Chỉ Đường của Quyếch - Lời tâm sự tha thiết của những tâm hồn cô đơn
Xuyên suốt 7 phút của Chỉ Đường là những câu chuyện vừa gắn kết mà cũng tách biệt, vừa có hình ảnh mà lại dường như cũng mơ hồ, nhưng...
Xuyên suốt 7 phút của Chỉ Đường là những câu chuyện vừa gắn kết mà cũng tách biệt, vừa có hình ảnh mà lại dường như cũng mơ hồ, nhưng tất cả chỉ chốt lại bằng một câu hát tha thiết “Nếu anh không ngại kiếp/ ngàn năm dưới đáy hồ/ Cùng tôi”.
Quyếch là một nhóm nhạc rất đặc biệt. Ngoài việc cái tên của họ rất khó để gõ trên máy tính (vì toàn bị phần mềm tự động sửa chính tả báo lỗi) ra, cả cách thức ra mắt, cách thức hoạt động lẫn âm nhạc của họ đều chẳng giống ai. Họ đột ngột xuất hiện tại âm nhạc Việt Nam vào 2018 với Độc Thoại. Không kèn không trống, không quảng bá quá nhiều, họ sau đó chỉ biểu diễn một vài lần trên các sân khấu nhỏ rồi lại hoàn toàn biến mất như một trong những bí ẩn lớn nhất của nhạc Việt.
Tuy nhiên, bởi sức hút của 3 thành viên, đặc biệt là Vũ Đinh Trọng Thắng, quá lớn, Quyếch và Độc Thoại vẫn từ từ len lỏi vào sâu trong cộng đồng những người yêu mến nhạc indie để rồi ngự trị trong trái tim của biết bao người yêu nhạc, khiến cho cái tên Quyếch vẫn được nhắc đi nhắc lại cho đến tận thời điểm hiện tại dù sau Độc Thoại, Quyếch không phát hành chính thức bất kì một sản phẩm âm nhạc nào khác.
Người ta vẫn khen Độc Thoại là một trong những trường hợp âm nhạc độc đáo nhất của giới indie Việt Nam vốn được quen thuộc với những sự đơn giản, không cầu kì. Độc Thoại, đi ngược lại với xu hướng ấy, là một bài hát phức tạp từ âm nhạc, lời ca đến phối khí. Chỉ với ba thành viên và không có thêm ai hỗ trợ, tuy nhiên những âm thanh của Độc Thoại vẫn cực kì dày đặc, nhiều lớp đa dạng. Nổi lên phía trước là một cây guitar bass của Linh, một cây guitar điện của Đức, và phía sau đủ những âm thanh thể nghiệm đến từ vị trí của Thắng. Có khi là tiếng synth, có khi là tiếng sample,... được đặt để cực kì tinh vi và khéo léo vào đúng những khoảng đắt giá nhất. Thắng cũng đảm nhiệm luôn phần bè và Linh thì hát chính trên nền là những sáng tác của Đức. Những ca từ đầy hình ảnh, đầy liên tưởng, tưởng tượng của Đức với những dòng suy nghĩ đan xen trong Độc Thoại đến nay vẫn là cả một vũ trụ cực kì rộng lớn mà những ai muốn khám phá tâm hồn đầy phức tạp, suy tư của một cá tính nghệ sĩ độc nhất như Đức phải mê đắm.
Sau một thời gian dài, Quyếch lại đột ngột thả một dòng thông báo về việc rời nhóm của Thắng cùng với việc giới thiệu ca khúc cuối cùng có sự góp mặt của Thắng sẽ phát hành trong tháng này, đột ngột giống hệt như cách mà họ xuất hiện vậy. Cách thức hoạt động của Quyếch không khiến ta thấy quen thuộc như Thắng, một người rất năng nổ trên mạng xã hội cũng như các hoạt động của Ngọt, hay là Linh, cô gái luôn sẵn sàng xuất hiện trước công chúng để chia sẻ về âm nhạc và tình yêu. Sự trầm lắng của Quyếch khiến ta thấy giống với hình tượng của Đức, người còn lại trong nhóm, nhiều hơn. Không có mối quan hệ mật thiết với nhóm nhạc indie rock hàng đầu hiện nay như hai thành viên còn lại, cộng với việc anh rất ít nói, ít chia sẻ trên mạng xã hội, Đức bị lu mờ trong mắt công chúng hơn hẳn 2 đồng nghiệp. Tuy nhiên, bản thân Quyếch cũng như âm nhạc của nhóm, lại tràn ngập hình bóng của anh. Nếu như Độc Thoại đã phô bày rất nhiều những suy tưởng phức tạp trong tâm trí anh, thì Chỉ Đường - bài hát mới nhất Quyếch vừa phát hành - lại như là một tiếng lòng cất lên từ nơi sâu nhất trong tâm hồn của anh vậy.
Nếu như tâm hồn của của những người cô đơn, thường sống khép mình vào trong thế giới riêng của họ mà đều được phổ nhạc, tôi nghĩ rằng hầu hết chúng đều có màu sắc rực rỡ như Chỉ Đường. Chỉ Đường liên tục di chuyển từ hết thể loại này đến thể loại khác: từ folk sang pop, sang alternative, lại có chút dân ca, truyền thống,... vẫn là những âm thanh dày đặc, độc đáo biến hóa cực kì linh hoạt, kết hợp cả những nhạc cụ thực với những tiếng sample. Tuy nhiên, Quyếch chưa bao giờ biến bài hát của nhóm thành một mớ hỗn độn rối rắm. Giống như trong tâm trí của mỗi người vậy, có thể chúng ta đang nghĩ tới cái này, lúc sau lại nghĩ tới cái khác, nhưng chúng ta vẫn nắm được sợi dây liên kết giữa chúng. Ở Chỉ Đường cũng vậy, họ vẫn len lỏi tiếng guitar bass và guitar điện xuyên suốt tất cả những thể loại đó, họ tạo ra 1 đoạn nhạc lặp đi lặp lại ở những quãng chuyển để giữ cho người nghe một cảm giác quen thuộc. Thế nên, đi suốt cả một chặng đường hơn 7 phút, người nghe hoàn toàn không bị lạc đường, cũng không rơi vào một ma trận mù mờ, mà từng lớp từng lớp vẫn được bóc tách một cách rõ ràng.
Nếu như ở phần âm nhạc đã là sự kết hợp của rất nhiều lớp âm thanh kì lạ, thì trong lời ca của Chỉ Đường cũng rực rỡ và màu sắc tương tự. Chỉ Đường mang dáng dấp của một thiên truyện cổ tích với những mẩu chuyện nhỏ đan xen: Từ câu chuyện về một cái cây bí ẩn, con ngựa bất kham, câu nhạc dưới đáy hồ,... tất cả như là một truyền thuyết được đồn thổi một cách đầy thu hút để kích thích mọi người cùng tìm hiểu. Mọi người đồn nhau rằng cái cây đó chẳng có loài thú nào dám sống xung quanh, họ đồn rằng có một câu nhạc dưới đáy hồ nhưng chưa ai từng được nghe, kể cả có nghe được rồi cũng sẽ chẳng nhớ nổi một câu,... Chẳng ai biết những lời đồn thổi đó từ đâu ra, có thật hay không, bởi vẫn chưa có một ai khám phá ra được bí ẩn đằng sau đó.
Tưởng như cả bài hát sẽ là một bản trường ca cổ tích đầy huyền ảo như thế, nhưng đến cuối cùng, khi Linh cất lên tiếng hát thê thiết: “Lila lila/ Nhưng nếu anh không ngại kiếp/ Ngàn năm/ Dưới đáy hồ/ Cùng tôi”, hóa ra chẳng có điều gì là huyền bí, chẳng có điều gì là bí mật, chỉ đơn giản là không có ai sẵn sàng thực sự khám phá, thực sự tìm hiểu và đồng cảm với những câu hát ấy. Chỉ có duy nhất chàng nhạc sĩ “vai khoác nỗi buồn thế gian” có được sự đồng cảm ấy, và nghe được những câu hát từ nơi sâu thẳm đó. Câu hát dưới đáy hồ cuối cùng cũng được cất lên, nhưng đầy run rẩy, lạc lõng như sợ hãi rằng người duy nhất hiểu được nó cũng sẽ lại rời đi mất. Nó không hề muốn cất lên cho cả thế gian cùng nghe, nó trốn sâu dưới đáy hồ, nhưng nó vẫn mơ ước rằng, chỉ cần một người thôi, đến và lắng nghe nó, câu hát sẽ được cất lên mãi muôn đời dành riêng cho người ấy.
Sự phức tạp của Chỉ Đường, sự phức tạp của câu chuyện Quyếch muốn kể khiến cho những người nghe lần đầu tiên có lẽ cũng khó khăn để nắm bắt. Nhưng thông điệp của Quyếch cũng rất rõ ràng: họ không cất lên tiếng hát để tất cả mọi người cùng nghe cùng hiểu, nhưng nếu ai sẵn sàng cùng ở lại với họ đến cuối cùng, câu hát này là dành cho họ. Nhưng đâu đó, giữa những lời tuyên ngôn quyết liệt ấy, cũng là một sự khao khát được thấu hiểu rất lớn. Quyếch không phải là dạng nghệ sĩ bất cần, bỏ mặc khán giả như những chủ đề mà người yêu nhạc đã và đang tranh cãi trong thời gian gần đây. Quyếch vẫn có khao khát tìm đến những tâm hồn đồng điệu, để cùng chơi nhạc cho nhau nghe, để thấu hiểu đến tận cùng thứ âm nhạc tuyệt vời, cùng khóc cùng cười,... chỉ cần một nhóm nhỏ thôi cũng được, nhưng sự gắn kết là không thể tách rời.
Sắp tới, Quyếch sẽ không còn Thắng nữa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc những màu sắc rực rỡ, đa dạng của Quyếch có thể sẽ khuyết mất một mảng lớn. Nhưng có lẽ cũng không cần quá lo lắng, vì Đức và Linh vẫn ở đó. Những bạn trẻ đầy tài năng, tâm huyết và có sự sâu sắc trong âm nhạc sẽ luôn có cách để khiến cho mỗi lần Quyếch xuất hiện sẽ lại là một lần bất ngờ, phấn khích và say mê. Chỉ Đường đã hoàn thành trọn vẹn lời chia tay của Thắng, mang đến cả một hành trình âm thanh đầy mê hoặc dài tới hơn 7 phút, đã vượt quá sự mong đợi của người hâm mộ. Nếu Quyếch mãi giữ được sự đam mê như thế này, chẳng có ai nỡ rời khỏi nơi đáy hồ sâu đó, bởi chỉ cần có Quyếch, bất cứ nơi đâu cũng là niềm vui và hạnh phúc đối với người yêu nhạc.
Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất