Gần đây khi nói chuyện với gia đình và bè bạn, tôi nhận thấy là hình như họ đang hiểu nhầm mối liên hệ giữa tôi và Phật giáo. Mẹ tôi thấy tôi đọc sách Phật, nghe kinh Bát Nhã, lòng thì cứ sợ sau này tôi làm thầy chùa. Bạn bè thấy tôi ngồi thiền dăm ba hôm, nói chuyện về "tâm" với "duyên" một tí, miệng cứ mở ra là thiền sư và giác ngộ. Đúng là gần đây tôi có hơi hứng thú với Phật giáo thật, nhưng cái tâm thế của tôi đối với tôn giáo này đúng hơn là lòng đam mê khám phá tri thức khoa học chứ chưa hẳn là đức tin. Cũng không phải là tôi không tôn trọng cái tín ngưỡng đó, chỉ là tôi thích cái cảm giác đứng nhìn nó mang lại niềm tin về hạnh phúc, về ngày mai cho con người (như nhiều tôn giáo khác vẫn làm), hơn là phải tự trói buộc mình trong những quy tắc và giới luật để đắc đạo hay chứng quả gì đó. Nhưng thôi, thay vì bù lu bù loa câu chuyện của mình, tôi nghĩ show cho họ tôi tìm thấy gì, tôi thích cái gì thì vẫn hơn, để nhỡ sau này có ai đó quan tâm tôi thấy tôi đi tòa thánh hay nhà thờ, họ cũng đỡ phần khó hiểu tại sao. Và còn gì bằng nếu tôi bắt đầu với "Ngũ Uẩn", một công cụ mà tôi nghĩ rằng khá hữu ích cho quá trình tìm hiểu tâm trí của chính mình sau này.

Ngũ Uẩn là gì và cơ duyên gặp Ngũ Uẩn


Không biết có bạn nào giống tôi không, ngày bé tôi đã thích quan sát và đánh giá thái độ cũng như tính cách của những người tôi gặp. Thoạt đầu là chỉ để nhìn người mà tu chỉnh lại mình, hoặc là kiểu chọn bạn để chơi, nhưng càng về sau thì tôi lại càng thắc mắc không hiểu tại sao mỗi người đều có một tính cách riêng biệt như thế. Với một thằng nhóc ám ảnh về việc phải thấu hiểu như tôi, tôi cảm thấy thật khó chấp nhận khi phải quy kết những hành động của họ bằng một phán xét đúc kết từ phía bản thân mình, tức là nó sẽ chủ quan chứ không khách quan. Họ nghĩ gì trong đầu, có nghĩ giống tôi không? Ở trong cùng một trường hợp, tại sao họ lại phản ứng như vậy còn tôi thì không? Biết là nhiều thứ đã tạo nên thái độ của họ, nhưng chúng là gì và phương thức hoạt động của chúng ra sao? Cái cảm giác chưa thấu hiểu hết một ai đó luôn khiến tôi phải ở lại khá lâu trong những mối quan hệ mà tôi đánh giá cao, hoặc tôi thường dễ rơi vào stress khi cố hiểu lý do tại sao một người nào đó lại đối xử tệ với tôi. Nghe thì có vẻ phức tạp và tốn thời gian, nhưng tôi không thoát ra được và cũng chẳng muốn thoát ra, tôi thật sự muốn tìm cho ra một thứ gì đó khoa học và có hệ thống để giải thích những phiền toái này của chính mình.
Đã có khoảng thời gian tôi khá hứng thú với một lý thuyết cho rằng 3 yếu tố chính để quyết định tính cách con người là di truyền, quá trình nuôi dưỡng và môi trường sống. Về quá trình nuôi dưỡng và môi trường sống thì chắc không cần bàn luận nhiều, còn về di truyền thì tôi nghĩ là do đúc kết từ các thành tựu của công nghệ sinh học, cơ bản là việc thừa hưởng gen từ bố mẹ sẽ ảnh hưởng đến cấu tạo não hay gì đó, và từ đó hình thành nên khả năng suy nghĩ của đứa trẻ sau này (các bạn có thể tham khảo kỹ hơn về sinh trắc học vân tay). Ban đầu thì đúng là tôi có hứng thú với lý thuyết này, nhưng về sau tôi cảm thấy nó đã không còn phù hợp để tôi áp dụng trong việc xây dựng lối sống riêng cho mình. Các bạn có để ý ở đây không, cả ba yếu tố này đều bắt nguồn từ phía bên ngoài tâm trí của chúng ta. Và chúng mặc nhiên kết luận rằng hầu như chúng ta không có quyền quyết định về tính cách cũng như thái độ của chính bản thân mình. Tạm thời hãy khoan bàn đến những đứa trẻ tật nguyền và hạn chế về khả năng suy nghĩ, nhưng nếu xét một đứa trẻ khỏe mạnh về tư duy nhưng không được dạy dỗ đàng hoàng về kỹ năng giao tiếp, chẳng lẽ cả quãng đời  trưởng thành còn lại của mình, đứa trẻ ấy phải luôn chịu cảnh cục mịch hay luôn phải từ chối các cơ hội phát triển chỉ vì không dám nói ra ý kiến cá nhân. Hơn nữa, sẽ ra sao nếu những kẻ tù tội viện cái cớ kia để bôi xóa đi những suy nghĩ lệch lạc xuất phát từ chính bản thân họ. Thứ nhất, rõ ràng là thế giới ngoài kia không hoạt động như vậy, và một lý thuyết muốn được công nhận cần phải đáp ứng nhiều nhất có thể việc giải thích các sự kiện thực tế. Thứ hai, tôi nghĩ việc phải lệ thuộc vào môi trường bên ngoài để hình thành suy nghĩ của tâm trí sẽ ảnh hưởng đến một trong những quyền lợi cơ bản của con người, đó là quyền tự chủ, rằng chúng ta có quyền tư duy độc lập và rèn luyện bản thân để trở thành con người mà chúng ta mong muốn. Dần dà tôi không còn hứng thú dùng lý thuyết trên để tìm hiểu bản thân, tôi cần thay đổi góc nhìn của mình, một góc nhìn xuất phát từ chính tâm trí của tôi có vẻ sẽ hợp lý hơn hẳn (đó cũng là một phần lý do khiến tôi xăm chữ "Tâm" trên cánh tay phải). Cơ duyên đầu tiên là Nguyễn Hữu Trí và cái tâm đắc của anh về quyển sách "7 thói quen cho người thành công". Cơ duyên thứ hai mới chớm gần đây là Thiền và Phật giáo. Ban đầu là vì muốn tĩnh tâm, nhưng khi đi càng sâu vào những triết lý trong tôn giáo này, tôi lại càng thấy phấn khởi vì tìm được thứ mình đang cần, Ngũ Uẩn, một bộ khung vừa đủ để tôi thấu hiểu cũng như phân tích tư duy của chính mình.
Khái niệm này bao gồm 5 khái niệm nhỏ hơn là Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng, à nhầm, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Theo hiểu biết của tôi đến giờ thì tôi xem chúng như 5 bước mà con người tiếp nhận các dữ liệu từ môi trường bên ngoài và ghi khắc vào tâm trí của chính mình. Nếu các bạn để ý, mọi cảm xúc buồn vui, thoải mái hay đau khổ, mọi sự vật hiện tượng từ chiếc xe hay con gà, chồng ngoại tình hay người yêu chia tay, tất cả đều chỉ đang tồn tại dưới dạng các thông tin được não (hay "Danh" theo Phật giáo) thu thập và xử lý. Và thay vì mưu cầu tìm thấy sự hạnh phúc những thứ tồn tại ở môi trường bên ngoài (mong một người yêu ta chẳng hạn), tại sao chúng ta không quay về và tìm hiểu lại cơ chế tiếp nhận cũng như khởi sinh những muộn phiền từ tâm trí chúng ta? Có thể việc đó sẽ không khiến chúng ta hạnh phúc ngay lập tức, nhưng tôi vẫn tin thấu hiểu luôn là bước đầu tiên cần làm để vơi đi buồn khổ (trùng hợp là theo Phật giáo thì Chánh Kiến cũng đứng đầu trong Bát Chánh Đạo). Thôi không lòng vòng nữa, từ bây giờ bạn hãy tưởng tượng tâm trí con người như một cỗ máy chuyên xử lý những thông tin bên ngoài, tôi sẽ cố dùng vài chữ cỏn con của bản thân để giải thích phương thức hoạt động của các "Uẩn" theo cách hiểu của mình.

Sắc


Sắc là bước đầu tiên để tâm trí chúng ta tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Theo quan niệm của nhà Phật, tất cả chúng sanh bao gồm cả con người đều được cấu tạo từ 2 phần chính là Danh (tâm trí) và Sắc (cơ thể vật lý). Một cơ thể hoàn chỉnh sẽ được trang bị đầy đủ 6 căn hay 6 giác quan như chúng ta vẫn thường hay gọi (việc một cơ thể không hoàn chỉnh sẽ được giải thích bằng những khái niệm khác trong Phật giáo). Các thông tin từ bên ngoài sẽ thông qua 6 giác quan này mà tương tác trực tiếp với tâm trí của chúng ta, từ đó hình thành nên bốn Uẩn còn lại trong tâm trí. Hãy nhìn hình bên dưới và để ý cho thật kỹ, ngoài 5 giác quan thường thấy trong những quyển sách giáo khoa sinh học là Mắt (Nhãn), Tai (Nhĩ), Mũi (Tỷ), Lưỡi (Thiệt), Xúc giác (Thân), chúng ta còn có thêm một giác quan nữa là Ý. Và cũng giống như việc Mắt tiếp nhận hình ảnh, hay Tai tiếp nhận âm thanh, thì Ý cũng chịu trách nhiệm cho một loại thông tin riêng biệt, đó là Pháp. Theo tôi cũng không nên nghe Pháp mà nghĩ sâu xa về các giáo lý này nọ, Pháp đôi khi đơn giản là những suy nghĩ mà chúng ta đúc kết được trong đời thường kiểu như: "Trong quan hệ tình cảm, con trai lúc đầu yêu nhiều hơn, con gái lúc sau yêu nhiều hơn" hay "Đạo Hồi là một đạo giáo mang chủ nghĩa độc thần". Hãy tạm khoan bàn về tính đúng sai của những ví dụ trên, sẽ thật là thiếu sót nếu ta không thấy được rằng ngoài những thứ như hình ảnh và âm thanh, thì hằng ngày chúng ta cũng đang tiếp nhận vào tâm trí mình những luận lý logic hay những định luật, quy tắc nào đó. Việc hiểu thêm về Ý và Pháp đối với tôi cũng đã đủ để tôi xem người đàn ông 35 tuổi năm xưa giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề là một idol đích thực. Nhưng vì vậy mà dừng tìm hiểu thì tiếc quá, vì quả thực những triết lý của Đức Thích Ca thật sự rất hấp dẫn.

Thọ


Nếu chúng ta xem Sắc là quá trình thu thập dữ liệu, thì ta có thể tạm gọi Thọ là quá trình tiếp nhận và phân tích dữ liệu. Thọ chính là giai đoạn mà tâm trí của chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự sai khác hay thay đổi của các nguồn thông tin theo thời gian. Để có thể hiểu rõ hơn về Thọ, tôi đã chia các thông tin đến từ 6 căn ra làm hai loại: các cảm nhận vật lý và các cảm nhận về tâm lý. Các cảm nhận vật lý thường sẽ được chuyển về từ 5 giác quan vật lý của cơ thể. Tại quá trình này, tùy vào lý tính của từng loại dữ liệu, Thọ sẽ giúp tâm trí của chúng ta nhận ra rằng các sự vật hiện tượng bên ngoài đang dần dà thay đổi. Ví dụ, khi chúng ta đang ở trong một không gian yên tĩnh, nếu có tiếng xe chạy lại gần ta, ta sẽ lập tức cảm nhận được sự sai khác đó. Hay khi bị một vật nóng hoặc lạnh chạm vào cánh tay, ta cũng sẽ lập tức cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ đang tác động lên da của mình. Cần phải làm rõ là Thọ chỉ giúp ta nhận thức được sự thay đổi lý tính của các tác nhân bên ngoài, còn việc nhận ra nó là gì và phản hồi nó ra sao thì sẽ là nhiệm vụ của các Uẩn còn lại. Còn về các cảm nhận tâm lý, tôi cho rằng nó sẽ liên quan đến giác quan còn lại trong một cơ thể hoàn chỉnh, Ý. Phải thú nhận rằng tôi đã rất chật vật khi muốn thấu hiểu về "ý thọ", tức việc Ý giúp tâm trí ta thụ cảm các thay đổi của Pháp từ các môi trường bên ngoài. Nhưng nếu bạn chịu khó để ý suy nghĩ của bản thân một chút, ví dụ khi chúng ta yêu chẳng hạn, chắc hẳn là bây giờ chúng ta đã cảm nhận về tình yêu khác cái cách chúng ta nhìn nó 2-3 năm về trước. Hoặc cụ thể hơn thì có thể lấy việc tôi thay đổi góc nhìn về tìm hiểu tính cách cá nhân (được nhắc đến trong phần đầu) để làm ví dụ cho sự thay đổi của các Pháp đối với tâm trí của chúng ta. Bàn rộng ra một chút, chúng ta có thể thấy "sự trưởng thành" về bản chất là việc Ý của ta đang tiếp nhận một Pháp tiến bộ hơn cái chúng ta có ngày trước. Vì vậy, tôi nghĩ để có thể phát triển chính chắn hơn trong đời sống xã hội, con người cần phát triển khả năng tiếp nhận các thông tin tư duy bằng cách trau dồi liên tục các phương thức hoạt động của Ý, có thể kể đến như lắng nghe nhiều hơn hay mượn những góc nhìn của người xung quanh để chiêm nghiệm những vấn đề của cá nhân chẳng hạn.
Khi tìm hiểu sơ qua về các quá trình của nhận thức trong Tâm lý học hiện đại, tôi có thấy qua một khái niệm là "cảm giác". Đây được xem là hình thức phản ánh tâm lý sơ đẳng và đơn giản nhất của quá trình nhận thức, tức là thay vì bắt đầu bằng Sắc rồi mới tới Thọ như theo Phật giáo, thì "cảm giác" sẽ là bước đầu tiên của nhận thức (cảm giác nghe, cảm giác nhìn,...). Vì chưa thật sự hiểu rõ cả hai bên, nên tôi cũng không muốn đánh giá xem hai bên đúng sai thế nào. Tôi đề cập đến ở đây vì thấy được sự liên kết giữa những khái niệm này, còn phải quấy thế nào, mong bạn đọc có thể dựa vào khả năng tìm hiểu của bản thân mà đánh giá.

Tưởng


So sánh với tâm lý học phổ thông, ta có thể xem Tưởng Uẩn là cấp độ nhận thức của tri giác. Đây sẽ là quá trình mà tâm trí của chúng ta tiến hành nhận ra hoặc đánh giá các thông tin đến từ môi trường bên ngoài. Cũng giống như Thọ, tôi cũng đã chia chức năng tri giác trong tâm lý học Phật giáo ra làm 2 đối tượng: đối tượng vật lý và đối tượng tâm lý. Đối với các đối tượng vật lý, Tâm lý học cho rằng tri giác là một quá trình tâm lý phản ánh trọn vẹn và hoàn chỉnh sự vật. Tính biết trọn vẹn là do sự tham gia của kinh nghiệm và sự hiểu biết. Nhờ đó ta tri giác sự vật rất nhanh mặc dù mới thoáng nhìn qua sự vật hoặc một vài bộ phận của sự vật bị che lấp.  Kinh nghiệm không chính xác thì tri giác con người sẽ bị phạm sai lầm. Và với Tưởng Uẩn trong Phật giáo cũng vậy, nhờ vào Tưởng mà chúng ta nhận biết được rõ ràng một sự vật hiện tượng nào đó. Ví dụ như khi nghe thấy tiếng xe chạy lại gần mình, dựa vào độ trầm bổng, to nhỏ đúc kết từ Thọ, ta có thể phán đoán bằng kinh nghiệm để biết xem loại xe nào đang tiến về phía mình. Còn đối với các đối tượng tâm lý, ví dụ rõ ràng nhất có lẽ là khi chúng ta nhanh chóng hình dung diễn biến của một câu chuyện hay dễ dàng đánh giá nhân cách của một con người thông qua việc quan sát các hiện tượng kết hợp với các kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân. Nhận ra các ý nghĩ dựa vào các định kiến có sẵn sẽ rất hữu ích trong việc giúp chúng ta đề phòng sự thao túng của các suy nghĩ độc hại (ví dụ khi ta không nghe theo lời dụ dỗ của các tổ chức đa cấp lừa đảo), nhưng nếu định kiến đã trở nên sai lầm hoặc cổ hữu, nó cũng sẽ khiến ta đánh giá sai lệch những thông tin bên ngoài (hiểu lầm về tính cách của một ai đó chẳng hạn). Vì vậy, bài học với riêng bản thân mình, tôi sẽ cố gắng không quy chụp quá nhanh một câu chuyện nào đó hoặc tỏ thái độ phán xét với hành động của một ai đó. Nếu người hoặc câu chuyện đó thật sự khiến tôi quan tâm, với một cái tôi khá lớn của bản thân, tôi ý thức được việc mình phải lắng nghe nhiều hơn thay vì đánh giá vội vã dựa trên kinh nghiệm cá nhân, vì chắc là tư duy của tôi sẽ không bao giờ chính xác được toàn phần.

Hành


Tất cả chú ý, đây sẽ là giai đoạn mà chúng ta dùng để "tạo nghiệp" trong quá trình sống hằng ngày. Sau khi đã nhận thức rõ được sự tồn tại của một sự vật hiện tượng, tâm trí chúng ta sẽ tiến hành đưa ra các phản hồi tâm lý đối với các sự vật hiện tượng đó. Các phản hồi này được chia ra làm ba dạng chính là Ý Hành, Khẩu Hành và Thân Hành (tương ứng thì chúng cũng gây ra 3 loại nghiệp cơ bản của con người là Ý Nghiệp, Khẩu Nghiệp, và Thân Ngiệp). Ý Hành sẽ bao gồm tất cả các ý nghĩ hay cảm xúc của chúng ta đối với các tác nhân bên ngoài. Các ý nghĩ này có thể lần lượt là vui, buồn, ghét, giận, ủng hộ, chối bỏ hay mặc kệ,... Tùy vào ý nghĩa của từng thông tin riêng biệt và kinh nghiệm sống của bản thân mà chúng ta sẽ sẽ có những phản ánh về tâm lý khác nhau. Tại sao lại liên quan đến kinh nhiệm sống? Ví dụ đơn giản thế này, vì nhiều nguyên do khác nhau, một đứa bạn tôi sẽ thấy sợ hãi khi gặp một con chó hơn là chạy lại vuốt ve như một đứa bạn khác hay làm. Ta có thể thấy rõ ràng việc yêu hay ghét một con chó không nằm từ phía con chó mà xuất phát từ phía tâm trí của chúng ta, do vậy có thể các cảm xúc chúng ta đều chịu ảnh hưởng từ các kinh nghiệm cá nhân chứ không phải do các tác nhân bên ngoài. Khẩu Hành và Thân Hành ý chỉ những lời nói và hành động mà chúng ta sẽ dùng để phản hồi lại các nguồn thông tin. Và cũng giống như Ý Hành, hai Hành này cũng phản ánh lên được cách nhìn nhận cuộc sống của tâm trí chúng ta. Không có một cơ chế tự nhiên nào ủng hộ việc "do anh ép tôi quá nên tôi mới nặng lời với anh như vậy" hay "do mẹ chiều tôi quá tôi mới sinh hư đấy". Cho nên để có thể trưởng thành hơn, chúng ta cần phải ý thức thật rõ trách nhiệm của bản thân trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Để có thể trở thành con người chúng ta mong muốn, việc cấn thiết đầu tiên nên là tự kiểm soát cũng như mài dũa lấy tư duy của chính mình. Đến một ngày khi đã đạt đến một ngưỡng nào đó, ý nghĩ, lời nói cũng như hành động của chúng ta cũng sẽ tự khắc tốt đẹp lên thôi.

Thức


Đối với quan điểm cá nhân, tôi xem Thức là quá trình quan trọng nhất trong việc hình thành tính cách con người. Tôi đã đề cập đến khá nhiều về kinh nghiệm sống trong các phần trước, chúng ta biết một sự vật là xe hay gà, một hiện tượng là chồng ngoại tình  hay người yêu chia tay đều nhờ vào kinh nghiệm. Nghĩa là một đứa trẻ sẽ không thể chỉ vào một con vật để kêu nó là gà nếu đứa trẻ đó chưa được dạy cho sự hiểu biết về gà, hay một người phụ nữ sẽ không đau khổ vì một người đàn ông vào khách sạn cùng một người phụ nữ khác khi cô không có một hệ các ký ức để khẳng định người đàn ông kia là chồng mình. Qua quá trình tiếp xúc liên tục với các tác nhân bên ngoài, các Uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành sẽ góp phần xây dựng nên Thức, một nền tảng về tâm trí mà sau này chính các Uẩn kia cũng sẽ sử dụng nó để tiếp tục tương tác với môi trường bên ngoài. Hay nói cách khác đơn giản hơn, mọi sự vật hiện tượng ngoài kia đều vô tri vô giác, nhưng chúng ta dựa vào kinh nghiệm tích lũy của mình sẽ đặc biệt yêu hoặc đặc biệt ghét một sự vật, đặc biệt tin tưởng hay đặc biệt ngờ vực một hiện tượng nào đó. Dựa vào 6 căn của cơ thể người, chúng ta sẽ có 6 Thức được trải đều và nằm ẩn sau các giác quan, 6 Thức đó bao gồm: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và một cái tên nghe có vẻ gần gũi là Ý Thức. Nhãn Thức có thể giải thích cho việc vì sao cùng là các sự vật như nhau, nhưng cô bạn tôi sẽ có phần phấn khởi hơn khi cô nhìn thấy được cầu vồng, gấu trúc hay hoàng hôn. Nhĩ Thức giải thích cho việc cùng là các nguồn âm thanh gây rung động màng nhĩ, tại sao một người lại thích nghe một bài Rap hay EDM sôi động hơn là phải nghe một bản cải lương tuồng cổ. Cứ dần dà như vậy, ta cũng sẽ có thể hiểu được vì sao có một số người lại tôn trọng Ý Thức bảo vệ môi trường đến như vậy còn một số thì lại không. Điểm mấu chốt mà tôi muốn nhắc đến là gì, tôi đã cảm thấy hơi phũ phàng với chính mình khi hiểu ra được các cảm xúc mà bản thân đặt lên một sự vật hay hiện tượng nào đó đều là chủ quan. Và đúng là thật khó chấp nhận khi nghĩ rằng mọi thứ giữ cho tôi cố gắng phấn đấu phát triển thật ra không mang một ý nghĩa nào cả, tất cả đều do tôi dựng lên cho mình một tấm màn vô minh và cái các Thức vào cho chúng. Nhưng tạm thời tôi sẽ cố gắng bỏ qua được ý nghĩ về việc từ bỏ các Thức, vì muốn cũng chưa chắc là làm được, nhưng thay vì để mặc cho Thức xây dựng nên cho tôi những tính cách tiêu cực, tôi sẽ cố gắng tự chủ bản thân trong việc kiểm soát Ngũ Uẩn hướng đến cho đến cho mình một tính cách tốt đẹp. Để khi đến một ngày nào đó tôi mệt mỏi và không còn đủ khả năng tự chủ được mình, tôi vẫn có thể yên tâm chấp nhận vì mình đã làm được hết những gì có thể.

Các lưu ý cá nhân


Mục tiêu ban đầu của bài viết này thật sự chưa được xác định rõ ràng, một phần vì tôi muốn chia sẻ cho bạn đọc biết những tìm hiểu của mình, mặt khác cũng muốn nói lên với những người xung quanh tôi là tôi vẫn chưa quy y cửa Phật. Nhưng tuyệt nhiên nó không phải nhằm mục đích truyền thụ một giáo lý nào đó, mong bạn đọc có thể giữ được cái nhìn khách quan để tiếp nhận cũng như đánh giá các nguồn thông tin mà tôi muốn chia sẻ. Ngoài ra, mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng tôi không chắc là bản thân đã hiểu đúng hay hiểu kỹ về các khái niệm này. Phương thức của tôi cũng chỉ đơn giản là tìm hiểu nhiều nhất có thể và sắp xếp những dữ liệu tìm được. Nên nếu độc giả nào thật sự quan tâm đễn những khái niệm này, mong các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn để củng cố lại kiến thức của mình. Cuối cùng, vẫn mong tất cả các bạn có thể ủng hộ sẵn sàng chờ đón các bài viết mới của tôi trong thời gian tới. Cảm ơn các bạn đã xem qua bài viết này!

Đọc thêm: