Ngày mai, quán café mà tôi yêu thích sẽ đóng cửa. Hôm nay đi ngang qua quán, thấy quán đông hơn hẳn mọi khi, chắc vì mọi người đều đến chia ly với những gì chuẩn bị “chết”. Tôi không uống được café, đấy là quán duy nhất có thể uống được bạc xỉu. Tôi cũng tiếc nuối, nhưng khẽ khàng thôi, kêu gào than vãn hai ba câu với bạn bè thân thiết, xong rồi đâu lại vào đấy, chuyện gì trôi xa được, là ắt trôi xa ngay. Chuyện gì không thay đổi được, mình chẳng mãi sầu lo với nó làm gì. Tôi cũng tiếc nuối, nhưng có lẽ khi người ta hơi lớn một tí, thì người ta bắt đầu hiểu và quen với những cuộc chia ly, sẽ có điều cũ đi, và sẽ có điều mới đến. Điều gì, cái gì, người nào, rồi cũng thành cũ, thành “chết”.
Đọc “Siddhartha” của Hermann Hesse, thấy một chàng thanh niên mạnh mẽ dần dần già nua đi, những nhiệt huyết tuổi trẻ lắng lại thành vẻ thâm trầm của một bậc giác ngộ. Thiên tiểu thuyết men theo cả cuộc đời của Siddhartha, người đọc thấy Siddhartha thời trai trẻ, thấy Siddhartha của tuổi trung niên đắm chìm trong vòng tục lụy, thấy Siddhartha của tuổi khuất bóng, bấy giờ đã giác ngộ, lặng bên dòng sông, lặng bên vạn vật, lặng bên vũ trụ. Bỗng dưng cảm thấy đúng nghĩa là thời gian chẳng chừa ai cả. Nhiệt huyết à, giác ngộ à, rồi cũng sẽ đến một cái “chết”. Phật giáo nói là rời xa cõi tạm.
Tất cả rồi sẽ chia ly. Tất cả rồi sẽ rời xa hình hài bấy lâu nay vẫn mang. Tất cả rồi sẽ tan vào mặc tưởng.
Tôi thoạt nghĩ mình không tiếc nuối bản thân quán café ấy, tức là không tiếc nuối một thực thể, mà tiếc nuối những trải nghiệm gắn với thực thể ấy. Rất nhiều câu chuyện, hàng tá những chuyện tám nhảm vớ vẩn thời còn đi học, cũng hàng tá những hoang mang và ước vọng về tương lai, cũng hàng tá những bất mãn và bằng lòng về cuộc đời, đã được kể, được nghe, được đối thoại trong không gian ấy. Hình như tôi tiếc nuối bản thân tôi, tiếc nuối bản thân tôi của những ngày cũ. Nhưng tiếc nuối để đấy thôi, chứ tiếc nuối mà để thành dằn vặt thì rõ nguy hại.
Tôi cảm giác tất cả những gì dừng lại, ngừng lại trong cuộc sống của mình, đều là một memento mori (hãy nhớ rằng bạn sẽ chết – tiếng Latin). Rồi tôi sẽ rời khỏi đời này. Không có ý nghĩa tiêu cực gì cả. Chỉ trần thuật một sự thật: rồi tôi sẽ rời khỏi đời này. Nên lắm lúc, vì biết tỏng mình là đứa hay do dự, nên tôi hay tự đùa bản thân mình: Nào, thế nếu ngày mai chết, thì có chọn làm cái này không? Muốn làm đúng không? Thế thì làm. Nhỡ mà mai chết thật, chưa kịp làm thì tiếc lắm. Trộm vía, vẫn chưa chết lần nào.
Candy Chang, một người Mỹ gốc Á đã khởi xướng dự án mang tên là “Before I die…”. Xuất phát điểm của dự án là cải tạo những bức tường cũ thành một tấm bảng khổng lồ với những dòng chữ “Before I die, I want to…”, mọi người có quyền tự do điền vào dấu ba chấm, điều mọi người mong muốn, “I wan to…”? Mọi người muốn làm gì, trước khi chết? Có người viết, “tôi muốn được trình diễn trên sân khấu”, có người viết, “tôi muốn đi du lịch vòng quanh thế giới”, có người viết, “tôi muốn nói lời xin lỗi”, có người viết, “tôi muốn được ôm cô vào lòng ấy thêm một lần nữa”. Muôn màu muôn vẻ. Đứng trước cái chết, những ẩn ức và những ước vọng chưa thể vẹn toàn cất tiếng, chúng muốn được bước vào đời này, được sống ở đời này.
Memento mori.
Cái chết là sự chia ly cuối cùng với tất cả những gì mà mình tha thiết yêu quý. Nên giờ phút này, người muốn làm điều gì, mong người làm được điều ấy, mong người không phải chia lìa khi chưa vẹn toàn, mong người không phải hối tiếc vì chưa thực hiện.

[*] Dự án Before I die do Candy Chang khởi xướng: