Nếu bạn vào đây chỉ để tìm nguyên tắc quản lý thời gian, bạn có thể lướt thẳng xuống phần 5. Còn nếu bạn vào đây để hàn gắn mối quan hệ với thời gian, mời bạn cùng mình nhâm nhi những dòng tâm sự dưới đây.

I Mở đầu cuộc hành trình

Mình sợ chết.
Từ bé, mình đã rất sợ sự hữu hạn của thời gian. Mình vẫn nhớ hồi lớp một, có lúc đang nằm cạnh mẹ thì bỗng dưng mình bật khóc chẳng thể ngừng được. Lúc đó, mình đã tưởng tượng là: “lỡ một ngày mẹ không còn nữa, và một ngày chính mình cũng không tồn tại nữa thì sao?
Bỗng dưng một cảm giác trống rỗng xâm chiếm khắp người mình, khiến mình phải bật khóc thành tiếng trong nỗ lực chống trả tuyệt vọng. Mẹ tưởng mình bị bệnh nên mình đã được nghỉ lớp học tiếng Anh sau đó =))
Thời điểm ấy, mình chưa hình thành rõ khái niệm về thời gian và sự tàn khốc của nó, chỉ biết là một ngày đẹp trời, nếu không cảm nhận được gì thì sẽ thật buồn. Ai sẽ thay mình đi tụt quần thằng bạn cùng lớp? (Xin lỗi mọi người lớp một dân trí vẫn còn thấp…)

II. Cuộc vật lộn của mình với thời gian

Nỗi ám ảnh của mình với thời gian ngày càng lớn lên.
Mình phát triển đam mê với những bộ truyện và phim hoạt hình về luân hồi (các đồng chí chắc vẫn nhớ hình ảnh truck-kun), nơi mà các nhân vật chính sau khi chết được đầu thai qua kiếp khác nhưng vẫn giữ được kí ức của mình. Rồi mình cũng lọ mọ đọc về Tần Thủy Hoàng, về cách để tu luyện đến 10000 tuổi (có nhiều lúc mình đã nghĩ đến việc bỏ nhà đi tu =))), và về cách để tìm được đuôi của con Cửu Vỹ Hồ trong phim Pokemon.
Càng tìm hiểu, với mức độ dân trí thấp hồi cấp một và cấp hai, mình vẫn nhận ra bất tử chắc chỉ tồn tại trong phim truyện. Mà trên thực tế, mình không chết là một chuyện, vận mệnh có muốn chúng ta chết không là chuyện khác. Mình đọc được rất nhiều câu chuyện thương tâm, như một người buổi sáng cầu hôn vợ, buổi chiều bị xe tông; hay là một tiên nữ vì quá sợ hãi vị thần dê theo đuổi mình nên đã nhờ một vị thần khác biến cô thành bãi lau sậy, để rồi sau đó vẫn bị ông này chế tạo thành một cây sáo dùng để thổi vào miệng (trích thần thoại Hy Lạp).
Tôi đề nghị cấm sản xuất Thần Thoại Hy Lạp cho độ tuổi thiếu nhi.
Tôi đề nghị cấm sản xuất Thần Thoại Hy Lạp cho độ tuổi thiếu nhi.
Thế rồi, một cách miễn cưỡng, mình chấp nhận rằng một ngày nào đó mình sẽ phải chết.

III Sự hữu hạn của thời gian thực chất là một món quà

Để viết được câu trên, mình đã phải mất 13 năm đấu tranh và suy nghĩ (từ hồi lớp một cho đến mãi gần đây). Tại sao nhỉ? Sống được một quãng thời gian ngắn ngủi rồi lại biến mất thì có gì thú vị?
Cho đến nay, mình có thể tự tin để nói rằng, nhận thức thời gian hữu hạn chính là điều cốt lõi khiến ta trân quý cuộc sống này. Bởi, nó là điều duy nhất thúc đẩy ta nói câu yêu thương với bố mẹ trước khi quá muộn, là điều khiến ta thức đến hai giờ sáng để mày mò với đam mê của mình, và nó cũng là điều khiến ta (ít nhất là mình) đối xử tốt hơn với những người xung quanh, bởi biết rằng họ có thể biến mất bất kỳ lúc nào.
Nói thật, nếu có 7 viên ngọc rồng xuất hiện thì một trong những điều ước của mình vẫn là được bất tử. Nhưng mình biết điều đó sẽ không xảy ra, nên hiện tại mình vẫn chấp nhận ôm trọn sự hữu hạn của cuộc đời, và đối mặt với nó bằng cả trái tim.
Câu hỏi mới được mình đặt ra là: Làm thế nào để không phí hoài quỹ thời gian mình có trong cuộc sống này?

IV. Những nút thắt giữa mình và thời gian

Trong phần này mình sẽ viết chi tiết những bài học mà mình đã “giác ngộ” trong quá trình mình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra ở phần trước.

1. Chúng ta không thể có tất cả, ít nhất là trong một thời điểm

Các “chuyên gia” quản lý thời gian hiện đại đã khiến nhiều người nhầm tưởng rằng chỉ với một hệ thống quản lý khoa học, và một tinh thần thép, chúng ta có thể đạt được tất cả những thứ chúng ta muốn trong một thời điểm.
Lướt Thread hay Facebook một hồi thì lại thấy những bài đăng dạng như: “Mình vừa kiếm tiền, duy trì kết quả học tập cao mà vẫn có thời gian để tập gym ngày 2 tiếng và đi chơi với bạn bè…” khiến chúng ta vừa ghen tị với người khác, vừa nổi lòng tham với thời gian của chính mình.
Hệ quả là rất nhiều bạn trẻ hiện nay nhận làm vô vàn công việc khác nhau, mà không để ý đến sức lực có hạn của bản thân. Họ đồng ý với tất cả mọi cơ hội mà mình có được, tham gia tất cả các dự án mà mình yêu thích. Kết cục là chẳng có việc gì đến nơi đến chốn, mà tệ hơn nữa là sức khỏe thể chất và tinh thần của họ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Bởi họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào khả năng quản lý thời gian và hoàn thành công việc của bản thân, nên khi họ nhận ra mình không thể làm nhiều như mình nghĩ, họ càng trở nên suy sụp và tự dằn vặt nhiều hơn.
Định luật cũ nhưng đúng: kỳ vọng càng nhiều càng dễ thất vọng.
Định luật cũ nhưng đúng: kỳ vọng càng nhiều càng dễ thất vọng.
Sau giai đoạn này, hầu hết chúng ta sẽ lờ mờ nhận ra mình cần phải giảm bớt số lượng để ưu tiên chất lượng công việc. Nhưng có một số người vẫn cố chấp, theo mình là bởi họ tin rằng họ vẫn có thể làm được nhiều việc nếu cố gắng hơn. Trên mạng xã hội có rất nhiều câu chuyện về những “siêu nhân” giúp họ củng cố niềm tin của mình.
Nhưng có hai sự thật về những siêu nhân này có thể họ chưa (hoặc đã) biết
Thứ nhất, có thể thực sự tồn tại siêu nhân. Có những người có khả năng làm tốt rất nhiều thứ cùng một lúc, như Leonardo Davinci, Benjamin Frankin,… Nhưng họ chỉ chiếm đâu đấy tầm 0,01% dân số thế giới, và khả năng cao hầu hết bạn đọc không nằm trong đó.
Thứ hai, kể cả những người nằm trong 0,1% ấy cũng hiếm khi làm nhiều việc cùng một lúc, mà họ thường chỉ tập trung vào một việc trong một thời điểm. Trong một tập podcast, giáo sư Cal Newport (tác giả cuốn sách nổi tiếng Deep Work) đã chia sẻ rằng khi ông phỏng vấn những người đoạt các học bổng danh giá như Rhode Scholarship (học bổng tại trường Oxford) cho cuốn sách “How to win at college”, họ chia sẻ rằng dù có rất nhiều thành tựu, họ không bao giờ làm chúng cùng một lúc, mà trong mỗi thời điểm sẽ chỉ tập trung vào một việc. Qua thời gian, những điều họ làm sẽ tích lũy dần và tạo nên họ ngày hôm nay.
Bởi vậy, để đạt được những điều mình mong muốn, thay vì cố ôm đồm tất cả cùng một lúc, chúng ta nên chấp nhận rằng trong mỗi thời điểm nhất định (theo mình là khoảng 6 tháng - 1 năm), chúng ta chỉ nên tập trung vào một hoặc cùng lắm là hai mục tiêu.

2. Nghịch lý của sự lựa chọn

Sự phát triển của nền kinh tế mang lại ấn tượng rằng có thật nhiều lựa chọn sẽ mang lại hạnh phúc. Hai chủ nghĩa về chính trị và kinh tế đang là nguồn động lực chính cho sự phát triển xã hội vật chất - Chủ nghĩa tự do (Liberalism) và chủ nghĩa tư bản (Capitalism) - cũng được sản sinh để ủng hộ quyền lựa chọn cá nhân.
Nhưng, sẽ ra sao nếu, càng có nhiều lựa chọn, chúng ta càng dễ mất đi sự hạnh phúc?
Đây chính là nội dung chính của một thuật ngữ được phổ biến bởi nhà tâm lý học Barry Schwartz, The Paradox Of Choice (nghịch lý của sự lựa chọn).
Trong một bài nghiên cứu năm 2000, Sheena Iyengar và Mark Lepper đã tiến hành một thử nghiệm với 3 nhóm đối tượng nhằm so sánh độ thỏa mãn của họ khi nhận Sô-cô-la. Nhóm đầu tiên không có quyền lựa chọn mà được giao một loại sô-cô-la bất kỳ. Nhóm thứ hai được chọn giữa 6 loại sô-cô-la, và nhóm cuối cùng được chọn giữa 30 loại sô-cô-la. Không ngoài dự đoán, nhóm đầu tiên, không có sự lựa chọn, có mức độ thỏa mãn ít hơn nhóm thứ hai. Tuy nhiên, nhóm thứ ba cũng có mức độ thỏa mãn kém hơn so với nhóm thứ hai, thậm chí họ còn cảm thấy khó chịu đối với quá trình đưa ra quyết định.
Điều này chứng tỏ rằng đúng là có quyền lựa chọn sẽ tốt hơn bị ép buộc, nhưng có quá nhiều sự lựa chọn cũng sẽ khiến ta mất đi cảm giác thỏa mãn với lựa chọn của mình.
Cũng dễ hiểu thôi. Khi ta có quá nhiều sự lựa chọn, ta vừa mất năng lượng trong việc suy nghĩ nên chọn cái gì, vừa không hoàn toàn thỏa mãn với lựa chọn của mình, vì ta cứ bị ám ảnh bởi sự thật rằng có thể có lựa chọn khác tốt hơn lựa chọn hiện tại.
Có quá nhiều sự lựa chọn cũng sẽ khiến ta mất đi cảm giác thỏa mãn với lựa chọn của mình.
Có quá nhiều sự lựa chọn cũng sẽ khiến ta mất đi cảm giác thỏa mãn với lựa chọn của mình.
Nó cũng tương tự với cách chúng ta sử dụng thời gian của bản thân. Chúng ta cứ nghĩ theo đuổi nhiều thứ một lúc mới khiến ta tự do, nhưng theo mình, cam kết theo đuổi một thứ mới chính là điều khiến chúng ta sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa.
Thay vì cứ thử hết lựa chọn nghề nghiệp này đến lựa chọn nghề nghiệp khác, hãy đặt cho mình thời hạn để thử nghiệm, sau thời hạn đó thì chỉ tập trung theo đuổi một sự nghiệp mà thôi. Tương tự, mặc dù trải nghiệm yêu đương với nhiều kiểu người khác nhau là điều tốt, mục tiêu cuối cùng vẫn nên là chọn gắn bó lâu dài với một người.
Bản thân mình từ khi biết được con đường mình muốn theo đuổi, mình cảm thấy tự do hơn hẳn, bởi mình không còn bị đày đọa bởi nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) với rất nhiều cơ hội khác ngoài kia.

3. Dù bạn có vội thế nào, muốn vun đắp những điều ý nghĩa luôn cần thời gian và công sức

Mình sẽ lấy ví dụ của bản thân trong 3 lĩnh vực quan trọng nhất với mỗi người: Sự nghiệp, sức khỏe, và các mối quan hệ.
Tìm được một sự nghiệp mình đam mê không phải là tình yêu sét đánh, vừa nhìn thấy một lĩnh vực nào đó là ngay lập tức đắm say. Trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp mình đọc và quan sát được, đam mê là thứ cần được nuôi dưỡng. Bản thân mình hồi cấp 3 cũng không thể tưởng tượng mình sẽ theo đuổi con đường viết lách. Nhưng nhờ viết những dòng chữ ngô nghê đầu tiên, bị chê thậm tệ nhưng vẫn tiếp tục luyện tập, mình mới dần phát triển niềm đam mê với con chữ.
Tương tự, lúc đầu bạn sẽ chưa cảm thấy quá thích thú với một lĩnh vực nào, nhưng qua việc trở nên giỏi hơn, nhận được nhiều phản hồi tích cực và cảm thấy ý nghĩa trong công việc mình làm, sự đam mê của bạn với lĩnh vực này mới dần tăng theo thời gian.
Đối với sức khỏe, hẳn bạn cũng biết rằng duy trì một cơ thể săn chắc và khỏe mạnh là quá trình kéo dài cả đời. Kể cả bạn có tập 5 - 6 năm, có một thân hình 6 múi hay là vòng eo con kiến, nếu bạn ngừng tập và ăn uống vô độ trong khoảng 1 tháng thôi thì mọi thành quả sẽ đi tong. Mình chính là ví dụ nhãn tiền. Hồi xưa mình tập gym được 3 năm, cũng có cơ bụng sáu múi, nhưng khi bị chấn thương và nghỉ tập trong 5 tháng thì sáu múi đấy rơi mất phân nửa :))
Với các mối quan hệ thì sự thật này còn rõ ràng hơn nữa.
Trong một nghiên cứu năm 2018 của Jeffrey A. Hall với tiêu đề là “How many hours does it take to make a friend?”, chúng ta thường phải dành khoảng 94 tiếng cùng nhau để từ người quen thành bạn xã giao, từ bạn xã giao lên bạn thông thường sẽ mất khoảng 164 tiếng, và xấp xỉ 219 tiếng là thời gian tối thiểu ta cần để trở thành bạn tốt của nhau.
Tất nhiên, chỉ dành thời gian cho họ thôi là chưa đủ, bạn còn cần đảm bảo chất lượng thời gian nữa. Bạn không thể trở thành bạn thân với ai đó nếu toàn bộ thời gian ở bên họ bạn chỉ bấm điện thoại, rồi cùng lắm nói 1-2 câu xã giao.
Những điều mình viết ở trên trông thì có vẻ hiển nhiên, nhưng dường như phần đông mọi người đều không biết hoặc chọn phớt lờ những sự thật này. Họ vẫn hy vọng tìm được một con đường dễ dàng hơn và tốn ít thời gian hơn, ắt cũng xuất phát từ nỗi sợ đối mặt với sự hữu hạn của chính mình. Nhưng các bạn ạ, của rẻ thường là của ôi, và điều không mất thời gian để vun đắp thường rất dễ tàn.
Good things take time
Good things take time

4. Tóm lại, mình đã giác ngộ cái quái gì về thời gian?

Cả 3 điều trên đều xoay quanh một sự thật cốt lõi - “thời gian là hữu hạn”.
Bởi thời gian là hữu hạn, chúng ta không thể ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc.
Bởi thời gian là hữu hạn, chúng ta phải chấp nhận rằng ta không thể lựa chọn tất cả phương án ta thích, mà cần chấp nhận đánh đổi để tập trung vào những điều thực sự quan trọng.
Và bởi thời gian là hữu hạn, ta nên dành nó để vun đắp những điều thật sự ý nghĩa với ta như gia đình, sức khỏe, sự nghiệp. Đây đều là những hạt giống được gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ của thời gian, và mỗi ngày ta đều phải tưới nước cho nó. Chỉ cần quên tưới nước vì mất kiên nhẫn, hoặc vì yêu thích các loài hoa sặc sỡ hơn, những hạt giống này sẽ khó có thể nở rộ như ta mong muốn.
Trước khi giác ngộ những điều này, mình từng tin rằng mình có thể đạt được mọi thứ nếu mình biết cách quản lý thời gian. Mình vừa tham gia hoạt động ngoại khóa, điều hành câu lạc bộ, vừa đi thực tập, học khóa học ở ngoài, mà vẫn muốn dành thời gian cho gia đình và bạn bè.
Kết quả là một thằng Triết không bao giờ thỏa mãn với cách nó sử dụng thời gian. Nó luôn mong muốn mình phải sử dụng thời gian tốt hơn, hơn nữa. Trong quá trình đó, chất lượng công việc của nó giảm sút, gặp bạn bè thì luôn trong tình trạng vội vã.
Nó cứ tưởng làm như thế là đang tận dụng tốt quỹ thời gian hữu hạn của mình; nhưng thực ra, nó chỉ đang đốt thời gian để nuôi sống giấc mơ về khả năng vô hạn của bản thân.
Tôi ngừng đốt thời gian, thay vào đó đốt luôn giấc mơ hão huyền của mình
Tôi ngừng đốt thời gian, thay vào đó đốt luôn giấc mơ hão huyền của mình

V. Một số nguyên tắc quản lý thời gian mà mình thấy thực sự hữu ích

Nhìn chung, mình tin rằng mục đích tối thượng của một hệ thống quản lý thời gian là để giúp chúng ta tập trung cho những điều thật sự quan trọng với mình. Bởi trong thế giới hiện đại, nếu ta không có chiến lược cụ thể cho thời gian của bản thân, sẽ rất dễ để người khác chiếm dụng thời gian của ta - những ứng dụng mạng xã hội, những cuộc vui với bạn bè, yêu cầu bất ngờ từ sếp,…
Trong phần này, mình sẽ điểm qua 4 nguyên tắc mà theo mình bất kỳ hệ thống quản lý thời gian tốt nào cũng nên dựa trên. 4 nguyên tắc này được mình tổng kết lại thành 1 từ viết tắt là CLGT (không phải từ bạn đang nghĩ đâu).
Lý do những nguyên tắc này hữu dụng với mình là bởi chúng giúp mình tự thiết kế ra những phương pháp quản lý thời gian của bản thân. Bạn không cần thiết phải theo những hệ thống phức tạp làm gì, bởi càng phức tạp bạn sẽ càng khó áp dụng.
Thay vào đó, từ những nguyên tắc này, bạn có thể xem xét các phương pháp quản lý thời gian được đề xuất trong các nguồn tài liệu khác, và chọn những phương pháp bạn thấy phù hợp với mình.

1. Chủ động

Một hệ thống quản lý thời gian tốt cần giúp chúng ta nắm quyền chủ động với thời gian của bản thân. Để dù có sự việc gì xảy ra ở tương lai, ta vẫn có thể dành thời gian làm những việc ta muốn.
Cụ thể hơn, một người chủ động với thời gian là người biết họ cần phải làm gì trong từng mốc cụ thể của một ngày. Họ sẽ có kế hoạch để sắp xếp tất cả những việc họ cần phải làm sao cho hợp lý, và quan trọng nhất là dành thời gian cho việc mà họ thật sự muốn làm.
Ngược lại, người bị động với thời gian sẽ luôn để mọi thứ tự xảy đến với họ mà không có sự chuẩn bị gì cả. Việc gì hiện lên trong đầu thì họ sẽ làm. Kết quả là họ sẽ luôn cảm thấy thiếu thời gian, bởi thời gian của họ đã bị chiếm bởi những email bất ngờ của sếp, bởi phút giây vô thức lướt mạng xã hội và rất nhiều yếu tố khác mà họ không chủ động kiểm soát.
Vậy làm thế nào để trở nên chủ động hơn với thời gian? Dưới đây là một số chiến lược cụ thể dựa trên nguyên tắc này.
Lưu ý, mình sẽ chỉ viết bản thân mình đã thực hiện những chiến lược này như thế nào, hy vọng các bạn sẽ đọc có chọn lọc và tự rút ra bài học cho chính mình.
1.1 Multi-scale planning (lên kế hoạch theo nhiều cấp độ)
Trước tiên, để giành quyền chủ động với thời gian, ta cần biết rõ ưu tiên của mình là gì trong từng thời điểm. Cụ thể, cá nhân mình thường lên kế hoạch cho những điều mình muốn đạt được vào đầu năm. Sau đó mình sẽ ghi ra những bước nhỏ mình cần phải làm để đạt được mục tiêu đó. Rồi từ những bước nhỏ này, mình sẽ lên kế hoạch tổng quan cho một tuần. Cuối cùng, mình sẽ dựa vào kế hoạch tuần để lên lịch cho một ngày của mình.
Ví dụ, đầu năm mình có một mục tiêu lớn là phát triển lượng người theo dõi trên mạng xã hội. Để đạt được mục tiêu này, mình chia nhỏ những bước mình cần làm là (1) Đăng ít nhất một bài mỗi tuần, (2) Một tháng viết ít nhất một bài trên 5000 chữ, (3) Quan sát những dạng nội dung nào hút độc giả để phát huy, cũng như thử nhiều thể loại nội dung mới.
Dựa trên 3 bước nhỏ này, mình sẽ lên kế hoạch cho tuần của mình (tất nhiên mình còn nhiều mục tiêu khác nhưng không tiện chia sẻ ở đây). Mình cố gắng không lên kế hoạch chung chung mà sẽ ước tính khoảng thời gian trong tuần mình sẽ dành cho đầu việc này (ví dụ, 7 tiếng 1 tuần viết bài). Sau đó mình sẽ sử dụng time block (kỹ thuật tiếp theo mình muốn nhắc đến), để cố định khung thời gian đó vào lịch của mình (1 tiếng mỗi ngày từ 8h - 9h tối)
Một lát cắt nhỏ từ lịch của mình
Một lát cắt nhỏ từ lịch của mình
1.2 Time Block (cố định thời gian)
Phương pháp này thực hiện khá đơn giản, nhưng sự tự do nó mang lại cho mình vô cùng lớn. Chúng ta chỉ cần xác định những điều mà ta muốn làm trong một tuần, và tạo một khung thời gian cố định trong lịch cho chúng.
Như mình đã viết ở trên, trước mỗi tuần mình sẽ xác định 1-3 ưu tiên, sau đó tạo một khung giờ cố định cho ưu tiên đó. Những ưu tiên của các bạn không cần, và không nên chỉ liên quan đến công việc. Bản thân mình còn để cố định thời gian dọn dẹp nhà cửa vào chiều chủ nhật, hay thời gian tập thể dục 3 lần một tuần.
Ngoài ra, buổi tối sau khi kết thúc ngày, mình cũng thường sử dụng Outlook Calendar để lên kế hoạch cho ngày tiếp theo. Trong lịch, mình ước lượng khung thời gian cố định cho hầu các hoạt động của mình, từ việc lớn như học tập, công việc, cho đến cả những việc khác như ăn uống, tắm rửa, thể thao.
Làm như vậy sẽ giúp mình đỡ mất năng lượng suy nghĩ tiếp theo phải làm gì. Hơn nữa, lên kế hoạch kĩ như thế sẽ khiến bạn nhận ra bạn có nhiều thời gian rảnh hơn mình nghĩ (thật sự đấy). Bạn có thể dùng những khung thời gian đó cho những việc bạn muốn làm, hoặc đơn giản chỉ là nghỉ ngơi.


Các bạn có thể tham khảo lịch Google Calendar anh Ali Abdaal chia sẻ trong một <a href="https://www.youtube.com/watch?v=NL2Vq32jyeo">video</a> của mình. Các bạn có thể thấy anh ấy lên kế hoạch cụ thể cho từng đầu việc quan trọng. Mình xin phép không chia sẻ lịch của mình vì nó có nhiều yếu tố cá nhân, nhưng về cơ bản mình cũng dùng phương pháp time blocking tương tự như vậy.
Các bạn có thể tham khảo lịch Google Calendar anh Ali Abdaal chia sẻ trong một video của mình. Các bạn có thể thấy anh ấy lên kế hoạch cụ thể cho từng đầu việc quan trọng. Mình xin phép không chia sẻ lịch của mình vì nó có nhiều yếu tố cá nhân, nhưng về cơ bản mình cũng dùng phương pháp time blocking tương tự như vậy.
“Thế lỡ một việc diễn ra lâu hơn chúng ta dự kiến thì sao?”
Bản thân mình hồi xưa cũng thường để khung thời gian quá ít cho việc mình cần làm. Lý do là bởi mình quá tự tin vào khả năng làm việc của bản thân, và mình cũng không tính đến những rủi ro có thể xảy ra (đang học thì “bìa uổn”, bạn gọi tới làm phiền,…).
Bây giờ mình đã rút kinh nghiệm bằng cách cho bản thân gấp 1,5 thời gian mà mình dự kiến hoàn thành công việc. Ví dụ, mình biết thông thường mình sẽ mất khoảng 1 tiếng để tập trung viết bài, nhưng mình thường cho bản thân một tiếng rưỡi để viết. Như vậy vừa giúp mình dự trù những tình huống bất ngờ, vừa cho mình cảm giác mãn nguyện khi có thể hoàn thành công việc trước khung thời gian đã đề ra.
“Tôi là một người linh hoạt, khung thời gian cứng nhắc như vậy không phù hợp với tôi đâu.”
Câu hỏi này sẽ dẫn chúng ta đến với nguyên tắc tiếp theo “Linh hoạt”.

2. Linh Hoạt

Nguyên tắc này mình sẽ không viết dài như các nguyên tắc khác, vì ý nghĩa của nó đã quá rõ rồi. Về căn bản, bạn lên kế hoạch không có nghĩa bạn phải nhất nhất theo nó. Nó sẽ chỉ đóng vai trò như ngọn hải đăng để giúp bạn không lạc lối giữa dòng thời gian. Còn nếu có việc gì khác bạn cảm thấy quan trọng hơn, bạn hoàn toàn có thể thay đổi kế hoạch của mình (nhưng hãy nghĩ kĩ vì đôi khi nó chỉ là cái cớ để bạn tránh làm theo kế hoạch mình đã đặt ra).
Bản thân mình ngoài việc lên lịch thì mình sẽ đặt ra 1-3 daily highlights. Đây là những việc mình bắt buộc phải sắp xếp thời gian làm trong ngày, chỉ cần làm được những việc này thì xem như mình đã có một ngày thành công.
Mình cũng sẽ để Daily Highlight của mình không quá khó để thực hiện, ví dụ như “viết 30 phút”. Làm như vậy sẽ khiến mình hết cớ để trốn tránh daily highlight, bởi mình cá là bận đến mấy thì mình cũng có thể dành 30 phút, thậm chí là 10 phút buổi sáng - 10 phút buổi chiều - 10 phút buổi tối, để viết.
Chỉ cần đảm bảo các bạn sẽ hoàn thành Daily Highlight, còn lại những khung thời gian khác bạn hoàn toàn có thể thay đổi kế hoạch dựa trên ưu tiên tại thời điểm đó.

3. Giới hạn

Ngay từ đầu, để tránh tình trạng quá tải tinh thần, bạn nên giới hạn những dự án/mối quan tâm/ mục tiêu mà bạn theo đuổi trong một thời điểm.
Bản thân mình thường sẽ chỉ đặt 3 mục tiêu liên quan đến công việc (thực ra mình đọc sách thì hầu hết các tác giả chỉ khuyên một hoặc cùng lắm là hai thôi, nhưng vì mình vẫn hơi tham =)))
Ví dụ, trong thời điểm hiện tại, 3 mối ưu tiên lớn của mình là công việc thực tập, viết lách, và điều hành câu lạc bộ. Mình sẽ không nhận thêm bất kỳ dự án nào khác, và nếu dự án mới này quá quan trọng thì mình bắt buộc sẽ phải tạm dừng một trong ba (thường mình sẽ dừng câu lạc bộ :))) để có thể nhận thêm nó.
Ngoài ra mình cũng có thêm một mục tiêu cho sức khỏe và một khung thời gian cố định để mình bồi dưỡng các mối quan hệ. Đến đây là hết. Mình sẽ để những mối quan tâm khác mà mình muốn theo đuổi như học ngôn ngữ mới hay viết tiểu thuyết (đừng bất ngờ) vào danh sách chờ, và cứ mỗi 3 tháng mình rà lại các ưu tiên để xem có gì cần thay đổi không.
Nguyên tắc này cũng phản ánh chủ đề chung của bài viết, đó là “vì thời gian của chúng ta là hữu hạn, ta cần phải hết sức cẩn trọng với những gì ta lựa chọn theo đuổi”.
Tránh theo đuổi nhiều dự án cùng một lúc
Tránh theo đuổi nhiều dự án cùng một lúc

4. Thư Giãn

Có lẽ chúng ta cũng không xa lạ gì với tác hại của việc làm việc quá sức với sức khỏe, chỉ là chúng ta không muốn thừa nhận nó mà thôi. Tác hại cực đoan, nhưng không phải là không xuất hiện, của làm việc quá sức là cái chết. Thậm chí, ở Nhật Bản, có hẳn một thuật ngữ gọi là “Karoshi”, nhằm chỉ tình trạng làm việc quá độ dẫn đến tử vong.
Vậy nên, theo mình, thời gian thư giãn và nghỉ ngơi có tầm quan trọng không thua gì thời gian làm việc.
Có 2 chủ đề mình muốn đào sâu trong phần này.
4.1 Thời gian rảnh
Cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra đã hoàn toàn thay đổi quan niệm của chúng ta về thời gian rảnh. Chúng ta được khích lệ phải tận dùng mọi phút giây ta có để gia tăng năng suất, để tối ưu hóa lợi nhuận. Hậu quả là một bộ phận không nhỏ những người tham vọng (trong đó có cả mình) luôn xem thời gian nghỉ ngơi là công cụ để gia tăng năng suất.
Có một thuật ngữ mình học được từ Podcaster Chris Williamson (2023) là “Productivity Purgatory” (ngục tù năng suất). Đây là tình trạng xảy ra khi chúng ta bị “hustle pỏn” ảnh hưởng, khiến tất cả mọi điều chúng ta làm chỉ phục vụ cho mục đích gia tăng năng suất hay sản sinh lợi nhuận.
Chúng ta bắt đầu viết lách, không phải vì thích viết mà vì muốn trở nên nổi tiếng; chúng ta đi bộ không phải vì tận hưởng quá trình; mà vì nghe được rằng đi bộ dưới ánh nắng sẽ giúp chúng ta điều chỉnh giấc ngủ tốt hơn (điều này là sự thật). Những điều kể trên không có gì là sai, thậm chí lúc mới bắt đầu chúng ta còn cần những động cơ này để thúc đẩy bản thân.
Nhưng, một câu hỏi quan trọng cần được đặt ra là: “làm như vậy để làm gì?”. Gia tăng năng suất để làm gì khi chúng ta còn không có thời gian để tận hưởng cuộc sống?
Việc xem tất cả sở thích như một công cụ để kiếm tiền hoặc để phục vụ mục đích khác dần sẽ khiến chúng ta mất đi sự tận hưởng nó. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến burn out trong thế kỷ 21.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng có một sở thích sẽ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe tinh thần (Li et al., 2019), (Mak et al., 2023). Có lẽ chúng ta cũng chẳng cần khoa học để chứng minh điều này. Ai cũng ngầm hiểu rằng việc có một hành động mà chúng ta yêu thích ngoài công việc là liều thuốc tốt giúp ta giải tỏa căng thẳng.
Nhưng, bạn thử tưởng tượng xem, nếu chúng ta gắn sở thích đó với một mục đích khác, ngoài việc tận hưởng nó, thì hậu quả sẽ ra sao? Lúc ấy, nếu mục đích đó không đạt kỳ vọng, sự tận hưởng của chúng ta với sở thích cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, nếu bạn viết vì tiền, vậy khi không kiếm ra tiền, bạn còn thích viết nữa không?
Vậy nên, trái với rất nhiều lời khuyên biến sở thích thành công cụ kiếm tiền của các chuyên gia Internet, mình nghĩ chúng ta nên giữ cho mình một hành động mà chúng ta chỉ làm vì thích thôi, chẳng vì bất kì điều gì khác.
Ai cũng nên có một hoạt động họ chỉ làm vì thích thôi, không vì lý do nào khác.
Ai cũng nên có một hoạt động họ chỉ làm vì thích thôi, không vì lý do nào khác.
4.2 Nghỉ ngơi đúng cách
Chúng ta thường nhầm lẫn giữa những hoạt động không tốn nhiều công sức để làm và hoạt động mang tính thư giãn.
Khi cảm thấy mệt, chúng ta thường chọn hoạt động tiện lợi nhất ta có thể nghĩ đến, đó là lướt điện thoại. Nhưng mình tin các bạn cũng nhận ra, càng lướt Instagram và Tiktok, các bạn càng cảm thấy mất năng lượng bởi vô vàn kích thích khác nhau, chứ không hề cảm thấy được thư giãn.
Mình tin rằng những hoạt động mang tính thư giãn chỉ có thể xảy ra bên ngoài màn hình, nơi không có bất kỳ nội dung nào được thiết kế để khêu gợi Dopamine của bạn.
Một số hoạt động có thể kể đến là: Đi bộ (tốt nhất là ngoài thiên nhiên), thiền định, nói chuyện với người thân, nằm nhắm mắt 10 phút (nếu bạn tự tin mình không ngủ luôn),…
Đây đều là những hoạt động vừa không mất quá nhiều công sức (trừ khi bạn lỡ bắt chuyện lúc người khác đang khó chịu), vừa giúp chúng ta phục hồi năng lượng của não bộ.
Bản thân mình từ khi chuyển trạng thái từ “lướt điện thoại mỗi khi học xong” thành “đi bộ hoặc nằm thư giãn”, mình cảm giác như có ai vừa lấy cục đá ra khỏi đầu. Tâm tri mình trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn.

Kết

Những điều mình vừa chia sẻ ở trên chỉ mất khoảng 30 phút để đọc thôi, nhưng mình đã phải chiêm nghiệm nó trong suốt 2 năm ròng rã, và mất khoảng 2 tuần để triển khai ý. Những phần mình chọn để chia sẻ cho các bạn chỉ là 1/5 của những gì mình nghiên cứu thôi.
Mình đầu tư thời gian và công sức cho bài viết này như vậy là bởi mình biết thời gian luôn mang ý nghĩa đặc biệt với mỗi chúng ta. Đối với người này, nó có thể là con số trên kim đồng hồ gây áp lực cho họ mỗi lúc muốn ngủ nướng; nhưng đối với người khác, thời gian lại tựa như một điệu nhạc trầm buồn, giúp họ lắng đọng những suy nghĩ rối ren của nội tâm. Còn đối với mình, thời gian như một người bạn thân lâu năm, bên nhau qua bao thăng trầm của cuộc đời.
Dù thời gian đối với bạn có là gì đi nữa, mình tin rằng sử dụng nó một cách đúng đắn là điều rất quan trọng, nhưng cũng không hề dễ. Chỉ một cuốn lịch, một to-do-list, hay thậm chí là một lòng quyết tâm sắt đá cũng không đủ. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có một góc nhìn mới về thời gian, để không chỉ “quản lý” mà còn thật sự làm bạn với nó.
Mối quan hệ của bạn với thời gian là gì?
Mối quan hệ của bạn với thời gian là gì?
Be curious,
Triet

Nguồn tham khảo:

Ali Abdaal (2023). 8 Simple Habits That Save Me 20+ Hours a Week. [online] YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=NL2Vq32jyeo [Accessed 20 Jul. 2024].
Cal Newport (2024). Jerry Seinfeld’s Unexpected Advice On Productivity & Cultivating A Deep Life | Cal Newport. [online] YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=1z717DGruw0 [Accessed 15 Jul. 2024].
Chris Williamson (2023). A Common Mistake Among Ambitious People. [online] YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=hzlir2l0wdo [Accessed 17 Jul. 2024].
Hall, J.A. (2018). How many hours does it take to make a friend? Journal of Social and Personal Relationships, [online] 36(4), pp.1278–1296. doi:https://doi.org/10.1177/0265407518761225.
Iyengar, S.S. and Lepper, M.R. (2000). When choice is demotivating: Can one desire too much of a good thing? Journal of Personality and Social Psychology, 79(6), pp.995–1006.
Li, Z., Dai, J., Wu, N., Jia, Y., Gao, J. and Fu, H. (2019). Effect of Long Working Hours on Depression and Mental Well-Being among Employees in Shanghai: The Role of Having Leisure Hobbies. International Journal of Environmental Research and Public Health, [online] 16(24), p.4980. doi:https://doi.org/10.3390/ijerph16244980.
Mak, H.W., Noguchi, T., Bone, J.K., Wels, J., Gao, Q., Kondo, K., Saito, T. and Fancourt, D. (2023). Hobby engagement and mental wellbeing among people aged 65 years and older in 16 countries. Nature Medicine, [online] 29, pp.1–8. doi:https://doi.org/10.1038/s41591-023-02506-1.
Schwartz, B. (2004). The paradox of choice : why more is less. New York: Ecco, An Imprint Of Harpercollins Publishers.