BẢO VỆ PHIM VIỆT? CÁI GÌ THẾ NÀY?
Câu chuyện mấy hôm nay tôi được nhiều bạn chia sẻ cho việc có nhiều bài báo nói về việc bảo vệ điện ảnh Việt trước điện ảnh quốc tế,...
Câu chuyện mấy hôm nay tôi được nhiều bạn chia sẻ cho việc có nhiều bài báo nói về việc bảo vệ điện ảnh Việt trước điện ảnh quốc tế, cái gì đó như là bảo vệ giá trị phim Việt Nam và rồi gì gì đó như là làm giống Trung Quốc, hạn chế chiếu phim nước ngoài để kích cầu phim Việt.
Một số bài báo mình đọc có liên quan chủ đề này thì cũng vô vàn lắm, nhưng quan điểm vẫn chủ yếu xoay quanh việc điện ảnh thế giới giờ hay quá, phim Việt bị lép vế và đỉnh điểm là phim "100 ngày bên em" do chiếu trùng ngày với "Avengers: Infinity War" mà từ đó mới sinh ra mấy bài báo này.
Họ chia sẻ quan điểm là nên học hỏi nước bạn, hạn chế phim nước ngoài, nâng tầm phim Việt lên và giúp sản phẩm điện ảnh Việt xứng tầm thế giới.
Đây có lẽ sẽ là bài viết khiến mình trở thành mục tiêu tấn công của nhiều người vì cá nhân mình thấy phim Việt còn lâu mới xứng tầm thế giới được.
Mình cũng không phải đứa mù phim ảnh, cũng học cũng nghiên cứu và cũng đi xem nhiều. Và mỗi lần ra rạp để xem phim thì sẽ đều được thấy hàng tá poster banner treo phim Việt lên. Ngày nào ra rạp cũng sẽ phải thấy ít nhất 4 đến 5 poster phim của Việt Nam. Hôm trước đi tổ chức sự kiện Avengers Infinity War ở Royal City, mình đã xem trailer của phim "Lật mặt 3" hoặc "3 chàng khuyết" đến hơn 20 lần. Và nói thật là...nó thực sự rất mệt.
Phim Việt có một mô típ khá điển hình, phim có sự góp mặt của hàng tá các diễn viên hạng A hoặc ca sĩ hạng A hoặc người mẫu hạng A gì gì đó. Sau đó sẽ là một câu chuyện đã được kể hài chục lần trước đó rồi gắn vào. Phim sẽ được rất rất rất nhiều bên tổ chức góp vốn vào xây dựng và sẽ dược quảng bá thương hiệu qua phim này.
Và từ điểm trên nó dẫn đến việc các diễn viên thiếu kinh nghiệm được lên sóng và diễn xuất thường đáng quên hoặc vô duyên. Câu chuyện nhàm chán vì đã được kể và với lối kể chuyện của người Việt là kể nhiều hơn thể hiện, phim thực sự rất sến và lời thoại cũng thực sự không thuyết phục. Đó là chưa kể đến việc kịch bản bị bóp đến ngạt thở để có những phân đoạn quảng cáo thương hiệu trên phim.
Tất nhiên sẽ có những phim ngoại lệ và thực sự hay, có giá trị để lại cho người xem. Nhưng số phim đó so với số phim hài cười nhạt với bộ mặt ngố ngáo của những danh hài trên poster có vượt lên được không?
Những phim Việt gần đây mình xem mà còn nhớ được là Cô Ba Sài Gòn, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua và cuối cùng là Tháng Năm Rực Rỡ.
Các phim này có điểm chung là đã làm mình ngạc nhiên vì kĩ thuật quay đã lên tầm mới và mọi review mình từng viết về các phim này đều rất khen ngợi kĩ thuật quay dựng của họ. Ngoài điều đó ra, hầu như khó có thể khen được các mặt khác.
Câu chuyện lỏng lẻo, diễn xuất của những diễn viên không chuyên quá đáng quên và kết quả là chúng ta đến rạp rồi nhận ra mình hi vọng quá sớm.
Tất nhiên cái gì cũng sẽ thay đổi, phim Việt chắc chắn sẽ có ngày đạt được kì vọng của những người xem khó tính. Nhưng đó sẽ là một ngày cực kì xa vì hiện nay chủ chương làm phim quá tập trung vào thị trường người xem dễ tính và chủ yếu sinh ra để tạo lối đi cho thương hiệu chứ không vì nghệ thuật. Các sản phẩm nghệ thuật thì ít khi được chiếu và thường bị ép bức sang những rạp nhỏ hơn.
Tôi vẫn nhớ cái thời phim tỉ đô của Việt Nam được chiếu miễn phí ở rạp mà không ai thèm đến xem. Có ai nhớ đến cái tên của phim không nhỉ? "Sống cùng lịch sử", tên phim có khiến ai nhớ đến gì đó không?
Ngày ấy bài báo nào đưa ra về phim cũng nói rằng Phim Việt cần cố gắng hơn để phát triển, người Việt cần tư duy mới hơn để thực sự có được sản phẩm điện ảnh chuẩn mực.
Và giờ, khi một phim tình yêu tình báo gì gì đó của một người mẫu và một diễn viên trẻ thiếu tài năng đụng nhầm ngày với bom tấn thập kỉ của Hollywood thì rất nhiều bên báo chí nhảy vào bảo vệ phim ảnh Việt.
Nực cười không? Sản phẩm điện ảnh đầu tư tỉ đô để thể hiện giá trị lịch sử Việt thì không ai thèm bảo vệ, phim có diễn xuất của một người mẫu trẻ và một ca sĩ trẻ thì được rất nhiều bên bảo kê.
Tại sao lại cần bảo vệ? Bảo vệ chỉ xảy ra khi có một thế lực yếu hơn gặp thế lực mạnh hơn. Chẳng phải chính quan điểm bảo vệ điện ảnh Việt Nam đã nhận định rằng phim Việt yếu đuối rồi sao?
Và nếu chúng ta học tập lối đi của nước bạn thì sao? Cụ thể là Trung Quốc và Hàn Quốc?
Chậc, phim Hàn đã là một thức ăn tinh thần của người dân xứ Kim Chi rồi, còn phim Trung Quốc thì thị trường của họ gần như là nồi cơm vô đáy đem đi nuôi nền điện ảnh rồi. Giờ nếu nhắc lại, chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những câu như:
- "Nguyên tác Kim Dung, chỉ đạo võ thuật..."
Hoặc
- "So Ji-sub trong vai Bắc Chân Ung..."
Còn phim Việt thì sao? ...
Tôi sẽ để các bạn trả lời hộ.
Bài viết này thực sự rất nặc mùi "tôi", một bài viết cực kì chủ quan và không khách quan cho phim Việt tí nào. Nhưng tôi không nghĩ mình là người duy nhất ở đây đồng tình quan điểm này.
Nếu chúng ta thực sự muốn bảo vệ phim Việt, thay vì mặc áo giáp cho nó, bóp cổ những phim khác trong thị trường, hãy tập trung đầu tư chất lượng và cho nó cơ hội được lớn. Nếu chúng ta thực sự muốn bảo vệ giá trị Việt thì hãy đầu tư chất lượng, thay vì trút vào đầu người xem những tiếng cười nhạt và những sản phẩm sinh ra chỉ để lăng xê tên tuổi.
Nếu tốt nữa, hãy cho chúng tôi được thấy "Mùi cỏ cháy" mỗi năm một lần, hãy cho chúng tôi "Đất Phương Nam" mỗi năm 1 lần.
PEACE!.
►TRANG SPIDERUM CÁ NHÂN CỦA MÌNH:
►INSTAGRAM
►FACEBOOK
► YOUTUBE
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất