"Mẹo" để thuyết trình hay hơn (ít nhất là ở đại học)
Nếu có một điều gì mình ghét hơn một bài thuyết trình dở, thì đó là việc cố gắng làm bài thuyết trình hay hơn bằng cách diễn tiểu phẩm,...
Nếu có một điều gì mình ghét hơn một bài thuyết trình dở, thì đó là việc cố gắng làm bài thuyết trình hay hơn bằng cách diễn tiểu phẩm, nhập vai, làm minigame, hoặc phát video. Một nhận định sai lầm là phải làm những việc đó thì bài thuyết trình mới hay, chứ nếu chỉ đứng nói thì sẽ không ai nghe. Thực ra thì, việc này giống như sử dụng nhiều gia vị hơn để bù đắp cho những nguyên liệu đã hỏng từ lâu vậy.
Sau đây là một số cách đơn giản để bạn thuyết trình hay hơn, chủ yếu áp dụng cho môi trường giảng đường đại học (vì mình là sinh viên).
1. Phần mở đầu
Buổi ra mắt bố vợ quan trọng thế nào thì phần mở đầu cũng quan trọng như vậy. Một sai lầm phổ biến nhất của một người thuyết trình dở là dành quá nhiều thời gian cho một phần mở đầu tệ hại. Họ bắt đầu bằng chào hỏi, thưa gửi, đọc một cái tên đề tài không ai muốn nghe, rồi liệt kê mục lục. Một phần mở đầu tệ điển hình diễn ra như sau:
Thưa thầy/cô, thưa các bạn, nhóm em là nhóm 5, thuyết trình về "Phân tích tỷ giá ngoại hối VND/USD giai đoạn 2022-2024, thực trạng và giải pháp". Sau đây chúng em xin bắt đầu phần thuyết trình. Bài thuyết trình của chúng em bao gồm 4 phần...
Có 2 cách để thay đổi phần mở đầu này. Cách thứ nhất là trực tiếp, bằng cách đưa ra nhận định tổng quan hoặc nêu thực trạng.
Ví dụ: Trong hai năm qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam Đồng và Đô-la Mỹ đã chứng kiến những diễn biến chưa từng thấy trước đây. Những diễn biến đó là gì, vì sao nó lại diễn ra, và liệu chúng ta có thể thay đổi điều đó được không? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời.
Cách thứ hai là gián tiếp, bằng cách sử dụng một câu chuyện gần như không liên quan đến chủ đề chính, nhằm gây sự chú ý, tò mò.
Ví dụ: Bạn có biết, vào năm 2022, bạn có thể sang Mỹ và mua cho mình một chiếc Lamborghini chỉ với giá 5 tỷ rưỡi. Tuy nhiên, nếu ngày hôm nay bạn cầm số tiền đó sang Mỹ, bạn sẽ bị đá về ngay lập tức, vì thiếu gần 1 tỷ đồng lận. Đây chắc chắn là một bức xúc của hầu hết sinh viên chúng ta. Ngày hôm nay, mình sẽ vạch mặt thủ phạm đã gây ra vấn đề này, và cách để chấm dứt nó.
Nếu bạn lo lắng về việc chào hỏi và thưa gửi thầy cô, bạn có thể xin phép thầy cô trước, rồi tạm dừng khoảng 1 phút trước khi chính thức bắt đầu, vừa đảm bảo lễ phép, vẫn giữ được một mở đầu hay.
2. Chuyển tiếp giữa các nội dung
Nếu bác sỹ mổ hết thuốc mê, họ có thể thay thế bằng cách nhiều người thuyết trình chuyển tiếp nội dung: "Sau đây là nguồn gốc của X", Tiếp theo là phần nguyên nhân của Y".
Trước hết, hãy tạo ra khoảng nghỉ, hay khoảng "lặng" để tín hiệu sự chuyển tiếp giữa các phần. Khoảng nghỉ này có thể được thực hiện bằng cách dừng nói, thở một hơi, hoặc di chuyển sang một vị trí đứng khác, hoặc uống một ngụm nước. Việc này giúp bố cục bài thuyết trình trở nên rõ ràng, giúp người nghe không bị "bội thực thông tin" hay buồn ngủ do nội dung đều đều liên tục.
Tiếp theo, cách nói chuyển tiếp trên không phải quá tệ, nhưng sẽ là tệ nếu bạn sử dụng đúng cách chuyển tiếp đó xuyên suốt bài thuyết trình. Hãy tìm cách kết nối nội dung phần tiếp theo với phần trước, đồng thời tạo chút tò mò bằng một câu hỏi.
Ví dụ: Vậy nguồn gốc của vấn đề này là gì?
Vậy, liệu có giải pháp nào cho câu chuyện này?
Biết rằng Z là rất quan trọng, nhưng làm sao để thực hiện được điều đó?
Cách thứ hai là đưa ra một nhận định chung cho vấn đề sắp được đề cập.
Ví dụ: Thực tế, đây không phải câu chuyện mới, mà đã bắt nguồn từ nhiều năm trước.
Mặc dù có cách giải quyết, nhưng các biện pháp hiện nay đều đòi hỏi nhiều nguồn lực.
3. Định lượng hoá nội dung
Một chi tiết nhỏ để giúp người nghe tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn và không có cảm giác đi trên một hành trình không biết điểm kết thúc, đồng thời giúp người nói "nghe có vẻ" hiểu sâu về đề tài hơn, đó là nói trước định lượng nội dung.
Thay vì nói "Sau đây là những giải pháp", nói "Có 4 giải pháp phổ biến cho hiện tượng này". Thay vì nói "Các tính chất của X", nói "X có 3 tính chất chính là".
4. Slide
Chúng ta đều ghét slide nhiều chữ, vậy slide nên như thế nào? Thật ra mình thấy trong nhiều trường hợp, slide là không cần thiết, đặc biệt là trong các bài thuyết trình có thời lượng ngắn, khoảng 15 phút, và không có quá nhiều nội dung. Slide khiến người nghe mất tập trung vào người nói, còn người nói thì lệ thuộc vào nó.
Slide, với mình, nên có các chức năng sau đây:
- Giúp người nghe định vị mình đang ở phần nào của bài thuyết trình.
- Chỉ ra các luận điểm chính của mỗi phần.
- Trực quan hoá một số nội dung đặc thù.
- Liệt kê cùng lúc nhiều thông tin khi cần thiết.
Slide là để phục vụ người nghe, không phải người nói. Slide có chức năng bổ trợ cho bài thuyết trình. Nói cách khác, nếu đột nhiên slide không hoạt động, người nói vẫn có thể hoàn thành tốt, hoặc chí ít là tương đối tốt bài thuyết trình của mình. Phần lớn những người thuyết trình trên giảng đường đại học không làm được điều này, đơn giản là vì họ không chuẩn bị nội dung thuyết trình và coi slide như kịch bản nói.
5. Tổng kết
Thật ra trên mạng không thiếu các "mẹo hay" để bạn thuyết trình tốt hơn, đây chỉ là một số trường hợp cụ thể để bạn có thể ngay lập tức cho bài thuyết trình của mình, trong trường hợp nó đang tệ.
Một số lời khuyên chung của mình là:
- Chuẩn bị kỹ lưỡng, tập duyệt trước. Thực ra chỉ cần làm được điều này là bài thuyết trình đã hay hơn nhiều rồi.
- Người nói nên có cảm xúc với nội dung mình đang nói. Tức là, bạn nên cảm thấy thích nội dung đó và rất mong muốn nói cho người khác biết. Nếu bạn không cảm thấy thích những điều bạn sắp thuyết trình, bạn nên tìm ra một điều gì đó khiến bạn thích, hoặc thấy thú vị ở chủ đề đó trước, rồi xây dựng nội dung quanh sự "thích" đó.
- Nói dứt khoát, gãy gọn, sử dụng các từ ngữ mạnh. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể như cách bạn đang nói chuyện với những người bạn thân của mình.
- Người giỏi nói là người giỏi nghe. Hãy lắng nghe, quan sát các bài nói mà bạn thấy hay và đặt câu hỏi "Vì sao bạn thấy nó hay?". Một trong những nguồn dễ tiếp cận nhất là các video essay trên Youtube.
Bài viết khá lộn xộn vì mình viết ngẫu hứng, cảm ơn bạn đã chọn đọc bài viết này, chúc bạn thuyết trình hiệu quả mà không cần phụ thuộc vào những thứ khác như tiểu phẩm, minigame hay phát video để thu hút sự chú ý của người nghe.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất