Những bài mình viết đều là quan điểm cá nhân, và phù hợp với suy nghĩ của mình tại từng thời điểm. Mình đón nhận cởi mở những ý kiến của mọi người.
Yêu thương và biết ơn!
09/2020
-----------------------------------------
1. Thành tích là gì?
Theo từ điển Việt - Việt mình tra trên tratu.soha.vn thì "thành tích" là "kết quả tốt đẹp do nỗ lực mà đạt được". (http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Th%C3%A0nh_t%C3%ADch).
Xét về nghĩa Hán - Nôm, "thành" có nghĩa làm xong, "làm công việc gì đến lúc xong thì đều là thành" (trong hoàn thành), "tích" thì có nghĩa là "công sức, công lao" (ví dụ như công tích). Theo mình hiểu thì "thành tích" là công lao đã bỏ ra để hoàn thành một việc gì đó. Về sơ khai, bản thân từ "thành tích" mang tính công nhận nỗ lực khi làm xong một việc gì đó, chả có tí gì liên quan đến bằng khen, giấy chứng nhận, huân chương hay vân vân mây mây những danh hiệu mĩ miều gì đấy. 
Thành tích - chính là sự nỗ lưc!
2. Chúng ta có cần thành tích không?
Khi hoàn thành xong một việc, đạt được một chiến thắng hay mục tiêu trong cuộc sống, não tiết ra dopamin. Khi nhận được sự tán dương hay khen ngợi, serotonin được giải phóng. Dopamin hay serotonin, còn được gọi là những hormones hạnh phúc, là những chất khiến tâm trạng con người tốt hơn, duy trì cảm giác hưng phấn vui vẻ. 
Sự công nhận dù đến từ ai là một liều thuốc bổ nhanh cho não và cho tâm trạng. Nó còn có tác dụng kéo dài giúp tạo và duy trì động lực cho chúng ta làm những việc khác. Được công nhận trong mắt mọi người khiến người ta cảm thấy giá trị của mình được đẩy cao hơn, có cảm hứng để tiếp tục hoàn thành nhiều công việc hơn.  
Vậy không thể phủ nhận "thành tích" là cần thiết. 
Nhưng chúng ta nên công nhận sự nỗ lực hay công nhận kết quả
Trở lại tuổi thơ với trào lưu khoe phiếu bé ngoan thời mẫu giáo - Báo Kiến  Thức
Ảnh: Internet
3. Dùng thành tích sai cách?
Cá nhân mình cho rằng bản thân từ "thành tích" đã bao hàm từ xuất sắc rồi, bởi không có sự cố gắng, không hoàn thành xong công việc thì sao mà có "thành tích" đúng không? 
Chúng ta có phải đang tự cho rằng thành tích là những tấm bằng khen, những danh hiệu, những chứng nhận,... Vậy nên ai ai cũng phải nỗ lực để "đạt được thành tích xuất sắc trong học tập, trong lao động". Vậy thành tích không xuất sắc thì sao? Ngượng ngạo hết sức :))) 
Giấy khen cho học sinh là thứ phần thưởng lỗi thời, nên bỏ | theNEXTvoz
Ảnh: Voz
Không rõ các bạn như thế nào, nhưng mình tin là có nhiều bạn giống như mình: 
Lúc nhỏ đi học, chúng ta được tiêm vào đầu những thứ như là:
E hèm...
"Nếu con được điểm 10, thì con sẽ được mua kẹo"
"Nếu con được học sinh giỏi, bố mẹ sẽ thưởng con một chiếc xe đạp"
"Chúng ta cùng tuyên dương bạn thủ khoa khối 10, mời bạn lên bục nhận giấy khen và quà"...
Lớn lên, chúng ta sống trong thế giới hầu như đo lường bằng KPI và những con số bonus.
"Nếu đạt KPI, em sẽ bị thưởng, không đạt KPI em sẽ được hụt (lương)".
(tức ghê, mình còn đang nghĩ đến chuyện xây dựng KPI cho chính mình mà lại ngồi gõ mấy dòng này :)))
Vậy thì, có công nhận nào cho những người đã cố gắng hết mình (mà kết quả không được như mong đợi)?
Giấy khen giờ liệu còn là thước đo để đánh giá học lực của học sinh? (st) |  Tinh tế
Một tấm ảnh từng go viral cách đây không lâu :v
4.  Bao nhiêu là đủ?
Làm gì có công thức nào cho hạnh phúc và thành công. Chẳng bao nhiêu là đủ, nhưng cũng chẳng bao nhiêu là thiếu.
Chúng ta cần "thành tích" để tiến về phía trước, nhưng chúng ta cũng nên hiểu nếu không đạt được nó, chúng ta học được gì. Mà ngay cả khi đạt được nó, chúng ta đã học được bài học gì. 
Người ta thường nói "kết quả quan trọng, quá trình không quan trọng".
Điều này có hệ luỵ gì, các bạn suy nghĩ chút nhé :v 
Quá trình trưởng thành thật sự đến từ những gì chúng ta học được ở quá trình, ngay cả đó là thất bại. 
5. Thành công không quan trọng bằng đối mặt với thất bại 
Chúng ta được dạy phải thành công, nhưng không được dạy đối diện với thất bại.  À đấy là mình được dạy thế, chứ bạn nào được dạy thì lại xịn quá hehe (y).
Mình luôn được dạy từ thời đi học trung học và phổ thông rằng mình phải được nhất lớp, nhất trường, phải đạt giải này giải kia, nhưng không ai bảo mình nếu rớt thì sao :)))
Cho đến cú sốc đầu đời, mình thi rớt học sinh giỏi môn tiếng Anh vào năm lớp 9. Đối với mình lúc đó, đây là trải nghiệm kinh dị với một đứa luôn đứng top như mình. Mô tả sao nhỉ, cái tôi sụp đổ, ê chề, xấu hổ, làm bố mẹ thầy cô thất vọng, chán ghét bản thân... Mình nhốt mình trong phòng không muốn gặp ai. May là sau đó mình chuyển trường nên lại làm lại từ đầu với những người mới :))) 
Chúng ta luôn biết phải nỗ lực để đạt được thành công, nhưng lỡ thành công không đến, thì phải làm sao?  
Không có mô tả.
Nếu mục tiêu không chinh phục được, "mình đi đâu đây bố ơi"?
6. Quay lại câu hỏi, chúng ta có cần thành tích không?
Vẫn là cần, nhưng hãy là thành tích, là sự nỗ lực hoàn thành một việc gì đó, chứ không phải là danh hiệu hay mớ giấy khen về chưng vài năm hay quay vài clip tiktok, vừa chật nhà vừa tốn giấy tốn mực :))
(Tôi, mấy tháng trước cũng quay nerd check nha các bạn, xong cái đống đấy cũng chẳng làm gì nữa :v)  

Đương nhiên, mình không phủ nhận, những "thành tích" mình muốn và cần đạt được những lúc niên thiếu đã giúp mình rất nhiều trong việc học sau này, giúp mình đạt được kết qủa học tập tốt hơn. Nhưng thực sự, mình đã không tận hưởng quá trình học tập, những gì mình cảm nhận là những niềm vui chớp nhoáng. Những thứ mình có được - là những thứ sau này có hay không, không quan trọng.
Hãy để những chức vô địch, những danh hiệu, những giấy khen là mục tiêu để chinh phục, chứ không phải là mục tiêu duy nhất phải chinh phục.
Để quá trình học hỏi trở thành kinh nghiệm, chứ không phải kết quả cuối cùng trở thành niềm vui trong chớp nhoáng. 
 Chúng ta chạy theo thành tích hay chúng ta tạo ra thành tích?