Nhạc Việt thập niên 2000 có thể coi là giai đoạn hoàng kim của nhạc pop Việt Nam khi mà phong cách pop Âu - Mỹ đã du nhập vào Việt Nam được một quãng thời gian khá dài để chúng có thể phát triển thành các thể loại khác nhau rất đa dạng, tư duy của người nghe cũng dần được nâng cao để dễ dàng tiếp nhận nhưng thể nghiệm sáng tạo mới mẻ của nghệ sĩ. Mặc dù số lượng tác phẩm chưa nhiều như hiện nay, nhưng hướng phát triển lại quy củ hơn nhiều khi nghệ sĩ chăm chỉ đầu tư vào âm nhạc cùng những album chất lượng thay vì chạy đua theo việc phát hành single ngắn hạn, đầu tư vào MV.
Cùng mình điểm qua 10 album pop xuất sắc của nhạc Việt trong thập niên 2000s, vẫn có giá trị thưởng thức và tham khảo tới tận thời điểm hiện nay nhé.
Hồng Nhung - Ngày không mưa (2001)



Khi nhạc Việt vẫn đang khá trung thành với những màn phối khí đơn giản, tập trung tối đa trong việc khai thác vocal, nhất là với một vocal đẹp không tì vết như Hồng Nhung, thì Quốc Trung đi ngược lại với tất cả, nhưng lại là xu hướng tất yếu trên thế giới: tôn vinh đều cả ba mảng sáng tác - sản xuất - giọng hát. Những sáng tác của nhạc sĩ Dương Thụ có lẽ cũng không cần nói thêm gì nữa rồi, những giai điệu như Họa mi hót trong mưa có lẽ sẽ mãi chẳng bao giờ cũ, Hồng Nhung còn làm tăng thêm sự bất hủ của bản nhạc bằng lối hát cực kì pop, phá tan những quy chuẩn rất “Bán cổ điển” từng được khắc sâu trong tâm trí người nghe. Không dùng tới những nốt thánh thót như chim hót, mà cô cất tiếng hát rất con người: những khắc khoải, những nhớ nhung, đau buồn ẩn chứa sâu trong từng tiếng ca. Và Quốc Trung, ông đặt tất cả những thứ đó trong một không gian nửa truyền thống, nửa hiện đại khi dùng các làn điệu rất dân ca nhưng lại được thực hiện bằng tiếng synth điện tử. Sự xuất sắc, hài hòa này lặp đi lặp lại xuyên suốt cả album mà cho đến nay, vẫn hiếm có album nào có sự cân bằng giữa cả yếu tố hoàn hảo được như thế.
Trần Thu Hà - Nhật Thực (2002)

Trần Thu Hà không phải là một giọng ca đẹp bẩm sinh như Thanh Lam, Hồng Nhung hay Mỹ Linh, nhưng cô vẫn có thể điềm nhiên đứng ngang hàng với 3 người trên chính là nhờ Nhật Thực - được coi là concept album đầu tiên ở Việt Nam với việc mô tả một vòng tròn âm dương khép kín. Đây cũng là một album có sự kết hợp vô cùng chặt chẽ cả về mặt âm thanh lẫn visual với chuỗi sự kiện được tổ chức kèm theo sau đó. Tuy nhiên, tất cả điều đó chỉ là bên ngoài. Thứ đưa Nhật Thực trở thành bất hủ và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thập niên 2000s chính là sự phối hợp chặt chẽ của Trần Thu Hà - Ngọc Đại - Đỗ Bảo để tạo ra những âm thanh nửa tỉnh nửa mê, nửa điên nửa dại độc đáo chưa từng thấy trước đây. Ngọc Đại tạo ra những giai điệu rất trúc trắc và quái dị, trong khi đó Đỗ Bảo lại rất kín đáo và trầm lắng trong phối khí. Trần Thu Hà chính là điểm dung hòa cả 2 cá tính đó, thể hiện rõ nhất qua bản hit kinh điển Dệt tầm gai. Lúc thì cô hát tỉnh như thường, vững chắc, có lúc cô lại hát như mê muội đi, không còn làm chủ được mình, có lúc 2 bản thể ấy lại nhập vào làm một để đến cuối cùng, không còn tìm thấy chính mình nữa. Bứt phá tương tự như Ngày không mưa, nhưng Nhật thực đi thêm một bước nữa với việc tạo nên một mạch xuyên suốt từ bài đầu tiên đến bài cuối cùng.
Mỹ Linh - Made in Vietnam (2003)



Trong 4 diva nhạc Việt, Mỹ Linh có lẽ là người an toàn nhất bởi kể từ khi cô tạo ra một Tóc Ngắn quá iconic thay đổi hoàn toàn bộ mặt nhạc Việt, các sản phẩm sau của cô vẫn liên tục đi theo cái chất R&B như vậy mà ít có sự thay đổi nào. Tuy nhiên, điều đó không khiến cho Mỹ Linh ngừng tạo ra các tuyệt phẩm, mà Made in Vietnam là một ví dụ. Made in Vietnam đã bớt đi cái tuổi trẻ rực cháy, nhiệt huyết bùng nổ thời Tóc ngắn mà thay vào đó là những giai điệu êm ái hơn, mềm mại hơn, tôn vinh tối đa cái âm sắc đẹp có 1 không 2 của nhạc Việt. Những bài hát của Made in Vietnam nhuốm màu sắc buồn bã, hoài niệm, có đôi khi là những ký ức thuở nhỏ (Trở về tuổi thơ), ngôi trường xưa (Bướm trắng), hay một người đã xa (Hát theo người đi trên phố),... nhưng tất cả đều thay vì bi lụy, lại được phối khí rất khéo léo với những âm hưởng của cổ điển, với nhịp điệu của R&B để trở nên văn minh hơn bao giờ hết. Vẫn còn mái tóc ngắn đặc trưng, nhưng Mỹ Linh không bao giờ đắm chìm trong thành công xưa cũ, cô vẫn khẳng định sự phát triển và vị thể không thể lay chuyển trong tứ trụ nhạc Việt đương đại.
Tùng Dương - ...Chạy Trốn (2004)



Khi Tùng Dương xuất hiện lần đầu tại Sao mai - Điểm hẹn, anh đã thể hiện một cá tính âm nhạc độc đáo, khác biệt đi cùng với một giọng hát trời cho với kĩ thuật cao cùng khả năng biến hóa khôn lường. Dù thế, mọi người cũng khó mà ngờ được ngay khi rời khỏi chương trình, Tùng Dương có thể ngay lập tức trình làng album đầu tay và nó đạt đến một độ hoàn thiện rất cao như Chạy Trốn. Tùng Dương sau này còn khai phá rất nhiều miền âm thanh khác biệt, những thể nghiệm âm nhạc độc đáo, nhưng đối với bản thân mình, Chạy trốn vẫn có một sức hút đặc biệt. Nó không quá gai góc, quá biến hóa, mà vẫn giữ được một chút kiềm chế, một chút kín đáo rất riêng. Không quá bùng nổ, đôi khi chỉ bập bùng (lửa mắt em), đôi khi lại da diết tình cảm (yêu), nhưng sự điên loạn vẫn còn đó ngấm ngầm, thể hiện rõ nhất trong bài Chạy trốn. Một bản jazz pop nhưng lại sử dụng tiếng kèn rất chói, Tùng Dương hát rất kiềm chế, đôi khi run rẩy, và mỗi lần như thế tiếng kèn lại cất lên như một sự thách thức. Và quả nhiên, đến cuối cùng, Tùng Dương bứt hẳn ra khỏi khuôn khổ để phiêu một trong những phân đoạn điên rồ, quái dị nhất album, nhưng cũng là một trong những khoảnh khắc đắt giá nhất cả sự nghiệp của anh.
Hồng Nhung - Khu vườn yên tĩnh (2004)



Sau thành công của Ngày không mưa, Hồng Nhung tiếp tục hợp tác với bộ đôi Quốc Trung - Dương Thụ để ra mắt siêu phẩm tiếp theo của thập kỷ Khu vườn yên tĩnh. Đây cũng là một concept album cực kì chỉn chu, nhưng bởi nó phát hành sau Nhật Thực, cộng với việc không có bản hit lớn nào từ album khiến nó ít được nhắc đến. Nhưng để nói về giá trị và sức ảnh hường, Khu vườn yên tĩnh không thua kém Nhật thực quá xa. Không sử dụng những âm thanh quá táo bạo, Hồng Nhung - Quốc Trung - Dương Thụ tập trung vào việc xây dựng một không gian đẹp như thơ của một khu vườn buổi sáng sớm, sau một cơn mưa lớn. Ở đó đâu đây vẫn nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, thấy những giọt sương sớm, đàn chim sâu chuyền cành,... mọi thứ êm đềm, yên bình và mang tính thiền rất cao. Nhưng Quốc Trung, như thường lệ, không để mọi thứ quá dễ đoán. Ông vẫn khéo léo cài cắm những âm thanh của nhạc truyền thống xen kẽ với những tiếng nhạc hiện đại, xây dựng một không gian cực kì Á Đông, một “khu vườn” của người Việt chứ không bị nhầm lẫn với bất kì một điều gì khác.
Jazzy Da Lam - Trăng và Em (2005)



Jazzy Dạ Lam là một trường hợp khá đặc biệt thời điểm đó. Không phải là một cái tên quen thuộc, phát hành đúng một album duy nhất, nhưng mức độ nổi tiếng của nó không hề nhỏ chút nào. Đúng như cái tên nghệ sĩ, Trăng và Em là một album jazz pop đầy quyến rũ của một cô gái trẻ với những khao khát mãnh liệt về tình yêu. Jazzy dùng những chất liệu cơ bản, đặc trưng của Jazz, nhưng cách cô sử dụng những làn điệu, những tứ thơ rất Việt Nam, cùng với đó là không gian đậm đặc trong sexual là những thứ khiến Trăng và Em nổi bật lên giữa một rừng album có chất lượng trong giai đoạn đó. Như ở bài hát chủ đề Trăng và em, Jazzy mượn một ý thơ của Nguyễn Tấn Đạt, diễn đạt nó bằng chất giọng mỏng manh và quyến rũ, đưa người nghe vào một không gian đầy mộng mị, đầy những hình ảnh hoang dại, để ta mê muội, để chìm đắm, và đến cuối cùng, Jazzy cứ hát những câu hát chẳng rõ hình hài, còn ta thì đã say mê cô ấy từ lúc nào.
Trần Thu Hà - Đối thoại 06 (2006)



Ở năm 2020 nhìn lại, Đối Thoại 06 của Trần Thu Hà vẫn là một album xuất sắc với những mảng âm thanh không hề lỗi thời. Chúng nghe vẫn rất tiên phong, dẫn đầu xu hướng ngay cả đặt trong bối cảnh bây giờ. Bởi, sau Đối Thoại 06, chẳng có nghệ sĩ mainstream nào dám chơi ván bài liều lĩnh và đặt được nhiều tâm huyết lẫn tham vọng vào đó như thế. Trần Thu Hà mang tới một concept siêu thực: một cuộc đối thoại xuyên không gian và thời gian, giữa những giá trị xưa cũ truyền thống với những giá trị mới mẻ của trời Tây với nền là các sáng tác đột phá của Trần Tiến cùng Nguyễn Xinh Xô. Cô cùng ekip mang đến những âm thanh điện tử mẫu mực mà chưa từng thấy ở nhạc nhẹ Việt Nam, những âm thanh trip hop, ambient được xử lý hậu kì cực kì trau chuốt. Một cú địa chấn rung chuyển một lần và dư âm mãi về sau. Dù không làm nên một cuộc cách mạng triệt để như Nhật Thực, Đối Thoại 06 lại là một đỉnh cao vời vợi mà chưa ai có thể đặt chân đến để đứng ngang hàng.
Ngọc Khuê - Giọt sương bay lên (2007)



Khi nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến lần đầu xuất hiện tại Bài hát Việt, anh đã tạo nên một trong những hiện tượng âm nhạc lớn nhất thời bấy giờ cùng một khái niệm âm nhạc mới vừa đột phá vừa gây tranh cãi: dân gian đương đại. Dù sau này, người ta có gắn cái tên này lên rất nhiều nghệ sĩ khác như Lê Minh Sơn, như Tùng Dương,... nhưng chỉ khi đặt vào Nguyễn Vĩnh Tiến và Ngọc Khuê, “dân gian đương đại” mới thể hiện đúng nhất tinh thần mà cụm từ này toát ra. Xuyên suốt cả album xuất sắc Giọt sương bay lên, họ sử dụng tới những âm thanh quá đa dạng: từ tiếng đàn piano, đàn dây xuyên suốt bên cạnh tiếng trống, tiếng kèn Việt Nam, trong đó giọng hát của Ngọc Khuê chính là âm thanh đắt giá nhất với sự biến đổi và vận dụng linh hoạt vào hàng bậc nhất trong lứa ca sĩ trẻ giai đoạn đó. Cô biết cách khi nào thì dùng giả thanh, chóe lên mà thường được ví với Thị Mầu, khi nào thì vững chãi và đầy sâu sắc với những nốt trầm cũng hay không kém. Ai đã từng nghe Chim bông lau tìm bóng có lẽ sẽ không thể quên được những quãng chuyển giọng từ thật sang giả thanh trên những làn điệu Việt Nam rất điêu luyện, hay ở Giấc mơ dai dẳng, cô hát hai đoạn của bài hát với 2 tính chất trái ngược nhau để phô diễn sự biến chuyển cảm xúc cực kì tinh tế.
Hà Anh Tuấn - Cà phê Sáng (2007)



Hà Anh Tuấn từ lâu đã ngừng việc sáng tạo những tác phẩm mới để tập trung vào trang sự nghiệp mới của anh. Nhưng nếu ai có ý nghĩ thiển cận kiểu ca sĩ gì mà toàn cover, Hương Ly phiên bản nam,... thì xin mời nghe Cà phê sáng - một debut album quá bùng nổ, quá xuất sắc. Khi mà R&B tại Việt Nam đã được thống trị một thời gian rất dài bởi cái màu sắc truyền thống, tập trung vào vocal của Mỹ Linh, Hà Anh Tuấn và Võ Thiện Thanh lựa chọn một bước đi mới: đưa những âm thanh của hip hop vào R&B - những thứ đang rất thịnh hành trên thế giới thời điểm đó. Lựa chọn đó không những thông minh vì vocal của Hà Anh Tuấn thời điểm này chưa phải là một giọng quá linh hoạt, mà chúng còn bám sát được những thứ trendy nhất cũng như khẳng định được tư duy cực kì văn minh của anh. Cà phê sáng là một concept album cực kì chặt chẽ với một không gian cố định tương tự Khu vườn yên tĩnh, những góc nhìn từ buổi sáng ở một Ciao Cafe, anh nhìn ra đường phố với những xe cộ náo nhiệt, âm thanh phố thị ồn ã, anh nhìn lại vào trong quán và thấy hình như thiếu mất một gương mặt quen thuộc, anh nhâm nhi cà phê và tận hưởng sắc màu cuộc sống,... Chậm rãi, từ tốn, thư thái giữa những chộn rộn của thành phố, Cà phê sáng là một ly cà phê sữa đá vào ngày cuối tuần đậm chất Sài Gòn. Ngay cả bây giờ khi Hà Anh Tuấn không còn sáng tạo tác phẩm mới nữa, chỉ một Cà phê sáng cũng đủ cho đàn em học theo không biết bao nhiêu năm nữa mới theo kịp.
Đỗ Bảo - Thời gian để yêu (2008)



Đỗ Bảo là một nhạc sĩ hiếm hoi trong lứa tác giả trẻ để lại dấu ấn cá nhân cực kì lớn mà không cần phải dựa tên vào ca sĩ nào. Album tác giả của anh thậm chí còn gây sốt, cháy hàng hơn rất nhiều album của các ca sĩ nổi tiếng mà Thời gian để yêu là một ví dụ tiêu biểu. Không còn là chàng trai trẻ với nhiều nhiệt huyết tình yêu “Và anh sẽ là người đàn ông của đời em” cũng nhiều ưu tư “Anh là như thế, em là như thế, từ những ngày cầu vồng không về sau đêm mưa” như thời Cánh Cung, Đỗ Bảo trong Thời gian để yêu trưởng thành hơn, đưa đến những góc nhìn đa chiều hơn, vui vẻ và tếu táo hơn, nhưng sâu sắc thì luôn có thừa. Có khi anh đặt điểm nhìn ở một cặp đôi lâu năm đã đi qua đủ mọi biến cố trắc trở, giờ đây chỉ còn là sự yên bình, đôi khi nhàm chán nhưng là sự nhàm chán đầy hạnh phúc, có đôi khi lại là một cô gái điệu đà thích làm nũng bạn trai,... nhưng chẳng bao giờ anh thiếu những tuyên ngôn hùng hồn “Không thể mất em, tình yêu của anh”, “Dẫu chối bỏ cuộc đời để được đến với mây”,... Không hẳn là một tác phẩm quá bùng nổ về mặt âm thanh, nhưng với Đỗ Bảo, lời ca tuyệt đẹp và sức sống âm ỉ mà bền bỉ của âm nhạc anh vẫn luôn là thứ khó có nhạc sĩ trẻ nào làm được tốt như thế.

Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811