Hôm trước, mình có vô tình đọc được bài viết của một bạn về chủ đề này và sau đó lại có một vài bạn nhắn tin hỏi mình khiến mình khá bất ngờ vì mình biết đến chủ đề này từ rất lâu, chắc khoảng cách đây 4 - 5 năm trước, nhưng từ đó đến nay mình cũng không có quá nhiều suy nghĩ về nó. Suy ngẫm kỹ thì mình cũng chia sẻ rất nhiều về chủ đề sống tích cực, self-help, chữa lành,.. nên cũng muốn viết một bài chia sẻ về góc nhìn riêng của mình với chủ đề này. Hi vọng bài viết sẽ có ích với một ai đó.
Sự tích cực độc hại (toxic positivity) có thể được hiểu là cho dù ở bất cứ tình huống nào xảy ra trong cuộc sống, người ta cũng theo đuổi một thái độ tích cực và bất chấp gạt bỏ đi những cảm xúc thật của mình. Thực tế, việc chúng ta luôn giữ cho mình thái độ lạc quan và có cái nhìn tích cực vào các vấn đề xảy ra trong cuộc sống là một điều nên làm. Tuy nhiên, nếu ẩn sau sự tích cực bên ngoài là việc gạt bỏ cảm xúc của bản thân cố gắng chịu đựng vấn đề hay cảm thấy tội lỗi vì những cảm xúc tiêu cực như bức xúc, giận dữ, phản bác hay thất vọng,... của bản thân trong khi đó đều là những cảm xúc thật sự của bạn đối với một sự việc gì đó diễn ra trong cuộc sống của mình thì vô hình sự tích cực của bạn trở nên độc hại. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa của một góc nhìn lạc quan và tích cực lành mạnh.
Mình nghĩ, ai trong chúng ta cũng đều trải qua một vài lần chịu đựng cảm xúc tiêu cực, có thể do chính bản thân tạo ra, có thể do áp lực cuộc sống, công việc hoặc do tác động từ người khác. Mình cũng không phải trường hợp ngoại lệ, hai lần trải qua cảm xúc tiêu cực khiến mình nhớ nhất là hồi năm hai Đại học và lần gần đây hơn là trước tết năm 2021. Nếu kể ra thì có rất nhiều yếu tố tác động, nhưng ở bài viết này mình sẽ không đề cập đến vấn đề đó là gì, do lỗi của ai, mà là cách mình đối diện với cảm xúc của bản thân trong những tình huống đó. Hiện tại, mình không còn nhớ quá rõ, những sự việc tiêu cực từ rất lâu mình đã đối diện và vượt qua như thế nào, nhưng với những lần gần đây khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện, mình thường chọn cách đối diện với vấn đề hơn là chịu đựng và cố gắng giữ một sự tích cực độc hại.
Nếu ai đã từng trải qua cảm xúc tiêu cực thì sẽ hiểu “sức công phá” của nó với cảm xúc, tinh thần và cả những khía cạnh khác trong cuộc sống đến mức nào, vì thế đừng cố ôm lấy nó với một vẻ ngoài tích cực. Trải qua nhiều lần cảm xúc lên xuống, mình cũng đúc kết ra cách giải quyết vấn đề mà mình cho là phù hợp nhất với bản thân. Khi một vấn đề xảy ra, mình sẽ nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện nhất có thể, cảm nhận cảm xúc của bản thân, sau đó sẽ đến việc suy xét mình có kiểm soát được vấn đề đang xảy ra hay không, nếu nó nằm trong tầm kiểm soát mình sẽ cố gắng giải quyết nó và có thể nhờ đến sự trợ giúp của người khác để giải quyết nếu cần thiết. Nếu là vấn đề không kiểm soát được, mình chọn cách tránh càng xa cáng tốt chứ không thể cứ sống chung với vấn đề hay cố gắng giữ mối quan hệ tốt đẹp với những người độc hại bằng sự giả vờ tích cực bên ngoài được.
“It’s ok not to be ok but it’s not ok to stay that way.”
Hay mình cũng từng đọc được một câu trong quyển sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm khá liên quan chủ đề này:
"Ham muốn có trải nghiệm tốt đẹp hơn bản thân nó là một trải nghiệm tiêu cực. Và nghịch lý thay, sự chấp nhận cảm giác tiêu cực của bản thân tự nó lại là một trải nghiệm tích cực."
Tuy nhiên, có những chuyện, nếu mình vẫn có thể giữ cho mình một góc nhìn tích được, mình vẫn sẽ chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác vì đôi lúc mình không trải qua hoàn cảnh và câu chuyện của người khác nên cũng không thể quá cứng nhắc trong việc phải giữ góc nhìn tích cực lành mạnh hay chỉ là cố gắng tích cực được.
Giữa dòng chảy của cuộc sống, bạn không thể tránh khỏi cảm xúc tiêu cực nhưng cũng đừng quá sợ mình đã, sẽ, đang rơi vào trạng thái tích cực độc hại khi “cố tình bỏ qua” một vài sự tiêu cực quanh mình. Theo mình, điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào giới hạn chịu đựng của bạn đang ở mức độ nào và ranh giới bạn đặt ra trong một mối quan hệ với người khác. Đôi lúc, người khác nhìn vào sẽ thấy bạn đang cố gắng tích cực và phán xét rằng bạn chỉ đang tích cực độc hại nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là cảm xúc thật của bạn là gì, đừng dễ bị tác động bởi người khác. Ngược lại, vì mức chịu đựng của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, họ không phải bạn, sẽ không rõ bạn đang trải qua cảm xúc gì, có thể chỉ cần một chuyện nhỏ cũng đủ để bạn tổn thương và cảm thấy tiêu cực nhưng người khác lại cho rằng chẳng có chuyện gì quá đáng nói. Vì thế, hãy tập trung vào cảm xúc thật của chính mình để không tiếp tục bị thao túng cảm xúc bởi những tác nhân bên ngoài thêm nữa.
Phải thừa nhận một điều rằng, cảm xúc không phải lúc nào cũng rạch ròi, có nhiều lúc bạn không phân biệt được đó là tích cực lành mạnh hay tích cực độc hại nữa. Nhưng rồi thì sao, điều đó có quan trọng bằng việc bạn học cách chấp nhận những gì bản thân mình đang thực sự trải qua và từng bước giải quyết nó hay không?
Tóm lại, chúng ta nên có hiểu biết về tác hại của sự tích cực độc hại, nhưng nếu được hãy đừng cố gắn “dán nhãn” bản thân mình vào điều đó. Nếu phát hiện ra mình đang trải qua, bạn có thể chấp nhận, sửa chữa và thay đổi thay vì cảm thấy tội lỗi, dằn vặt khi nhận ra mình đang tích cực độc hại. Nếu cứ mãi dán nhãn như vậy, không phải bạn đang quay lại điểm xuất phát của sự tích cực độc hại rồi hay sao?
Bạn có thể đọc thêm các bài viết của mình ở link này nhé!