Nếu bạn gặp một người đang trong tâm trạng tiêu cực, ví dụ như đau buồn, bất an, hoảng loạn, mất kiểm soát, bạn sẽ nói điều gì với họ? Nếu câu trả lời của bạn là những gì đại loại như: Đừng buồn nữa, nín đi mà, bình tĩnh lại, không sao đâu,...thì có lẽ đã đến lúc bạn nên xem lại cách an ủi này rồi đấy. Nói một người đừng buồn nữa thì anh ta sẽ hết buồn sao? Hầu như trong rất nhiều trường hợp người được an ủi thậm chí còn buồn khủng khiếp hơn. Hoặc với trẻ con, nếu mình bảo chúng đừng khóc nữa thì chúng còn khóc to hơn. 
Trong tâm lí học có một khái niệm rất hay gọi là "Chỉnh khung nhận thức" (Reframing). Đúng như tên gọi, chúng ta sẽ thay đổi khung nhận thức của người cần được an ủi đối với vấn đề mà họ đang đối mặt. Để dễ hiểu hơn thì bạn cứ tưởng tượng mỗi người sẽ nhìn cuộc đời qua một ống kính máy ảnh. Chúng ta có thể chỉnh một số chi tiết trên máy để nhìn gần, nhìn xa, phóng to, phóng nhỏ, chỉnh bộ lọc, vân vân. Mỗi lần thay đổi sẽ lại có một góc nhìn khác nhau. Những người mang cảm xúc tiêu cực thì thường đang nhìn qua "khung" suy nghĩ tiêu cực, chúng ta sẽ giúp họ đổi "khung" để có một cái nhìn khác. 

Nhưng mà làm cách nào để có thể thay đổi được góc nhìn của họ, và liệu góc nhìn mới có thực sự tốt hơn, hay còn làm sai lệch và trầm trọng hơn vấn đề?

Đây đúng là một câu hỏi gây nhức đầu. Ý tưởng nghe thì đơn giản, nhưng thực sự áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày và trong trường hợp cụ thể thì vô cùng phức tạp. Khi mình tìm hiểu về khái niệm này, nhiều ví dụ nghe rất ổn, nhưng một số ví dụ có đôi chỗ mình thấy hơi cấn. Bạn đọc thử ví dụ dưới đây nhé:
Bạn của cô bé có thể không trả lời tin nhắn là vì bạn ấy bận hoặc không cầm theo điện thoại. Bạn cũng có thể giúp cô bé chỉnh khung nhận thức bằng cách nói, “Bạn của em có thể cần bình tĩnh lại trước khi nói chuyện với em vì em ấy rất quý mến em và không muốn nói điều gì xấu xí trong lúc đương tức giận.”

Thoạt đầu nghe thì có vẻ rất tích cực, nhưng về bản chất thì nó không khác gì với những câu như "Không sao đâu", "Chuyện không như cậu nghĩ đâu mà", "Cậu hiểu lầm rồi đấy, chứ A không có ý như vậy đâu". Bạn có biết không, mỗi lời bạn nói ra với một người đang trong tâm trạng dễ tổn thương như vậy đều rất quan trọng với họ. Nếu bạn không biết chắc sự thật, xin bạn đừng mượn danh nghĩa là an ủi/chỉnh khung nhận thức gì đó để đưa ra những suy đoán không có căn cứ như vậy. Họ sẽ lấy đó làm phao cứu sinh và rồi nếu sự thật không giống như vậy, họ sẽ đau buồn hơn rất nhiều lần. 
Sau nhiều lần "đau khổ" trải nghiệm những trường hợp như vậy, mình vẫn tin tưởng dùng phương pháp "Chỉnh khung nhận thức" này, nhưng trước khi dùng bất cứ khung nào, hay đưa lời nói, mình đều sẽ hỏi bản thân về mức độ chính xác của những gì mình sắp nói, hoặc đưa ra những câu hỏi gợi ý để người kia tự đưa ra kết luận. 
Chẳng hạn như các vấn đề trong gia đình, vì mình biết chắc rằng mọi người đều yêu thương nhau và mong muốn đem đến những điều tốt đẹp cho đối phương, có chăng chỉ là cách biểu đạt gây nhầm lẫn hoặc tổn thương, nên mình cảm thấy rất dễ dàng để áp dụng phương pháp này. 
Ví dụ chiều nay em trai mình ngủ trưa dậy trong giàn giụa nước mắt vì ba mình bắt nó phải ngủ thêm cho tới đúng 1h30 mới được dậy. Ba mình không phải là người dịu dàng, lời nói tuy không hề thô lỗ nhưng lại rất nghiêm, lời nói đơn giản thốt ra cũng nghe như là giận dữ, nên em mình đã cảm thấy uất ức và khóc như mưa. 
Lúc nó đi xuống mình hỏi ngay là tại sao khóc (Câu hỏi muôn thuở nhưng mà để có câu trả lời thì toát hết mồ hôi), có thể nó sợ ba chửi nên giấu, hoặc ngại, hoặc sợ bị chê cười, vân vân. Có một tip rất hay là mình sẽ bám vào một số từ khóa trong lời nói của nó, quan sát hiện trường rồi liên tục đặt ra nghi ngờ đến khi nó gật đầu đúng thì thôi. Sau khi đã xác định được nguyên nhân, mình chuyển sang giai đoạn tấn công. Câu chuyện như sau:
Vấn đề 1:
- Hôm qua ba và em đã thỏa thuận những gì?
- Ngủ trưa tới 1h30 dậy.
- Tốt lắm, vậy hồi nãy mấy giờ em dậy?
-*Suy nghĩ* Không nhớ, chắc là 1h hơn.
- Như vậy ai là người làm vỡ kế hoạch?
- Em...
- Như vậy ba giận dữ là đúng hay sai?
- *Lại suy nghĩ* Đúng...
Vấn đề 2:
- Sáng nay mấy giờ em dậy?
- 5h30.(Vì có đặt báo thức)
- Dậy sớm như vậy có phải trưa sẽ rất buồn ngủ không?
- Phải
- Mà lại còn ngủ quá ít nữa thì có phải sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe không?
- Phải. 
- Nên ba yêu cầu em quay lại giường ngủ thêm, là muốn tốt cho em hay muốn hại em?
- *Không suy nghĩ nữa mà bắt đầu gật đầu nhanh hơn*
Vấn đề 3:
- Nhưng mà con người chứ đâu phải cái máy, có thể nói dậy lúc 1h30 là dậy đúng giờ ấy luôn sao? Không buồn ngủ nữa thì phải dậy thôi.
- *Mắt sáng lên, tỏ vẻ như có người hiểu mình*
- Nhưng vốn dĩ ngủ hay nghỉ trưa đều như nhau. Nếu em không thể ngủ, có thể thả lỏng cơ thể, nhắm mắt nghỉ ngơi. Nếu dậy quá sớm mà trước đó đã thỏa thuận giờ giấc với người khác, thì để tôn trọng kế hoạch em cũng nên nằm im không ngủ, không được sao?
- Được...
Cỡ vấn đề thứ 2 là em mình đã hết khóc rồi, sau vấn đề cuối cùng thì nó còn không hiểu trước đó tại sao lại khóc luôn. 
Sau này khi nói chuyện với ba, mình hiểu thêm là lúc đó ba giận dữ vì còn một nguyên nhân khác. Sau này nếu em mình ở trong môi trường cộng đồng, sẽ có những giờ giấc sinh hoạt được quy định chung, nếu em mình thức giấc trước, lúc dậy không giữ ý tứ, tạo ra tiếng động làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của những người xung quanh. Nên ba mình muốn em mình tôn trọng những quy định chung, cũng như tôn trọng những thỏa thuận mà mình đã đồng ý. 
Qua ví dụ trên, mình nhận ra rằng "Chỉnh khung nhận thức" của người khác là một cách an ủi rất hay. Nhưng khi sử dụng mình cần phải có trách nhiệm hơn với lời nói, chỉ nói những gì mình quan sát và nhận thấy được, và nghiêng về việc đặt câu hỏi, nghi vấn, hoặc dẫn dắt để người khác tự kết luận. Những kết luận mà bản thân đưa ra sẽ có sức thuyết phục cao hơn.

Tuy nhiên đây là trường hợp khi người kia thật sự có ý tốt, nhưng nếu họ có ý xấu thì sao? 

Mình không muốn hủy hoại góc nhìn tích cực về cuộc sống của bất kì ai, nhưng phải thật sự nhìn nhận rằng ngoài lòng tốt thì cũng có rất nhiều tàn bạo và ác ý. Trở lại ví dụ về cô bé mà người bạn không trả lời tin nhắn kia. Lỡ bạn của cô bé thực sự ghét/khinh thường/không muốn nói chuyện với em thì sao, hoặc biết em là người nhạy cảm nên cố tình làm vậy để em hoang mang, lo lắng. Vì chúng ta thực sự không biết thực hư như thế nào, nên việc tùy tiện chọn một góc nhìn là rất nguy hiểm. Nó khiến con người ta không nhìn nhận thật sự vào bản chất vấn đề mà mù quáng tin vào một viễn cảnh tươi đẹp không có thật. Nếu người bạn kia thật sự như mình nói, thì hậu quả là cô bé kia sẽ vẫn tìm cách duy trì mối quan hệ toxic này, và không nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực của người bạn đó lên mình. 
Mình nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta hỏi cô bé: 
Em nghĩ lí do vì sao bạn ấy không trả lời tin nhắn? 
- Nếu đang cảm thấy tiêu cực, đa số câu trả lời sẽ là: Bạn ấy ghét em, chắc em làm sai gì rồi, bạn ấy chán chơi với em, em không quan trọng nữa, vân vân) 
Dấu hiệu nào khiến em nghĩ vậy? 
Nếu điều em nghĩ là thật, em tính làm gì?
- Đa số sẽ trả lời là em không biết (nữa). 
- Hoặc sẽ nói ra một vài cách giải quyết, nếu vậy thì nên giúp cô bé phân tích từng cách một, mục đích là luôn hướng cô bé tới những giải pháp tích cực. 
Sau đó mình sẽ chốt rằng:
- Ừm, suy đoán của em có thể đúng có thể sai, nhưng em có thể điều khiển suy nghĩ của người bạn kia về mình không? Nếu không, tại sao em không tập trung vào những gì mình có thể điều khiển được, ví dụ như ngừng ngồi khóc, ngừng lo lắng mà đi tìm một việc gì khác để làm, sau đó em có thể gửi thêm cho bạn một tin nhắn hỏi thăm nữa, nếu bạn ấy vẫn không hồi âm, thì có lẽ thứ bạn ấy cần là thời gian. Và đó cũng là tất cả những gì mà em có thể làm. 
Một đứa trẻ bị ba mình bỏ rơi từ khi lọt lòng, khi đủ lớn để nhận thức được việc này, cô bé ngồi trong góc phòng khóc cạn nước mắt. Cô bé thắc mắc, người đàn ông ấy sống cùng một khu với mình, nhưng tại sao chưa từng tới thăm, cũng không hề quan tâm tới sự tồn tại của cô bé, có phải cô bé không đáng được yêu thương hay không. Nếu bắt mình nói rằng, không phải đâu, chắc ông ấy có nỗi khổ riêng, ông ấy ngại, ông ấy sợ, vân vân thì mình không làm được. Rất may, người cậu của cô bé đã dẫn cô tới một bệnh viện và đợi hàng giờ để chứng kiến cảnh các gia đình vỡ òa trong hạnh phúc khi nghe tin một đứa trẻ chào đời. Người cậu bảo rằng:
- Cháu nhìn đi, lúc cháu chào đời, mọi người cũng vui như vậy đấy. 
- Thật không ạ? Lúc đó ai là người đã chạy ra chỗ bác sĩ ạ?
- Là cậu.
- Tuyệt quá!
Mỗi lần nhớ lại câu chuyện này là mình lại thấy cảm động. Cách an ủi độc đáo và tinh tế như vậy bao nhiêu người có thể làm được. Không chỉ trích, không thù hận, mà chỉ cho cô bé thấy đã có những người khác yêu thương và hạnh phúc với sự tồn tại của cô bé như thế nào, sự tồn tại của cô bé có ý nghĩa ra sao.
Trong truyện Archimedes Thân Yêu của Cửu Nguyệt Hy có đoạn:
Tôi không đồng ý có những người xếp khiêm tốn vào nhóm đạo đức tốt. Đối với nhà logic học mà nói, tất cả sự vật nên là dạng gì thì là dạng đó, đánh giá bản thân quá thấp cũng như phóng đại tài năng của mình, đều là trái ngược chân lý.
Và nó được trích từ tập "Cuộc phiêu lưu của người thông ngôn Hy Lạp" của bộ truyện Sherlock Holmes.
Mình rất ủng hộ quan điểm nên nhìn nhận đúng bản chất của con người, sự vật, sự việc. Nếu vô tình hay cố ý làm méo mó đi bản chất thì dù mục đích tốt đẹp về lâu dài cũng sẽ để lại hậu quả. Suy nghĩ tích cực cũng vậy, tích cực nhưng cũng phải dựa trên những cơ sở có thật, nhìn nhận, đánh giá đúng mức độ khó khăn, để có những giải pháp và cách tiếp cận đúng đắn. Đối với việc an ủi người khác trong lúc họ đang trải qua chuyện đau buồn, có thể áp dụng phương pháp "chỉnh khung nhận thức" ở trên, nhưng mỗi trường hợp thì có cách áp dụng khác nhau. Tuy nhiên, những điều cơ bản không bao giờ thay đổi với mình, đó là mình không đưa ra những lời suy đoán vô căn cứ, dù là mục đích gì đi chăng nữa.
Cảm ơn đã dành thời gian đọc những dòng suy nghĩ này của mình!

Đọc thêm: