Chào các bạn, lại là mình - điệp viên thường trú tại Thâm Quyến, Trung Quốc đã trở lại rồi đây. Sau sự trở lại với Xiaomi và Tiktok cùng sự hướng ứng nhiệt tình từ độc giả, mình tiếp tục đem đến bức tranh công nghệ một mảnh ghép mang tên Huawei - cái tên xuất hiện trên các mặt báo với tần suất dày đặc từ 2018 đến nay. Lý do mình không viết về Huawei sớm hơn vì bản thân mình không thích bắt trend :))) Khi mọi người đều nói về một chủ đề đang hot, mình chọn im lặng và quan sát cho đến khi hiểu một cách rõ ràng, khách quan và trải nghiệm thực tế. Vậy Huawei là ai? Một trong những ông lớn viễn thông ở xứ sở tỷ dân tại sao gặp nhiều lao đao ở thời điểm hiện tại? Cùng theo chân điệp viên 0 số trứ danh để tìm hiểu nhé!
Huawei là tên thương hiệu của công ty TNHH Kỹ thuật Hoa Vĩ, một trong những tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến. Hơn một nửa doanh thu của Huawei đến từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc, dù công ty có tên gọi chẳng dễ đọc chút nào đối với người không thành thạo tiếng Trung Quốc: Wah-Way hay Huơ way. Tuy nhiên, cách đọc đúng là Hoa-way, và với người Trung, Huawei là một cái tên rất hay và có ý nghĩa đặc biệt. Huawei thực chất được tạo ra từ hai chữ cái, dịch ra tiếng Việt là "Hoa Vĩ". Chữ Hua có nghĩa là “Trung Hoa” hoặc “người Trung Hoa”, trong khi chữ Wei thường có nghĩa là “thành tựu” hoặc “hành động”. Chữ Wei trong Wei Da còn mang nghĩa là vĩ đại. Đặt chúng lại với nhau, tên gọi Huawei sẽ mang ý nghĩa “thành tựu của người Trung Quốc”, hoặc "Trung Quốc vĩ đại". Tên thương hiệu đơn giản nhưng mang những ẩn ý sâu xa, như một đích tới của hãng. Và cũng bắt đầu từ cái tên ý nghĩa, thương hiệu đã đạt được những thành tựu đáng kể không chỉ trong nước mà còn nổi tiếng hàng đầu trên thế giới.

Không chỉ sâu xa từ cái tên, logo của Huawei cũng truyền tải thông điệp tích cực. Biểu tượng bông hoa trong logo Huawei mang nhiều cảm giác thanh bình, đầy sức sống. Bông hoa tượng trưng cho cái đẹp, những gì tinh tế nhất, sự phát triển và thịnh vượng. Màu đỏ trong các thiết kế logo đem đến cảm nhận về sự đam mê, sự nhiệt huyết, khát khao vươn lên chinh phục những đỉnh cao của thành công. Theo một số lý giải khác, biểu tượng logo Huawei còn như những miếng táo bị cắt thành nhiều mảnh, thể hiện tham vọng muốn trở thành đối thủ xứng tầm với Apple trong làng công nghệ thế giới...
Hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay như Google, Facebook, Microsoft, Apple hay Alibaba đều được thành lập khi người sáng lập còn ở độ tuổi rất trẻ. Tuy nhiên Nhậm Chính Phi(Ren Zhengfei) thành lập Huawei khi đã bước sang tuổi 44 - một lứa tuổi được xem là đã già trong lĩnh vực công nghệ.
Tập Cận Bình và Nhậm Chính Phi
Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên tại một khu vực xa xôi của tỉnh Quý Châu, Nhậm Chính Phi từng theo học tại học viện kiến trúc Trùng Khánh, trước khi trở thành sĩ quan phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Ra khỏi quân đội với số vốn 21.000 nhân dân tệ, ông thành lập Huawei tại Thâm Quyến vào năm 1987.
Từ mãnh thú mới trong làng công nghệ thế giới
Hoạt động kinh doanh của Huawei bao gồm 3 nhóm chính:
Carrier Network Business Group (CNBG): hoạt động cung cấp giải pháp và sản phẩm công nghệ về mạng không dây, mạng cố định, dịch vụ toàn cầu, giải pháp năng lượng công nghệ…
Enterprise Business Group (EBG): trung tâm dịch vụ dữ liệu và sản phẩm lưu trữ của Huawei, có nhiệm vụ nhận, phân tích, dịch, giữ và lưu trữ tất cả các thông tin được dẫn đến.
Consumer Business Group (CBG): là nhóm kinh doanh mũi nhọn của Huawei nhằm tấn công vào phân khúc thiết bị cầm tay cá nhân và điện thoại thông minh.
Ban đầu Huawei là nhà phân phối các thiết bị tổng đài BPX cho một hãng của Hongkong. Tuy nhiên tới năm 1990 Huawei đã tự nghiên cứu và sản xuất các thiết bị tổng đài riêng của mình. Năm 1995 hãng quyết định phát triển và sản xuất thiết bị thông tin di động. Tại thời điểm đó rất ít các nhà đầu tư biết được rằng công nghệ di động sẽ phát triển và mang lại lợi ích thế nào cho cuộc sống. Lúc này Huawei vẫn là một công ty nhỏ và phải đầu tư rất lớn cho nghiên cứu sản phẩm mới, nhưng hãng đã khiến cho nhiều người bất ngờ, khi chỉ trong vòng 2 năm sau đó công ty đã lớn mạnh ở thị trường nội địa, đạt doanh thu 1 tỷ đô la với 2000 nhân viên và quyết tâm vươn lên trở thành một tập đoàn toàn cầu. Con đường mà Huawei tiếp cận là bắt đầu bằng việc sao chép thiết kế và công nghệ của các ông lớn, sau đó dần tích đủ nguồn lực và mở lối đi riêng cho chính mình.
Sau hơn 10 năm toàn cầu hóa, doanh thu của Huawei tăng từ 1 tỷ đô la lên 35 tỷ đô vào năm 2012. Trong đó 66% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài, lợi nhuận của tập đoàn này năm 2012 là 2.5 tỷ đô la, tăng 32% so với năm 2011. Hầu hết những sản phẩm mới ra thời kỳ đầu của Huawei đều có những mức giá khá hợp lý, nhất là với những người lần đầu tiên mua smartphone. Thay vì tấn công trực tiếp vào thị trường người tiêu dùng, chiến lược của Huawei khi đó là giới hạn những mặt hàng có giá trị thấp.
Dù không được truyền thông nhắc đến nhiều như Alibaba, Tencent hay Baidu nhưng doanh thu năm 2017 của Huawei lại bằng tất cả gã khổng lồ trên cộng lại. Đầu tháng 9/2017 ngay trước thềm sự kiện Iphone, Huawei đã bất ngờ vượt mặt Apple để trở thành hãng smartphone đứng thứ 2 thế giới về doanh số trong một quý tài chính. Và để có được một khoảnh khắc huy hoàng trong năm 2017, Huawei đã liên tục nỗ lực trong vòng 5 năm trời. 
Lấn sân ở mảng công nghệ là sự phát triển chóng mặt mà không phải tập đoàn nào cũng làm được. Huawei lấn sân sang thị trường PC vào năm 2016 với việc ra mắt chiếc tablet chạy trên nền tảng Windows 10, mang tên là Huawei Matebook.  Đây cũng chính là bước đi khá khôn ngoan của Huawei góp phần đánh bóng tên tuổi của mình.
Thế nhưng trong những năm tiếp theo, vị thế đại diện của Trung Quốc lại rơi vào tay của một kẻ nổi loạn khác là Xiaomi. Khởi nghiệp smartphone trước cả Huawei từ năm 2011, "hạt gạo nhỏ" của tỷ phú Lei Jun nhanh chóng gây sốt bởi chiến lược phá giá và cấu hình. Bao gồm cả những smartphone có vi xử lý, ROM và độ phân giải ngang ngửa smartphone cao cấp từ Samsung, nhưng giá bán chỉ bằng một nửa. Bản chất của cuộc đua đã thay đổi hoàn toàn khi kết thúc năm 2013, Xiaomi trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới, mức giá trung bình smartphone tại Trung Quốc giảm xuống dưới 150 đô la. 
Xin chào, lại là Lôi Quân đây :p
Tuy nhiên bước ngoặt kế tiếp đã xảy ra khi thị trường đã bắt đầu bão hòa, từ năm 2014 – 2015 tổng cộng 136 nhãn hiệu smartphone của Trung Quốc bị phá sản. Xiaomi từ chỗ đạt được 100 triệu máy phải hạ xuống 80 triệu và rồi cuối cùng chỉ đạt vỏn vẹn 70 triệu. Trong khi đó, Lenovo và ZTE cũng dần chìm vào dĩ vãng.
Vậy thì đâu là câu trả lời cho sự hồi sinh của Huawei? Câu trả lời nằm ở chiến lược ngàn đời của các doanh nghiệp Trung Quốc: sao chép và học hỏi. Ngày 29/4/2014 thương hiệu giá rẻ Honor được ra đời để làm bàn đạp tiến đánh các thị trường đang phát triển. Cũng trong tháng 10 năm đó Huawei đưa Honor sang Châu Âu và trong vòng 1 năm thương hiệu giá rẻ của Huawei đã có mặt ở trên 70 quốc gia. Doanh số bán ra cả năm 2014 là 20 triệu chiếc - một thành tích mà Huawei sau đó đã có thể tái lập chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2015.
Đến quý 3 năm 2015 vị trí số 3 toàn cầu đã rơi vào tay Huawei bằng cách áp dụng chính chiến lược của đối thủ. Huawei đã nhắc lại bài học khắc nghiệt nhất của thế giới công nghệ, là bất cứ chiến lược đột phá nào của các startup cũng có thể bị học hỏi bởi các gã khổng lồ đi trước. Bất cứ lúc nào vũ khí của kẻ mới nổi cũng bị sử dụng để chống lại chính bản thân họ.
Năm 2016 gã khổng lồ Huawei, đã cùng với LG trở thành 2 tên tuổi đầu tiên vén màn camera kép trên chiếc smartphone đầu bảng. Apple mất nửa năm mới bắt kịp, Samsung mất tới một năm rưỡi kể từ ngày Huawei khai mạc cuộc chiến mới có camera kép trên chiếc Galaxy Note 8. Như thế từ chỗ là kẻ học hỏi rõ ràng các thiết kế của Apple và Samsung, Huawei trở thành kẻ đi đầu. Thế giới Huawei được chia làm hai nửa, Honor để dằn mặt những kẻ mới nổi đối đầu với Xiaomi, Oppo và Vivo. Còn các mẫu đầu bảng dòng Ascend, Mate biến Huawei trở thành kẻ đối đầu đích thực với Apple và Samsung.
Cũng trong năm 2014, Huawei đã đưa chip tự thiết kế lên smartphone đầu bảng. Ra mắt vào thời điểm giữa năm, chiếc Ascend P7 trở thành một cột mốc lịch sử. Đây là chiếc smartphone cận cao cấp đầu tiên sử dụng con chip do người Trung Quốc tự thiết kế. Tuy nhiên, Ascend P7 nhận về lời chỉ trích bởi tốc độ quá chậm của con chip Kirin 910T. Ấy vậy mà trong vòng 2 năm sau đó, Huawei và hãng chip Hisilicon của mình đã làm được điều tưởng chừng như không thể - đưa Kirin trở thành chip có tốc độ ngang ngửa snapdragon của Qualcomm và Exynos của Samsung.
Năm 2017 chiếc Mate 10 pro lại trở thành chiếc smartphone Android thứ 2 có chip AI tự thiết kế. Với Mate 10 pro người ta mới chợt nhận ra trong suốt 3 năm kể từ khi lọt vào top 5 cho đến khi chiếm vị trí thứ 2 thế giới của Apple, Huawei vẫn là một trong 3 ông lớn duy nhất trên thế giới có thể tự thiết kế chip cho smartphone của mình. Tại sự kiện IFA 2018, Huawei trình làng Kirin 980 - chipset tiến trình 7nm đầu tiên trên thế giới. Trước đó thì chip 970 với nhân MPU hỗ trợ tác vụ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới cũng được hãng này trang bị cho chiếc Mate 20 pro. Và điều này đã được minh chứng thành công khi trong ngày mở bán Mate 20 pro và Mate 20, Huawei đạt doanh thu 15 triệu đô khi chưa đầy 1 tuần từ ngày 20/4 năm 2018. 
Trong ngành thời trang, chúng ta dễ dàng bắt gặp những thương vụ hợp tác đình đám, tạo hiệu ứng tích cực trên cả hai phương diện truyền thông và doanh số như LV và SupReme, Nike và OFF While. Trong địa hạt của smartphone, với màn hợp tác tuyệt hảo cùng Leica, Huawei đã thành công khi biết tạo dựng bản sắc riêng cho mình khi áp dụng chiến lược kết hợp giữa một thương hiệu bình dân với một thương hiệu cao cấp. Vừa giúp nâng tầm tên tuổi vừa tạo ra những sản phẩm có khả năng gây kinh ngạc mãnh liệt cho người dùng. Mà thành quả hợp tác đầu tiên là Huawei P9 và P9 plus sở hữu camera kép đầy khác biệt.
Đầu năm 2018 trên đà thắng lợi, Huawei tiếp tục con đường khởi sướng cuộc cách mạng ảnh cho smartphone với Leica Triple camera qua Huawei P20 và P20 pro. Huawei P20 pro sở hữu 3 từ khóa công nghệ, 3 camera, ống kính Leicacảm biến 40Mp. Một trong những tính năng tuyệt vời mà Leica mang đến cho Huawei đó là chế độ chụp ảnh monochrome hoàn hảo. Cú bắt tay của Huawei là Leica tạo ra những trải nghiệm mới cho người dùng, đặc biệt nếu ai đã trót hâm mộ khả năng chụp ảnh điệu nghệ từ Leica.

Huawei tự ghi mình vào bản đồ điện thoại smartphone thế giới, trong vai trò của người tiên phong cho dòng smartphone chuyên chụp ảnh. Huawei cũng liên tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, như sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Công ty này thường xuyên góp mặt trong danh sách Global 500 của Fortune - xếp hạng 500 công ty có doanh thu lớn nhất thế giới. Năm nay - 2020, họ đứng thứ 72.
 “Lần đầu tiên, người ta nhận ra Huawei không còn chỉ là một sự lựa chọn giá rẻ, mà có thể cạnh tranh bằng cả chất lượng và giá thành.” Theo lời Dexter Thillien – một nhà phân tích viễn thông tại Fitch Solutions.

Tua nhanh đến thời điểm hiện tại. Qua chưa đầy một thập kỷ, nhãn hiệu tư nhân Huawei đã trở thành công ty thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hơn nữa, Huawei đã dẫn đầu trong cuộc đua chế tạo công nghệ quan trọng nhất của thế giới hiện đại: điện thoại di động thế hệ thứ 5. Khác với nhiều tiền bối – không chỉ đơn thuần cho người dùng khả năng gửi tin nhắn, lướt web trên điện thoại, xem video trực tuyến, 5G hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trên nền kinh tế toàn cầu.
Và có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, thị phần và năng lực công nghệ ngày càng lớn mạnh của Huawei đang đặt Trung Quốc ở vị trí có thể làm chủ công nghệ của thế hệ tương lai. 5G sẽ cho phép tốc độ truyền tải dung lượng nhanh hơn nhiều so với tốc độ hiện nay và điều này cực kỳ quan trọng với người dùng. Đồng thời, công nghệ 5G cũng chính là chìa khóa để đảm bảo trí tuệ nhân tạo vận hành được liền mạch: để ô tô không người lái không gây tai nạn, để máy móc trong các nhà máy tự động hóa có thể giao tiếp hoàn hảo cùng thời điểm trên toàn thế giới và để hầu hết các thiết bị trên toàn thế giới được kết nối với nhau.
Cho đến "con sói cô độc" 
Công nghệ 5G nói đơn giản chính là hệ thống thần kinh trung tâm của nền kinh tế thế kỷ 21. Và nếu Huawei tiếp tục đà tiến lên thì Bắc Kinh chứ không phải Washington sẽ được đặt ở vị thế tốt nhất để xưng vương trong hệ thống đó. Điều đáng kinh ngạc là Huawei đã bước vào được lãnh địa mà người ta coi là bất khả xâm phạm của các nước phát triển. Thành công của Huawei đã biến nó thành mục tiêu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Sự nổi lên của Huawei là lời khẳng định vai trò ngày càng to lớn của công ty Trung Quốc trong các mạng viễn thông quốc tế. Điều này có thể cho phép Bắc Kinh nắm lấy quyền kiểm soát kỹ thuật số chuyên sâu của toàn thế giới, từ đó áp dụng cho công tác gián điệp tại các nước đối lập hoặc đánh cắp bí mật thương mại.

Từ đây cũng làm dấy lên một câu hỏi không lời đáp: " Huawei thực chất đang làm việc cho ai?"
Đằng sau tất cả những sự lo lắng từ sự phát triển vượt bậc của Huawei là một câu hỏi đơn giản hơn: "Làm thế nào mà một doanh nghiệp tư nhân khiêm tốn của Trung Quốc, được thành lập ba thập kỷ trước để nhập khẩu các thiết bị viễn thông cơ bản lại nổi lên như kẻ cầm quyền của công nghệ quan trọng nhất thế giới?"
Con đường từ một mãnh thú gia nhập làng công nghệ thế giới với những bước tiến dài, nhảy vọt khiến truyền thông thế giới hoài nghi về thế lực đứng sau Huawei. Đặc biệt là thân thế của người đứng đầu - Nhậm Chính Phi. Huawei ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu vào năm 2018 khi Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei - Mạnh Vãn Châu (Meng Wenzhou) đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc liên quan đến việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt lên Iran.
Mạnh Vãn Châu là con gái của Nhậm Chính Phi với người vợ đầu - Mạnh Quân, bà xuất thân trong gia đình quan chức cấp cao. Bố vợ của Nhậm Chính Phi là Mạnh Đông Ba - một cựu quan chức cấp cao của tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi kết hôn, họ sinh được một trai, một gái, con gái lấy theo họ mẹ là Mạnh Vãn Châu và con trai Nhậm Bình. Mạnh Vãn Châu lấy họ mẹ khi còn là thiếu niên, và sau đó trở thành giám đốc tài chính Huawei. Trong khi đó có khá ít thông tin về Nhậm Bình, trừ việc đang làm cho một công ty con của Huawei. Bên cạnh đó, việc người sáng lập Huawei – Ren Zhengfei là một cựu sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân và việc khách hàng đầu tiên của Huawei chính là quân đội không thể đơn thuần là một sự trùng hợp...
Ái nữ Huawei 46 tuổi Mạnh Vãn Châu
Không thể có một lời giải thích đơn thuần cho tất cả sự thành công gần đây của Huawei trong năng lực công nghệ. Tổng hòa của sự hỗ trợ từ chính phủ, sự bảo hộ trước các đối thủ nước ngoài và một thị trường nội địa rộng lớn, đã mang lại doanh thu khổng lồ và nhanh chóng tăng theo bội số. Rõ ràng, xuyên suốt lịch sử hình thành, Huawei đã nhận được nhiều lợi ích từ sự hỗ trợ của chính phủ, điều mà các đối thủ phương Tây không có - dù rằng bản chất chính xác của viện trợ này rất khó để biết được, cũng giống như mối quan hệ vĩ mô giữa mỗi doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đối với chính phủ.
Tuy Huawei không có nghĩa vụ phải công khai báo cáo tài chính như các công ty được niêm yết khác, nhưng các điều tra viên châu Âu đã tìm ra bằng chứng cho thấy Huawei có thể đã nhận dòng tín dụng lên đến 30 tỷ đô từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, cùng các nguồn vốn đúng thời điểm khác.“Vốn từ chính phủ đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của Huawei,” theo Matthew Schrader – một nhà phân tích người Trung tại Liên minh bảo vệ nền dân chủ tại quỹ Marshall, Đức. Điều này giúp Huawei kết nối với thị trường nội địa, đổi lại đã cho doanh nghiệp này có khả năng mở rộng ra thế giới bằng nhiều đợt khuyến mại sâu.
Sự trỗi dậy của Huawei có thể được nhìn nhận như cuộc thử nghiệm mới nhất về sự vật lộn giữa hai dạng thức của chủ nghĩa tư bản: thị trường phương Tây mở, tư nhân hóa và thị trường kiểu Trung được bảo trợ bởi nhà nước – tuy rằng Huawei không hẳn là một doanh nghiệp nhà nước. Cho dù vậy, cuối cùng, sự trỗi dậy của Huawei là kết quả tổng hợp từ nhiều chính sách và quyết định khác nhau, cùng với lợi thế biết nắm bắt thời cơ từ một vài bước đi sai lầm từ các đối thủ phương Tây.
Giới tình báo Mỹ cho rằng Huawei có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc, và sản phẩm của họ sẽ được thiết kế "cửa sau" để phục vụ mục đích do thám. Dù vậy, chưa bằng chứng nào được công khai và Huawei cũng liên tục phủ nhận các cáo buộc này. Sự lo ngại hiện tập trung vào công nghệ mạng 5G mà Huawei đang vượt trội trên thế giới. Việc Trung Quốc thông qua luật quy định mọi công ty trong nước phải hỗ trợ chính phủ khi được yêu cầu cũng khiến nhiều nước chùn chân trước việc hợp tác với Huawei.
Kể từ tháng 9, lệnh cấm vận mới của Mỹ đối với Huawei và các chi nhánh sẽ có hiệu lực. Nhiều nhà phân tích cho rằng lệnh cấm cung cấp chất bán dẫn sử dụng thiết bị và phầm mềm Mỹ là “án tử” cho tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc. Hiện tại, Huawei cũng đang “mệt mỏi” vì Mỹ không ngừng cố gắng ngăn chặn tập đoàn này tham gia phát triển mạng lưới viễn thông 5G trên toàn cầu, đồng thời bị hạn chế tiếp cận các thành phần công nghệ trọng yếu của Mỹ. 

Không chỉ đối mặt với sóng gió bên ngoài, bên trong Huawei cũng đầy bão tố. Hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc có nguy cơ chảy máu chất xám trầm trọng. Họ đã mất hàng trăm nhân tài vào tay đối thủ. Nhậm Chính Phi hiểu không nhiều và tỏ ra không hứng thú với công nghệ, nhưng ông điều hành tập đoàn hơn 180.000 nhân viên bằng kỷ luật thép theo phong cách nhà binh. Vì quá khắc nghiệt, các chuyên gia, quản lý người nước ngoài thường không trụ nổi ở Huawei quá một năm. Mặc dù là người sáng lập và là chủ tịch của tập đoàn, nhưng hiện nay ông chỉ giữ 1.4% cổ phần, còn lại nằm trong tay hết hàng vạn nhân viên đang làm việc cho Huawei. Nếu một nhân viên rời khỏi tập đoàn này, anh ta phải bán lại toàn bộ cổ phiếu. Đây là một chính sách khá thú vị, một mặt nó đảm bảo sự gắn kết bền lâu của người lao động với tập đoàn, mặt khác những người không làm việc ở đây nữa sẽ luôn có một khoản tiền khi rời đi.
Trong suốt hàng chục năm qua, thiết bị viễn thông vốn là mảng kinh doanh trụ cột của Huawei, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà mạng lớn của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G. Huawei đã lên dây cót chuẩn bị các linh kiện cần thiết trước ít nhất một năm trời. Tuy nhiên, tốc độ lắp đặt 5G ở Trung Quốc đã chậm lại khi Huawei gấp rút tái thiết kế và loại bỏ càng nhiều linh kiện Mỹ khỏi các sản phẩm của mình càng tốt.
Vậy vì đâu Huawei bị đẩy vào "nước sôi lửa bỏng"?
Theo mình, có 5 nguyên nhân khiến Huawei bước vào kỷ nguyên đen tối sau 3 thập kỷ khôn ngoan tiến tới vị trí toàn cầu.
Thứ nhất, Huawei bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài gần 2 năm nay. Theo các nhà phân tích, công ty này được xem như "quân bài đàm phán" trong cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Huawei là hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc với tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới và là một trong số ít công ty sản xuất thiết bị mạng 5G. Công ty này đạt doanh thu 105 tỷ USD vào năm ngoái, nhiều hơn hãng công nghệ khổng lồ IBM của Mỹ.
Thứ hai, Huawei có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, từ xuất thân của người đứng đầu cho đến những cáo buộc từ phía Mỹ đưa ra. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo sau một năm điều tra, trong đó nói rằng Huawei là mối đe dọa về an ninh đối với Mỹ. Báo cáo này kết luận rằng Huawei và công ty viễn thông đồng hương ZTE hoạt động với sự "chống lưng" của chính phủ Trung Quốc và khẳng định không được cho phép thiết bị của hãng này lắp đặt trong các hạng mục cơ sở hạ tầng viễn thông trọng yếu của Mỹ. Từ lâu, Washington cũng đã nghi ngờ Huawei làm gián điệp trên các mạng viễn thông đang sử dụng công nghệ của hãng.
Thứ ba, dính đến mối quan hệ với Iran, Huawei bị cáo buộc lừa dối các tổ chức tài chính và chính phủ Mỹ về quan hệ làm ăn với Iran. Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc người sáng lập Huawei Ren Zhengfei khai thông tin sai lệch với FBI vào năm 2007, nói rằng công ty này không vi phạm bất kỳ luật xuất khẩu nào của Mỹ và cũng không có quan hệ làm ăn trực tiếp với công ty nào của Iran.
nguồn: doanhnhanonline
Thứ tư, Chính quyền Tổng thống Trump cũng kiện Huawei với cáo buộc công ty này đánh cắp bí mật thương mại của nhà mạng không dây Mỹ T-Mobile (TMUS). Theo hồ sơ vụ kiện ở cấp liên bang này, Huawei bị cáo buộc đã dành nhiều năm để đánh cắp công nghệ thử nghiệm điện thoại độc quyền của T-Mobile - được gọi là "Tappy". Huawei là nhà cung cấp điện thoại của T-Mobile và có quyền tiếp cận một số thông tin về Tappy nhờ mối quan hệ đó. Chính phủ Washington cũng cáo buộc lãnh đạo của Huawei đã hứa sẽ thưởng cho những nhân viên thu thập được thông tin bí mật về đối thủ.
Thứ năm, công nghệ của Huawei là nhân tố quan trọng đối với tương lai của mạng 5G - công nghệ mà Mỹ có tham vọng thống trị. Hiện Huawei là công ty đi đầu về 5G, cung cấp công nghệ hỗ trợ triển khai mạng viễn thông không dây 5G. Hai đối thủ đáng kể nhất ở mảng này của Huawei là Nokia và Ericsson, nhưng công ty Trung Quốc có quy mô lớn hơn nhiều với công nghệ nhanh hơn và rẻ hơn. Dù Mỹ luôn tránh sử dụng công nghệ của Huawei, sản phẩm của công ty này vẫn phổ biến tại nhiều vùng nông thôn của Mỹ. Sản phẩm của Huawei cũng có vị thế vững chắc tại châu Âu, châu Á và các khu vực khác.
Tại Trung Quốc, phong trào tẩy chay sản phẩm của Apple khi hôm qua (15/9) bắt đầu, một doanh nghiệp sản xuất rượu tại tỉnh Giang Tô đã yêu cầu nhân viên của mình ai đang dùng Iphone phải chuyển sang smartphone nội địa trong vòng 30 ngày, còn ko sẽ bị buộc từ chức; nếu ai mua Iphone sẽ bị đuổi ngay lập tức; nếu mua smartphone Huawei công ty hỗ trợ 15% giá. Rất nhiều người cũng đổ xô đi mua Huawei vì "yêu nước", thị phần của Iphone giảm mạnh ở thị trường tỷ dân do sự "đáp trả" từ chính quyền nước này. 

Một phần lý do mình không viết về Huawei sớm hơn là làn sóng phẫn nộ của Trung Quốc thời điểm chiến tranh thương mại vào năm ngoái. Huawei thực chất đã được đưa vào "tầm ngắm" từ vài năm trước, khi sếp mình có dịp gặp người đứng đầu Samsung tại Trung Quốc trong một chuyến công tác. Họ cũng nói rằng cuộc chơi nào cũng cần những quân bài đàm phán, và Huawei là một trong số đó. Khi bạn thành công và nổi tiếng một cách thần kỳ và nhanh chóng, tất tiềm ẩn những nguy hiểm to lớn. Đặc biệt khi Huawei là "con cưng", được sự hậu thuẫn từ phía chính phủ. Đến thời của Trump - một người làm kinh doanh điều hành đất nước, Huawei là một cái gai trong mắt và Mỹ muốn làm mọi cách để khiến nền kinh tế thứ hai thế giới phải xuống nước. 
Là cái nôi của nhiều ông lớn làng công nghệ như Tencent, Huawei, ZTE,... Thâm Quyến là một đặc khu kinh tế thành công bậc nhất thế giới và đạt được nhiều thành tựu mà bất cứ một thành phố trẻ nào đều mơ ước. Tuy nhiên, sự suy giảm hoạt động kinh doanh hay sự sụp đổ hoàn toàn của Huawei không chỉ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến mà còn làm tổn hại lòng tin của công chúng về sức mạnh kinh tế và kỹ thuật của Trung Quốc.
Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến
Sự sụp đổ của Huawei sẽ là thảm họa cho Thâm Quyến - đặc khu kinh tế 40 tuổi hình thành từ một làng chài. Huawei là tập đoàn đóng góp lớn nhất, chiếm khoảng 7% GDP của Thâm Quyến năm 2016 và là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỉ nhân dân tệ (14,4 tỉ USD) vào nền kinh tế địa phương. Ðó chỉ là sự đóng góp trực tiếp của Huawei vào nền kinh tế thành phố, nếu kể luôn các nhà cung cấp và dịch vụ thì ảnh hưởng của tập đoàn này còn lớn hơn gấp nhiều lần. 
Mô tả làn sóng các công ty quốc tế rút vốn khỏi Trung Quốc, một nhà nghiên cứu tại Thâm Quyến bình luận: “Giống như đầu những năm 2000, khi nhà đầu tư Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp Ðài Loan và Hàn Quốc chuyển địa bàn từ Ðài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc, nay cũng chính nhà đầu tư Mỹ yêu cầu những nhà cung cấp này tái di chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam, Ấn Ðộ và Ðài Loan”. Huawei sụp đổ, Thâm Quyến cũng lao đao... 
Tạm kết, mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng những biến động lớn này vẫn đẩy Huawei vào thế căng thẳng. Theo trang Bussiness Insider, các nền tảng di động cần một hệ sinh thái mạnh, đặc biệt là khi nói đến các ứng dụng. Việc thiếu ứng dụng gần như chắc chắn dự báo về cái chết của bất kỳ một hệ điều hành mới nào. Đây chính là lý do khiến nhiều “gã khổng lồ” công nghệ, dù đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền của các hệ điều hành, như Microsoft với Windows Mobile, Samsung với Tizen hay Symbian của Nokia, nhưng đều thất bại. Android và iOS hiện vẫn chiếm tới 99,9% thị phần smartphone. Vì vậy, việc Google rút giấy phép sử dụng Android chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến người sử dụng điện thoại thông minh của Huawei trên toàn cầu. Đồng thời, người dùng toàn cầu cũng e ngại hơn khi lựa chọn sản phẩm của Huawei, điều này khiến giá sản phẩm giảm mạnh.

 Với sự phát triển, vươn lên thần kỳ trong 30 năm qua, cùng tầm nhìn xa về những khó khăn trước mắt, liệu Huawei có thể vượt qua những biến động này? Mình không biết, và thế giới cũng không biết. Nhưng dù ai lên cầm quyền vào ngày 3/11 tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tương lai của Huawei cũng không mấy sáng sủa. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cạnh tranh để giành vị trí tối cao về công nghệ.
Kết, một con sói cô độc thì không bao giờ có thể chiến thắng sư tử, nhưng một đàn sói đoàn kết và chấp nhận hi sinh vì nhau, sẽ quật ngã một con sư tử một cách dễ dàng. Đó là lời Nhậm Chính Phi từng nói với hàng vạn cộng sự của ông, mà sau này các nhà kinh tế gọi là lý thuyết sói. Với Nhậm Chính Phi, "cuộc khủng hoảng ngày nay chỉ bằng khoảng 1% áp lực khi Huawei xảy ra nội chiến vào năm 2000." Ở tuổi thất thập cổ lai hi, Nhậm Chính Phi trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ và vẫn phải lèo lái con tàu mang tên Huawei. Tình thế hiện nay của Huawei đến từ chính xuất thân "hơn người", và những biến cố xảy đến cũng "hơn người". Khi bạn càng lên cao, gió càng lộng và áp lực sẽ không phải người thường nào cũng chịu được. Được sư ưu ái của Chính phủ, Huawei đã đạt được những thành tựu dài và vượt trội, tuy nhiên, Huawei cũng lại chính là quân bài được đem ra đàm phán sau ba thập kỷ khôn ngoan gia nhập thị trường viễn thông công nghệ thế giới.
Vận mệnh Huawei là điều mà thế giới đều tò mò nhất là khi Huawei đã bắt tay hợp tác với Nga hồi tháng 8 năm nay. Liệu con sói khôn ngoan suốt ba thập kỷ có thể một lần nữa lấy lại phong độ để vượt qua nghịch cảnh mịt mờ hiện nay hay không? Câu trả lời nằm ở thì tương lai và chờ đợi là điều duy nhất mà thế giới có thể làm cho 2021!
Tài liệu tham khảo: 
Một số bài viết cùng chủ đề: