Trên hành trình cố gắng phát triển bản thân, chúng ta kỳ vọng kết quả sẽ là sự cân bằng giữa thời gian (time) và sự phát triển (growth), tức là, những nỗ lực chúng ta bỏ ra sẽ mang lại kết quả tương ứng theo đường thẳng và tăng dần theo thời gian.
Tuy nhiên, trải nghiệm của con người lại hoàn toàn khác.
Có bao giờ bạn để ý rằng chúng ta thường sẽ bị mắc kẹt và chật vật để thực hành kỷ luật, thành công một khoảng thời gian nhưng sẽ lại trượt dài trở lại thói quen cũ, cố gắng lần nữa, đánh giá lại, thử lại và thành công hơn lần trước, nhưng lại lặp lại (giống như biểu đồ điện tim).
Đây là một vòng lặp chúng ta trải nghiệm hết lần này đến lần khác – và kèm với đó là sự lo âu thường trực.
Chúng ta luôn muốn phát triển, vì thế chúng ta áp dụng kỷ luật nhưng lại không thể duy trì nó, bị xuống tinh thần kèm với chật vật, trong quá trình này, bạn chậm lại và chiêm nghiệm rút ra được khám phá mới – chính bài học này cho phép chúng ta chạm đến những đỉnh thành công cao hơn trước.
Điều này có nghĩa là chúng ta đang liên tục đối mặt với hai thái cực của cuộc sống – sự hỗn loạn (chaos) và trật tự (order). Một cuộc sống hoàn toàn quy củ nghe có vẻ lý tưởng nhưng nó không thực tế và có phần ảo tưởng vì sẽ chẳng còn chỗ cho sự sáng tạo, sự linh hoạt, những bất ngờ và sự khám phá có được từ thái cực hỗn loạn. Ngược lại, cuộc sống chỉ có sự hỗn loạn dù khiến bạn cảm thấy hào hứng và thoải mái thực chất sẽ khiến bạn thất vọng và khổ sở trong tương lai.
Trong quá trình chuyển giao qua lại giữa trật tự và hỗn loạn, nếu bạn có những kỳ vọng thiếu thực tế sẽ khiến bạn luôn căng thẳng, đầy mâu thuẫn và nghi ngờ bản thân. Khi hỗn loạn xuất hiện, bạn cảm thấy phẫn uất với công việc hiện tại, tuột dốc và muốn bỏ hết bắt đầu lại từ đâu.
Chúng ta luôn có lựa chọn và có thể khiến cho quá trình này nhẹ nhàng hơn. Thay vì lên dốc và lao dốc liên tục, chúng ta có thể tạo ra sự chuyển giao mượt mà như sóng biển lên xuống từng đợt. Hãy chấp nhận rằng có những thời điểm chúng ta phát triển nhanh và vượt trội hơn và có những lúc chúng ta chững lại. Cuộc đời sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta ý thức được rằng đây là quy luật tự nhiên của cuộc sống thông qua các bước đơn giản:
Awareness – bạn phải nhận biết nhu cầu của bản thân về trật tự và hỗn loạn. Anticipation - để ý và dự đoán khi sự chuyển giao bắt đầu để có những thay đổi thích hợp. Accept - chấp nhận đó là điều hết sức tự nhiên của tiến trình. Action – Chủ động thực hành hỗn loạn tích cực vào cuộc sống trước những cơn khủng hoảng.
Nói thì dễ nhưng làm thì thật khó, và đối với mình, khó nhất có lẽ là học cách chấp nhận.
Pain is inevitable. Suffering is optional.
Bộ não chúng ta được cấu tạo như một cỗ máy hoạt động dựa trên cơ chế của thói quen và vô thức. Không có điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân của nó cả, chẳng qua bạn chưa dành đủ thời gian để soi xét hoặc chưa đủ chánh niệm để ngộ ra những vòng lặp của bản thân. Để duy trì được trạng thái cân bằng, trước hết mình đã học cách hiểu bản thân thông qua thiền.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi bên vệ đường, nhìn dòng xe qua lại. Những chiếc xe là suy nghĩ, nhiệm vụ của bạn là quan sát những suy nghĩ đó. Nghe thì có vẻ dễ nhưng vấn đề là đôi khi ta bạn thấy bất an trước sự di chuyển của xe cộ. Vậy là bạn chạy ra đường và cố dừng xe lại hoặc đích thân đuổi theo vài chiếc. Bạn dễ quên mất chủ đích là chỉ ngồi đó và quan sát.
Thiền cho phép mình tách bản thân ra khỏi suy nghĩ của mính mình – mình ra hiệu cho bản thân rằng suy nghĩ của mình và mình không phải là một.
Tôi giận dữ và tôi nhận thấy tôi đang giận dữ khác nhau rất nhiều.
Một ngày chúng ta có hàng trăm ngàn suy nghĩ, cả tốt cả xấu nhưng một suy nghĩ xấu không có nghĩa rằng mình là người xấu – nó không định nghĩa con người mình.
Phàm là con người thì ai cũng có những suy nghĩ đen tối cho riêng mình.
Điểm khác nhau ở chỗ, quyết định từ suy nghĩ có dẫn đến hành động hay không và khả năng kiểm soát hành vi của bản thân. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, nếu bạn thả trôi những suy nghĩ tiêu cực mà không thông qua kiểm duyệt và chiêm nghiệm, nó sẽ gặm nhấm tâm hồn, dần định nghĩa con người bạn và đi vào tiềm thức. Tất cả bắt đầu từ những câu phán xét bản thân và những niềm tin giới hạn. “Tôi có những suy nghĩ tiêu cực và tôi thật tệ khi có những suy nghĩ đó.”
Thiền giúp mình đối diện với chính mình, giúp mình hiểu niềm tin nào ẩn đằng sau các suy nghĩ, cảm xúc và hành động, sự kiện nào tạo ra vòng lặp, khi nào mình vô thức phản ứng.
Có bao giờ bạn cảm thấy sống như thế nào cũng chẳng vừa chẳng đủ? Có một sự thật là tiến hóa hướng chúng ta đến tận 4 cảm giác tiêu cực và chỉ có 1 cảm giác tích cực cùng với 1 cảm giác trung tính là ngạc nhiên, bởi vì đó là chiến lược sinh tồn hiệu quả. Chúng ta sẽ luôn có thiên kiến tiêu cực hơn, và chúng ta luôn chênh vênh trong mớ bồng bông của những loại cảm xúc tiêu cực – đó là lý do mà sống tích cực thì quan trọng nhưng không phải ai cũng có thể làm được.
Mỗi khi phải đối mặt với lo âu và nỗi sợ tương lai không chắc chắn, hãy nhớ rằng đừng tiêu phí năng lượng có hạn cho việc nuối tiếc những gì đã qua, hãy tạo ra tương lai đầy khả năng và hướng đến những gì thật sự làm mình hạnh phúc.
“Đừng sợ mất quá khứ, hãy sợ mất tương lai.” Nguyễn Phương Mai, PGS, TS trường ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan