Các nghệ sĩ indie ở Việt Nam không có nhiều người được đào tạo một cách bài bản về thanh nhạc. Chính vì thế, thật khó để lấy thước đo về kĩ thuật để đánh giá khả năng ca hát của họ. 
Tuy nhiên, các nghệ sĩ indie lại có thế mạnh trong mặt khác. Họ có cách diễn giải bài hát rất riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai, phô bày trọn vẹn cá tính của bản thân, đồng thời là chút thô ráp, đơn giản của họ dễ dàng khiến người nghe nhạc cảm thấy đồng cảm, gần gũi. 
Dưới đây là một số giọng ca mình đánh giá cao nhất về khoản giọng hát với cách trình bày linh hoạt, thông minh và không để sự hạn chế trong mặt kĩ thuật ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng tổng thể. 
Trang



Các sáng tác của Trang rất đa dạng, cô có thể viết về tình yêu, về cuộc sống, về những nỗi buồn vẩn vơ hay những câu chuyện tích cực đều hay cả. Chính bởi thế, Trang cũng xử lý rất linh hoạt để giọng ca của cô có thể phù hợp với nhiều chủ đề. 
Như ở Cách mình xa nhau, Trang đặt đoạn chorus ở một tông cao hơn hẳn, đưa những âm thanh lên những nốt ở mixed/head đầy tha thiết, khắc khoải khi nhắc lại một câu chuyện buồn. Nhưng sang tới Em sẽ luôn, Trang chủ động hát nhỏ lại, để những nốt cao không quá chói và gắt nữa nhằm thể hiện không gian tươi sáng hơn của một buổi bình minh tràn đầy lạc quan và tinh thần tươi sáng. 
Những quãng phiêu/bè của Trang cũng được dàn dựng rất công phu. Như ở Ta mơ thấy nhau, trên nền những nốt cao giọng ngực rất căng của anh Vũ, Trang đều lựa chọn sử dụng giả thanh ở bên trên, làm mềm mại mọi lớp âm thanh và tiếp nối không gian mơ màng một cách hoàn hảo. Cách Trang hát câu kết “Mỗi hy vọng là… Mỗi đêm về nhà…” trong bài hát này là một sự tinh tế rất hiếm thấy trong giới nghệ sĩ indie. 

Bài hát tiêu biểu: Ta mơ thấy nhau, Bụi Hoa Giấy, Thư cho anh,... 
Mạc Mai Sương



Giọng hát của Mạc Mai Sương có sự “tĩnh” và rất trung tính. Vậy nên, thay vì những bài hát quá nhiều cảm xúc hay những câu chuyện rõ ràng, Mạc Mai Sương tỏ ra phù hợp và ăn điểm tuyệt đối với những bài hát thiên về hình ảnh và nội tâm của Doãn Hoài Nam, giống như cả hai sinh ra là để dành cho nhau vậy. 
Trong những lần hòa giọng trong bản nhạc Mưa, hay trong rất nhiều các bản hòa giọng khác, Mạc Mai Sương đều lựa chọn những tông cao để tạo nên cái đối lập với Doãn Hoài Nam, và đôi khi để tạo nên cái không gian lãng đãng, mộng mơ đầy tình cảm. Khi hát Mưa với Vũ - một người đã “ướt át” sẵn thay vì khô cứng như Doãn Hoài Nam - Mạc Mai Sương ngay lập tức biến đổi về kiểu hát vững vàng quen thuộc như trong những bản solo Hoa, Tập mới hay Vòng Xoáy - một lối hát đứng hoàn hảo ở vị trí chính giữa của sự trung tính - cho thấy sự linh hoạt của cô gái này không phải dạng vừa. 

Bài hát tiêu biểu: Mưa, Tập Mới, Hoang Đường,...
Vũ Thanh Vân



Vũ Thanh Vân có lợi thế là màu sắc trong giọng hát của cô đẹp một cách rất đại chúng, nó giúp cô có cách xử lý rất pop, vừa vặn mà không cần làm gì quá nhiều. Nhưng điều đó có thể là một con dao hai lưỡi khi nó hoàn toàn có thể khiến cô trở nên nhạt nhòa. Thật may, Vũ Thanh Vân là một cô gái thông minh, cô biết khi nào cần phải dùng giả thanh, khi nào cần phải dùng giọng thật, khi nào cần hát to khi nào cần hát nhỏ một cách rất linh hoạt. Như ở Chạm, mỗi một đoạn chorus cô lại sử dụng một kiểu xử lý khác nhau mặc dù lyrics và giai điệu nghe đều na ná, khiến cho bài hát có nhiều màu sắc hơn hẳn những gì nó có. 

Bài hát tiêu biểu: Chạm, Chiện tình, Gửi em,...
Tuimi



Qua King of Rap, Tuimi phô diễn một lợi thế cực kì lớn của cô, đấy là khả năng hát live rất tốt. Qua những bài hát phòng thu, ta đã biết cô gái này cực kì có tố chất trong R&B, bất cứ âm thanh nào cô phát ra cũng đầy nhịp, rất nảy đậm chất R&B. Cô còn có khả năng di chuyển rất mượt mà từ kiểu hát/đọc-hát melodic rap sang kiểu hát thuần R&B rất mượt mà, không một chút gợn nào qua Nhà Bao Việc, Nghĩ nhiều làm chi và bài Áo Xanh gần đây trên King of Rap. Thực hiện những thứ này trong phòng thu đã không đơn giản, làm tốt trên sân khấu lại càng khó hơn nữa. Vậy mà Tuimi hát vẫn vững vàng, không hụt hơi hay rớt nhịp, lên nốt cao hoàn toàn thoải mái. Với năng lực như vậy, cô đánh bại 2 thí sinh mạnh trong chương trình cũng không phải là điều quá bất ngờ. 

Bài hát tiêu biểu: Nhà bao việc, Áo Xanh, Bad Communication, Black Caviar,...
Kaang



Dù cho hiện nay đã không còn hoạt động mạnh mẽ, giọng ca của Kaang vẫn là một âm thanh rất đáng nhớ với những ai đã từng yêu mến cô. Kaang có một góc nhìn về R&B/Neo-soul cực kì tinh tế. Mặc cho việc dòng nhạc này yêu cầu sử dụng nhiều kĩ thuật khó, Kaang không ngại đưa mình vào những thách thức ấy, và cô thực hiện nó hoàn toàn thoải mái. Cách cô thực hiện những khúc chồng bè cực kì phức tạp, sử dụng scat singing trong Một mình, cách cô xử lý những giai điệu jazzy khó trong Đã biết,.. là những thứ ta rất ít thấy trong các nghệ sĩ indie hiện nay. Cái chất “old school” của Kaang còn được phô bày rõ nét trong những bản cover các ca khúc kinh điển Vài lần đón đưa hay Hát theo người đi trên phố với 100% cách xử lý mới, khiến chúng chẳng còn bóng dáng xưa nữa mà như là phiên bản nữ tính và thuần Việt hơn của các danh ca kinh điển Sade, Erykah Badu,...

Bài hát tiêu biểu: Một mình, tan, điều gì đó, vài lần đón đưa,...
Vũ Đinh Trọng Thắng 



Trong album 3, Ngọt đã thể hiện một sự đa dạng tuyệt vời khi di chuyển giữa rất nhiều thể loại, rất nhiều tiết tấu, nhịp điệu khác nhau mà vẫn giữ được sự ổn định đáng kinh ngạc. Để làm được điều đó, sự linh hoạt của Vũ Đinh Trọng Thắng là một điểm mấu chốt. Thắng không hẳn có một giọng ca quá tốt hay quá khỏe khoắn như những gì người ta hay nghĩ về một rock vocalist, nhưng anh là một người hát rất nhiệt huyết và không bao giờ ngại lên những nốt cao vượt quãng. Như ở Hết thời, có những khoảnh khắc anh không còn hát nữa mà rất gần với “hét” (Như câu hát “hãy đi tìm tờ giấy xanh trong vần thơ” hay “vì tôi đã sống hết đời” ở cuối cùng) nhưng nó là một điều rất cần thiết, một sự tức giận, đầy bất lực như nội dung của bài hát. Nhưng khi bước sang (tôi) ĐI TRÚ ĐÔNG hay Vé đi thiên đường, Thắng xử lý hoàn toàn khác với những nốt cao nhẹ hơn, mềm mại và biết sử dụng giả thanh lúc cần thiết - một sự linh hoạt rất hiếm có. 

Bài hát tiêu biểu: Hết thời, (tôi) đi trú đông, kẻ thù, mèo hoang,... 
Hà Lê



Việc nhiều người gọi Hà Lê là rapper thực sự là một điều đáng tiếc cho giọng hát của anh bởi mặc dù không quá điêu luyện, nhiều kĩ thuật, giọng bẩm sinh của anh đã có thể lên được những nốt rất cao bằng giọng ngực ngay cả khi so với một giọng nam cao. Điều đó giúp anh đẩy được những cao trào rất kịch tính. Đặc biệt là ở các bài hát từ dự án Trịnh Contemporary của anh, những bài hát được phối khí rất dày như Tuổi đá buồn, Diễm xưa,... nếu không phải giọng ca Hà Lê thì cũng không có nhiều người có thể xử lý tốt cao trào được như vậy. Khúc ad-lib trong Diễm xưa thậm chí còn khó với nhiều vocalist thực thụ khi nó vừa là nốt cao, vừa phải duy trì năng lượng lớn trong một thời lượng dài, một thách thức thực sự. 

Táo



Kể từ bài hát đánh dấu sự trưởng thành ngoạn mục trong giọng hát của Táo là 2 5, từ đó đến nay anh khiến người hâm mộ liên tục phải bất ngờ bởi cứ qua một bài, Táo lại hát tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Nếu ở 2 5, Táo cho thấy sự táo bạo khi hát những nốt cao vượt ngoài quãng giọng ngực, phô bày một tâm hồn yếu đuối và rất nhạy cảm, đến Xin lại là một bước tiến mới khi anh hát trên nền acoustic như một vocalist thực thụ. Đỉnh cao là ở Blue Tequila, nơi Táo thể hiện sự tinh tế tuyệt vời trong cách hát, thờ ơ như không mà đau sâu trong lòng. Táo đã bước ra khỏi khuôn khổ của một “rapper” để trở thành một nghệ sĩ thực sự.  
Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811

Bài viết cùng tác giả: