Tháng 1/2022
Khi nước súc miệng trầu không bắt đầu có người quay lại mua và nhận được phản hồi tích cực, mình đã nghĩ đến việc mua một thiết bị chưng cất chuyên dụng.
Gần một năm đi làm sau khi tốt nghiệp, mình gửi tiết kiệm được hơn 20 triệu. Mình tự nhủ dù về quê vẫn phải cố để kiếm tiền sinh hoạt, tiền tiết kiệm đó chỉ được dùng trong những trường hợp khẩn cấp thôi. Nhưng mình cần một thiết bị chưng cất, và nó đắt vượt số tiền mà mình có.
Phải nghĩ cách, phải nghĩ cách. Đêm nào cũng nằm nghĩ cách.
Nếu dùng hết tất cả số tiền mà mình có, vay thêm một chút nữa thôi thì cũng đủ để mua loại thiết bị rẻ nhất. Nhưng mua rồi thì mình trắng tay luôn. Với sức bán hiện tại, một tháng mấy chục chai nước súc miệng thì chắc chắn không đủ tiền để xoay vòng mua nguyên liệu, chai lọ, các chi phí sinh hoạt khác.
Hay đằng nào cũng vay thì vay luôn một cục, mua thiết bị xong thì dành phần còn lại để chi tiêu khi chưa bán được hàng? Ôi sợ lắm, tự dưng lại thành con nợ, áp lực, lo sợ. Đúng kiểu gan bé thế này thì chẳng làm nên chuyện lớn được.
Rồi mình quyết định không vay tiền, vì thực sự cũng chẳng biết vay ai, hay ai dám cho một đứa thất nghiệp cầu bất cầu bơ ngày ngày lên núi hái lá cây cơ chứ.
Bạch đàn mọc tự nhiên trong vườn của mình, mảnh vườn trên đỉnh núi.
Bạch đàn mọc tự nhiên trong vườn của mình, mảnh vườn trên đỉnh núi.
Một ngày, thầy giáo hướng dẫn đồ án của mình tự dưng like bài viết của mình trên facebook. Trong bài viết đó, mình kể chuyện đã rời thành phố về quê sinh sống.
Sự xuất hiện của thầy sau hơn một năm tốt nghiệp làm mình nghĩ về câu chuyện thế này, kể ra mọi người cùng nghe: Hồi làm nghiên cứu ở Bách Khoa, có mấy lần mình được thầy đưa đi tham quan nhà máy. Thầy là một giáo sư đã có tuổi, nhìn thầy mình có cảm giác tuổi trẻ của thầy đã làm được rất nhiều việc lớn lao.
Mình thấy sau xe thầy là một chiếc phôi máy được bọc rất cẩn thận, đó là mẫu thiết bị mới thầy vừa cải tiến và muốn đặt làm để đưa vào hoạt động trong dự án xử lý nước thải đô thị của thầy. Tụi mình đi cùng với thầy đến các nhà máy đúc vật liệu để liên hệ sản xuất, nhưng họ không nhận làm vì thầy mới chỉ thử nghiệm nên số lượng đặt hàng quá ít, không bõ công, hoặc nếu có làm thì thầy vẫn phải trả hết số tiền cho một ca máy-số tiền rất lớn.
Cô quản đốc đã nói với thầy, thầy tội gì phải cực thân như vậy, những loại máy móc tương tự như thế có thể nhập khẩu rất dễ ở bên Trung Quốc, giá lại rẻ hơn rất nhiều lần. Nếu thầy muốn mua thì cô có thể liên hệ giúp thầy, chỉ mấy ngày là có thể lấy hàng. Thầy đã từ chối, trên đường về thầy nói với mình:
"Việt Nam còn nghèo nên bây giờ vẫn chủ yếu chỉ đứng ở mắt xích cuối cùng của chuỗi cung ứng, tức là mua qua bán lại. Nhưng một nền kinh tế vững chắc thì không bao giờ chỉ dựa vào buôn bán, mà phải dựa vào sản xuất, phải làm ra sản phẩm. Nếu cái gì cũng chỉ biết đi mua sẵn về dùng thì mình sẽ không bao giờ tự làm chủ được. Mình tự làm ra, ban đầu chưa tốt thì sẽ nghiên cứu để cải thiện. Rồi nhất định ta sẽ khá lên. Tôi thì già rồi, giờ chỉ còn trông cậy vào mấy đứa trẻ các em thôi".
Hôm tụi mình bảo vệ đồ án tốt nghiệp xong, thầy hỏi đã có ý định làm việc gì chưa. Chúng mình hầu hết đều trả lời rằng sẽ xin vào làm ở một công ty nào đó để lấy kinh nghiệm. Thầy bảo, đi xin việc cũng được, nhưng tại sao các em không tìm hiểu xem mình thích làm gì rồi tự tạo ra công việc?
Lúc đó mình đã có mấy offer đi làm rồi nên không để ý lời thầy nói, hoặc chỉ nghĩ ồi thầy lại cổ súy khởi nghiệp rồi. Sau này nghĩ lại mới thấy giá như mình cân nhắc đến lời khuyên đó nhiều hơn. Không phải khởi nghiệp, mà là suy nghĩ thực sự nghiêm túc về nghề nghiệp.
Thôi không đủ tiền mua thiệt bị thì tự thiết kế để làm, thành ra ăn may lại được rẻ hơn rất nhiều. Cứ thế, mày mò từng chút một, sai rồi lại sửa, sửa rồi vẫn sai, sai rồi lại sửa. Mỗi lần sửa xong lại mạnh mẽ hơn.
Vì sắp 20/11 nên mình nghĩ về các thầy cô nhiều. Nghĩ về thầy giáo cùng mình làm đồ án tốt nghiệp, nghĩ về cô giáo dạy mình cả 3 môn hóa công (để mình có kiến thức về các thiết bị sau này).
Thật may mắn vì mình đã được đi học, dù mình vẫn thấy cả ngàn lỗ hổng trong nền giáo dục nước nhà, thì may thay, mình vẫn gặp được những thầy cô tốt.
Từ hồi về quê, mình nghe được vô số câu nói như: "Học cho lắm rồi cũng bần nông" "Tưởng học giỏi thế nào rồi cũng chả xin được việc", hay "Cho ăn cho học rồi cũng lại về quê, vứt!"
Đến thời điểm này mình đã bình tĩnh lại để nhận định với bản thân, ở quê sẽ có 2 loại người: người chưa từng đi, và người đã đi để trở về.
Vì đã mất công để đi nên mình phải nghĩ khác, làm khác. Mình tìm lại sách hóa công và cài lại autoCAD để vẽ thiết bị, mình còn nhớ rõ những suy nghĩ hiện lên trong đầu mình khi ấy:
"Rồi xem, mình sẽ sống được với nhưng lá cây này".
(Còn tiếp)