MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VĂN HỌC CỦA CÁC NHÀ VĂN TRUNG HOA (DÙNG CHO PHÊ BÌNH VĂN HỌC 12)
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ tới các bạn một số những nhận định văn học của các nhà văn Trung Hoa và cách mà mình áp dụng chúng trong quá trình viết văn của bản thân như thế nào nhé!
Muốn có được một bài phân tích văn học hay nếu chỉ dựa trên cảm nhận của cá nhân người viết thì có lẽ vẫn chưa đủ để thuyết phục, để giúp cho những lập luận, cũng như những nhận xét của bản thân thêm phần sắc bén, hầu hết các thí sinh đều thêm vào bài viết của mình một số những nhận định hay những câu nói của các nhà văn, nhà thơ lớn nhằm mục đích giúp cho bài văn của mình thêm sâu sắc và giàu tính lí luận. Trong đó không thể không kể đến những đóng góp trong công cuộc phê bình văn học của các nhà văn xứ Trung. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu tới mọi người một số những nhận định văn học mà mình sưu tầm được, cũng như cách mình áp dụng những nhận định đó trong các bài phê bình văn học nhé!
1. Nhiệm vụ của nhà văn phải là bộ dây thần kinh để cảm ứng, phải là tay chân để cung thủ. Muốn sáng tác những tác phẩm vĩ đại cho nền văn hoá tương lai, cố nhiên rất tốt, nhưng nhà văn đầu tranh cho hiện tại, đồng thời cũng đấu tranh cho tương lai nữa, bởi vì mất hiện tại làm gì có tương lai. - Lỗ Tấn
GB: Như chúng ta đã biết, Lỗ Tấn là một văn sĩ Trung Hoa, có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học Trung Hoa đương thời và sau này, với mong muốn tìm ra con đường "chữa bệnh" cho nhân dân Trung Hoa thoát khỏi mê muội, mộng mị của chế độ phong kiến và tiến lên giành lấy độc lập. Ở Việt Nam cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, được coi như những người chỉ lối tư tưởng cho nhân dân Việt Nam tìm đến cách mạng, giành lấy độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà như nhà văn Nam Cao, nhà thơ Tố Hữu,... Trong Ngữ Văn 12, nhận định này của Lỗ Tấn có thể được dùng trong các tác phẩm như "Vơ chồng A Phủ" đấu tranh cho con người thoát khỏi sự kìm kẹp của bọn thực dân, chúa đất nơi vùng cao, "Vợ Nhặt" đấu tranh cho con người tìm đến hạnh phúc và niềm tin giữa cái nạn đói khốc liệt 1945, "Chiếc thuyền ngoài xa" đấu tranh chấm dứt vấn nạn bạo lực gia đình, mở ra nhiều góc nhìn trong cuộc sống hay như "Hồn Trương Ba da hàng thịt" giúp con người nhận ra giá trị của việc sống là chính mình.
2. Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ. - Lâm Ngữ Đường
GB: Lâm Ngữ Đường là một nhà văn Trung Quốc, được xem là người có công lớn trong việc giới thiệu văn hoá Trung Hoa ra thế giới qua những tác phẩm viết bằng tiếng Anh. Ở nhận định này chúng ta có thể sử dụng cho tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" hay "Vợ Nhặt" để nói đến giá trị nhân đạo của tác phẩm, vì đây là những tác phẩm được viết lên bằng chính trái tim đồng cảm của nhà văn.
3. "Thân chi sở lịch, mục chi sở kiến, thị thiết môn hạn" - Thân có trải qua, tận mắt nhìn thấy, đó là ngưỡng của bắt buộc. Cho dù miêu tả những cảnh lớn như "trời nắng trời râm, muôn khe róc rách", "mặt trời mặt trăng ngày đêm lặn mọc", tất cũng không bỏ qua được ngưỡng cửa ấy. Đâu có phải nhìn trên bản đồ mà viết được câu: "Qua cánh đồng bát ngát, bước vào vùng Thanh Từ", mà đó là cảnh đứng trên lầu cao mà nhìn thấy. Đứng cách bức tường mà nghe diễn tạp kịch, thì chỉ nghe được lời hát, không thấy được điệu múa. Đứng xa nữa thì chỉ nghe thấy tiếng trống, liệu có thể trả lời được là đang diễn cái gì không? - Vương Phu Chi (đời Thanh)
GB: Muốn sử dụng nhận định này, người viết phải lựa chọn những tác phẩm được viết dưới cái nhìn hiện thực, trực tiếp của nhà văn, yêu cầu tác phẩm đó phải viết sau một chuyến hành trình hay trải nghiệm của chính nhà văn. Đồng thời, những tác phẩm được chọn cũng phải hướng đến thị giác, hướng đến việc miêu tả tự nhiên thì sẽ rất hợp lí. Các tác phẩm có thể áp dụng như "người lái đò sống Đà", "Ai đã đặt tên cho dòng sông" hay cảnh ngày Xuân ở Hồng Ngài trong "Vợ chồng A Phủ". Bên cạnh đó, tác phẩm "chiếc thuyền ngoài xa" cũng có thể được sử dụng khi muốn nói đến mối tương quan giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, muốn sáng tác được một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ cần có sự quan sát từ hiện thực cuộc sống.Tuy nhiên, nhận định này khá dài, người viết nên căn thời gian và lựa chọn đoạn trích nhận định hợp lí.
4. "Tất hữu thị thực, nãi hữu thị văn" - Có cái thực ấy mới có cái văn ấy. Kìa, tâm được nuôi dưỡng, phát ra thành lời, lời được phát ra, được tô chức lại thành văn. - Lục Du (đời Tống)
GB: Quan điểm này có cùng mục đích như quan điểm số 3 của Vương Phu Chi, cũng nói đến sự tương quan giữa sáng tạo nghệ thuật văn chương và hiện thực cuộc sống.
5. Nhà thơ, đối với vũ trụ nhân sinh, nên bước vào bên trong mà lại nên đi ra bên ngoài. Bước vào bên trong mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên trong mới có sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu. - Vương Quốc Duy (đời Thanh)
GB: Có một điểm rất hay của văn học, đặc biệt là thơ, đó là thơ được viết nên từ tiếng lòng của người thi sĩ. Nhận định này được sử dụng trong hầu hết các bài thơ, còn ở chương trình Ngữ Văn 12, có thể dùng để nói đến bài "Sóng" khi nhà thơ Xuân Quỳnh đã bước ra bên ngoài để quan sát những chuyển động của những con sóng, đồng thời đi vào bên trong để lắng nghe tiếng lòng của chính mình để có những ý thơ và những cảm nhận vô cùng tinh tế giữa Sóng và em.
6. Khi đối diện với đại tự nhiên, bạn coi đại tự nhiên như một con người thì hãy viết, còn nếu chỉ viết như viết văn miêu tả phong cảnh thì hãy dừng lại. Viết về đại tự nhiên không chỉ là trách nhiệm của nhà văn chân chính mà vì tự nhiên chính là một phần sinh mệnh của chúng ta. - Diêm Liên Khoa
GB: Ở nhận định này tôi cũng từng suy nghĩ khá nhiều, nhưng quả thực ngoài "người lái đò sông Đà" và "Sóng" ra thì có lẽ không còn bài nào phù hợp hơn nữa trong chương trình Ngữ Văn 12. Ở bài "người lái đò sông Đà", người viết có thể đặt nhận định này khi nói đến việc nhà văn so sánh con sông Đà như một thực thể hữu hình, có cảm xúc, có lúc nóng giận, gầm gừ như thuỷ quái, cũng có lúc dịu dàng, êm đềm và gợi nhớ như một cố nhân. Còn ở bài "Sóng" thì thiên nhiên, đặc biệt là tiếng Sóng được ví như tiếng lòng của người con gái, Sóng và em song hành, đồng điệu như hoà vào làm một.
7. Văn học chỉ phơi bày thực trạng đời sống con người, nêu lên những vấn đề nhân bản của nó. - Cao Hành Kiện
GB: Nhận định này có thể được dùng khi nhắc đến giá trị hiện thực của các tác phẩm văn học.
8. Ngôn ngữ của thi ca khác với ngôn ngữ của đời sống ở chỗ là nó gợi ra được những liên tưởng phong phú, khơi dậy ở tâm hồn con người những rung động sâu xa, biến những tầm thường của đời sống thành những gì lãng mạn, cao cả. - Lâm Ngữ Đường
GB: Ở nhận đình này có thể vận dụng được cho hầu hết các bài thơ trong chương trình Ngữ Văn 12, đặc biệt là ở bài thờ "Tây Tiến" khi nhà thơ Quang Dũng chọn những lời thơ, những vần thơ dạt dào cảm xúc, mang lại những liên tưởng ý vị, cũng như biến cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh trở thành những hình ảnh lãng mạn, hào hùng khiến người đọc cảm thấy đồng cảm và tự hào với những người lính Tây Tiến.
9. Thơ là thanh nam châm có sức hút diệu kỳ. Một người không yêu thơ khi đọc mấy vần thơ cũng sẽ tìm thấy cho mình vài lời hay ý đẹp. Ấy là thơ đã làm cho họ thấy được những điều cần thấy ở thơ rồi. - Lâm Ngữ Đường
GB: Nhận định này có thể được sử dụng cho hầu hết các bài thơ trong chương trình Ngữ Văn 12, cũng có thể dùng để nói tời giá trị của thơ ca, cũng có thể dùng để nói tới sức hút của thơ,...
Đó là một số những nhận định hay ho mà Bảo sưu tập và nghiên cứu được trong quá trình ôn thi tôt nghiệp vừa rồi, các bạn có thể vận dụng những nhận định đó sao cho phù hợp và giúp cho bài làm của các bạn trở nên hay và phong phú hơn.
Lý do mà Bảo tìm hiểu về những nhận định này là vì hầu hết các nhận định nước ngoài mà Bảo biết tới là của các nhà văn, nhà thơ phương Tây là nhiều. Trong khi văn hoá Việt Nam và Trung Hoa dẫu có khác biệt những cũng có sự tương đồng, những tác phẩm văn học dịch mà Bảo đọc được từ trước đến nay cũng cảm thấy rằng các tác phẩm có bản dịch từ tiếng Trung hoặc từ các nước Á Đông có cùng nền văn minh Đồng văn và văn hoá chữ Hán sang tiếng Việt đều có sự lãng mạn và đa dạng về ngôn từ, cũng như thâm thuý và sâu xa hơn.
Vì chỉ là những cảm nhận cá nhân của Bảo nên không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Nếu các bạn có thêm những nhận định hay ho nào khác hoặc có ý kiến đóng góp về bài viết thì đừng ngần ngại mà chia sẻ ở dưới phần bình luận nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất