Lưu ý:
- Những điều sau đây là do mình hoàn toàn tự tìm hiểu thông tin trên mạng và tự đối chiếu về bản thân theo những triệu chứng và có từng tình huống cụ thể của cá nhân mình, bài viết chỉ mang tính tham khảo.
Thật khó để tự nhận biết được vấn đề này! Và mình đã mất tận 2 năm để đối mặt với nó.
Mình sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Ba mẹ mình đều là người gốc Bắc sống cùng làng và họ đã kết hôn với nhau. Năm 1999, ba mẹ đã di cư vào Nam sau khi họ kết hôn. Họ sinh ra mình không lâu sau đó vào năm 2002. Thế nên mình được sinh ra ở miền Nam và chịu ảnh hưởng rất nhiều ở nơi đây, từ giọng nói, ngoại hình lẫn tính cách. Mình được nghe ba mẹ nhận xét rằng khí hậu miền Nam thật sự dễ chịu đã hình thành nên tính cách thoải mái, phóng khoáng, biết sẻ chia của người người dân nơi đây. Thiên nhiên ưu đãi cho nơi đây khí hậu ôn hòa, dễ chịu khi chỉ có 2 mùa mưa, nắng cùng với sản lượng lương thực trù phú quanh năm đã hình thành nên lối sống thoải mái, vô tư và ít lo nghĩ nếu nói một cách cụ thể hơn thì người dân nơi đây thường ít có kế hoạch tài chính cẩn thận vì thế nên dễ gặp phải tình trạng "vung tay quá trán". Nhưng nói chung, nơi đây có thể coi là nơi "đất lành chim đậu", là "miền đất hứa" cho sự nghiệp lẫn công việc. Quay trở lại vấn đề chính, mình đã thừa hưởng rất nhiều tính cách nơi đây như phóng khoáng, thoải mái cùng với lối sống biết chia sẻ và rộng lượng. Nhưng mình cũng vẫn ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình khi có cha mẹ là người gốc Bắc. Trái với miền Nam quanh năm ôn hòa, trù phú thì miền Bắc thực sự là một nơi khắc nghiệt khi cái lạnh đến "cắt da, cắt thịt" của mùa đông tại đây hay cái nóng có thể đạt đến 40 độ C, đầy oi ả của mùa hè đã ảnh hưởng nhiều đến lối sống lẫn tính cách của họ. Vì thiếu thốn quanh năm nên họ phải học cáh tiết hiệm và chi tiêu hợp lí. Và con người nơi đây thật sự phải mạnh mẽ và tự lập để sống và thích nghi với môi trường lẫn khí hậu miền Bắc. Họ khó có thể thông cảm, sẻ chia với nhau vì mỗi người đều tồn tại cái khổ riêng và chính họ cũng đang phải chật vật sống chung với nó. Vì thế mà cha mẹ mình cũng ít sẻ chia với con cái về cái khổ của họ nhưng họ vẫn cố gắng lo toan cho con cái đầy đủ về vật chất. Có thể thiếu thốn một chút về mặt tình cảm nhưng họ cũng đã cung cấp đầy đủ vật chất cho mình và mình thật sự biết ơn. Nhưng mình vẫn nhận ra một số điểm cực đoan trong tính cách của ba mẹ mình (mình xin phép không nêu rõ).
Mình đã mắc phải một số chứng bệnh tâm lý sau đây và mãi tận tháng 6/2021 mình mới tự tìm hiểu và có cái nhìn bao quát, hoàn chỉnh về nó:
Giữa năm 2018, mình đã mắc phải chứng bệnh Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD)_lúc mơ hồ tự nhận biết mình chỉ suy nghĩ rằng do cái tôi quá cao của mình gây nên. Là "một hình thức khuếch đại bản thân trong trí tưởng tượng hoặc thể hiện qua hành vi, đòi hỏi người khác ca tụng và không có sự thấu cảm". Những triệu chứng cụ thể như mình có ý nghĩ phóng đại, vô căn cứ về tầm quan trọng và tài năng của mình (tự cao). Điều đó trở nên cực đoan hơn khi mình suy nghĩ về tầm quan trọng, về sự ảnh hưởng của mình bằng cách cảm thấy mình đặc biệt về mảng edit hình ảnh, có guot, chịu chơi hơn và luôn thể hiện bản thân bằng việc tham gia các cuộc thi như thiết kế quần áo bảo vệ môi trường hay thiết kế backgound cho lớp trong ngày liên hoan cuối năm, mục đích chỉ để người khác ngưỡng mộ, khen ngợi. Mọi người có thể nghĩ đây là điều bình thường cho đến khi mình nhận ra rằng bản thân thiếu sự đồng cảm và có cảm giác ghen tị với mọi người và tồn tại suy nghĩ mọi người ghen tỵ với mình. Mình có thể phát hiện lỗi sai của người khác rất nhanh và sẵn sàng chỉ trích lỗi sai của họ. Nhưng mình lại không thể tự nhận ra khuyết điểm của mình ở thời điểm đó và "nổi khùng" khi khuyết điểm bị người khác vạch trần. Những điều trên đã làm tổn thương đến những người xung quanh mình. Và một mình bản thân mình đã chống đối với tất cả mọi người chỉ để "bảo vệ" cho sự bận tâm ảo tượng về những thành tựu, ảnh hưởng, quyền lực, trí tuệ, vẻ đẹp hay tình yêu hoàn hảo của mình (điều này khiến mình thắc mắc rằng liệu có phải chứng rối loạn chống đối xã hội nhưng không phải). Và bản thân mình cũng đã vô cùng ích kỷ và hay lợi dụng, thao túng người khác. Mình cũng luôn tồn tại niềm tin rằng mình "tốt đẹp" và chỉ xứng đáng với những điều "tốt đẹp". Nó đã đảo lộn cuộc sống của mình rất nhiều và mình nhận ra mọi người ngày càng xa lánh mình và mình nhận ra mình ngày càng cô đơn. Nhưng mình luôn biết ơn rằng trong khoảng thời gian tồi tệ đó, vẫn có những người bạn bên cạnh và đối tốt với mình thật lòng, đến bây giờ mình vẫn còn liên lạc và gìn giữ mối quan hệ với họ. Mình đã học cách thay đổi để "mọi người thân cận và kết nối trở lại" nhưng theo chiều hướng "cực đoan" khác. Nó dẫn đến chứng tâm lý thứ 2 của mình.
Tháng 9/2019, mình mắc phải chứng tâm lý thứ 2 mà bản thân không hề hay biết là Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) "một hình thái toàn thể về sự không ổn định và quá nhạy cảm trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, sự mất ổn định về hình ảnh của bản thân, sự dao động tâm trạng quá lớn và xung động". Do trước đó mình đã hứng chịu hậu quả mà bệnh ái kỷ gây nên khiến mình trở nên ích kỷ và dần chìm đắm trong thế giới ảo tưởng tự coi mình là trung tâm. Nhưng chìm đắm vào nó và mình chợt nhận ra mình thật cô độc, không ai hiểu mình và dần bị người khác xem nhẹ. Mình trở nên sợ cô đơn và sợ bị xem nhẹ bao giờ hết. Mình sẽ sợ hãi khi các mối quan hệ không được suôn sẻ và mình luôn suy nghĩ, lo lắng rất nhiều về các mối quan hệ ấy. Mình đã tự đặt kỳ vọng tối đa vào các mối quan hệ đó. Mình đã đánh mất lòng tự tôn của bản thân và trở nên phụ thuộc, ỷ lại vào các mối quan hệ đó. Mình đã từng suy nghĩ khá cực đoan rằng "Chỉ cần cho người ta lợi ích thì người ta sẽ tôn trọng mình, sẽ đối tốt với mình". Mình đã bất chấp rằng điều đó có tốt cho mình không? Hoặc đơn giản là mình có thích không? Mình trở nên bỏ bê bản thân hơn bao giờ hết! Mình đã nỗ lực tuyệt vọng để tránh bị bỏ rơi (thực tế hoặc tưởng tượng). Mình làm mọi việc trong các mối quan hệ, chấp nhận hy sinh, chịu phần thiệt về mình chỉ vì mình sợ người khác bỏ rơi. Mình khiến những mối quan hệ căng thẳng không ổn định thay đổi giữa sự lý tưởng hoá và sự coi thường người khác. Bởi vì đặt quá nhiều hy vọng vào các mối quan hệ và quá miễn cưỡng nên mình khiến những mối hệ không đi vào đâu hết! Những lúc như thế mình đã đổ lỗi rất nhiều cho bản thân lẫn người khác. Nhiều lúc mình cảm giác không còn là mình nữa! Mình luôn cảm thấy trống rỗng dai dẳng. Cảm giác thấy mình đang hy sinh quá nhiều, cảm thật bản thân không được hạnh phúc! Mình đã phớt lờ cảm xúc thật của mìnhkìm nén chúng vì nghĩ rằng nó sẽ gây khó khăn trong các mối quan hệ. Chứng bệnh tâm lý thứ 2 của mình cứ kéo dài như thế cho đến khi mình bắt đầu năm nhất đại học.
Tháng 10/2020, lúc này là bắt đầu năm nhất đại học. Mình thấy sợ hãi vô cùng khi tiếp xúc một môi trường mới. Hàng trăm hàng ngàn suy nghĩ cứ bủa vây lấy mình rằng liệu mình có thể hòa nhập với môi trường mới? Liệu mình có được chào đón không?... Và khi đó team đầu tiên trong năm không suôn sẻ lắm và mình lại suy nghĩ, lại stress và trách móc bản thân chỉ vì mình đặt kỳ vọng vào nó quá nhiều! Mình đã rất sốc và bị sốt cao, cảm giác cơ thể cực kì nặng nề và không muốn làm gì cả.
Đây là lúc mình mắc phải căn bệnh trầm cảm thứ 3 Trầm cảm điển hình (rối loạn đơn cực) "Bệnh nhân có thể xuất hiện đau khổ, mắt rền rĩ, lông mày lằn rãnh, góc dưới của miệng hạ xuống, tư thế sụp, giao tiếp bằng mắt kém, thiếu biểu hiện trên khuôn mặt, cử động cơ thể ít và thay đổi giọng nói (ví dụ: giọng mềm, thiếu thân tình, sử dụng của từ đơn âm). Ở một số bệnh nhân, khí sắc trầm đến mức nước mắt khô; họ báo cáo rằng họ không thể trải nghiệm cảm xúc thông thường và cảm thấy rằng thế giới đã trở nên thiếu màu sắc và không có sự sống."
Lúc đó mình không thiết tha làm bất cứ điều gì cả, chủ yếu chỉ muốn ngủ (ngủ nhiều) và nằm, vì thế khí sắc trầm và giảm sự quan tâm hoặc thích thú trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong hầu hết thời gian trong ngày. Mình luôn cảm thấy mệt mỏimất năng lượng. Mình đã ngủ và nằm lướt Tiktok cả ngày, mình quan sát mọi người hoạt động và nói chuyện. Mình thắc mắc rằng tại sao họ có năng lượng như vậy? Tại sao họ lại tràn trề nhựa sống như vậy? Trong đầu mình cứ suy nghĩ mãi về khái niệm sự sống và cái chết, suy nghĩ về mục đích của sự sống. Mình trở nên sợ đến trường, sợ tiếp xúc với người khác. Mình bị mất phương hướng vào tương lai. Song mình không thể phụ lòng cha mẹ, bởi vì trách nhiệm của mình là học tập thật tốt. Mình đã suy nghĩ rất nhiều cho đến ngày mình quay lại trường học, mình quan sát cuộc sống nhộn nhịp của thành phố, quan sát không khí của lớp học khiến mình thôi cảm giác trầm buồn và có động lực sống trở lại.
Tháng 11/2020, mình vẫn đầu tư vào các mối quan hệ một cách vô tội vạ. Mình thật sự nhạy cảm với việc bị bỏ rơi. Mình để bản thân nhạy cảm hơn bao giờ hết và để ý mọi thứ nhỏ nhặt. Mình vẫn giữ suy nghĩ muốn làm hài lòng tất cả mọi người. Điều khiến mình thức tỉnh rất nhiều đó là khi đang trong một mối quan hệ "độc hại". Lúc đó. mình có người bạn đại học đầu tiên. Chúng mình đã đi chơi và có nhiều kỉ niệm và mình trở nên dựa dẫm, lại đặt kỳ vọng vào bạn ấy. Bạn ấy đem lại cho mình cảm giác muốn lại gần và làm quen. Và thế là tụi mình trở thành bạn. Lúc nào cũng kề cạnh bên nhau. Và nhiều người nhận xét rằng tụi mình đã dính nhau như hình với bóng. Bạn là một người hiền lành, nhẹ nhàng và tốt bụng. Nhưng mà mãi sau này mình mới nhận ra bạn hơi đua đòi, vô tư và "bỏ rơi" mình=((( Bạn ấy hơi vô tư để có thể nhận ra nỗi sợ của mình và mình đã cố tình bỏ qua cảm xúc thật của bản thân và chiều lòng bạn. Mình có cảm giác trong mối quan hệ này mình không còn là chính mình, cảm thấy mệt mỏi, day dứt và đau khổ. Thứ cảm xúc thật ấy như giọt nước tràn ly và mình đã chủ động bỏ lại bạn để chơi với người hợp với mình hơn. Mình không dám bộc phát sự khó chịu chỉ vì đã kìm nén cảm xúc thật quá lâu và tới sau cùng, mình vẫn sợ mất mối quan hệ này nhưng buồn thay, tự tay mình đã đặt dấu chấm hết. Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ mình thật tồi tệ và mình cũng đã nghĩ vậy. Nhưng nếu tiếp tục mối quan hệ quan hệ này chỉ làm mình đau khổ hơn=((( Lúc đó mình không mong ai thông cảm cho mình cả, nhưng mình vẫn vô cùng sợ hãi và mối quan hệ của mình với bạn ấy cứ nối rồi đứt, cứ mập mờ như vậy cho đến lúc mình chủ động cắt đứt không một lời giải thích. Và một khoảng thời gian mình đã không thể đối mặt với bạn ấy. Mình có một chút ghét bạn vì đã quá vô tư và không quan tâm đến mình. Nhưng mình nhận ra rằng không ai có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời của ai cả. Sau mối quan hệ đó, mình học được rất nhiều bài học đắt giá. Mình đã bỏ bê bản thân quá nhiều cụ thể ở đây là cảm xúc thật của mình. Mình đã hy sinh quá nhiều đến nỗi không biết điểm dừng. Mình đã không nhận thức được giá trị của bản thân. Mình đã đặt quá nhiều kỳ vọng trong mối quan hệ với bạn ấy. Nhưng cái đã chữa lành cho mình sau mọi khó khăn đó là Tarot. Việc đọc tarot đã chữa lành tâm hồn mình rất nhiều. Nó là cả một quá trình dài để mình có thể tự vượt qua được các chứng bệnh tâm lý. Mình thấy được sự tiến triển rõ rệt trong quá trình chữa lành tâm hồn bằng tarot của mình. Mình học cách ngưng so sánh bản thân với người khác, học cách ngưng phán xét bản thân lẫn mọi người xung quanh, học cách đặt ra giới hạn cho bản thân khỏi những điều độc hại, học cách mở lòng, biết thể hiện cảm xúc thật và kiếm được động lực để trau dồi và phát triển bản thân. Mình thật sự biết ơn hành trình này, một hành trình ý nghĩa trong cuộc đời mình và đã khiến mình trưởng thành, biết đứng dậy sau những tổn thương để làm lại từ đầu. Mình thấy tự hào với sự phát triển mạnh mẽ của tâm hồn mình. Nhưng mình vẫn phải đối mặt với cửa ải cuối cùng, thứ khiến mình thật sự nở rộ sau khi đối mặt, để tiến lên một hành trình cao hơn và hoàn thiện hơn.
Tháng 3/2021, khi mình hiểu được giá trị của bản thân, mình đã mong muốn thể hiện bản thân một cách thiếu kiểm soát, khiến mình vô tình mắc chứng bệnh tâm lý thứ 4 Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) "một sự bận tâm lan tỏa về trật tự, chủ nghĩa hoàn hảo và sự kiểm soát (không có chỗ cho sự linh hoạt) mà cuối cùng làm chậm hoặc ngăn cản việc hoàn thành một nhiệm vụ". Mình trở nên cầu toàn và lý trí hơn bao giờ hết. Mình luôn muốn thể hiện năng lực và cống hiến hết mình cho hoạt động đội nhóm. Mình làm việc có kế hoạch và cố gắng trau dồi bản thân hơn. Điều này đã khiến mình trở nên lí trí và kỉ luật hơn. Mình có thể quan tâm đến chi tiết, quy tắc, lịch trình, tổ chức và danh sách khi lên danh sách kế hoạch trong hoạt động nhóm. Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ là tốt đẹp. Nhưng lúc đó đang là mùa deadline thế nên mình đã cố gắng cống hiến quá mức cho công việc và năng suất (không phải do sự cần thiết về tài chính) dẫn đến việc bỏ bê các hoạt động giải trí, bạn bè và thậm chí mình đã làm việc quần quật xuyên đêm mà bất chấp đây là công việc nhóm là phải san sẻ cho mọi người. Mình trở nên ôm đồm và tham việc. Mình đã không biết cân bằng sinh hoạt hàng ngày và việc học tập. Mình đã quá cứng ngắc và bướng bỉnh. Và mình nhận ra tất cả khi làm việc nhóm môn kinh tế vi mô. Đây là 1 môn học đòi hỏi sự suy luận và phân tích. Mình đánh giá đây là một môn khó nhằn vì vừa phải tính toán vừa làm báo cáo, nó đòi hỏi phải có sự đọc hiểu và phân tích vấn đề rất nhiều. Đây là bộ môn mà rất nhiều sinh viên ám ảnh và e dè. Nhưng mình đã đặt mục tiêu quá cao, quá hoàn hảo khiến công việc nhóm thiếu tính kết nối. Và mình vẫn ôm đồm vì mục tiêu quá cao đối với bộ môn này. Mình nỗ lực để làm điều gì đó hoàn hảoảnh hưởng đến sự hoàn thành nhiệm vụ. Mình đã quá cầu toàn nên đã tự ngồi đọc và phân tích vấn đề của một bài tiểu luận 49 trang rồi rút gọn tóm tắt ngắn gọn tthành từng phần. Tối hôm đó sau khi làm xong, đầu mình đau và nhức liên tục. Tới giờ suy nghĩ lại mình không hiểu tại sao mình lại can đảm và nghị lực để làm điều đó một mình. Trong quá trình đó mình đã từng muốn bỏ cuộc và vẫn phải cố gắng tự giác làm hết. Mình đã luôn nghĩ đây là một điều tốt đẹp cho đến khi tự nhận ra bản thân đã quá lí trí mà phớt lờ đi cảm xúc của mọi người. Và việc ôm đồm khiến mình chẳng còn thời gian cho bản thân nữa. Mình chỉ chăm chăm vào sự công nhận từ bên ngoài mà quên mất đi mưu cầu riêng của bản thân. Mình đã tự ràng buộc mình mọi thứ và tự khiến mình như bị "giam cầm" bởi công việc học tập. Mình đã kiểm soát và cầu toàn mọi thứ. Khi mình xem tarot và nhận ra rằng phải học cách thả tự do cho tâm hồn mình. Mình đã học cách bao dung và biết ơn hơn, học cách cân bằng giữa lí trí và cảm xúc, giảm bớt sự ràng buộc đối với những điều không cần thiết.
Từ 6/2021 đến hiện tại, mình có thể khẳng định rằng mental health (sức khỏe tinh thần) của mình đã trở nên khỏe mạnh. Đồng thời, mình cũng đã tập luyện và củng cố sức đề kháng cho tâm trí bằng cách thiền định, viết nhật ký và thực hiện các hoạt động mà mình yêu thích. Mình trở nên nhất quán hơn, không còn phản bội và bỏ bê bản thân mình nữa. Tuy nhiên trong hành trình này sẽ luôn tồn tại ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng giúp soi sáng và chữa lành kết hợp với bóng tối giúp soi chiếu và nhận thức. Cả hai sẽ luôn đồng hành song song với nhau. Và mình nhận ra phải có khó khăn mới khiến ta biết trân trọng những lúc yên bình. Khó khăn xảy ra là lúc bản thân phải học cách mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt qua. Những lúc bế tắc, mình sẽ viết hết ra những băn khoăn, những dòng suy nghĩ tiêu cực đang chạy trong đầu, phải biết trò chuyện và lắng nghe tâm trí trong những lúc khó khăn như thế để biết bản thân mình đang như thế nào để học cách xoa dịu nỗi đau. Mình cảm thấy bản thân của hiện ta đã có niềm tin vào chính mình hơn, biết đối mặt với nghịch cảnh bằng cách xoay chuyển góc nhìn trở nên lạc quan hơn và tìm kiếm giải pháp, quan trọng nhất là bao dung, nhường nhịn hơn, biết chấp nhận, dung hòa những điều khác biệt, từ bỏ những thứ không thuộc về mình, không còn tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài. Điều mà mình vẫn còn tồn đọng và khuyết điểm lớn nhất của mình là thái độ hơn thua và vẫn còn phải tập cách mở lòng hơn. Mình cảm thấy may mắn vì đã biết cách chữa lành cho bản thân trong khoảng thời gian này. Đối với mình, dịch Covid là một cơ hội để bản thân được chữa lành, là khoảng thời gian phù hợp để chăm sóc cho sức khỏe vật lý lẫn sức khỏe tinh thần. Chúc mọi người luôn hạnh phúc. Mong rằng Việt Nam sẽ vượt qua được đại dịch COVID-19. Việt Nam cố lên!