Những ngày gần đây, bộ phim tài liệu về câu chuyện cuộc đời của Sulli được đăng tải và thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhưng trái ngược với lời tuyên bố của đạo diễn về việc giúp người xem hiểu hơn về những áp lực, định kiến xã hội nặng nề ở Hàn Quốc mà Sulli phải đối mặt, bộ phim lại đem đến những tranh cãi và chỉ trích xoay quanh sự ra đi của cô. Dường như không có bài học nào được rút ra và khi có cơ hội, nhiều người vẫn chọn cách tấn công, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác như cách đã làm với Sulli trước đây. 
Câu chuyện của Sulli cũng là câu chuyện của nhiều người trẻ khi mà vấn đề về bất bình đẳng giới, gia trưởng, tiêu chuẩn sắc đẹp, những chuẩn mực xã hội về cách hành xử, trình độ học vấn, khả năng tài chính,.. đã và đang đặt những áp lực vô hình lên vai mỗi người. Việc đi ngược lại với những tiêu chuẩn chung cũng đồng nghĩa với việc không được chấp nhận, bị xem là thất bại, kém cỏi hay thậm chí chịu sự công kích, dè bỉu từ những người xung quanh. 
Đơn cử như ca sĩ Lynk Lee trong suốt nhiều năm đã phải “gồng mình”, không dám sống thật với bản thân để giữ hình ảnh trước công chúng. Cô chia sẻ việc bị gọi là “Linh bê đê” vào những năm cấp 2 đã khiến bản thân sợ hãi rằng mình sẽ không bao giờ được chấp nhận. Cho đến sau khi công khai chuyển giới, Lynk Lee cũng gặp phải nhiều lời lẽ xúc phạm, bình luận khiếm nhã đến ngoại hình và xu hướng tính dục của mình như “Quái thai”, “Chiêu trò”, “Làm lố”. 
Hay với từ khóa thành công, chỉ cần search trên Google bạn sẽ dễ dàng tìm được những triết lý làm giàu, những nguyên tắc sống, bài đăng truyền cảm hứng, những điều cần làm trước năm 30 tuổi, những nghề nghiệp được xem là danh giá, những phẩm chất cần có,... Chính điều này cũng hình thành nên những tiêu chuẩn “không tưởng” khi mà bạn không chỉ giỏi mà còn phải đẹp, không chỉ đẹp mà còn phải khéo léo, hướng ngoại, quảng giao,..
Nhưng khi nhìn nhận ở một mặt khác, những tiêu chuẩn này ra đời cũng bởi vì chính con người muốn điều chỉnh các mối quan hệ và định hướng hành vi xã hội, cũng có nghĩa những chuẩn mực này bắt nguồn từ thị hiếu của số đông. (*)
Ví dụ các chuẩn mực đạo đức như cư xử lịch sự với người xung quanh, lễ phép với người lớn tuổi, giúp đỡ những người gặp khó khăn,.. đều phù hợp với niềm tin của số đông và cấu thành nên những hệ giá trị cốt lõi trong cách đối nhân xử thế của từng người. 
Tương tự, nhiều tiêu chuẩn cũng bắt nguồn từ các giá trị truyền thống dân tộc lâu đời như tinh thần đoàn kết, uống nước nhớ nguồn, đề cao tính chăm chỉ, cần cù, lòng yêu nước,.. - những phẩm chất được hầu hết người dân Việt Nam tán thành. 
Vậy câu hỏi đặt ra là trong xã hội hiện tại, những chuẩn mực xã hội nào đã trở nên lỗi thời, làm ngăn cản mỗi người sống cuộc sống mình mong muốn và vì vậy cũng cần phải thay đổi? Hay những chuẩn mực nào vẫn còn giá trị và vẫn đáng được cân nhắc? Trong số 9toTalk này, được sự ủy quyền của Spiderum, hãy cùng chia sẻ với mình những trải nghiệm của bạn về chủ đề này nhé.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
Xem thêm các số 9toTalk khác: