Bài dịch từ đoạn trích trong quyển Musicophilia của Oliver Sack
---
Thanh âm thấm ngọt qua tai, nhưng khi không thấm qua tai thì còn ngọt ngào hơn nữa.
John Keats, Ode on a Grecian Urn
Âm nhạc tạo nên một bộ phận quan yếu và, xét trên tổng thể, thật dễ chịu trong cuộc đời mỗi chúng ta – không chỉ là âm nhạc đến từ bên ngoài ta nghe được bằng đôi tai, mà còn có cả âm nhạc nội tại được diễn tấu trong đầu. Khi Galton viết về “hình ảnh trong tâm trí” vào thập niên 1880, ông chỉ bận tâm về hình ảnh khả thị mà không đả động gì tới hình ảnh khả thính. Nhưng chỉ cần có tiếp xúc bạn bè, ta sẽ được chỉ ra rằng hình ảnh khả thính – âm nhạc trong não – cũng phong phú, sinh động chẳng hề kém khả thị. Có những người hầu như không tài nào lưu giữ được một giai điệu trong đầu, nhưng cũng có số khác có thể thưởng thức những bản symphony trọn vẹn trong tâm trí với độ chi tiết và sống động chẳng khác gì cảm nhận thưởng thức trực tiếp.
Tôi nhận biết được sự đa dạng vô cùng này từ rất chớm, vì ông bà cụ ở nhà đứng ở hai thái cực chỏi nghịch nhau. Mẹ tôi gặp khó khăn khi chủ đích nhớ lại một giai điệu bất kỳ nào đó, trong khi cha tôi dường như có cả một dàn nhạc trong đầu, sẵn sàng diễn tấu theo ý thích của ông. Lúc nào ông cũng có hai ba bản tổng phổ giao hưởng thu nhỏ trong túi, và trong lúc chờ bệnh nhân tiếp theo vào khám, ông có khi lại lấy ra một bản phổ và thưởng thức một buổi hòa nhạc nho nhỏ trong đầu. Ông chẳng cần phải đưa đĩa hát vào máy, bởi có thể chơi lại một tổng phổ sinh động gần như y hệt trong đầu mình, có thể trong các tâm trạng hay diễn giải khác đi một chút, và đôi khi còn có cả các ngẫu tấu của riêng ông nữa. Sách vở yêu thích của ông trước khi ngủ là một quyển từ điển các chủ đề âm nhạc; ông cứ giở vài trang, ngẫu nhiên thôi, nhấm nháp đôi chút – và rồi, mỗi khi được kích thích bởi một câu nhạc mở màn, sẽ chọn cho mình một bản symphony hay concerto, hay theo cách ông gọi, một kleine Nachtmusik của riêng mình.

Đọc thêm:

Năng lực hình dung âm nhạc của tôi, và cả cảm nhận về âm nhạc, hạn hẹp hơn nhiều. Tôi không sao nghe được hết trọn một dàn nhạc trong đầu, chí ít trong các hoàn cảnh thông thường. Thứ mà tôi sở hữu, ở chừng mực nào đó, là trí nhớ của một nghệ sĩ dương cầm. Với những tác phẩm mà tôi quen thuộc, như các bản mazurka của Chopin đã thuộc lòng từ 60 năm trước và đến nay vẫn không ngừng yêu thích, tôi chỉ cần lướt nhìn tổng phổ hay nghĩ tới một bản mazurka nào đó (một ký hiệu tác phẩm có thể giúp tôi bắt đầu) thì ngay lập tức bản mazurka ấy sẽ bắt đầu tấu lên trong não. Tôi không chỉ “nghe” âm nhạc, mà còn “nhìn thấy” tay mình lướt trên bàn phím trước mặt. Quả thật, khi học đàn, tôi nhận ra mình có thể tập bài trong đầu, và tôi thường “nghe” những cụm hay chủ đề âm nhạc từ chính các bản nhạc này tự diễn tấu. Kể cả những khi không chủ ý hay vô thức, việc dợt qua các câu nhạc theo lối này là một công cụ quan yếu cho tất cả các nhạc công, và trí tưởng tượng về diễn tấu có thể hữu hiệu gần như y hệt trình diễn trên nhạc cụ.

Từ giữa thập niên 1990, các nghiên cứu do Robert Zatorre cùng đồng nghiệp tiến hành, sử dụng các kỹ thuật quét não tinh kỳ, đã chỉ ra rằng tưởng tượng về âm nhạc quả thật có thể kích hoạt vỏ thính giác mãnh liệt chẳng kém gì việc thưởng thức chúng bằng đôi tai. Hình dung về âm nhạc còn có tác dụng kích thích vỏ não vận động, và ngược lại, quá trình hình dung hành vi diễn tấu cũng kích thích trở lại vỏ thính giác. Thực tế này, như Zatore và Halpern đã chú thích trong một nghiên cứu năm 2005, “tương đương với các tường thuật từ giới nhạc công rằng họ có thể 'nghe' thấy âm thanh của nhạc mỗi khi diễn tấu bản nhạc trong đầu mình.”
Theo như quan sát của Alvaro Pascual-Leone, các nghiên cứu về lưu thông máu cục bộ chỉ ra rằng sự mô phỏng chuyển động trong tâm trí kích hoạt một số các cấu trúc thần kinh trung tâm được vận dụng mỗi khi tiến hành các cử động này bên ngoài. Chỉ việc hình dung về chuyển động trong tâm trí dường như đã đủ để điều biên các mạch thần kinh được dùng tới trong giai đoạn đầu luyện tập điều khiển chuyển động. Sự điều biên này không chỉ tạo nên tiến bộ đáng kể trong diễn tấu, mà dường như còn giúp họ có một lợi thế để có thể học tập thêm các kỹ năng khác mà không cần dụng sức nhiều. Sự kết hợp giữa hai hình thức tập luyện này, theo Alvaro, sẽ dẫn tới sự nâng cao khả năng diễn tấu so với việc chỉ tập luyện tay chân, chính là hiện tượng mà kết quả nghiên cứu của chúng tôi tìm cách lý giải bằng sinh lý học.

Đọc thêm:

Sự kỳ vọng và gợi ý có thể thúc đẩy rất lớn tưởng tượng âm nhạc trong tâm trí, thậm chí tạo nên một trải nghiệm tương đồng với thực nghiệm. Một người bạn hết sức yêu nhạc, Jerome Bruner, từng có lần kể lại với tôi rằng ông ta vô cùng thích thú với việc thưởng thức bản thu Mozart yêu thích trên máy hát, sau đó đi đến bên máy để mở mặt còn lại – để rồi nhận ra mình chưa hề bật máy. Có lẽ đây là trường hợp cực đoan của cùng một thứ mà tất cả chúng ta đôi lúc từng trải qua với thứ âm nhạc thân thuộc của bản thân: nghĩ rằng chúng ta đang vẫn còn loáng thoáng nghe tiếng nhạc khi đài đã tắt, hay khi một tác phẩm trình diễn vừa kết thúc, chúng ta tự hỏi liệu âm nhạc hãy còn văng vẳng đâu đây hay chỉ trong tưởng tượng của mình.
Hồi thập niên 1960, các nhà khoa học đã tiến hành một số thực nghiệm dẫu chưa mang lại kết quả chung cuộc, có tên gọi "hiệu ứng White Christmas". Khi bài hát nổi tiếng cùng tên của Bing Crosby được bật lên, một số đối tượng nghiên cứu “vẫn còn nghe thấy” dẫu âm lượng đã được vặn xuống mức gần zero, hoặc kể cả khi người tiến hành thí nghiệm thông báo sẽ mở bản nhạc nhưng không hề bật nó lên. Khẳng định sinh lý học về sự “tự điền vào” này của hình ảnh tưởng tượng âm nhạc trong tâm trí gần đây đã được William Kelley và đồng nghiệp tại Dartmouth ghi nhận, khi sử dụng MRI để quét vỏ thính giác của các chủ thể tham gia thí nghiệm lúc họ nghe những bản nhạc quen và lạ, nhưng đã thay thế một số tiểu đoạn ngắn bằng sự im lặng. Các quãng im lặng chèn vào các bản nhạc quen thuộc không được các chủ thể chủ đích nhận thấy, thế nhưng các nhà nghiên cứu quan sát rằng các quãng này “tạo ra kích hoạt lớn hơn ở các vùng liên kết thính giác so với các quãng im lặng trong các bản nhạc kém quen thuộc hơn; điều này đúng cả với các quãng nhạc không lời lẫn có lời”.
Các hình ảnh tâm trí chủ động, chủ đích và có ý thức không chỉ vận dụng đến vỏ thính giác và hoạt động, mà còn có các vùng thùy não trước có vai trò chọn lựa và hoạch định. Các hình ảnh này rõ ràng hết sức quan trọng với nhạc công chuyên nghiệp – chúng từng giúp đỡ đời sống sáng tạo và sự tỉnh trí của Beethoven sau khi ông bị điếc không còn có thể nghe được bất cứ âm nhạc nào khác ngoài âm nhạc trong đầu. (Quả thật, rất có thể hình ảnh tưởng tượng âm nhạc trong tâm trí thậm chí còn trở nên mãnh liệt hơn khi ông phát bệnh, bởi lúc bỏ đi các ghi nhận âm thanh thông thường, phần vỏ thính giác còn có thể trở nên vô cùng nhạy cảm, càng có khả năng tưởng tượng mạnh mẽ hơn cả.) Còn dân không chuyên chúng ta cũng hay nhớ lại các âm thanh trong đầu mình. Dẫu vậy, tôi thấy rằng dường như hầu hết thanh âm đều không được kiểm soát hay triệu hồi tự nguyện mà chừng như chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên. Đôi khi nó bật vào tâm trí chúng ta; khi khác nó chỉ lặng lẽ cất tiếng một chốc mà chính chúng ta cũng chẳng hề để ý. Và dù các tưởng tượng này có thể không dễ dàng xảy ra với những người kém mặn mà với âm nhạc, gần như ai ai cũng có hình dung về âm nhạc một cách thụ động trong đầu mình.
Kiểu tưởng tượng âm nhạc thụ động thường phụ thuộc vào sự tiếp xúc dai dẳng và lặp đi lặp lại với một trích đoạn âm nhạc cụ thể nào đó. Tôi thường yêu thích một nhà soạn nhạc hay một nghệ sĩ cụ thể và mở nhạc của họ liên tục, gần như duy nhất, suốt nhiều tuần hay thậm chí nhiều tháng, cho đến khi có người mới thay vào. Trong sáu tháng qua chẳng hạn, tôi có ba mê đắm liên tục về âm nhạc như vậy. Thứ nhất là vở opera Jenufa của Janácek; sau khi tôi đã đến tham gia một màn trình diễn tuyệt vời do Jonathan Miller đạo diễn, các chủ đề âm nhạc trong Jenufa cứ tấu lên liên tục trong tâm trí tôi, thậm chí đi vào giấc mơ, trong suốt hai tháng, lại càng được củng cố bởi các CD của vở mà tôi sắm về và mở nghe liên tục. Rồi tôi lại đổi qua một trải nghiệm vô cùng khác biệt sau khi gặp gỡ Woody Geist, một bệnh nhân đã hát cho tôi nghe một số tác phẩm âm nhạc mà anh trình diễn cùng với nhóm jazz acapella The Grunyons của mình. Dẫu chưa từng hứng thú với thể loại âm nhạc này, tôi lại cảm thấy háo hức; lần nữa, tôi mở CD của anh ta liên tục, và Jenufa tiêu biến khỏi sảnh diễn trong tâm trí tôi, thế chân là nhóm Grunyons tấu Shooby Doin’. Gần đây hơn, tôi lại liên tục mở các bản thu của Leon Fleisher, và cách ông tái hiện tác phẩm của những Beethoven, Chopin, Bach, Mozart và Brahms đã dọn Grunyons ra khỏi đầu tôi. Nếu tôi hỏi xem giữa Jenufa, Shoobiy Doin’Chromatic Fantasy hay Fugue của Bach có điểm nào chung, thì tôi sẽ nói chẳng hề có gì cả, về âm nhạc lẫn, có lẽ, cảm xúc (ngoại trừ niềm hưng phấn mà cả ba đều mang đến cho tôi vào các thời điểm khác nhau). Thứ mà cả ba loại tác phẩm có chung chính là việc tôi đã dùng chúng để oanh tạc đôi tai và bộ não của mình, và các “mạch” hay mạng âm nhạc trong não tôi nhờ có chúng đã trở nên siêu bão hòa, siêu kích thích. Ở trạng thái như thế, bộ não dường như sẵn sàng chơi lại âm nhạc nó nghe thấy mà không cần tới bất kỳ kích thích rõ rệt nào từ bên ngoài. Ngạc nhiên thay, những lần chơi lại này gần như mang lại cảm giác thỏa mãn chẳng kém so với khi lắng nghe, và các buổi hòa nhạc vô tình này hiếm khi gây ra các ảnh hưởng ngoài ý muốn hoặc khó lòng kiểm soát (dẫu cho chúng hoàn toàn có thể).

Đọc thêm:


Nói theo cách này, kiểu tâm nhạc được khuếch tỏa sau khi tiếp xúc quá mức là hình thái kém riêng tư và nhỏ nhặt nhất của “âm nhạc trong tâm trí”. Khi các bản nhạc hay mảnh nhạc mà có lẽ chúng ta chưa từng nghe qua hay nghĩ tới trong suốt nhiều thập kỷ bỗng dưng bật trở lại trong tâm trí chẳng vì lý do nào cả, chúng ta lại được ngụ trên một lãnh địa trù phú và vô vàn bí ẩn hơn. Không một tiếp xúc hay lặp lại nào vừa xảy ra có thể lý giải sự tồn tại của chúng, và gần như không tránh khỏi câu hỏi dành cho bản thân, “Tại sao lại là bản nhạc này vào cái lúc này chứ? Cái gì đặt nó vào đầu tôi?” Đôi lúc, lý do hoặc sự liên tưởng hoàn toàn hiển nhiên, hoặc dường như hiển nhiên.
Khi tôi viết những dòng này, ở New York giữa tháng 12, thành phố đầy ắp cây Giáng Sinh và bàn nến menorah. Nói nào ngay, là một người vô thần Do Thái già nua, những thứ ấy chẳng mang lại chút ý nghĩa nào với tôi, thế nhưng các bản Hanukkah cứ bật ra trong đầu tôi mỗi lúc hình ảnh bàn nến va vào võng mạc, kể cả khi tôi không hề để tâm quan sát. Chắc hẳn tồn tại nhiều cảm xúc lẫn ý nghĩa hơn tôi tự cho phép, kể cả khi chúng đa phần chỉ là kiểu dạt dào cảm xúc và hoài cổ.
Thế nhưng tháng 12 này lại ghi dấu bằng một giai điệu, hay một chùm giai điệu, u ám hơn hình thành nên một bức âm thanh nền thường trực cho các ý nghĩ của tôi. Kể cả khi tôi chẳng mấy chú ý, chúng gây ra một cảm giác đớn đau và buồn bã. Em trai tôi đang trọng bệnh, và thứ âm nhạc này, dứt ra từ hàng vạn giai điệu từ vô thức của tôi, chính là Capriccio on the Departure of a Most Beloved Brother của Bach.
Khi đang sửa soạn trang phục sau khi bơi xong, tôi chợt nhớ rằng mình đã trở lên bờ, về với cặp gối viêm đau nhức già nua – và tôi cũng nghĩ về ông bạn Nick sẽ đến thăm tôi vào hôm đó. Khi ấy bất thình lình bật lên trong đầu tôi một bản đồng dao This Old Man xa xưa hết sức phổ biến vào thời thơ ấu của tôi nhưng rõ là tôi đã chẳng hề nghe thấy (hay ngẫm nghĩ) phải hơn 60 năm rồi, mà cụ thể hơn là đoạn điệp khúc: “Knick-knack, paddy whack, give a dog a bone;/ This old man came rolling home.” Giờ đây, chính tôi là một ông già có gối đau nhức muốn được lăn về nhà – và Nick (chơi chữ thành knick-knack) cũng tham gia vào bản nhạc.
Rất nhiều liên tưởng âm nhạc của chúng ta xuất phát từ ngôn từ, đôi khi tới mức quái đản. Đầu mùa Giáng Sinh, khi đang dùng cá thịt trắng xông khói (mà tôi rất thích), tôi nghe thấy trong đầu bản O Come Let Us Adore Him. Và bản thánh ca này với tôi từ đó trở đi đã gắn liền với cá thịt trắng.
Thường khi các liên tưởng về ngôn từ mang tính tiềm thức và chỉ trở nên rõ nét sau thực tiễn. Một nhà báo viết thư cho tôi kể về chồng chị, người dù có thể dễ dàng nhớ các giai điệu lại không sao nhớ lại những từ ngữ đi kèm – dù vậy, như bao người khác, anh có thể hình thành các liên tưởng về ngôn từ vô thức với ca từ. “Chẳng hạn,” chị nói, “chúng ta có thể nói khơi khơi 'Úi chà, sắp tới trời sẽ tối sớm lắm đây,' và, nửa phút sau, anh ấy bắt đầu huýt sáo The Old Lamplighter – một bản nhạc tương đối hiếm chỉ mới nghe qua đôi lần trong đời… Rõ ràng, ca từ của bản nhạc được trữ trong não của anh và gắn với âm nhạc, nhưng theo cách nào đó chỉ có thể truy hồi thông qua nhạc không lời!”
Gần đây tôi có dành nhiều giờ với một nhà soạn nhạc, khảo tra về hình ảnh âm nhạc trong tâm trí ông. Cuối cùng, ông xin phép tạm ngừng và đi vào nhà vệ sinh. Khi rời khỏi phòng, ông kể lại rằng đã từng nghe một bản nhạc trong đầu – một bản nhạc từng phổ biến 40 năm trước nhưng thoạt tiên ông lại không thể nhận ra. Rồi ông lại nhớ câu đầu tiên của bản nhạc là “Only five minutes more…” Tôi chấp nhận chi tiết này và xem nó như một manh mối từ vô thức của ông, và cam đoan sẽ chỉ giữ ông thêm năm phút nữa mà thôi.
Đôi lúc có những liên tưởng riêng tư hơn mà bản thân tôi cũng không thể hiểu được – những liên tưởng sâu kín nhất mà tôi dường như lưu giữ, như thể bởi một thỏa ước nào đó với vô thức, ở các buổi gặp gỡ nhà phân tích, vốn cũng là một từ điển bách khoa về âm nhạc, và thường dễ dàng nhận ra các âm thanh rời rạc và sai tông mà đôi khi tôi chỉ có thể nhớ lại dường ấy.
Và dĩ nhiên, phân tích văn bản vĩ đại nhất của một liên tưởng âm nhạc đến từ không ai khác ngoài Proust, trong cách ông diễn giải “câu nhạc ngắn ngủi” của Vinteuil trải dài xuyên suốt toàn bộ cấu trúc của tuyệt tác Đi tìm thời gian đã mất.
tranh In Search of Lost Time của Heini King
Nhưng cớ sao lại là cuộc truy tìm ý nghĩa hay truy tìm cách diễn đạt bất tận này? Ta không biết chắc liệu có phải bất cứ hình thái nghệ thuật nào cũng chứa đựng loại thông điệp này hay không và trong số tất thảy các loại hình, âm nhạc chắc chắn là thứ cuối cùng như vậy – bởi lẽ dù là thứ gắn bó gần gũi nhất với cảm xúc, âm nhạc lại hoàn toàn trừu tượng; nó không hề có bất cứ năng lực đại diện nào cả. Chúng ta có thể đi xem một vở kịch để hiểu hơn về ghen tuông, phản bội, báo thù, tình yêu – còn âm nhạc, lại là nhạc không lời, chẳng hề cho chúng ta biết tí gì về những điều trên. Âm nhạc có thể có sự hoàn mỹ tuyệt cú, chuẩn mực, gần như ngang với toán học, và thậm chí còn có thể có sự dịu dàng, xót xa, và tuyệt mỹ (rõ ràng Bach chính là một bậc thầy kết hợp cả ba yếu tố này lại với nhau). Nhưng âm nhạc lại chẳng có bất cứ “ý nghĩa” nào cả. Một người có thể nhớ lại một khúc nhạc, trao cho nó một đời sống tưởng tượng (hay thậm chí là ảo giác) chỉ vì họ thích nó – chỉ lý do này đã là đủ. Hay có lẽ chẳng có chút nguyên nhân nào cả, như Rodolfo Llinás đã chỉ ra.
Llinás, một nhà khoa học thần kinh tại ĐH New York, tỏ ra đặc biệt hứng thú với các tương tác giữa vỏ não và đồi thị - mà ông mặc định chính là nền tảng của ý thức hay “tự ngã” – cũng như tương tác giữa chúng với các nhân vận động bên dưới vỏ não, nhất là hạch nền, cơ quan mà ông cho là quan yếu trong quá trình sản sinh ra “mô thức hành động” (đi lại, cạo râu, chơi vĩ cầm, vân vân). Ông gọi các biểu hiện thần kinh của các mô thức hành động này là “cuộn động cơ”. Llinás nhận thức về tất cả các hoạt động tâm trí – cảm nhận, ghi nhớ, và tưởng tượng chúng cũng hệt như hành động – là “động cơ”. Trong quyển I of the Vortex, ông viết rất nhiều lần về âm nhạc, chủ yếu về diễn tấu âm nhạc, nhưng đôi khi còn là dạng thức hình ảnh tâm trí lạ kỳ xảy ra mỗi khi một bản nhạc hay một điệu nhạc bất thình lình bật ra trong tâm trí như sau:
Các tiến trình thần kinh làm nền tảng cho thứ mà ta gọi là sáng tạo hoàn toàn chẳng liên quan gì tới lý trí tính. Tức, nếu chúng ta nhìn cách bộ não tạo ra sáng tạo, ta sẽ thấy rằng nó hoàn toàn chẳng phải một quá trình mang tính lý trí; sáng tạo không sinh ra từ suy luận.
Hãy thử nghĩ lại lần nữa về các cuộn động cơ ở hạch nền. Tôi muốn nói với các bạn rằng các nhân vận động này không lúc nào cũng chờ đợi các cuộn động cơ được hệ đồi thị tự ngã ban lệnh sử dụng… Quả thật, hoạt động ở hạch nền luôn luôn được tiến hành, chạy các mô thức và tiểu mô thức vận động tự thân và giữa chúng với nhau – và nhờ bởi đặc tính kết nối ức chế dạng lồi, lõm giữa chúng và giữa chính các nguyên tử này, dường như chúng vận hành như một máy sản sinh nhiễu thức hoạt động liên tục, ngẫu phát. Khi này và khi khác, một nhiễu thức hay một bộ phận nhiễu thức, bất chấp sự thiếu vắng thức cảm xúc đồng hành, sẽ xảy đến với hệ đồi thị.
“Và bất thình lình,” Llinás kết luận, “ta nghe thấy một bản nhạc trong đầu hoặc chừng như vô chừng ta cảm thấy bản thân trở nên háo hức muốn được đánh quần vợt. Mọi thứ đôi chỉ xảy đến với chúng ta mà thôi.”
Anthony Storr, một nhà trị liệu, từng viết thật thông suốt trong quyển Music and the Mind về hình ảnh âm nhạc trong đầu của mình và tự hỏi “mục đích của chỗ âm nhạc cứ tự động nảy ra trong đầu và thậm chí chẳng hề mong muốn kia là gì?” Ông cảm thấy rằng thứ âm nhạc này nhìn chung có tác dụng tích cực: “Giải tỏa chán chường, khiến… chuyển động của chúng ta có thêm nhịp điệu, và tiêu giảm mệt mỏi.” Nó khiến và giữ cho tinh thần lâng lâng, một quá trình tự thân đã mang lại sự thỏa mãn. Âm nhạc đi ra từ ký ức, theo Anthony, “có nhiều tác động tương tự với âm nhạc có thật đến từ thế giới bên ngoài”. Nó còn có thêm ưu điểm bổ sung là thu hút sự chú ý dành cho những ý nghĩa vốn, nếu thiếu vắng âm nhạc, dễ bị ngó lơ hoặc kiềm hãm, và theo cách này, âm nhạc vô hình còn có thể mang chức năng tương tự chức năng của các giấc mơ. Nhìn chung, Storr kết luận, tưởng tượng âm nhạc tự phát về cơ bản vừa “hữu ích” vừa “tự thích nghi về mặt sinh học”.
Nhạy cảm của chúng ta trước loại âm nhạc trong tâm trí này quả thật vận dụng các hệ thống hết sức tinh nhạy và tinh kỳ để cảm nhận lẫn ghi nhớ chúng, vượt lên bất cứ hệ thống nào tồn tại ở các loài linh trưởng khác. Dường như các hệ thống này cũng thụ cảm với kích ứng từ các nguồn bên ngoài – ký ức, cảm xúc, liên tưởng – hệt như với âm nhạc từ bên ngoài tác động. Một khuynh hướng ngẫu hoạt và ngẫu lặp dường như được thiết lập bên trong các hệ thống này không giống với bất cứ hệ thống thụ cảm nào khác. Tôi nhìn thấy căn phòng, nội thất của nó hàng ngày, nhưng chúng không hề trở thành “những hình ảnh trong tâm trí”. Tôi cũng chẳng nghe thấy tiếng chó sủa hay động cơ lưu thông tưởng tượng trong trí óc, cũng không ngửi thấy mùi vị các món ăn tưởng tượng, mặc dù tôi tiếp cận với chúng mỗi ngày. Tôi lại có những mảnh thi ca, những cụm từ bất chợt lao vào tâm trí, nhưng chẳng có gì sánh ngang sự trù phú và quy mô của hình ảnh âm nhạc trong tâm trí cả. Có lẽ không chỉ bởi hệ thần kinh, mà còn ở chỗ âm nhạc đã có một phẩm chất nào đó rất riêng – nhịp, những nét cong của giai điệu, khác hẳn với những thành phần phát ngôn, và liên kết trực tiếp rất riêng của âm nhạc đối với cảm xúc.
Tất cả chúng ta, ở nhiều chừng mực khác nhau, đều có âm nhạc trong đầu; há đây chẳng phải là điều rất đỗi lạ lùng hay sao. Nếu các Overlord trong quyển Childhood's End của Arthur C. Clarke từng cảm thấy bối rối khi đặt chân xuống Trái đất và quan sát thấy vô khối sức lực sinh vật loài người chúng ta dành cho việc sáng tác và thưởng thức âm nhạc, chắc hẳn chúng sẽ lịm đi khi nhận ra rằng: kể cả khi thiếu đi ngoại tố, hầu hết con người đều không ngừng tấu nhạc trong đầu.
k.