Mỗi ngày yêu thêm chút thôi - Ngày 5: Học hỏi
Mình có một nỗi sợ thường trực khi gặp và nói chuyện với người khác: sợ họ nói về những điều ngoài tầm hiểu biết của mình hoặc sợ họ...
Mình có một nỗi sợ thường trực khi gặp và nói chuyện với người khác: sợ họ nói về những điều ngoài tầm hiểu biết của mình hoặc sợ họ có những suy nghĩ chống đối điều mình tin tưởng. Những lúc rơi vào hoàn cảnh như vậy, mình sẽ thường xuyên có phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, tức là, hoặc gồng lên để thể hiện bản thân không yếu thế, hoặc lùi vào vỏ ốc và nghĩ mình là một đứa không ra gì. Mình đặt tên cơ chế này là Bảo Vệ.
Ngày hôm nay mình cũng gặp hoàn cảnh như thế, khi được mời đi ăn cùng hai anh đồng nghiệp nước ngoài của một người bạn.
Thứ nhất, họ lớn hơn mình nhiều tuổi.
Thứ hai, họ đến từ những nền văn hóa khác mình.
Thứ ba, họ có kiến thức chuyên sâu về những lĩnh vực nhất định mà mình không biết.
Thứ tư, họ hỏi những câu hỏi khiến mình phải tự phản tư: những kiến thức mình có liệu có đúng và đủ chưa?
Và mình sợ. Thực sự mình đã sợ. Mình đã có ý định rút khỏi cuộc nói chuyện. Mình chỉ muốn ngồi nhìn mọi người rồi mỉm người như một cô bé ngoan.
Nhưng không!
Có điều gì đó bên trong mình muốn nhiều hơn thế. Mình muốn biết những người khác nhau suy nghĩ khác nhau như thế nào. Mình muốn học hỏi những điều mình chưa biết. Mình muốn tiếp xúc với những quan điểm trái chiều, để soi rõ niềm tin và xem xét tư duy hiện hữu của mình.
Lần đầu tiên, một cách có ý thức chứ không phải những phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy thông thường, mình chọn ở lại. Mình chọn tiếp tục cuộc nói chuyện với những con người mới này. Mình chọn từ bỏ quyền kiểm soát tình huống - làm sao để bản thân luôn đúng và chuẩn mực. Mình bước vào thế giới của những điều chưa biết, và sẵn sàng cho bản thân đón nhận bất cứ tình huống khó khăn nào có thể xảy ra.
Mình chuyển từ cơ chế Bảo Vệ sang cơ chế Học Hỏi.
Khi mở rộng đầu óc và tâm hồn để học hỏi, mình cảm thấy tự do hơn, biết được nhiều kiến thức mới. Mình không bị rơi vào trạng thái hoặc là phải chứng mình người khác sai, hoặc là phải nghĩ bản thân thật tệ nữa.
Quan trọng nhất, mình nhận ra một điều: mình và người ta bình đẳng trong cuộc nói chuyện. Có những điều họ biết, những điều không; có những điều họ giỏi, những điều dở; có những điều họ thích, những điều ghét. Do đó mình không cần phải gồng lên để chứng tỏ bản thân với bất kì ai, không phải thay đổi bản thân để cho hợp với ai. Mình là mình, sẵn sàng cúi đầu để Học Hỏi những điều mới mẻ, nhưng cũng đủ tự tin để thể hiện chính mình, khi cần.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất