by The...
Bán hoa giữa xứ ngàn hoa
Nếu có ai đó hỏi: Điều gì với tôi là ấn tượng nhất trong những dịp lễ như 20-10 này thì tôi-cuả kha khá năm về trước sẽ không ngần ngại trả lời rằng: Yah, đó là một cơ hội, không chỉ có ngày 20-10 thôi, bất cứ ngày lễ nào nào mà người ta hân hoan muốn ùa ra đường để tặng nhau một cành hoa làm kỉ niệm như 20-11, 8-3, valentine, thì đó chính là ngày của tôi-ngày đặt thùng hoa  giữa hè phố, thắp sáng thu nhập.
Năm 2007, tôi năm đó học lớp 8, vì muốn có tiền xài, nên đã làm một việc liều lĩnh- đi bán hoa một mình. Thật ra mấy năm trước, tầm lớp 6 gì đó tôi cũng đã từng ra phố bán hoa lễ, nhưng là đứng với chị hoặc lang thang theo mẹ ,  còn năm 2020 đó, đúng ngày 20-11, tôi quyết định bỏ buổi lễ chúc mừng trên trường, hì hụi đèo ba cái thùng xô nước đựng bông trên cái xe giàn ngang cao nghệu và cũ rích của bố, mới sớm tù mù đã có mặt tại các cổng trường để bày bông ra bán. Năm đó...kì lạ vô cùng, xe đạp mới biết chạy, hoa thì tự mạy mọ bó xấu òm, da mặt thì mỏng như lét như bánh tráng tây ninh, gặp người lạ phát run cầm cập... nhưng vì mẹ bảo " Đi bán đi tao cho hết cả vốn lẫn lời ", thành ra liều mạng nhắm mắt đưa thân.
Cứ thế, đi từ sáng tờ mờ đến khi mưa tầm tã tối mịt... về đến nhà lại cúp điện, chưa kịp thay bộ đồ ướt, tôi đã lao ngay vô phòng thắp nến, vừa đếm tiền, vừa run lập cập...
Sau chuyến buôn bán hi hữu ấy, mỗi năm về sau tôi hầu như đều dự phần ít nhiều trong những ngày lễ, lúc thì với bạn bè, anh chị em... thi thoảng buồn buồn hưng hứng thì vẫn bán một mình. Nói thiệt, với bản tính trầm lặng, lầm lì không thể bon chen, cạnh tranh với ai nên hầu như việc bán buôn với tôi , luôn nảy sinh các vấn đề căng thẳng nhất định. Tuy nhiên,  không thể phủ nhận những ngày tháng đó đã cho tôi rất nhiều kỉ niệm, những ấn tượng và những bài học khó quên.
tôi trở thành "nghệ nhân" bó hoa như thế nào?
Những năm gần đây, người ta ưa chuộng lối bó hoa hàn quốc với những lớp giấy êm mềm, lớp lang, hoa cũng đủ các thể loại và cành, lá cắm kèm thì đa dạng vô cùng. Vậy còn ngày xưa? Những bó hoa giản dị bên hè phố của chúng tôi đã từng như thế nào?
Giai đoạn 2004 tới 2009, đến lễ là vỉa hè thành phố tôi rợp sắc hoa hồng, ai ai cũng bán hoa hồng cả vì đó là loài hoa trồng phổ biến thời bấy giờ. Mẹ tôi thường đến vườn người ta mót nhặt hoa xả về cho tụi tôi đi bán. Sau đó,  chị em tôi dành thời gian lội vô rừng, kiếm một loại cây được gọi là lá sừng nai, có màu xanh mơn mởn rất đẹp, thường mọc trên các vách đá hoặc gò đất cao, về để bó kèm.
 Hoa hồng, salem, bibi, sao tím, sừng nai là đặc sản hoa lễ ngày ấy. Cứ một cành hồng, hai cành sừng nai lồng vô cái bịch dài là loại rẻ nhất, sau đó thì bó ba bông, bốn bông, năm bông, xanh xanh đỏ đỏ chen vào, thêm miếng nylong bạc chớp chớp túm bên ngoài,  bó sang chảnh tí có điểm thêm cái nơ ruy băng, cùng kim tuyến rắc lấp loáng.
hồi này là có giấy lụa rồi
Tôi là một đứa yêu tiền. Nhưng ngoài yêu tiền ra tôi còn có tình yêu với các loài hoa. Vì chỉ giỏi yêu chứ không giỏi buôn bán nên thành ra tôi "hành nghề" khá là phớt đời. Chọn vị trí đâu vào đấy, rồi thùng hoa bó sẵn đặt phía trước, tôi ngồi phía sau, trên chiếc ghế đẩu nhỏ, bắt đầu cắm dây phone vào tai, mở mp3 nghe nhạc. Thường thì bán một mình như thế, tôi chẳng bao giờ đứng cầm hoa câu ve khách như các gian hàng khác. Khi có ai đó ghé vào hàng hoa của tôi, hay ánh mắt họ hướng về đây, thì tôi mới đủng đỉnh mời một tiếng, và tư vấn cho họ. Bán bông như tôi, ai cũng sợ ế chết, thậm chí có một anh trai xa lạ đã xởi lởi góp ý tôi nên dừng nghe nhạc và đứng chào khách, phải ăn mặc xinh xinh trẻ trung, phải nói đùa xôm xả với khách tí thì mới  dễ "xuất đơn". Tôi cười cười chả nói gì hết, chỉ tại kinh nghiệm cho tôi biết, người mua sẽ mua mà không góp ý, còn người góp ý dễ thường lại chẳng mua chi cả.. 
Không có khóa học tâm lí,  kĩ năng sống nào thực tiễn bằng một ngày buôn bán vỉa hè, tiếp xúc đủ thứ hạng người , và gặp đủ mọi tình huống phải xoay sở. Sẽ có những gã trai đến gian hàng của bạn nham nhở: "bông hoa héo này bao nhiêu tiền một bông vậy bé?". Sẽ có những người vừa đào xới cật lật mớ bông của bạn, vừa chê ỏng chê eo lại vừa trả giá.... sẽ có một vài kẻ điên lượn lờ, nói những điều không ai hiểu, một vài người hợm hĩnh, đôi ba kẻ dễ thương. cũng sẽ có lúc bạn đang nhai dở mấu bánh mì để lấp đầy cái bụng đói do ngày hôm trước bận quá nhịn ăn thì công an trật tự đến, và bạn phải vội vàng thoăn thoắt thu dẹp "hiện trường kinh doanh" của mình vào một góc để bảo vệ tài sản... Hoặc là bạn gặp phải đối thủ xấu tính, lấn sang không gian của bạn mời khách, mượn hoa của bạn để chưng gian hành mình cho đẹp và thậm chí là.... nhờ bạn bó cả hoa hộ để bán luôn???
Có lẽ tôi đã dành phần lớn thời gian của bản thân để... quan sát hơn là buôn bán ( Đó là điển hình của một kẻ ở thời đại mới mà không có smartphone) . Tôi quan sát đường phố, con người, những câu chuyện... và âm thầm cảm nhận, học hỏi được bao nhiêu là thứ. Có những chiếc xe hơi đậu bên gian hoa của chúng tôi, nhưng những người trong xe không hề bước ra, thay vào đó những người mời hoa sẽ túm tụm quanh các cửa sổ đưa hoa vào chào mời. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi sẽ không tốn công sức cho những người như vậy, vì đa phần họ sẽ chê ỏng eo không mua hoặc mua một bó có giá trị rẻ nhất. Thay vào đó, dòng khách hàng tiềm năng của tôi là người đi oto nhưng xuống xe lựa , các em học sinh sinh viên mua hoa tặng mẹ, những cậu bé cận thị, mặc áo hoodie muốn tặng crush, những người đề nghị bó hoa theo yêu cầu... bán cho họ thoải mái lắm, vì họ mua bằng cái tình, mình cung chỉ cần dùng cái tâm để bán, chứ không cần dùng thứ khác. ( tôi đã từng thấy ở gian hàng cạnh bên, có một gã trai đến mua hoa tặng ghệ mà yêu cầu... viết thiệp hộ, rồi.... lau bánh xe, yên xe hộ ??? Sợ thiệt chứ!)
Thường tôi sẽ dùng cảm tính để phân chia các kiểu khách. Người già, mấy em học sinh lớp nhỏ, các cô công nhân sẽ luôn được âm thầm giảm giá. Mấy cô cậu bé mặt mũi hiền lành, hiểu chuyện, dễ thương đến mua hoa tặng mẹ, tặng người yêu thì ưu đãi thêm hoa tươi, thêm nơ, thêm kim tuyến. còn kha khá người gây cho tôi quá nhiều bàng hoàng,ngột ngạt, căng thẳng... tôi cũng không ngần ngại gì mà không tự động điều chỉnh giá bán nhỉnh lên đôi chút.
Đi bán hoa chỉ mong nhất là trời quang mây tạnh, vì trời mưa mà bán ế nữa sẽ tức cảnh sinh rầu lắm. Hầu như nếu bán hoa vào dịp 20-10,  20-11 năm nào tôi cũng phải lùm xùm mặc áo mưa, các ngày lễ qua tết thì đỡ hơn, trời nắng ráo. Mỗi khi vãn khách lại ngồi thong thả ngắm phố, ngắm phường...
Nếu bán một mình, dù có ế tôi cũng không bao giờ bán muộn, tầm 6, 7h tối là tôi đã bắt đầu dọn dẹp rồi. Chọn một bó hoa để mang về nhà, còn thì cho các gian hàng bên cạnh bán tiếp. Thường thì hoa cũng bán hết, vì một mình tôi bó chẳng được bao nhiêu, lại bán khá rẻ, nhưng kiểu gì tôi cũng để dành cho mình một bó thiệt đẹp, coi như là ngày hôm ấy dẫu thế nào cũng trọn vẹn.
Có một kỉ niệm cũng khá là ấn tượng với tôi, đó là năm 2012 tôi tranh thủ   cổng trường tiểu học thiệt sớm bán bông lễ trước khi đi học. Năm đó sau trận cảm kỉ lục kéo dài cả tháng, tôi... bị tắt tiếng hẳn, không thể phát ra lời dù là thều thào. Nhưng do ví tiền cấp bách, tôi cũng đánh liều ôm một xô bông, đứng bán thử xem. Mọi người có thể tưởng tượng một kẻ không nói được thì buôn bán kiểu gì không? Tôi bắt đầu ứng dụng.... ngôn ngữ hình thể để maketing sản phẩm một cách cật lực. mỗi khi ai bước qua, nhìn tôi, tôi đều nhoẻn miệng cười thiệt tươi rồi đưa ngón tay chỉ chỉ, hầu như ai cũng tò mò ghé vào , rồi sau đó lại cười cười và giơ mấy ngón tay lên báo giá, xô bông của tôi chẳng mấy chốc được các mạnh thường quân ủng hộ hết sạch. Vì họ tưởng tôi...câm, nên ai ai cũng tự dưng giàu lòng trắc ẩn. 
Lần đó, tôi vô tình phát hiện ra, nụ cười của mình có giá trị phết :))
Mới đó cũng đã năm, sáu năm rồi. Bây giờ tôi không còn bán hoa ngày lễ nữa, nhưng vẫn nhớ mãi không quên, bản thân từng có một thời, ngồi giữa vỉa hè, giữa phố phường, nắng gió rạc rời trên đầu, và tỉ mẩn gọt giũa mình bằng những nhỏ bé khiêm nhường như thế.
hoa lễ năm 2013, thành phẩm nguyên cả ngày miệt mài đấy :)
.......................................................................................................................................
                                                                                                                   THE..