Mình cũng biết nhớ Sài Gòn rất nhiều. 
Đó giờ, hình ảnh Sài Gòn trong mình, luôn là thành phố nhộn nhịp, xô bồ, đa văn hoá. Mọi người đổ dồn về Sài Gòn để lập nghiệp, mưu sinh, mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Từ những ngày bé còn đến trường, học sinh tụi mình vẫn luôn đều đặn vài tháng quyên góp cho đồng bào lũ lụt miền Trung hay bà con miền Tây ngập mặn. Nếu ví von vui vẻ, Sài Gòn dường như là “con nhà người ta” mà các vùng miền khác đều muốn học tập theo. 
Đến lúc mình đi du học, Sài Gòn vẫn luôn hiện về với hình ảnh tráng lệ như nó đã từng. 
Thời điểm hiện tại, phải gần hai-năm rồi, mình chưa quay lại Sài Gòn, vì dịch bệnh. Có thể Sài Gòn vẫn xa hoa như xưa, hoặc có thể Sài Gòn đã phát triển đến mức nào đó, mà mình chưa kịp hấp thụ miếng nào. Nhưng, qua các báo chí, mạng xã hội, Sài Gòn chưa từng “đánh mất bản chất thật của mình” bao giờ.
Cho đến khi chỉ thị mười-sáu được áp dụng toàn thành phố.
Trên mấy trang báo giờ đây, không còn về quán trà sữa mới nổi, không còn về khu trung tâm thương mại sầm uất, không còn về dăm ba cái cãi cự của mấy cô ca sĩ diễn viên. 
Mọi người, bắt đầu tập trung về Sài Gòn, với biết bao câu chuyện cảm động về tình người. 
Thằng bạn mình, 20 năm cuộc đời, sống với danh phận “con trai cưng”. Bố làm lớn, mẹ nội trợ, chị gái lại đảm đang, chẳng bao giờ nó phải động tay-động chân bất kỳ một chuyện gì. Vậy mà, đợt dịch này, nó cũng tình nguyện tham gia đội xét nghiệm của trường đại học. Đối với nó, dù mới là sinh viên năm 2, nhưng, tuổi trẻ-mạnh khỏe, giúp gì cho thành phố được thì cứ giúp hết sức mình. 
Mấy cô chú miền Trung, nửa-năm trước, còn phải “đau đầu” đối mặt với lũ lụt. Vậy mà hôm nay khắp trên báo, đâu đâu cũng chỉ thấy hình ảnh mấy cô chú rôm rả chuẩn bị đồ ăn, thức uống, để cho kịp chuyến xe cứu trợ vào Sài Gòn. Vì: “Hồi đó người ta giúp mình rồi, nay người ta khó khăn, mình phải giúp lại người ta chứ”.
Hay tự nhiên, biết bao nhiêu bếp tình nguyện nổi lên, để giúp đỡ những bà con khó khăn sống tại Sài Gòn, mùa dịch khó khăn không thể mưu sinh, thì vẫn có thể có chỗ “nương tựa” lẫn nhau qua cơn đói này. Chẳng riêng gì mấy căn bếp tình nguyện đó, còn biết bao mạnh thường quân ủng hộ mì gói, rau củ, gạo, tiền bạc, với mong muốn giúp được càng nhiều người càng tốt. 
Và không thể không kể đến biết bao nhiêu y-bác sĩ, Sài Gòn, hay cả nước, ai ai cũng phải hy sinh cuộc sống riêng tư cá nhân của mình, mà hết lòng-hết dạ, góp sức giúp đỡ Sài Gòn vượt qua cơn đại dịch này. 
Mỗi trường hợp mình kể trên, đều là những cá nhân khác nhau, nhưng tất cả đều chung một thứ, tình đồng bào. 
Có một phần ở Sài Gòn mà mình sẽ mãi luôn nhớ về
Có một phần ở Sài Gòn mà mình sẽ mãi luôn nhớ về
Mình là người Sài Gòn, mình sinh ra, lớn lên, sinh sống ở Sài Gòn, cho đến trước khi đi du học. Mình yêu Sài Gòn như yêu từng thớ thịt, từng khúc máu chảy qua con người mình. Nhưng thú thật, biết bao nhiêu năm ở Sài Gòn như vậy, mình chỉ biết nhận, mà chưa bao giờ trả lại Sài Gòn điều gì. Đến cả bây giờ, khi Sài Gòn có vẻ cần mình nhất, mình lại không thể giúp gì. 
Mình cũng biết nhớ Sài Gòn thật nhiều. 
Mình “khát khao” cảm giác được tình nguyện giống thằng bạn, để thấy rằng dù mệt, nhưng vẫn được giúp đỡ chút gì đó cho thành phố quê hương. Mình muốn cảm giác được hiến mình cho mấy căn bếp tình nguyện, để thấy ít ra, cuộc đời mình còn may mắn hơn biết bao nhiêu người. Mình muốn cảm giác được ở yên trong nhà, dù hơi bí bách, nhưng ở yên, cũng như đang góp một phần nhỏ “chữa bệnh” cho Sài Gòn vậy. 
Mình cũng biết nhớ Sài Gòn thật nhiều. 
Cảm giác đứng ngoài mọi sự việc, cảm giác bất lực trước tình hình căng thẳng này, thật không mấy dễ chịu. Điều duy nhất mình có thể làm lúc này, là hy vọng Sài Gòn sẽ bình thường trở lại, như nó đã từng.
Nhưng dù thế nào đi nữa, mình vẫn luôn yêu Sài Gòn như trước giờ, mình vẫn luôn dành mọi điều tốt đẹp nhất, cho Sài Gòn. Vậy nên, mình tin rằng, Sài Gòn sẽ khoẻ lại thôi, nhất định sẽ khoẻ lại. Vì cầu vồng chỉ đến sau cơn mưa, phải không. Và ắt hẳn, phải nhờ mấy dịp như vầy, mọi người mới nhận ra: “Sài Gòn dù thế nào, cũng chỉ là một thành phố bình dị, vẫn luôn cần mọi người biết yêu thương, giữ gìn và cống hiến, bằng tất cả mọi tình yêu của mình.
Hình được chụp năm 2016
Hình được chụp năm 2016