Nâng cao khả năng cảm nhạc là nâng cao sự tinh tế về cảm xúc của bản thân. Cảm nhạc về cơ bản không hề khó bởi nghệ thuật là cảm tính và không giới hạn.




Thưởng thức nhạc có 2 hướng cơ bản: nhạc lý và nhạc tính. 
Nhạc lý: Nói nôm na là những quy tắc, công thức phối kết hợp,.. trong bài hát. Rất dễ để có thể nắm bắt phần cơ bản trong việc hiểu nhạc lý, điều này chủ yếu phụ thuộc vào luyện tập khả năng bắt âm của tai và kiến thức về nhạc trong đầu bạn. Mảng này khá công thức và các producer luôn phải nắm rất chắc để hoà thanh phối khí phù hợp. Có thể phân loại các dòng nhạc như rock, ballad, pop, slow, country, bolero ... hay chỉ rõ thời gian bản nhạc được sáng tác hoặc phong cách của nhạc sĩ là dựa trên phần nhạc lý (nhịp, cách phối, nhạc cụ ... ). Mình sẽ không nói chuyên sâu mà tập trung vào cách luyện tai cơ bản cho các bạn như sau.

Thay vì lời bài hát, các bạn tập trung nghe loại nhạc cụ nào được sử dụng trong bài, tập nghe tiếng của từng loại đàn trước sẽ dễ nhận diện hơn khi nghe hoà âm tổng. Tập nắm bắt nhịp điệu đặc trưng của các dòng nhạc, mỗi dòng nhạc đều có chất rất riêng để người nghe chỉ cần thoáng qua một câu đầu đã biết được xuất xứ của nó. Những bài hát để tạo được trend hay có một công thức khá chung, bạn có thể tìm kiếm google về vấn đề này để rõ hơn. Càng nhạy về phần phối âm của nhạc cụ, bạn càng dễ đưa mình lên tầm  hiểu luật nhạc và nhận ra vì sao có bài rất nhạt, có bài bạn thích và nhớ ngay khi nhắc tới, có bài nghĩ hoài không ra, có bài bản gốc tệ nhưng sau khi được phối khí lại rất bắt tai, sự khác biệt và phong cách của từng producer,... Tìm hiểu về nhạc lý cần rèn luyện sự tinh tế của đôi tai, những bạn có khiếu sẽ dễ dàng chơi lại bản nhạc hay phỏng theo nhịp điệu, nhận biết cao độ nốt nhạc,... nhanh hơn những bạn khác, nhưng họ vẫn cần những kiến thức thông thường để sáng tác hoặc nâng cao level bản thân. Tất cả đều cùng xuất phát điểm, chỉ khác nhau ở năng khiếu; đừng bỏ cuộc khi thấy nhạc quá phức tạp, biết một chút về nhịp điệu thôi đã làm bản thân bạn hiểu sâu hơn về môn nghệ thuật thứ 5 này rồi. 

Đọc thêm:


Nhạc cảm: Là cảm xúc khi nghe nhạc như nhiều bạn chảy nước mắt, lông gà lông vịt nổi rần rần hoặc thấy nhạt toẹt khi nghe nhạc. Nếu nhạc lý thử thách sự tinh tế của thính giác thì nhạc cảm tìm tòi, nuôi dưỡng và làm bộc phát cảm xúc của người nghe. Nhạc cảm rất đơn giản, nó như chuyển dữ liệu nền là bản nhạc thành tình cảm của mình; hoặc hiểu được điều tác giả muốn truyền tải qua bài nhạc đó, lúc này bạn đã nắm bắt được ngôn ngữ chung của âm nhạc. 
Cảm nhạc có lời, mình hay nghe và phân tích theo từng tầng. Bạn có thể tưởng tượng như đang ăn những loại bánh với lớp bột Buff Pastry (ngàn lớp). Mỗi loại nhạc cụ được chơi trong bài là một lớp, càng phối âm thông minh trong từng đoạn nhạc thì tác phẩm bánh càng dễ được khán giả đón nhận, như thực khách cảm được mùi bơ thơm quấn cái cắn giòn rụm cùng vị ngọt dịu qua từng lớp bánh, vị giác, thính giác và ngay cả tim cũng rung động khi chạm đến nhân bánh ngon đến quấn lưỡi. Quên, trở lại nhạc có lời, chưa bàn về thanh nhạc thì giọng ca sĩ là phần lớp vỏ bên ngoài cái bánh bởi đây là phần dễ nhận ra nhất, đồng thời cũng là phần nhân bởi nhạc làm nổi giọng hát. Nhịp điệu có thể so sánh với những đường vân của bánh, phần dễ nghe thấy và cảm nhận sau giọng ca sĩ. 
Nói chung là các bạn cứ luyện nghe, luyện cảm nhạc thì đời cũng cực kỳ đa dạng như nhạc, không chán đâu.

Bonus xíu, nhạc không lời và nhạc có lời khác nhau rất rõ ở giới hạn cảm xúc. Khi nhạc không lời chỉ thể hiện suy nghĩ qua âm thanh, thính giả tự do phát triển cảm nhận và suy nghĩ thì nhạc có lời giới hạn lại khả năng đó, ý nghĩa bài nhạc được thể hiện rõ qua ngôn từ và nhạc là công cụ để làm nổi lời bài hát cũng như định hướng cảm xúc người nghe.