Mình có bất hiếu với mẹ khi thích đi “phượt”?
Bài viết nói lên quan điểm của cả mẹ và mình về chuyện mình đi “phượt” cùng những thứ xung quanh.
Mẹ năm mới nhiều sức khỏe ạ
Lời đầu tiên
“Phượt” là gì?
“Phượt” trong bài viết là nói về một chuyến đi bằng xe máy nhằm tận hưởng và trải nghiệm hành trình và những thứ xung quanh như con đường, khung cảnh mà không quan trọng đích đến.
Vậy thì, một chuyến đi từ Sài Gòn thẳng ra Đà Lạt bằng xe khách không phải, và cũng không nên gọi là phượt. Còn một chuyến đi từ Bình Thạnh đến quận 7 bằng xe máy nhằm tận hưởng kẹt xe, khói bụi, tiếng còi inh ỏi và hàng quán trên con đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng là một chuyến đi phượt.
Vậy tại sao mẹ không thích mình đi phượt?
Rủi ro
Rủi ro bị tai nạn: Chạy xe máy đường dài làm tăng nguy cơ các xe khác tông phải, và nó nguy hiểm hơn nhiều khi so sánh với việc đi trong thành phố. Ngoài ra, cơ thể cản gió lâu như vậy sẽ gây mệt mỏi rồi buồn ngủ, dễ tự té hoặc đâm phải người khác.
Rủi ro hư xe: Đi đêm mà bị hư xe, không tìm thấy tiệm sửa xe nào gần đó thì sao? May mắn thì có người giúp đỡ, không thì phải dắt bộ đi kiếm chỗ sửa xe. Liệu có đáng để đánh đổi hay không?
Rủi ro vi phạm giao thông: Nghị định 168 hiện nay về mức phạt cho các lỗi vi phạm giao thông đã lên cao chưa từng thấy, và cái giá phải trả cho một lần “lỡ” vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ đã trở nên quá cao. Mà đã đi đường dài thì có chắc mình sẽ luôn kiểm soát được tốc độ, không bao giờ kéo ga hơn 60-70km/h, hay không bao giờ “lỡ” vượt đèn đỏ hay không?
Mà nếu không bị phạt trực tiếp thì có thể bị phạt nguội và trừ điểm bằng lái xe:
Gánh nặng cho gia đình
“Đi phượt xong bị tai nạn, gãy chân gãy tay rồi nằm liệt ra đấy thì ai chăm trên bệnh viện, ai trả từng đồng viện phí, ai lo cái hậu quả cả đời còn lại cho con? là bạn bè của con, hay là mẹ?”
Khi nào đã tự lo được cho bản thân rồi thì hãy nghĩ đến việc đi phượt
"Khi nào tốt nghiệp rồi có một công việc ổn định, tự lập rồi, tự lo được cho bản thân rồi thì hãy nghĩ tới việc đi phượt, còn bây giờ vẫn phụ thuộc vào mẹ thì bỏ đi."
Niềm tin
"Dù có bao nhiêu tuổi, có bao nhiêu năm kinh nghiệm thì con vẫn mãi là đứa trẻ non nớt, chưa thể lo liệu cuộc sống của bản thân cho tốt trong mắt mẹ. Chạy xe thì mẹ chưa thấy con chạy một cách an toàn, nên rất khó để mẹ tin rằng con sẽ chạy chậm và an toàn để về đến nhà."
Vậy, mình có hiểu những gì mẹ nói không?
Có, nhưng chắc chắn mình không đồng ý tất cả, và từ đây sẽ là phần mình áp dụng tư duy phản biện.
Đầu tiên là về vấn đề Góc nhìn
“Phượt” chỉ mới xuất hiện và trở nên phổ biến gần đây, nên rất khó để mẹ hiểu rõ những gì mình biết về phượt. Nó tương tự như Câu nói:
“Ngày xưa mẹ đi học rất cực khổ, mấy đứa bây giờ sướng hơn mẹ ngày trước nhiều, chỉ lo ăn và học thôi”
Đây là một ví dụ cho việc mẹ chưa hiểu rằng việc học bây giờ và trước đã khác rất nhiều, cả về chất lẫn lượng, nên việc mẹ không hiểu những áp lực của việc đi học ở thời điểm hiện tại, từ đó có những định kiến là điều hiển nhiên.
Rủi ro
Tuy không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng bằng kinh nghiệm và so sánh bình thường, chúng ta cũng có thể thấy số lượng xe di chuyển trong ngày, số lượng người đi phượt trong một ngày so với với số người gặp tai nạn có xác xuất xảy ra rất nhỏ.
Nghĩ mà xem,
Bạn di chuyển trong thành phố, bạn gặp hàng chục ngàn người trên đường đi, nhưng bạn thấy có bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra?
Điều này cho thấy thiên kiến xác nhận đã tác động rất nhiều trong suy nghĩ của mẹ. Chỉ quan tâm đến một vài vụ tai nạn do đi phượt mà bỏ qua xác xuất thực tế, từ đó đánh giá rủi ro quá cao và quá nghiêm trọng về nó.
*Bạn nào muốn biết thêm về thiên kiến xác nhận thì tham khảo bài viết này của tác giả @SimpleMan nhé.
Không cần áp dụng kĩ thuật “tam phân quyền kiểm soát” trong Chủ nghĩa khắc kỷ, chúng ta vẫn có thể suy nghĩ xem chúng ta có thật sự kiểm soát được các rủi ro từ bên ngoài như người khác có buồn ngủ, có mệt mỏi rồi từ đó mất lái, từ đó gây tai nạn cho mình không?
Chắc chắn là không, tuy rất nhiều điều luật đã được ban hành nhằm đảm bảo an toàn như giới hạn số giờ chạy của các tài xế lái xe là 4 tiếng, phạt nặng lỗi vượt quá tốc độ, nhưng rõ ràng điều này vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn giao thông một cách tuyệt đối.
Chắc chắn là không, tuy rất nhiều điều luật đã được ban hành nhằm đảm bảo an toàn như giới hạn số giờ chạy của các tài xế lái xe là 4 tiếng, phạt nặng lỗi vượt quá tốc độ, nhưng rõ ràng điều này vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn giao thông một cách tuyệt đối.
Rủi ro vi phạm giao thông:
Khi đã chạy một quãng đường đủ dài thì sức tập trung sẽ giảm, từ đó tăng nguy cơ vi phạm giao thông hơn. Tuy nhiên việc suy nghĩ rằng đi phượt đường dài sẽ dễ mất tập trung, từ đó nguy cơ vi phạm giao thông tăng lên, vậy ta nên cảm thấy sợ hãi và quyết định không bao giờ đi phượt rất bất hợp lý.
Và sẽ hợp lý hơn nếu nghĩ rằng đi phượt đường dài sẽ dễ mất tập trung, từ đó nguy cơ vi phạm giao thông tăng lên, vậy mình phải nghỉ ngơi, ăn uống đủ để khi nào có thể tập trung tốt thì hãy tiếp tục đi phượt.
Gánh nặng cho gia đình:
Đây là quan điểm quan có sức nặng nhất, và cũng là hợp lý nhất mà mẹ đã đưa ra.
Mình đã phải rất chật vật để thoát khỏi những suy nghĩ luẩn quẩn về quan điểm này. Đã có những lúc mình vừa chạy xe, vừa khóc, vừa nghĩ rằng giá như mình có thể viết một lá đơn từ chối chữa trị khi gặp tai nạn, để đảm bảo khi tai nạn xảy ra thì mình đi luôn, không làm gánh nặng cho gia đình.
Xét về mặt tình cảm thì rõ ràng quan điểm này không phù hợp khi cha mẹ đặt cho con cái.
Mình cảm nhận rằng Quan điểm này giống với quan điểm của một nhà đầu tư (mẹ) dành cho một phi vụ tiềm năng (mình) mà mẹ đã đầu tư từ năm 28 tuổi vậy. Đến thời điểm hiện tại mẹ đã đầu tư được 20 năm và vẫn còn phải đầu tư thêm nữa, sau đó phải chờ cho đối tượng phát triển ổn định (có việc làm, gia đình ổn định) ít nhất là trong 10 năm nữa, thì phi vụ này mới bắt đầu sinh lời.
"Bạn nói bạn yêu thương 1 người, nhưng bạn liên tục nhắc về những gì bạn đã làm cho họ, và yêu cầu họ đừng chết, hoặc đừng bao giờ rời bỏ mình, để sau này trả lại cho mình những gì mình đã làm. Vậy nó có thật sự là yêu thương, là tin tưởng không?"
Từ tự do về mặt thể xác, cho đến tự do và khai phóng về mặt tinh thần
Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó
Nhìn lại quãng thời gian phát triển ở tuổi dậy thì, bản thân mình chưa bao giờ là một đứa ham học hỏi, rất thụ động về mặt cảm xúc, những kiến thức chỉ chờ được người khác nhồi nhét vào.

Nhưng chuyến đi phượt lần đầu tiên đã cho mình tận mắt thấy những vùng đất mới, và cả khung cảnh núi non, biển cả mênh mông. Từ đó, một khao khát tự do, được tự do về việc có thể đi bất kì đâu nảy mầm và phát triển. Khi tự mình thực hiện một chuyến đi xa như thế, một khao khát khác lớn hơn đã nảy mầm, đó là khao khát được tự do về tinh thần.
Bắt đầu có nhận thức về những định kiến, khuôn mẫu, những tiêu chuẩn được người khác nhồi nhét bấy lâu, nhận thức về cái cũi trong tâm trí mà tự mình tạo ra, nhận ra sự thiếu sót, ngu dốt của bản thân. Muốn được ra biển khơi tri thức để tìm cho mình con thuyền tự học để hiểu biết hơn, từ đó thoát ra khỏi những gì mình đang bị kìm hãm.
Chuyến đi đầu tiên, từ nhà xuất phát đi núi Chứa Chan ở Xuân Lộc, sau đó chạy thẳng ra Vũng Tàu và quay đầu, dài hơn 200km và đi trong ngày
"Đồng phượt" ở chuyến đi đầu tiên
Hoặc ở chuyến đi phượt gần nhất của mình. Xuất phát từ Sài gòn, chạy thẳng ra Mũi Nghinh Phong, sau đó là Phước Hải, và quay về nhà.

Mục đích chính của chuyến đi là ngắm biển, tận hưởng cung đường, và suy tư.
Mình và bạn đã dành ra 3 tiếng (từ 4h - 7h sáng) để tâm sự, và 3 tiếng (từ 16h - 19h) chỉ để nhìn biển, không có một lời nói được cất lên, tất cả những gì tụi mình làm là tận hưởng tiếng sóng, nhìn sự thay đổi của biển, và chiêm nghiệm.

Từ lúc mặt trời chuẩn bị mọc

Đến lúc ánh bình minh rực rỡ trên nền trời

Và từ lúc mặt trời gần lặn

Đến khi mặt trời lặn hẳn
Và mình suy ngẫm được gì?
Có nhiều cách để kiếm tiền, đừng vì đồng tiền trước mắt mà quên đi những thứ quan trọng trong cuộc đời.Biển Vũng Tàu, thương và nhớ, 22/01/2025
Nếu không có những ngày tháng đó, không chắc trong mình đã có một hạt giống về khao khát được tự do về mặt thể xác, để từ đó tập trung vào tự do ý chí như hiện tại.
Không chắc mình có động lực để tìm hiểu về tư duy phản biện nhằm thoát khỏi những định kiến và thao túng tâm lý,
Không chắc mình có động lực nội tại để tìm hiểu chủ nghĩa khắc kỷ nhằm giải phóng khỏi sự trói buộc của nỗi buồn, của chủ nghĩa tiêu dùng cực đoan.
Hay quan trọng hơn, có đủ động lực nội tại để đấu tranh cho một cuộc đời như mình muốn hay không.
Quan trọng hơn, xét về mặt phát triển tâm lý, khi liên tục nhắc nhở về những gì cha mẹ đã bỏ ra cho con cái, nhắc nhở chúng rằng phải đáp lại tất cả những thứ đó trong tương lai, đồng thời ra lệnh chúng không được chấp nhận rủi ro, vì nếu mắc phải thì không những không báo đáp được mà còn báo họa thêm cho gia đình.
Vậy thì tình cảm, xuất phát từ sự cho đi mà không cần nhận lại của cha mẹ sẽ như thế nào? Đứa con có thể cảm nhận được hay không, hay chỉ chăm chăm vào việc ba mẹ luôn nhắc đi nhắc lại đó?
Mặc dù cha mẹ hi sinh cho con cái một nghìn lần, mà chỉ nhắc lại chuyện này một lần thôi, thì đứa con sẽ chỉ nhớ về lần này mà bỏ qua những lần khác, vì mất mát và những thứ tiêu cực sẽ được nhớ kỹ hơn những thứ tốt đẹp,
Ví như Nam Cao đã từng viết:
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”-Lão Hạc-
Vậy mình làm như thế nào?
Hiện tại mình đã quyết định sẽ ít đi phượt lại, tập trung cho việc học để có một công việc ổn định rồi mới bắt đầu đi phượt nhiều hơn. Rõ ràng là quan điểm về việc làm gánh nặng cho gia đình đã tác động đến mình rất nhiều.
“Đúng, con đã, đang và sẽ báo hại hơn là báo đáp cho mẹ, nhưng con tin rằng mẹ sinh con ra trên đời này vì một điều gì đó cao cả, thiêng liêng. Con không thể nào báo đáp hết tất cả những gì mẹ đã dành cho con. Duy con chỉ muốn mẹ hiểu rằng, con vẫn đang cố gắng để hiểu những gì mẹ nói và làm cho con, vì vậy hãy để tự con phát triển hơn nữa, để có thể sống một cuộc đời thật trọn vẹn”
Cuối cùng, mình xin được mượn lời chúc của Tornad
Chúc các bạn năm mới nhiều suy tư,
bởi vì như Socrates đã nói:
“Cuộc đời mà không suy tư là cuộc đời không đáng sống - The unexamined life is not worth living.”Plato's Apology

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
chỉ là khi đó họ k còn đủ sức đễ ngăn minh làm điều họ cho là nguy hiểm nữa