Món quà mà Úc tặng tôi khi vừa đặt chân đến là 1 cú identity crisis, và đây là cách mà tôi làm hoà với nó.
Tưởng tượng bạn mới 18 19 tuổi, nứt mắt mới đi du học lần đầu. Bao viễn cảnh về một thành phố tươi đẹp với những con người đáng mến còn chưa được kiểm chứng thì bùm, bạn bỗng nhận ra một cảm giác lạ trong mình. Rằng mình là một người lạ mặt ở thành phố này, không ai biết mình là ai, và chính mình cũng chẳng hiểu mình đến đây để làm gì.
Xin chúc mừng, bạn đã quay vào ô identity crisis, hay còn gọi là khủng hoảng bản dạng hoặc khủng hoảng căn tính.
1. Identity crisis là gì
Đầu tiên thì cùng clear nhanh một chút về khái niệm identity crisis.
Identity crisis là một trạng thái khi ta không hiểu rõ bản thân chính mình – tính cách, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu,… - những thứ cần thiết để tạo nên một con người độc nhất. Khái niệm về bản dạng được cho ra đời bởi nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng Erik Erikson - người tin rằng sự hình thành bản dạng là một trong những phần quan trọng đến hình thành nên một con người.
Bất cứ ai cũng có thể trải qua khủng hoảng bản dạng, thậm chí trải qua nhiều lần trong đời, nhất là ở trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời: tuổi dậy thì, khi mới bắt đầu chọn ngành nghề, lúc đi làm và khi có con cái… Tuy nhiên, với du học sinh thì có nhiều lý do để họ ngã vào khủng hoảng bản dạng hơn - vì họ có tận hai bản dạng để trăn trở: con người ở Việt Nam và con người ở nước ngoài.
2. Identity crisis và du học sinh
Thế identity crisis - khủng hoảng bản dạng xảy ra với du học sinh như thế nào?
Khủng hoảng bản dạng là khi bạn phải đối mặt với những xung đột trong chính mình. Có thể ví dụ từ những câu hỏi đời thường như khi bạn phải đưa ra quyết định “chơi với ai” ở thành phố mới này. Chơi với hội đồng hương, với các bạn bè quốc tế, hay với người bản địa? Hoặc là ngành học đang chọn có đúng không? Thậm chí là cả những câu hỏi mang tính vĩ mô hơn: Phấn đấu ở lại định cư hay về xây dựng đất nước? Những câu hỏi lớn nhỏ dồn dập khiến người du học sinh muốn nổ tung và bùm, gây ra khủng hoảng bản dạng.
Không chỉ với những mối quan hệ bên ngoài và những quyết định lớn trong cuộc đời, mối quan hệ với bản thân cũng là một thử thách bản dạng đối với du học sinh. Khi còn chưa kịp biết mình là ai ở Việt Nam, bạn đã phải chuyển đến một thành phố mới. Bạn phải cố gắng để tồn tại ở cả 2 thế giới cùng một lúc, không làm mất đi dấu ấn ở cả 2 nơi.
Tôi đã từng thao thức đến ba giờ sáng mỗi ngày chỉ để make sure là tôi online đúng giờ các bạn ở VN của tôi online, để tôi có thể tiếp chuyện họ vì nếu không, tôi tin rằng tôi sẽ mất họ. Trong khi đó, những mối quan hệ bạn bè bên này lại vô cùng xã giao. Mặc dù các bạn bên này rất thân thiện và tử tế nhưng tôi thấy các bạn ấy “politically correct" qúa, nên cuộc trò chuyện khó có được chiều sâu (Hoặc là do tôi xấu tính nên cần cạ thật drama để cùng nhau hóng chuyện =)) Điều đó thì lại khó tìm được ở bên này do khác biệt về văn hoá, các bạn quốc tế thì khó có thể hiểu được dark humour đến từ nền văn hoá da vàng của tôi…)
3. Identity crisis và các vấn đề về tâm lý
Nếu bạn tự hỏi identity crisis có thể tệ đến mức nào, thì các vấn đề tâm lý là một hệ quả của nó.
Những suy nghĩ và sự so sánh về bản dạng dẫn đến “guilt” and “shame”, 2 cảm giác chủ yếu dẫn đến các vấn đề về tâm lý như trầm cảm và lo âu.
Cảm giác tội lỗi vì mình đi học tốn tiền của gia đình mà không rõ được đam mê, hoài bão và mục tiêu đeo bám bạn dai dẳng, trong khi đó mạng xã hội thì đầy rẫy những câu chuyện về bạn A cậu B thành công ở đất người. Cảm giác ấy khiến cho bạn nghĩ rằng mình không đủ tốt/đủ giỏi ở nơi này, cảm thấy xấu hổ với những người thân thương ở quê nhà, khiến bạn bắt đầu ngừng liên lạc, và đẩy bạn vào một cái hố sâu mang tên trầm cảm.
Hoặc trong một vũ trụ song song khác, bạn tự tin với những gì bạn đã đạt được ở nơi này, nhưng bạn lại gặp khó khăn trong việc chia sẻ những câu chuyện ấy với người khác, vì họ không có những trải nghiệm giống bạn. Việc không được thấu hiểu ném bạn vào sự cách ly với các mối quan hệ, mà nếu không thoả hiệp bạn sẽ chẳng thể xoá bỏ bức tường vô hình này.
Hoặc bạn có thể như tôi, cố chấp với suy nghĩ mình không thuộc về Úc. Ở Việt Nam, tôi nghĩ, đã chả có mấy ai giống tôi rồi. Sang bên này, tôi còn kỳ lạ hơn, có lẽ không bao giờ tôi tìm được điểm chung với bất kì ai bên này. Tôi tiếc những tháng ngày tôi còn ở Việt Nam, sống chung với những cô bạn thân, cùng nhau đi chợ nấu nướng, ới nhau dậy mỗi sáng. Bên này, housemates của tôi là những người lạ. Việc những người sống chung nhà ở đây thân ai nấy lo là rất phổ biến, và tôi cũng ủng hộ điều này vì chẳng may có drama thì khó sống nổi với nhau. Tuy nhiên, cũng chính điều này khiến tôi càng tin rằng tôi không thuộc về nơi này - không có ai, hoặc bất kỳ thứ gì cho tôi cảm giác thuộc về.
Hoàng hôn Úc có thể đẹp nhưng đó không phải là bầu trời mà những người thân thương của tôi đang thấy. Sóng biển Úc có thể xanh nhưng đó không phải màu của quê hương tôi.
Nhưng tôi cũng không thể bỏ học mà quay về Việt Nam được - ngành tôi học chưa phát triển ở quê nhà, và gia đình tôi và cả tôi đã fought so hard so that I can be here. Cùng lúc đó, như một hệ quả của thời gian, những mối quan hệ ở quê nhà dần mất đi. Tôi đã không còn chơi với một nửa số người lặn lội ra sân bay tiễn tôi đi du học ngày ấy. Tôi trăn trở về những quyết định mình đã đưa ra, cùng lúc đó không có ai ở cạnh tôi để kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, về thế là tôi ngụp lặn mãi trong cơn khủng hoảng bản dạng.
4. Cách làm hoà cùng identity crisis
Tin xấu là: bạn có thể sẽ phải trải qua khủng hoảng bản dạng trong nhiều giai đoạn của đời du học, và điều này có thể tránh khỏi.
Sự bối rối của tôi về bản dạng năm tôi 18 tuổi, lo lắng không biết mình chọn đúng ngành không, và năm tôi 24 tuổi, đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ đúng cái ngành đó, là y như nhau. Và tôi nhận ra tôi không phải là người duy nhất, vì giáo sư hướng dẫn level chuyên gia quốc tế năm nay đã gần 70 tuổi của tôi cũng có những cảm giác như vậy. Đó là khi tôi nhận ra khủng hoảng bản dạng không chừa bất cứ ai, ở độ tuổi hay nền văn hoá nào.
Tuy nhiên, tin tốt là: rồi sẽ có một ngày bạn quen với cảm giác không biết mình là ai và nhận ra nó không tệ đến thế.
Lần đầu thì có thể như bạn mắc Covid nhưng những lần sau sẽ như cúm mùa mà thôi. Nếu khi bị cúm bạn uống thuốc và nghỉ ngơi, thì khi có khủng hoảng bản dạng bạn cũng làm tương tự như vậy - nghỉ ngơi và chữa lành. Nếu mạng xã hội khiến bạn thấy thật tệ về bản dạng của mình thì hãy tắt nó và đi tắm nắng thôi nào. Dần dần theo thời gian, những mối quan hệ mới sẽ đến với bạn một cách tự nhiên nhất, và đó là những người mà bạn có thể dựa vào for social support in times like this.
Còn nữa, việc không biết mình là ai có nghĩa là bạn có thể là bất cứ ai mà mình muốn. Tuổi trẻ của mình là để thử sức với những lựa chọn vô tận, tại sao không tận dụng cơ hội này để tìm được (những) câu trả lời cho “mình là ai”?
Còn tôi, tôi chọn làm bạn với chính mình. Tôi đã từng thử xả mình vào những cuộc vui, lên Bumble kiếm bạn thân để nói chuyện và tìm nơi thuộc về, nhưng không mối quan hệ nào được dài lâu, thậm chí tôi còn burned out và khủng hoảng hơn trước. Tôi nhận ra là vì tôi chưa hiểu bản thân mình muốn gì nên cách thể hiện bản thân không đồng nhất, khiến người khác bối rối. Với cả tôi đi du học đúng đợt Covid nên làm gì có cơ hội ra ngoài xây dựng mối quan hệ được :( Nên cuối cùng tôi dành thời gian hiểu và cảm thông với những xung đột của bản thân - chấp nhận rằng việc những thứ trong cuộc đời mất đi và thay đổi là một lẽ tự nhiên, và không đặt kỳ vọng gì lên những điều sắp tới với tôi.
Nhớ rằng, dù những xung đột trong bạn có nảy lửa thế nào, sẽ có một ngày ngọn lửa đó yếu đi, và việc của bạn là tập trung vào mục tiêu và lý do mình ở đây, ngay lúc này, và làm những điều theo sát mục tiêu đó.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất