Sáng nay đi trên đường, mình tình cờ thấy được 1 chú chạy xe đạp, trông hoàn cảnh cũng có vẻ khó khăn, dừng lại ở tủ bánh mỳ từ thiện được đề bảng: “Bánh mỳ từ thiện, mỗi người một ổ” và lấy ra 2 chiếc. 
Ban đầu, mình thấy khá khó chịu, khi mà tại sao chú lại có thể lấy nhiều hơn 1 cái, trong khi đã có bảng dặn dò từ đầu. Và mình từng nghĩ rằng, sao lại có những người tham lam đến như vậy, khi mà trên báo cũng từng xuất hiện nhiều trường hợp giống chú, chỉ biết nghĩ đến mỗi bản thân mình, rằng nếu ai cũng lấy nhiều cái, thì làm gì còn suất cho những người đến sau nữa chứ. 
Hồi lớp 9, mình có được học viết nghị luận về chủ đề: “Tình ngay lý gian”. Dẫn chứng lúc đó làm mình ấn tượng mãi cho đến giờ. Thầy mình lúc đó kể về trường hợp anh cảnh sát giao thông kia tình cờ bắt một anh lái xe vì chạy quá tốc độ. Hỏi ra thì mới biết anh lái xe vì gia đình có chuyện nên mới bắt buộc chạy gấp như vậy. Anh cảnh sát thấu hiểu cho anh lái xe nên để anh đi mà không phạt nữa. 
Nếu người ngoài nhìn vào hoàn cảnh đó, có thể sẽ nghĩ rằng, anh cảnh sát làm ăn không liêm chính, hoặc không làm việc nghiêm túc. Nhưng, người Việt Nam mình luôn sống tình nghĩa từ đó đến giờ, phải biết ra tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vậy thì cớ gì, người ngoài không hiểu cuộc lại trách móc anh cảnh sát lúc đó chứ. 
Câu chuyện trên cũng phần nào giống câu chuyện chiếc bánh mỳ lúc sáng nay. Chú xe đạp lấy 2 ổ, có thể vì chú còn những đứa con thơ ở nhà đang chờ mình về. Nhiều khi, nhờ chiếc bánh mỳ chú “can đảm” lấy thêm đó, mà tối nay cả nhà đều vui, vì sẽ không có cảnh “bố nhịn đói nhường con no bụng” nữa thì sao?
hình này mình lấy trên google ák
hình này mình lấy trên google ák
Hồi mình đọc truyện “Con chim xanh biếc bay về”, bác Ánh có kể chuyện theo hướng nhìn của 2 nhân vật, Khuê và Sâm. Có nhiều lần, khi ở góc nhìn của Khuê, mình cũng khá bực bội vì tại sao đã đến nước này rồi, mà Sâm còn hành xử như vậy. Nhưng, khi sang đến lời thoại của Sâm, mới thấy được rằng, mọi chuyện đều có “ẩn khúc” riêng của nó. 
Câu chuyện của chú bánh mỳ, của anh công an, của Sâm, và hàng nhiều người khác nữa, vẫn luôn diễn ra hằng ngày, với kịch bản y chang như vậy. Nhiều khi chỉ vô tình nhìn thấy một điều gì đó khác thường, là mặc nhiên đánh giá đối phương đang hành xử sai. Chẳng ai buồn quan tâm hỏi thăm sự tình thế nào, mà nhiều khi có nghe được câu trả lời, họ cũng sẽ nghĩ người ta chỉ đang biện minh mà thôi. 
Mình cũng vậy, mình từng bị đánh giá sai, và cũng từng đánh giá sai rất nhiều người. Có đa số mọi người chỉ nghe thấy những điều họ muốn, còn sự thật dù có ra sao, thì họ cũng chẳng mảy may quan tâm mấy làm gì. Mình khó chịu, và mình biết mọi người cũng sẽ khó chịu giống mình. 
Vậy nên, cứ kệ thôi. Kệ cho dòng “thị phi” bủa vây xung quanh, kệ những người xung quanh có đang làm sai với “nguyên tắc bình thường”. Miễn là bạn thấy thoải mái về bản thân mình, thì chẳng còn gì đáng quan tâm cả. Bạn cứ làm những gì mình thích, đừng làm ảnh hưởng xấu đến thế giới này, và đừng gây thêm cho cuộc sống này những điều tiêu cực, vậy là đủ. 
Vì: “Mình là cá, chuyện của mình là bơi”.