Thằng Youtube nó thật kì diệu, cứ lúc nào nản quá chẳng muốn động vào thứ gì nữa là nó lại vứt cho tôi một bài hay, làm đỡ hẳn mấy cái mệt mỏi âu sầu. Thế mới biết mấy cái mờ sin lơn ninh với ây ai nó cũng ích lợi ra phết đấy các ông ạ.

Lần này, nó vứt cho tôi một bài của Jay Chou mà bản thân chưa bao giờ biết đến, nhưng thực sự bản cover có thể nói là đỉnh của đỉnh.

Vậy nên muốn giới thiệu với các ông, nhưng thay vì copy paste suông, tôi sẽ thử vận dụng tài năng của một thiên tài âm nhạc chưa (và chắc chắn không) bao giờ được phát hiện để phân tích về nó chút thử xem nhé.


Điểm nổi bật nhất của bản cover, có lẽ chỉ cần lướt qua các ông cũng dễ dàng nhận thấy, đó là sự kết hợp của cái khí khái ngang tàng trong giọng nam với sự chỉn chu mượt mà của giọng nữ.
Nhưng nếu nghe kỹ, sự mượt mà chỉn chu của Lý Hạnh Nghê không mang nét trong trẻo của những cô thiếu nữ tinh khôi, mà nó đượm dư vị của trải nghiệm, của cái hiểu rằng sự dịu dàng nữ tính chính là nền tảng vững vàng nhất để người đàn ông có thể từ đó mà bay cao, mà tung hoành.
Mái hiên heo hắt, ánh chiều tà in bóng cây trên song cửa
Ta cùng nàng an nhàn ngồi đây thưởng trà
Ta tỷ mỷ từng nét cọ phác họa chân dung nàng
Nét bút đưa lên đâu phải chỉ vì phong nhã

Dưới ánh đèn, thân phận hồng nhan đã sắp xế chiều
Ta nói, duyên phận cũng giống tu tâm, chẳng nói thành lời
Giọt lệ nàng rơi trên trang giấy, tựa như hoa lê nở khắp thế gian
Là yêu hay là hận, đều hiện thật rõ trong bức tranh thủy mặc này

Và người nam nhân ở đây đã không làm nàng thất vọng.
Giọng của Trương Dương thực sự chất. Ngang tàng, khí khái, mang cái nét hào hùng kinh kịch xưa. Anh cất giọng là tự dưng lòng người nghe cũng nổi lên cái máu nóng, cái nghĩa khí giang hồ, tưởng như chính mình cũng có thể độc cô độc kiếm mà tung hoành ngang dọc, mà chiến đấu vì lẽ phải, vì tình huynh đệ, những thứ có thể bị phai nhạt theo thời cuộc, nhưng trong lòng thì luôn biết rõ giá trị của chúng không bao giờ đổi thay. 
Có lẽ không sai khi nói rằng chính Trương Dương là người đã nâng tầm bài hát, khiến nó vừa thú vị, hơi hướng kích động, mà lại mang cái sướng khoái cho tâm hồn người nghe.
Tuấn mã chốn giang hồ, tranh đấu sinh sát lẫn nhau
Danh lợi phù phiếm, nhưng chẳng thể buông tay
Trong tâm còn cả giang sơn, sao có thể an nhàn
Mà nguyện cùng nàng đi đến bạc đầu
Nhưng, nếu ở đây người nam nhân vô ý mà trở nên ích kỷ, cậy cái ngang tàng, cái đặc biệt ấy của mình mà phô ra, mà lấn át, thì bài hát chắc sẽ lại thành dở.
Thay vào đó, bất cứ đoạn nào có sự kết hợp giữa hai người, tôi thấy Trương Dương như hát nhỏ lại một chút, tự kìm giọng mình một chút, và đưa vào đấy chút gì đó của tình cảm quyến luyến nam nữ, từ đó mà làm nổi bật hơn cái nét mềm mại chỉn chu của Lý Hạnh Nghê.
Cũng giống như cái kết cục cuối cùng:
Mặc cho võ lâm ai là người tranh bá, ta chỉ vì nàng mà lùi bước
Đi qua nơi thôn vắng cầu hoang, tìm lại ký ức xưa
Xa rời trần thế bộn bề huyên náo
Tơ liễu bay bay, tay trong tay cùng nàng tiêu dao
*****

Thế mới biết, có cái nổi bật ngang tàng, ngạo nghễ của trang nam tử, là bởi cái nền dịu dàng mềm mại của nữ nhân 

Nhưng cái ngang tàng, ngạo nghễ, sau tất cả, sẽ lại vì chính cái dịu dàng mềm mại ấy mà trân trọng, mà bỏ cả "võ lâm"


A Dreamer

Đọc thêm: