Tui từng có một cái nhìn khá tồi về khoa xã hội (hoặc là vì trường học khiến tui nghĩ thế, cơ mà cũng do tui không chịu tìm hiểu thêm). Nói trắng ra với xã hội lúc bấy giờ, họ cho rằng học sinh nào mà vô ban xã hội chả qua là do học dốt mấy môn tự nhiên (nếu họ chọn chuyên sử địa) và quá ư là văn vở (nếu các bạn ấy chọn chuyên văn). Nhưng không các bạn ạ, xã hội còn rộng hơn thế. Nó chính là nghiên cứu về quan hệ giữa con người với con người - thứ mà các bạn gặp, tiếp xúc hằng ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn - nghiên cứu về các mô hình xã hội, bao gồm cách con người tổ chức các mối quan hệ, cách họ hợp tác với nhau hay thậm chí cách họ phân chia quyền lợi và nghĩa vụ.
Rất dễ nhận biết lý do vì sao bạn cần học về xã hội học. Lên mạng, tranh luận với ai đó mà kiểu nhiều chữ, bạn bỗng nhận ra nếu muốn tranh luận đàng hoàng cho đáng công sức họ đã dành ra cho bạn, bạn cần thêm kiến thức về xã hội. Để nói về ảnh hưởng của luật pháp đối với dân và dân có quyền ý kiến như thế nào với luật pháp, bạn cần hiểu về luật, mô hình nhà nước và trách nhiệm dân sự. Để hiểu đúng về tầm ảnh hưởng của tôn giáo và vì sao các quốc gia trên thế giới này lại dè chừng và cẩn thận vấn đề này như thế, bạn cần có kiến thức về tôn giáo. Khi nhìn mọi người xung quanh bàn tán về vấn đề đánh thuế vào tiền gửi ngân hàng của người dân, tui, một sinh viên kinh tế bỗng hiểu được sâu sắc vì sao mọi người cần học kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô.
Mà cũng hổng cần bàn chi đâu xa, các môn học xã hội ban đầu cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn, cả với mấy cái lần cãi nhau trên mạng của các bạn. Như cái đợt mọi người rầm rộ về cách gọi tiếng Anh của Tết Nguyên đán, mọi người lại bắt đầu đào về nguồn cội của nước ta để chứng minh rằng Tết Nguyên đán của người Việt không phải là vay mượn từ Trung Quốc, dù cho bình thường nhiều người chả hào hứng với môn lịch sử đến thế. Đặc biệt nhất là môn văn, khi các bạn ngồi đây đọc đến dòng này, thấy con nhỏ này đụng đâu gõ đấy, các bạn mới hiểu sâu sắc lý do vì sao người ta nên học môn văn một cách đàng hoàng. Sau ngần ấy năm, tui mới hiểu rằng việc lập dàn ý cho một bài văn có nghĩa là xác định những gì bạn cần trình bày trong bài văn bạn sắp viết, và việc này không chỉ cần thiết trong văn mà trong bất cứ hoạt động nào bạn gặp trong đời (nếu bạn muốn có cái gì đó rõ ràng chứ không phải đụng đâu làm đấy).
Thật ra tui gõ những dòng này vào một phút não bộ bỗng tổng hợp đủ loại trải nghiệm khiến tui thức tỉnh sau cơn u mê dài vì đã đề cao khoa học tự nhiên hơn so với khoa học xã hội, nên nó hơi lan man và mang tính tám chuyện nhiều hơn. Đừng hiểu nhầm là tui đang dìm khoa học tự nhiên nhé. Nó là môn học nghiên cứu các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, bao gồm trong chính cơ thể bạn. Việc nghiên cứu điều này đã khai sáng con người, giúp họ lợi dụng lực lượng của tự nhiên để phục vụ cho họ. Còn việc nghiên cứu khoa học xã hội chính là nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với con người, hiểu hơn về xã hội sẽ giúp mối quan hệ giữa bạn và mọi người, từ đó giúp giải quyết các vấn đề như hiểu lầm trong giao tiếp, làm việc không xuôi chèo mát mái, v.v. Cả hai đều rất quan trọng với bạn.
Nói dài dòng thế thôi, nhưng tóm gọn lại tui đang tuyên bố với chính mình: cậu cần học xã hội học cho đàng hoàng đi. Tui đang bắt đầu lập lộ trình học, vì cái gì mơ hồ bạ đâu học đấy làm tui thấy khó chịu. Ai có kinh nghiệm hay đã học xong rồi thì cho tui xin ít ý kiến nhé.
Yep, học, học nữa, học mãi.