MUỐN ỔN ĐỊNH CÔNG VIỆC TẠI MỸ, CẦN CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHƯ THẾ NÀO?
Câu chuyện xin việc trong nước khó một, thì câu chuyện du học sinh xin việc tại Mỹ khó mười. Nếu chỉ dựa vào năng lực của bản thân...
Câu chuyện xin việc trong nước khó một, thì câu chuyện du học sinh xin việc tại Mỹ khó mười. Nếu chỉ dựa vào năng lực của bản thân mà bỏ đi các yếu tố bên lề, cơ hội bạn xin được việc làm tại Mỹ sau khi tốt nghiệp sẽ không cao. Trong số các yếu tố đó, chọn trường Đại học chính là bước khởi đầu vô cùng quan trọng.
Vậy, để ổn định công việc tại Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp, bạn cần lưu tâm 04 điều sau khi chọn trường Đại học:
- Xếp hạng trường theo ngành
- Vị trí địa lý của trường
- Mạng lưới cựu học sinh
- Mức độ hỗ trợ sinh viên quốc tế
Thông thường, mọi người sẽ lựa chọn trường dựa trên xếp hạng tổng quan, đặc biệt với những bạn chưa chắc chắn về ngành nghề mà mình định theo đuổi. Tuy nhiên, đối với những bạn đã xác định được ngành học cho mình cũng như có mục tiêu cuối cùng là xin được việc tốt tại Mỹ, hãy chú ý tới xếp hạng trường theo ngành.
Bởi mỗi trường sẽ có một vài ngành mũi nhọn, nên bạn dễ dàng tìm kiếm các trường Đại học có xếp hạng cao theo ngành – hay còn được gọi là “focus school” trong ngành. Ví dụ, trường University of Michigan xếp thứ 25 trong số các trường Đại học Quốc gia tại Mỹ, nhưng lại xếp thứ nhất về đào tạo Marketing (theo U.S. News). Như vậy, University of Michigan là một “focus school” trong ngành Marketing tại Mỹ. Và bởi vậy, chương trình Marketing của họ được đánh giá cao, từ đó sinh viên Marketing của ngôi trường này sẽ dễ dàng được ưu tiên khi ứng tuyển vào các công ty, đặc biệt là các công ty tại khu vực đó.
Vị trí địa lý có những ảnh hưởng nhất định đến khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp của bạn. Thứ nhất, hãy nghiên cứu xem chuyên ngành của bạn thường dễ kiếm việc ở các khu vực nào. Đối với sinh viên Việt Nam, các ngành học như Computer Science (Khoa học Máy tính) hay Business (Kinh doanh) rất được ưa chuộng. Cơ hội việc làm cho các ngành học này thường tập trung ở các thành phố lớn, nhiều hơn hẳn so với vùng nông thôn. Bởi vậy, lựa chọn các trường Đại học ở thành phố sẽ giúp ích hơn rất nhiều.
Thứ hai, hãy tính cả tới thời gian và chi phí dành cho phương tiện đi lại vào năm cuối Đại học, bởi bạn sẽ cần đi phỏng vấn hoặc tham gia các career fair (hội chợ nghề nghiệp) khá nhiều. Nếu sống ở thành phố hoặc ngoại thành, việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sống ở các vùng nông thôn có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí trong quá trình học Đại học, nhưng sẽ tốn kém kha khá khi bạn bắt đầu đi xin việc.
Mạng lưới cựu học sinh, hay còn được gọi là “alumni network”, là một khái niệm quen thuộc với du học sinh Mỹ. Nếu trường Đại học có nhiều hoạt động cho học sinh giao lưu cùng cựu học sinh, bạn sẽ dễ dàng lấy được contact của các anh chị đi trước, và làm quen với họ để tiện hỏi kinh nghiệm cũng như sau này được các anh chị giới thiệu cho nhiều cơ hội tốt. Hãy tưởng tượng khi không có các hoạt động này, bạn phải tìm LinkedIn của các anh chị, rồi trở thành một người lạ đặt ra những câu hỏi xin kinh nghiệm – chắc chắn rằng họ sẽ không thể tư vấn nhiệt tình như khi trả lời người quen.
Đặc biệt hơn, nếu các cựu học sinh của trường (cả alumni Mỹ hay Việt Nam) là những nhân vật “có tầm” thì cơ hội kiếm việc sau khi tốt nghiệp của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Lí do là bởi những người này có tiếng nói nhất định và sẽ dễ “refer” (giới thiệu) bạn trực tiếp cho phòng HR (nhân sự) hoặc phòng tuyển dụng của công ty mà họ đang làm. Hoặc đơn giản là họ giỏi, nên các mối quan hệ khác của họ cũng sẽ ở trình độ tương tự. Nếu họ khác ngành với bạn, họ hoàn toàn có thể giới thiệu bạn với vài người quen trong ngành. Nhờ có họ, mạng lưới quan hệ của bạn sẽ ngày càng chất lượng.
Bạn đừng quên tìm hiểu thật kĩ về mức độ hỗ trợ sinh viên quốc tế tìm việc làm của các trường Đại học. Về cơ bản, mỗi trường đều có một văn phòng hỗ trợ việc làm (career center), và phần lớn các trường đều có văn phòng sinh viên quốc tế (international student office – ISO). Tuy nhiên, không phải văn phòng của trường Đại học nào cũng hiểu rõ và đáp ứng được những nhu cầu cụ thể của sinh viên quốc tế (như thời hạn visa, lợi thế song ngữ,…).
Để phỏng đoán về vấn đề này, bạn có thể dựa trên số lượng học sinh quốc tế mà ngôi trường đó nhận mỗi năm: nếu số lượng này nhiều, rất có thể nhà trường thường xuyên phải hỗ trợ học sinh quốc tế nên sẽ hỗ trợ tốt hơn so với các trường còn lại. Nhưng dù sao, cách “an toàn” nhất là bạn tìm được một vài anh chị Việt Nam đang đi học hoặc đã tốt nghiệp từ các trường cụ thể để hỏi xem họ thấy mức độ hỗ trợ của nhà trường như thế nào. Nguồn thông tin từ “người trong cuộc” chắc chắn sẽ chính xác hơn nhiều.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất